Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 460/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI CUỘC HỌP THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐẦU KỲ ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỞ RỘNG QL1A ĐOẠN TX ĐÔNG HÀ – TX QUẢNG TRỊ, TỈNH QUẢNG TRỊ

Ngày 28 tháng 8 năm 2007 tại Văn phòng Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức chủ trì cuộc họp thông qua báo cáo đề xuất đầu tư Dự án mở rộng QL1A đoạn thị xã Đông Hà – thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Tham dự cuộc họp gồm có lãnh đạo và chuyên viên: Vụ KHĐT; Vụ KHCN; Vụ Tài chính, Cục GĐ&QLCLCTGT, Cục ĐBVN; Sở GTVT Quảng Trị, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 533. Sau khi nghe Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế báo cáo và ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức kết luận như sau:

1. Sự cần thiết đầu tư: Quốc lộ 1A đoạn Đông Hà – Quảng Trị đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng bằng nguồn vốn vay ODA cùng với một số nguồn vốn khác, đưa vào sử dụng từ năm 2002, trong quá trình triển khai xây dựng trước đây, còn lại một số đoạn tuyến đi qua khu vực thị xã, thị trấn chưa có đủ điều kiện mở rộng để phù hợp với quy hoạch của địa phương. Thực tế hiện tại, việc bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện việc này rất khó khăn, trong khi cần bố trí để đầu tư nhiều công trình quan trọng khác. Vì vậy, chủ trương đầu tư theo phương thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) để mở rộng các đoạn tuyến này là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc nghiên cứu dự án cần phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật và quan trọng nhất là khả năng đầu tư của các nhà đầu tư.

2. Phạm vi dự án: Việc lựa chọn điểm đầu, điểm cuối của dự án như nội dung báo cáo cơ bản phù hợp nhưng cần lấy ý kiến của UBND tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, Cục ĐBVN cần chỉ đạo TVTK lấy ý kiến của địa phương để xác định vị trí điểm đầu, điểm cuối tuyến hợp lý. Trên cơ sở đó Cục ĐBVN chỉ đạo tư vấn đưa ra một số phương án để có cơ sở lựa chọn, đảm bảo nguyên tắc. Mức kinh phí thực hiện phải phù hợp với khả năng đầu tư.

3. Hướng tuyến, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật:

3.1 Tiêu chuẩn thiết kế: Áp dụng tiêu chuẩn TCXDVN104-2007, trong đó cần xem xét đến nội dung: tốc độ thiết kế cho phù hợp.

3.2 Hướng tuyến: Do đặc thù của tuyến đường là cải tạo, mở rộng cho phù hợp với quy hoạch trên tuyến đường hiện hữu, vì vậy, hướng tuyến đi theo tuyến hiện tại, đối với các đoạn cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cần nghiên cứu cải thiện yếu tố hình học cho phù hợp điều kiện địa hình thực tế.

3.3 Quy mô mặt cắt ngang: Thống nhất quy mô mặt cắt ngang như hồ sơ đề xuất.

3.4 Cao độ thiết kế: Thiết kế cao độ trên cơ sở cao độ hiện hữu và chiều dày tăng cường lớp áo đường.

3.5 Kết cấu áo đường:

- Kết cấu phần mở cuối: Tương đương với kết cấu đã được đầu tư xây dựng trước đây.

- Trên mặt đường cũ: Bù vênh và tăng cường thêm 01 lớp BTN mịn dày 5cm.

3.6 Cầu:

- Cao độ mặt cầu: Lấy theo cao độ mặt cầu hiện hữu làm cơ sở khống chế, bố trí kết cấu dầm hợp lý.

- Đối với cầu Lai Phước có khả năng xem xét tận dụng: Trong bước lập dự án đầu tư cần kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, tuổi thọ công trình để đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

3.7 Dải phân cách giữa, chiếu sáng:

- Cục ĐBVN chỉ đạo TVTK tính toán xử lý phù hợp theo hướng: Tận dụng hệ thống dải phân cách cũ (bê tông) để bố trí trên các đoạn nằm ngoài khu trung tâm đô thị, chỉ xây dựng dải phân cách dạng bó vỉa có trồng cây tại khu vực đi qua trung tâm đô thị.

- Hệ thống điện chiếu sáng: Những đoạn đã thi công, đang khai thác, giữ nguyên theo hiện trạng; Các đoạn mới làm được bố trí trên dải phân cách giữa.

3.8 Hệ thống an toàn giao thông:

- Trong tính toán, cần nghiên cứu dự kiến các vị trí xây dựng cầu vượt bộ hành để có thể đầu tư xây dựng trong tương lai.

- Tại các vị trí nút giao: Trong bước lập dự án đầu tư, cần tính toán, bố trí hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông cho phù hợp.

- Tại các vị trí giao cắt với đường dân sinh: Trong bước lập dự án đầu tư, cần tính toán, thiết kế vuốt nối và tổ chức giao thông cho phù hợp.

3.9 Một số nội dung khác: Cục ĐBVN chỉ đạo TVTK cần cập nhật các quy hoạch có liên quan, đặc biệt sự liên hệ với tuyến tránh Đông Hà.

4. Phương án tài chính:

- Cục ĐBVN chỉ đạo TVTK phân tích kỹ để xác định mức độ tăng trưởng làm cơ sở dự báo lưu lượng từ đó tính toán thời gian thu phí cũng như các chỉ tiêu khác.

- Mức phí: Tuân thủ theo đúng quy định tại thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 về việc hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Trong đó, cần xác định mức thu trong tương lai (Phương án thu phí dự kiến tăng lên 1,3 lần từ năm thứ sáu so với hệ số 1 thực hiện năm năm đầu như đề xuất là chấp thuận được).

5. Tổ chức thực hiện:

- Đề xuất dự án: trình Bộ GTVT phê duyệt.

- Dự án đầu tư: Nhà đầu tư phê duyệt trong trường hợp vốn đầu tư của Nhà đầu tư.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức (để b/c);
- Các đơn vị tham dự họp;
- Lưu: VT, CĐBVN.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công