Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4737/TB-BNN-VP  

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT SẢN XUẤT MÍA ĐƯỜNG NIÊN VỤ 2007 - 2008

Ngày 24 tháng 7 năm 2008, tại Hà Nội, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã chủ trì Hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2007-2008. Tham dự Hội nghị có đại diện của Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có nhà máy đường; Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam; các Viện nghiên cứu, quy hoạch; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mía đường và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị đã nghe Báo cáo Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2007-2008 và kế hoạch sản xuất mía đường niên vụ 2008-2009; Báo cáo Tình hình sản xuất nguyên liệu mía cho vụ 2007-2008, chuẩn bị cho vụ 2008-2009 và kế hoạch phát triển trong thời gian tới; Báo cáo Tình hình phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía-đường vụ 2007-2008 và chương trình hoạt động vụ 2008-2009 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam; các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã có ý kiến như sau:

1. Vụ sản xuất 2007-2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, giá cả vật tư “đầu vào” tăng mạnh, lãi suất ngân hàng cao, giá đường tăng không đáng kể, song ngành mía đường đã đạt được kết quả tương đối khả quan: là vụ thứ 4 liên tiếp kể từ khi thực hiện Quyết định 28/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các nhà máy sản xuất có lãi (trừ một số nhà máy còn lỗ do chưa được xử lý tài chính và hoàn thành việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp).

Tuy nhiên, ngành mía đường vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn và khả năng vụ sản xuất 2008-2009 còn khó khăn hơn: diện tích trồng mía dự kiến sẽ giảm hơn 16.000 ha, trong khi có thêm 2 nhà máy hoạt động và một số nhà máy mở rộng công suất; giá cả vật tư nông nghiệp vẫn cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến quá trình canh tác, chăm sóc mía của nông dân, dẫn đến năng suất mía không đạt như dự kiến và hiệu quả của cây mía sẽ thấp hơn các cây trồng khác. Mặt khác, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống rất chậm chạp; cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi còn nhiều hạn chế; việc khống chế đường nhập lậu còn hết sức phức tạp… Vì vậy, cần phải đánh giá hết khó khăn để có những giải pháp ngay trong vụ tới cũng như đề ra các giải pháp lâu dài, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường.

2. Vụ sản xuất 2008-2009, yêu cầu các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp, triển khai tích cực, có hiệu quả những nội dung có tính cấp bách sau:

- Các nhà máy phải có các biện pháp thiết thực hỗ trợ sản xuất, thực hiện các hợp đồng tiêu thụ mía với nông dân, nhất là khu vực ĐBSCL, các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, nhằm cải thiện tình hình cung ứng nguyên liệu ở mức cao nhất. Làm tốt công tác kiểm tu, sửa chữa, đầu tư chiều sâu đảm bảo chất lượng máy móc, thiết bị ổn định cho vụ sản xuất tới.

- Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối chủ trì, phối hợp Cục Trồng trọt, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh tổ chức họp các nhà máy đường ở từng khu vực, bàn biện pháp thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường trước khi bước vào vụ sản xuất, thống nhất giá thu mua mía, ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu; Nghiên cứu, xây dựng trình Bộ ban hành quy định về giá sàn thu mua mía phù hợp với từng vùng và từng thời điểm áp dụng cho các nhà máy đường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng mía và nhà chế biến đường; đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm soát tình hình thu mua mía của các Công ty, nhà máy và có chế tài để xử lý các doanh nghiệp không chấp hành quy định ép giá nông dân và cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua, tranh chấp nguyên liệu.

- Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần kiến nghị và phối hợp với các cơ quan hữu quan kiên quyết ngăn chặn đường nhập lậu; có biện pháp điều tiết giá đường hợp lý, phù hợp với thị trường; có thông báo yêu cầu các hội viên (công ty, nhà máy sản xuất mía đường) thực hiện nghiêm chế dộ báo cáo theo quy định (vào ngày 18-20 hàng tháng) về Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối để cập nhật tình hình, phối hợp các cơ quan chức năng có hướng giải quyết kịp thời về sản xuất và tiêu thụ đường.

3. Về lâu dài, sản xuất mía đường phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía - doanh nghiệp - người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường, đưa nhanh các giống mới có năng suất cao vào sản xuất để tăng thu nhập của người nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tổ chức triển khai tốt các nội dung cụ thể sau:

- Các địa phương thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất mía- chế biến đường phù hợp với Quyết định 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích nông dân “dồn điền đổi thửa” tạo các vùng nguyên liệu tập trung; tuyên truyền, hướng dẫn và có các biện pháp hỗ trợ để nông dân yên tâm sản xuất, đảm bảo ổn định diện tích mía. Các công ty, nhà máy đường phải chủ động đề xuất với UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh xây dựng các Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng giống mới; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là cải tạo đồng ruộng, thủy lợi, giao thông cho các vùng nguyên liệu tập trung, trên cơ sở kết hợp hỗ trợ của Nhà nước với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân.

- Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các Viện Nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia, các Sở Nông nghiệp - PTNT, các Công ty đường xây dựng kế hoạch nhập khẩu giống kết hợp với nghiên cứu, tuyển chọn trong nước, chuyển giao nhanh các giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng mía trong những năm tới, đảm bảo đến năm 2010, năng suất mía bình quân cả nước đạt 65 tấn/ha. Đổi mới các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất trên cơ sở sát với thực tế và thích ứng với cơ chế thị trường; Bộ sẽ xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học cho các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, cơ giới hóa sản xuất mía có tính khả thi cao.

- Cục Thủy lợi chủ trì, hoàn thành việc nghiệm thu và trình Bộ phê duyệt Dự án điều tra, quy hoạch thủy lợi phục vụ vùng mía nguyên liệu của các nhà máy đường trong năm 2008 để có thể triển khai thực hiện từ năm 2009

- Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp mía đường thuộc Bộ; cùng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối chủ động phối hợp với các cơ quan và địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thành việc xử lý tài chính và chuyển đổi sở hữu các nhà máy đường của các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của toàn ngành đường trong thời kỳ hội nhập để cùng vượt qua những khó khăn, thách thức.

- Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối chủ trì, phối hợp với các Viện Nghiên cứu, các cơ sở sản xuất cơ khí, các nhà máy đường triển khai có hiệu quả chương trình cơ giới hóa canh tác mía, nhất là khâu thu hoạch, phù hợp với điều kiện của từng vùng; kết hợp nghiên cứu trong nước với nhập khẩu và thử nghiệm các loại máy của các nước trong khu vực, nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu lao động và nâng cao hiệu quả của sản xuất.

Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối có trách nhiệm thường xuyên tổng hợp các kiến nghị của Hiệp hội và các nhà máy, đề xuất với Bộ các biện pháp tháo gỡ khó khăn; những vấn đề vượt thẩm quyền, cần chủ động, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ: KHĐT, Tài chính, Công thương, KHCN, TNMT; Ngân hàng NN Việt Nam;
- UBND tỉnh có nhà máy đường;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ;
- Sở NN&PTNT các tỉnh có nhà máy đường;
- Hiệp hội Mía đường VN;
- Vụ: KH, TCCB, TC, KHCN;
- Cục: CBTMNLTS, KTHT, TT, TL, BVTV;
- Ban ĐM&QLDN;
- Trung tâm: KN-KNQG, TH&TK;
- Viện: QHTKNN, KHKTNNMN, QHTL, CĐ&CNSTH;
- Tcty Mía đường I, II; các nhà máy đường;
- Lưu VT, TH.

 TL. BỘ TRƯỞNG
PHÓ VĂN PHÒNG PHỤ TRÁCH




Nguyễn Minh Nhạn