Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 60/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI BUỔI HỌP VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

Ngày 22 tháng 2 năm 2008 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành về Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công Thương, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020 và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến kết luận như sau:

1. Về tên gọi Chiến lược: giữ nguyên tên gọi, song bổ sung thời điểm đầu thực hiện Chiến lược. Do đó, chỉnh lại là "Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2008 - 2020".

2. Về phạm vi và ý nghĩa của Chiến lược: đây là Chiến lược tổng hợp cấp quốc gia để định hướng cho các ngành, các địa phương và kết nối các ngành, các địa phương làm rõ các giải pháp đột phá cấp quốc gia và các dự án quốc gia. Căn cứ vào chiến lược tổng hợp cấp quốc gia này các ngành, các địa phương xây dựng Chiến lược hoặc Chương trình phát triển nhân lực của mình.

3. Về cơ cấu chiến lược: nội dung phát triển nhân lực gồm các cấu phần về phát triển thể lực, phát triển giáo dục, phát triển đào tạo nghề nghiệp và sử dụng nhân lực.

4. Về quan điểm phát triển nhân lực: phải ghi rõ đưa nhân lực trở thành lợi thế quan trọng nhất của nước ta để phát triển, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội.

5. Về mục tiêu phát triển nhân lực: rà soát lại, chỉ giữ lại những mục tiêu quan trọng, mục tiêu so sánh quốc tế phải có cơ sở (nếu không chắc chắn thì không nên đưa).

6. Về đánh giá hiện trạng phát triển nhân lực: nên rút gọn lại và tập trung vào các nội dung về thể lực, giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân lực. Trong đánh giá cần đối chiếu với nhu cầu trong nước. Phân tích kỹ những thời cơ và nguy cơ trong 3 lĩnh vực thể lực, giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân lực.

7. Về phương hướng phát triển: bổ sung một số dự báo sơ bộ về nhu cầu nhân lực. Các Bộ, ngành phải tiến hành sơ bộ dự báo nhu cầu nhân lực của ngành mình gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

8. Về giải pháp thực hiện mục tiêu:

- Trước hết, phải có chuyển biến nhận thức về phát triển nhân lực. Cùng với Chiến lược quốc gia, mỗi Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức phải có chương trình, dự án phát triển nhân lực của mình hoặc có cấu phần phát triển nhân lực trong kế hoạch phát triển chung 2006 - 2011 hoặc xa hơn. Hàng năm phải có kiểm điểm, đánh giá kết quả phát triển nhân lực như là một tiêu chí phát triển.

- Phải đưa ra được những giải pháp có tính đột phá trong một số lĩnh vực. Ví dụ: đột phá trong nâng cao thể lực nhân lực là chống suy dinh dưỡng; đột phá trong giáo dục, đào tạo là đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, đổi mới cơ chế quản lý các cơ sở đào tạo theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, tạo môi trường làm việc có tính cạnh tranh, triển khai mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, đẩy mạnh dạy và ứng dụng tiếng Anh, tin học; đột phá trong chính sách đào tạo và sử dụng công chức; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nhân tài và chuyên gia cao cấp trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa và quản lý nhà nước.

- Bổ sung giải pháp hình thành cơ quan quốc gia dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực và thị trường lao động.

- Giải pháp về tài chính: phải ước lượng được tổng nhu cầu vốn và dự kiến nguồn ngân sách nhà nước, công trái, vay ODA xã hội hoá.

9. Về tổ chức thực hiện Chiến lược: sau khi Chiến lược chung được phê duyệt vào đầu quý II năm 2008, các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng chương trình đặc thù. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng xong Chiến lược của ngành trong tháng 6 năm 2008, các Bộ, ngành khác kết thúc xây dựng Chương trình phát triển nhân lực vào cuối năm 2008 và các địa phương trong năm 2009 phải xây dựng xong Chương trình phát triển nhân lực của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi tổng hợp, báo cáo việc thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

10. Nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành đóng góp xây dựng Chiến lược:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp này và những thông tin của các Bộ cung cấp để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn chỉnh Chiến lược.

- Bộ Y tế: bổ sung thêm những nội dung về phát triển thể lực, chống suy dinh dưỡng, phát triển giống nòi.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: bổ sung thêm những nội dung về phát triển giáo dục, đào tạo.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: bổ sung thêm những nội dung về dạy nghề.

- Bộ Nội vụ: bổ sung thêm những nội dung về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Bộ Tài chính: ước tính nhu cầu vốn và cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn để thực hiện Chiến lược.

- Các Bộ, ngành tiến hành ước dự báo nhu cầu nhân lực của ngành và xác định những khâu đột phá.

11. Về tiến độ thực hiện:

Các Bộ, ngành thực hiện công việc theo những nội dung trên và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 3 năm 2008.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý, bổ sung hoàn chỉnh Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2008 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào đầu quý II năm 2008.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN , các PCN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KG (5b). M. 260

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn