Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 6494/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 3 tháng 11 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN

Ngày 17 tháng 10 năm 2008, tại Khách sạn La Thành, Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và nông thôn. Mục tiêu của Hội nghị là:

- Chia sẻ và trao đổi thông tin về những vấn đề môi trường bức xúc trong nông nghiệp và nông thôn từ đó nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cho các cán bộ trong Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Đề xuất nội dung chương trình hành động và các giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tham dự Hội nghị có trên 200 đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, 32 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trên cả nước, các Cục, Vụ, Viện, Tổng công ty thuộc Bộ. Ngoài ra còn có sự tham dự của các tổ chức nước ngoài, đại sư quán, Hiệp hội, nhà khoa học và thông tin đài, báo đến đưa tin về hội nghị. Bộ trưởng Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị đã nghe 17 báo cáo công tác bảo vệ môi trường của các Vụ, Cục thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến tham luận của một số nhà khoa học. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Sau Hội nghị này các đơn vị trực thuộc Bộ, Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hành động ngay, bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực để ngăn chặn các hoạt động suy thoái môi trường, xử lý các điểm nóng về ô nhiễm và từng bước cải thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp và ở nông thôn;

2. Các Cục chuyên ngành chịu trách nhiệm trước Bộ về quản lý Nhà nước công tác môi trường thuộc lĩnh vực được phân công; phải chủ động đề xuất các cơ chế chính sách; tổ chức các mô hình quản lý môi trường hiệu quả; tuyên truyền giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm;

3. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là đầu mối giúp Bộ kiểm tra, đôn đốc các hoạt động bảo vệ môi trường toàn ngành; chủ trì thẩm định các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời tổ chức giám sát, kiểm tra việc triển khai kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường trong của các dự án đã được phê duyệt; chủ trì tổ chức việc nhập, phổ biến, chuyển giao công nghệ mới; nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường; xây dựng trang WEB cảnh báo môi trường nông nghiệp; tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền; hoàn chỉnh Đề án tăng cường năng lực bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn sớm trình Bộ phê duyệt.

4. Các hoạt động ưu tiên trong thời gian tới:

- Xử lý dứt điểm các điểm nóng về môi trường, như: các cơ sở còn tồn đọng trong danh sách phải xử lý theo Quyết định 64/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các điểm thu gom thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng, không được phép sử dụng mới phát sinh, các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm;

- Quy hoạch vùng sản xuất tập trung (chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản, làng nghề, sản xuất rau an toàn) phải lồng ghép bảo vệ môi trường trong các các khâu của hoạt động quy hoạch.

- Các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phải xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; các dự án đầu tư, dự án phát triển phải lập và thẩm định báo đánh giá tác động môi trường trước khi thẩm định nội dung các dự án. Dự án chỉ được phê duyệt khi đã có đầy đủ thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và quyết định phê duyệt báo báo đánh giá tác động môi trường;

- Xây dựng và trình Chính phủ, Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn;

- Xây dựng và trình phê duyệt các văn bản kỹ thuật: các tiêu chí môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;

- Nhập, nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp;

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền;

Trên đây là kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị biết, phối hợp thực hiện./.