Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40/BC-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2006 

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A (H5N1) VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH  (Báo cáo số 51)

Tiếp theo báo cáo số 50 ngày 13/01/2006, Bộ Y tế xin báo cáo tình hình bệnh cúm A(H5N1) và một số biện pháp phòng, chống dịch:

I. Tình hình bệnh cúm A (H5N1) ở người:

1. Tình hình trên Thế giới:

- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Ngày 14/01/2006, tại Indonesia ghi nhận thêm một trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1). Bệnh nhân nữ hộ sinh, 29 tuổi, làm việc tại khoa Sản – Bệnh viện Jakarta khởi phát ngày 31/12/2005, nhập viện ngày 2/1/2006 và tử vong ngày 11/1/2006, Bộ Y tế Indonesia và WHO đã tiến hành điều tra dịch tễ, kết quả ban đầu cho thấy có gia cầm chết tại khu vực sinh sống của bệnh nhân khoảng 2 tuần trước khi bệnh nhân phát bệnh. Vài ngày trước ngày khởi bệnh, bệnh nhân đã đến chợ gia cầm sống để lựa chọn và mua gà đã được giết mổ. Các cuộc điều tra vẫn tiếp tục được thực hiện tại khu vực này.

Đến nay, tổng số mắc cúm A(H5N1) tại Indonesia là 17 trường hợp, trong đó có 12 trường hợp tử vong

- Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 148 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 79 trường hợp tử vong tại 6 quốc gia: Thái Lan (mắc 22, chết 14), Indonesia (mắc 17, chết 12), Campuchia (mắc 4, chết 4), Trung Quốc (mắc 8, chết 5), Việt Nam (mắc 93, chết 42), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 4, chết 2). (Trong đó WHO chưa bổ sung 11 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) và 3 trường hợp nhiễm cúm A(H5) do Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vào số liệu này).

2. Tình hình trong nước:

- Từ ngày 14 đến 16/1/2006, không ghi nhận trường hợp nào dương tính với cúm A(H5N1).

- Từ ngày 14/11/2005 đến nay, đã hơn 2 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới.

- Kể từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.

II. Các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai:

1. Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày trong nước và trên thế giới, các hoạt động phòng, chống dịch để báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính Phủ, Ban Khoa giáo Trung ương và thông tin hàng ngày trên trang web của Bộ Y tế.

2. Tổng hợp chi tiết số lượng trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch để Ban quản lý kế hoạch mua săm phòng chống dịch cúm A tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ. Tiếp tục xây dựng danh mục, tiêu chuẩn các loại trang thiết bị vật tư phòng chống dịch cúm A(H5N1) đợt 2.

3. Dự thảo quy định tiêu chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ I và II xin ý kiến các Viện VSDT/Pasteur và các Bệnh viện.

4. Bộ Y tế cử đoàn tham dự “Hội nghị cam kết quốc tế về phòng chống dịch cúm trên gia cầm và đại dịch cúm ở người” tại Bắc Kinh, Trung Quốc (ngày 17/01 – 18/01/2006).

5. Dự thảo công văn chỉ đạo địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh cúm A (H5N1) trong dịp Tết Nguyên Đán Bính Tuất.

6. Tiếp tục triển khai các hoạt động của Dự án WHO/FAO/UNDP tài trợ về “Tăng cường quản lý các tình huống khẩn cấp về y tế tại Việt Nam – tập trung vào việc phòng chống các bệnh dịch tiềm ẩn, bao gồm cúm gia cầm độc lực cao (HPAI)”

Bộ Y tế xin báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và xin ý kiến chỉ đạo để tiếp tục thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn.

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG



 
Đỗ Hán