VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG
Ngày 26 tháng 02 năm 2008, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, để đánh giá kết quả thực hiện chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Trưởng Ban thường trực; đồng chí Ngô Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe đồng chí Ngô Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trình bày báo cáo tổng hợp, ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã kết luận như sau:
1. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội là sự kiện trọng đại nhằm tôn vinh lịch sử- văn hóa và truyền thống vẻ vang của Thủ đô Thăng Long-Hà Nội và của toàn dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Vì thế những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long phải mang đậm dấu ấn Thăng Long-Hà Nội, dấu ấn dân tộc, quốc gia, đồng thời mang tính thời đại.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là vinh dự và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả dân tộc ta. Do đó phải huy động đầy đủ nguồn lực về con người, vật chất và tài chính từ Trung ương đến địa phương, với sự tham gia của nhân dân và các doanh nghiệp, trong đó Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội là nòng cốt.
2. Thời gian chuẩn bị Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, nhiều hạng mục công trình quan trọng triển khai chậm. Do vậy, các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan phải khẩn trương tăng cường phối hợp và tập trung cao độ để chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên đối với từng công việc, từng hạng mục công trình vật thể, phi vật thể, thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả, chất lượng các công việc đã đề ra. Trước mắt cần tập trung các công việc cụ thể sau:
a) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức triển khai đề án tuyên truyền sâu rộng về chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng người Hà Nội "thanh lịch văn minh", trước hết là trong giao tiếp, trong lối sống, cách ứng xử văn hóa trong các trường học, cơ quan, đơn vị, công sở, nơi công cộng và trong quá trình tham gia giao thông.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến. Đặc biệt là các khu di tích trọng điểm: Cổ Loa, Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Khu Phố cổ Hà Nội; quy hoạch và xây dựng quần thể công viên văn hóa-lịch sử gồm: Quảng trường Ba Đình, Hội trường Ba Đình, Thành cổ, Hoàng Thành Thăng Long. Các công trình này cần được nghiên cứu xây dựng, tu bổ, tôn tạo xứng tầm, phục vụ cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.
- Nghiên cứu rà soát, điều chỉnh các hạng mục công trình, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch tổng thể kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và đại lễ kỷ niệm, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương; đề xuất cơ chế kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật rõ ràng.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định điều chỉnh thành viên Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, bổ sung đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Bộ Ngoại giao vào Ban Chỉ đạo.
b) Bộ Giao thông vận tải tập trung giải quyết dứt điểm các công trình sau đây trước tháng 10 năm 2010: nhà ga T2 sân bay Nội Bài; cầu Nhật Tân; tuyến đường nối cầu Nhật Tân với nhà ga T2 sân bay Nội Bài; đường cầu Thăng Long-Nội Bài; đường vành đai 3, vành đai 4, các trục hướng tâm; đường Láng-Hòa Lạc; quốc lộ 32; đường dẫn lên và xuống cầu Thanh Trì; những hạng mục đường sắt đô thị Hà Nội và các công trình giao thông liên quan đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tập trung hoàn thành các công trình: phần trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia; trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; cung thi đấu điền kinh Mỹ Đình; khai trương và đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình của Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam; khánh thành và đưa vào sử dụng không gian văn hóa du lịch 16 Lê Thái Tổ; chuẩn bị tổ chức liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam.
- Hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí kịp thời để triển khai chương trình và các dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
đ) Bộ Quốc phòng khẩn trương bàn giao cho thành phố Hà Nội toàn bộ khu vực Thành cổ Hà Nội để kịp hoàn thành việc đầu tư, xây dựng, trùng tu, phục chế và cải tạo kịp phục vụ lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
e) Bộ Xây dựng:
- Khẩn trương hoàn thành phần xây dựng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, sớm hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô và hoàn thành quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội;
Đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
g) Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phát động cuộc sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến; phối hợp với Hà Nội xây dựng chương trình nghệ thuật cho tuần lễ chính thức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
h) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo và tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử Thăng Long-Hà Nội trên phương diện toàn quốc.
i) Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh có kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử ở cố đô Hoa Lư, di tích Đền Đô, chùa Phật Tích và các hạng mục công trình kỷ niệm; có đề án phối hợp với thành phố Hà Nội để thực hiện các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
k) Để đảm bảo sự chỉ đạo kịp thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tổ chức họp ba tháng một lần. Nếu có vấn đề đột xuất phát sinh, có thể tổ chức cuộc họp bất thường.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |