VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2006 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM (2006-2010) CỦA TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM
Ngày 23 tháng 02 năm 2006, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch 5 năm (2006-2010) của Tổng công ty Giấy Việt Nam. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty giấy Việt Nam.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Giấy Việt Nam báo cáo và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Những năm qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng giấy trong nước, nhất là giấy in báo, giấy in, giấy viết thông thường, từng bước thực hiện được vai trò nòng cốt trong việc phát triển ngành giấy Việt Nam.
Tổng công ty đã đầu tư mở rộng và đầu tư mới nhằm tăng năng lực sản xuất giấy, bước đầu thực hiện được việc gắn kết giữa đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy với phát triển vùng nguyên liệu theo từng dự án, đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định có hiệu quả lâu dài. Đồng thời, Tổng công ty tích cực sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2001-2005 của Tổng công ty còn một số mặt yếu kém, tồn tại cần khắc phục, nổi lên là: tình hình tài chính còn khó khăn, việc triển khai thực hiện hai dự án lớn là Dự án đầu tư mở rộng Công ty Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy Thanh Hóa còn chậm.
2. Về kế hoạch 5 năm 2006-2010 của Tổng công ty: Cơ bản nhất trí với các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp nêu trong báo cáo của Tổng công ty. Tổng công ty cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
- Tăng cường đầu tư chiều sâu nhằm phát huy tốt năng lực sản xuất hiện có; rà soát chặt chẽ các khoản chi phí, thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị và vốn đầu tư.
- Tập trung nguồn lực, tăng cường trách nhiệm và phối hợp công tác, xử lý khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành 2 dự án đầu tư là Dự án đầu tư mở rộng Công ty Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy sản xuất bộ giấy và giấy Thanh Hóa.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên trong Tổng công ty; hoàn thiện Đề án chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con theo Quyết định số 29/2005/QĐ-TTg ngày 01/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó lấy Công ty Giấy Bãi Bằng là công ty mẹ.
3. Về quy hoạch phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010:
- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ diện tích rừng sản xuất để tính toán; cân đối các nhu cầu nguyên liệu cho tất cả các đối tượng sử dụng gỗ như: cho chất đốt, chế biến đồ gỗ gia dụng, chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến công nghiệp, đóng tầu, làm bột giấy… từ đó, xác định diện tích rừng trồng dành cho nguyên liệu giấy, xác định số lượng bột giấy có khả năng sản xuất trong nước trên cơ sở tính toán kỹ về nguồn nguyên liệu, khả năng về vốn, các giải pháp về công nghệ, môi trường để bảo đảm dự án đạt hiệu quả kinh tế, xã hội; đồng thời, rà soát lại việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạchv à chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy gắn với phát triển vùng nguyên liệu từ nay đến năm 2010, trình Thủ tướng Chính phủ.
- Để đảm bảo thực hiện quy hoạch một cách vững chắc, Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách đối với sản xuất bột giấy trong nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách phát triển rừng sản xuất, trong đó có rừng trồng nguyên liệu giấy.
- Để gắn kết chặt chẽ giữa việc đầu tư xây dựng nhà máy mới với phát triển vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp trồng nguyên liệu cần phải là đơn vị trực thuộc Tổng công ty.
- Đối với các dự án sản xuất giấy của các địa phương: Căn cứ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát triển vùng nguyên liệu từ nay đến năm 2010 và Quy hoạch phát triển công nghiệp giấy đã điều chỉnh, bổ sung, Bộ Công nghiệp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xem xét từng dự án cụ thể, hướng dẫn các địa phương lập dự án phù hợp với năng lượng, nguồn vốn, nguyên liệu, bảo đảm tính khả thi của Dự án.
- Đối với vùng nguyên liệu giấy Kon Tum, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với năng lượng, nguồn vốn, nguyên liệu, bảo đảm tính khả thi của Dự án.
- Đối với vùng nguyên liệu giấy Kon Tum, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng hiệu quả nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về những kiến nghị của Tổng công ty Giấy Việt Nam:
- Về Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Bãi Bằng giai đoạn 2, Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư khẩn trương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Về việc nhập khẩu giấy lề, giấy loại, giao Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư hướng dẫn về việc nhập phế liệu phục vụ sản xuất công nghiệp.
- Về việc Chính phủ bảo lãnh cho dự án lớn vay vốn nước ngoài: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài chính xem xét, thực hiện việc bảo lãnh theo quy định hiện hành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và Tổng công ty Giấy Việt Nam biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Quyết định 164/2003/QĐ-TTg phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam đến năm 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 29/2005/QĐ-TTg về việc chuyển Tổng công ty Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Thủ tướng Chính phủ ban hành