BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/TB-BGTVT | Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LONG AN VÀ TẬP ĐOÀN TÂN TẠO VỀ DỰ ÁN ĐƯỜNG TÂN SƠN NHẤT - TÂN AN
Ngày 15/01/2008, tại Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã chủ trì buổi làm việc với đ/c Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An và Tập đoàn Tân Tạo về dự án đường Tân Sơn Nhất - Tân An do Tập đoàn Tân Tạo đề xuất dự án. Tham dự cuộc họp về phía Bộ GTVT có lãnh đạo Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục Giám định & Quản lý chất lượng CTGT, Vụ Khoa học công nghệ, Cục Đường bộ Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT; về phía tỉnh Long An có lãnh đạo Sở GTVT, Sở Xây dựng; ngoài ra còn có lãnh đạo Tập đoàn Tân Tạo và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tư vấn lập Đề xuất dự án).
UBND tỉnh Long An đã có văn bản số 3164/UBND-CN ngày 2/7/2007 trình Thủ tướng Chính phủ về việc Công ty CP KCN Tân Tạo đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Sơn Nhất - Tân An theo hình thức BOT. Theo “Đề xuất dự án” của Tập đoàn Tân Tạo, tuyến đường cao tốc Tân Sơn Nhất - Tân An bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả trên đường Cộng Hòa, Trường Chinh tới nút giao An Sương đi tiếp theo quốc lộ 22 tới khu vực chợ đầu mối Hóc Môn rồi rẽ về khu vực thị trấn Đức Hòa, cắt qua tuyến N2 và vượt sông vàm Cỏ Đông sang huyện Đức Huệ, huyện Thủ Thừa, vượt qua sông Vàm Cỏ Tây nối vào quốc lộ 62 (tại vị trí - Km8), cách nút Tân An của đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương khoảng 4km (thuộc thị xã Tân An). Quy mô đề xuất là đường cao tốc Vtk = 100 - 120km/h, 4-6 làn xe.
Sau khi nghe đơn vị Tư vấn báo cáo và ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã trao đổi với Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, Nhà đầu tư và kết luận như sau:
1. Dự án đề xuất chưa được xác định trong các Quy hoạch: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007; Quy hoạch phát triển mạng đường cao tốc quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn ngoài năm 2020, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ. Đường cao tốc địa phương - trong hệ thống quản lý đường bộ của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế không có khái niệm này.
2. Lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa từ khu vực Tây Nam Bộ sẽ được vận chuyển chủ yếu theo tuyến cao tốc liên vùng Phía Nam từ Bến Lức - Long Thành nhập vào QL51 hoặc vào tuyến cao tốc Long Thành - Vũng Tàu hoặc theo vành đai 3 nhập về đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến cao tốc quy hoạch không đi lên phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên trong quy hoạch giao thông Thành phố Hồ Chí Minh có tuyến đường trên cao số 1 dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết nối với đường Tân Sơn Nhất - Đức Hòa - Tân An.
3. Bộ Giao thông vận tải nhận thấy việc đầu tư thêm một tuyến đường bộ nhằm giảm thiểu ách tắc giao thông cho thành phố Hồ Chí Minh nhất là khu vực Tân Sơn Nhất, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, nút An Sương là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo Nhà đầu tư cân nhắc trong quá trình lập đề xuất dự án cần tính toán kết nối với hệ thống giao thông vùng KTTĐPN gồm: Quốc lộ 1A đoạn An Sương - Tân Tạo đi về QL1 (Tp Hồ Chí Minh - Trung Lương), các tuyến này hiện đang thu phí; tuyến N2 đoạn Củ Chi - Đức Hòa - Thạnh Hóa - Mỹ An - Cao Lãnh (Trùng quy hoạch đường Hồ Chí Minh), trong quy hoạch đường Hồ Chí Minh sau 2010 là đường cao tốc; tuyến N1 từ Tây Ninh - Long An - An Giang - Đồng Tháp - Kiên Giang; đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương kết nối với tuyến cao tốc liên vùng về Long Thành qua khu cảng Thị Vải, Cái Mép.
4. Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo: Gọi tên tuyến đường này là tuyến đường bộ kết nối Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh - Đức Hòa - Tân An.
- Khuyến cáo nên cân nhắc, so sánh kỹ điểm đầu dự án để kết nối phù hợp với hệ thống giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh và giao thông các tỉnh lân cận;
- Phân bố lưu lượng một cách hợp lý có thể chấp nhận được giữa các tuyến đường trong khu vực;
- Về quy mô: lựa chọn tiêu chuẩn cho phù hợp, đảm bảo khai thác thuận tiện, đặc biệt với các nút giao;
- Về tài chính: Nhà đầu tư cần tính toán kỹ khả năng thu hồi vốn, đưa ra thời gian hoàn vốn hợp lý có thể chấp nhận được và xem xét các nguồn phụ thu khác…;
Về mặt thủ tục: theo Điều 12, Nghị định 78, có thể coi đây là đề xuất dự án của nhà đầu tư để trình các cơ quan Nhà nước. Bộ Giao thông vận tải ghi nhận thiện chí của nhà đầu tư, tỉnh Long An và cho rằng nếu tuyến này được đầu tư cũng góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông cho thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Long An báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Long An và Tp Hồ Chí Minh đầu tư dự án này, Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông báo để các cơ quan đơn vị liên quan biết và thực hiện.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao
- 2 Quyết định 101/QĐ-TTg năm 2007 Phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành