VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2007 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHÓNG DỊCH CÚM GIA CẦM NĂM 2006 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2007
Ngày 12 tháng 03 năm 2007, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch cúm gia cầm năm 2006 và triển khai kế hoạch năm 2007. Tham dự hội nghị có Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết công tác phòng chống dịch cúm gia cầm năm 2006, triển khai kế hoạch năm 2007; báo cáo của Bộ Y tế đánh giá công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người năm 2006, trọng tâm hoạt động trong thời gian tới, và ý kiến tham luận của đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận chỉ đạo như sau:
1. Năm 2006 các địa phương, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và tiến bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm. Một số địa phương có dịch xảy ra đã nhanh chóng dập tắt, bao vây khống chế, không để dịch lây lan, kéo dài và đã giảm được thiệt hại rất lớn so với các đợt dịch trước đây. Kết quả này cần được phát huy và rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới.
2. Dịch cúm gia cầm là mối nguy hiểm lâu dài đối với nước ta và cả thế giới; mầm bệnh đang tồn tại ở nhiều nơi và có những diễn biến rất phức tạp; những thay đổi của môi trường cũng là nguyên nhân để dịch bệnh phát triển. Trong khi các nghiên cứu về khoa học vẫn chưa tìm ra các giải pháp để khống chế hoàn toàn dịch bệnh này thì sản xuất, kinh doanh vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề và vẫn có nguy cơ xảy ra đại dịch ở người. Vì vậy công tác phòng chống dịch cúm gia cầm phải là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục.
3. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người phải được tăng cường để toàn dân, từ người sản xuất, kinh doanh - nhất là người chăn nuôi, kinh doanh nhỏ lẻ - đến người tiêu dùng có nhận thức đúng và hiểu rõ về mức độ nguy hại của dịch bệnh, từ đó không chủ quan, mất cảnh giác, huy động mọi lực lượng và phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là vai trò, chế độ trách nhiệm của bộ máy chính quyền các cấp, các Bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở.
4. Mục tiêu lâu dài của phát triển sản xuất nông nghiệp - trong đó có chăn nuôi là phát triển theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn với chất lượng cao, giá thành hạ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và vươn lên cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Phòng dịch cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là tiêm phòng, là biện pháp lâu dài để bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững. Việc tiêm phòng không chỉ thực hiện theo đợt mà phải tiêm bổ sung toàn diện cho gia cầm mới phát sinh theo quy định. Đồng thời khi phát hiện có dịch phải dập tắt, bao vây khống chế kịp thời, kiểm soát chặt chẽ về thú y đối với vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm, không để dịch lây lan và tái phát.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh bổ sung, ban hành các biện pháp phòng, chống dịch và cơ chế chính sách cho những người tham gia phòng chống dịch phù hợp, thống nhất để các địa phương chỉ đạo thực hiện dễ dàng, thuận lợi; phối hợp với các địa phương tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quản lý của ngành thú y, ngành y tế cả về đội ngũ cán bộ chuyên môn (đặc biệt ở cơ sở) và trang thiết bị cho chuẩn đoán xét nghiệm; phối hợp việc thực hiện các chương trình phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm A (H5N1) ở người, lở mồm long móng để tăng hiệu quả chung.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NGHIỆM |