VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2002/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2002 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 60/2002/TB-VPCP NGÀY 03 THÁNG 04 NĂM 2002 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ NHÀ Ở TOÀN QUỐC LẦN THỨ 3
Từ ngày 18 đến 19 tháng 3 năm 2002, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Nhà ở toàn quốc để đánh giá kết quả công tác quản lý và phát triển nhà ở giai đoạn từ năm 1991 - 2000 và bàn mục tiêu, chương trình các giải pháp thúc đẩy lĩnh vực này trong kế hoạch từ nay đến năm 2005 và 2010. Hội nghị đã được Thủ tướng Phan Văn Khải tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Tham dự hội nghị có lãnh đạo của các Bộ, ngành Trung ương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh; Văn phòng Chính phủ; các sở Địa chính-nhà đất, Sở Xây dựng của 61 tỉnh, thành phố; một số doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh nhà và vật liệu xây dựng thuộc các thành phần kinh tế; một số Viện Nghiên cứu, Trường Đại học; một số Hội nghề nghiệp và tổ chức quốc tế. Sau khi nghe Bộ Xây dựng báo cáo kết quả công tác quản lý, phát triển nhà ở 10 năm (1991 -2000), phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp trong quản lý và phát triển nhà ở đến 2010, dự thảo Chương trình hành động trong công tác quản lý và phát triển nhà ở đến 2005; đề xuất một số chính sách sẽ trình Chính phủ ban hành; tham luận của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Xây dựng Việt Nam, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh phát triển nhà, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Thống nhất các nội dung chủ yếu trong báo cáo của Bộ Xây dựng về những kết quả và tồn tại, nguyên nhân, cũng như các mục tiêu và giải pháp đề ra cho từng giai đoạn phát triển nhà ở đến năm 2005-2010 và nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể của các Bộ, địa phương và doanh nghiệp tại Hội nghị. Giao Bộ Xây dựng tiếp thu những ý kiến hợp lý để hoàn chỉnh đề án.
2. Các ngành, các cấp, trước hết là Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý và phát triển nhà ở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương mình. Ngoài việc có tác động lớn đến sự tăng trưởng kinh tế, đến khả năng kích cầu, giải quyết việc làm, trực tiếp giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở của nhân dân, việc phát triển nhà ở và quản lý tốt thị trường nhà đất còn tạo sức hấp đẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần vào việc tạo dựng diện mạo đô thị và nông thôn mới. Các tỉnh, thành phố cần xây dựng chương trình phát triển nhà ở, thống nhất ý kiến trong cấp uỷ và Hội đồng nhân dân để trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình.
Về các chỉ tiêu đề cập trong chương trình của Bộ Xây dựng, cần được xem đây là mức tối thiểu, các địa phương phải phấn đấu thực hiện với những chỉ tiêu cao hơn. Trong chỉ đạo phát triển nhà ở cần quán triệt quan điểm không bao cấp về nhà ở, mà phải khai thác nguồn lực giá trị đất đai, hạ tầng; đồng thời huy động nguồn lực từ người dân có nhu cầu nhà ở và các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà. Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách về đất đai, thuế, lệ phí.
- Các tỉnh, thành phố, nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo thật tốt công tác quy hoạch khu dân cư trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển đô thị, nông thôn; phải quản lý xây dựng theo quy hoạch, chấm đứt tình trạng xây đựng không theo quy hoạch. Các đô thị phải phát triển nhà ở theo dự án và coi việc xây dựng nhà ở chung cư cao tầng là chủ yếu để tạo điều kiện sống ngày càng tiện lợi, văn minh. Khắc phục tình trạng phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư và để chủ đầu tư cắt đất, chia lô bán sau khi được phép.
3 . Tại các thành phố, đi đôi với việc xây dựng nhà ở mới, phải tập trung chỉ đạo triển khai việc cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư đã xuống cấp, không an toàn cho người ở và những khu nhà ở không đảm bảo tiện nghi tối thiểu. Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tập trung chỉ đạo dứt điểm việc thực hiện chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lụt; đồng thời các tỉnh cần có các biện pháp chỉ đạo cụ thể nhằm tạo điều kiện để ổn định chỗ ở và đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng thường bị bão, vùng bị sạt lở và các vùng khó khăn khác.
4. Để ngăn chặn ngay tình trạng đầu cơ mua đi bán lại nhà đất trái pháp luật, gây "sốt" giá nhà đất ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực đô thị: Giao Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát lại cơ chế chính sách, trong tháng 4 năm 2002 đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ các biện pháp ổn định thị trường nhà ở đất ở. Các tỉnh thành phố phải kiểm tra ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng nhà ở trái với các quy định hiện hành của pháp luật và trái quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tiến hành ngay việc rà soát lại các dự án về xây dựng nhà ở, có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời tình trạng chia nhỏ dự án để bán đất; kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những trường hợp mua bán, chuyền nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật; những dự án đã được cho phép nhưng không triển khai xây dựng theo tiến độ và làm trái quy định, trái quy hoạch đã được phê duyệt, phải được chấn chỉnh hoặc thu hồi giấy phép đầu tư.
Triển khai tốt việc thành lập và hoạt động quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương. Tập trung các khoản thu (từ tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ, tiền thu từ giao đất ở, huy động tiền tiết kiệm của nhân dân với mục đích mua nhà ở và các nguồn thu khác có thể huy động được) vào Quỹ phát triển nhà ở, tạo thêm nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vay vốn phục vụ yêu cầu phát triển nhà ở. Các địa phương phải kiểm tra lại việc sử dụng tiền bán nhà theo Nghị định 61/CP, khắc phục ngay việc sử dụng khòng đúng quy định của Chính phủ.
5. Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở, đất ở:
- Bộ Xây dựng cùng Ban Tổ chức-cán bộ Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ về giao trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở đất ở. Trong khi chưa có Nghị định của Chính phủ, giao Bộ Xây đựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trước 30 tháng 4 năm 2002 trình dự thảo Chi thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và phát triển nhà ở; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, quy trình, quy phạm, quản lý điều hành các chương trình mục tiêu trong lĩnh vực này; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đảm bảo cho việc phát triển thị trường nhà ở, đất ở hoạt động đúng hướng, hiệu quả. Tăng cường và bố trí lực lượng cán bộ đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý phát triển nhà ở, đất ở.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề liên quan đến giá đất; việc điều tiết thu nhập qua giá đất khi đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng; việc thu phí, lệ phí và những chính sách tài chính liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở, nhằm tạo thêm điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ nhu cầu và điều kiện cụ thể để tổ chức sắp xếp lại nhằm củng cố và tăng cường lực lượng quản lý, phát triển nhà ở và quản lý thị trường bất động sản nhà ở đất ở trên địa bàn.
6. Mục tiêu, nhiệm vụ quản lý và phát triển nhà ở giai đoạn từ nay đến năm 2005 và đến năm 2010 là rất nặng nề và cấp bách, do vậy lãnh đạo các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau Hội nghị này cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phân công nhiệm vụ và đôn đốc việc thực hiện có hiệu quả chương trình quản lý và phát triển nhà ở, góp phần bình ổn giá nhà đất, giải quyết ngày càng tốt nhu cầu cải thiện chỗ ở của nhân dân, đặc biệt là của người nghèo, người thu nhập thấp, người dân ở các vùng khó khăn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
| Văn Trọng Lý (Đã ký) |