Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 677/TB-BYT

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2006

 

THÔNG BÁO

VỀ NỘI DUNG HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI NGÀY 02/8/2006

Để tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống đại dịch cúm ở người, ngày 02/8/2006, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người đã tổ chức cuộc họp thường kỳ.

I. THÀNH PHẦN ĐẠI BIỂU THAM DỰ:

1.Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ởngười, chủ trì cuộc họp.

2.Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Bộ Y tế.

3.Ông Phạm Hồng Phương, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng.

4.Ông Bùi Văn Tuân, Sở Y tế giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải.

5.Ông Đinh Duy Thếnh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

6.Bà Hà Phương, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

7.Bà Nguyễn Thị Huyền, Cục A25, Bộ Công An.

8.Ông Lương Ngọc Khuê, Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị, Bộ Y tế.

9.Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

10.Ông Trần Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

11.Ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương, Bộ Y tế.

12.Ông Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

13.Ông Phạm Lê Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

14.Bà Phạm Thanh Bình, Văn phòng Bộ Y tế.

Và các chuyên viên Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Vụ Điều trị và Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

II.NỘI DUNG CUỘC HỌP:

Cuộc họp đã tập trung thảo luận các nội dung chính sau:

1. Tình hình dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm, cúm ở người trên thế giới và tại Việt Nam. Một số biện pháp cần tiếp tục triển khai để phòng chống dịch.

2. Công tác triển khai mua sắm thuốc, hoá chất, trang thiết bị phòng chống dịch và tập huấn sử dụng, bằng kinh phí do Chính phủ đầu tư cho các địa phương và các Bộ, ngành trong cả nước.

3. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm và ở người.

4. Công tác kiểm tra giám sát việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

2.1 Tình hình dịch cúm A(H5N1):

2.1.1.Tình hình dịch cúm gia cầm:

Trên thế giới:

Theo Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới (OIE) đến ngày 02/8/2006 và các nguồn tin quốc tế khác, tình hình dịch cúm A(H5N1) đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch cúm gia cầm đã lan rộng ở nhiều quốc gia tại hầu hết các châu lục và đặc biệt một số quốc gia Đông Nam Á đã xuất hiện trở lại dịch cúm trên gia cầm sau nhiều tháng khống chế đ­ược dịch như­ Lào, Thái Lan, Indonesia.

* Tại Thái Lan: Dịch cúm gia cầm (thể độc lực cao H5N1) đã tái xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Pichit vào đầu tháng 7/2006, sau hơn 8 tháng nước này khống chế được dịch cúm gia cầm. Ổ dịch đã làm chết khoảng 30 con gà chọi. Sau đó vi rút cúm A(H5N1) tiếp tục được tìm thấy tại tỉnh Nakohn Pano, phía đông bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok hơn 700km và gần biên giới với Lào.

* Tại Lào: Dịch cúm gia cầm được ghi nhận tại 2 trang trại nuôi gia cầm cách thủ đô Vientiane 20km vào cuối tháng 7/2006, làm chết hơn 2.500 con gia cầm. Ngoại trừ trường hợp 1 con vịt được phát hiện mắc cúm A(H5N1) tại Lào vào tháng 3/2006, thì đây là vụ dịch cúm gia cầm đầu tiên xuất hiện trở lại Lào kể từ đầu năm 2004.

Trong tháng 7/2006, tại Tây Ban Nha lần đầu tiên phát hiện chim di cư mắc cúm A(H5N1), các vụ dịch cúm gia cầm tiếp tục xảy ra tại các quốc gia: Bulgaria, Trung Quốc, Indonesia, Nigeria, Bờ biển Ngà. Trong khi Jordan thông báo đã khống chế được dịch cúm gia cầm, từ tháng 3/2006 đến nay không ghi nhận vụ dịch mới và hiện tượng chim đà điểu hoang chết tại Zambia, phía nam Châu Phi đã được khẳng định không phải do mắc cúm A(H5N1).

Hiện nay dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại 22 quốc gia trên thế giới. Kể từ năm 2003 đến nay đã có 58 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận dịch cúm gia cầm và chim hoang chết do mắc cúm A(H5N1).

Tại Việt Nam:

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 15/12/2005 đến nay (02/8/2006) đã gần 8 tháng toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm mới.

2.1.2. Tình hình dịch cúm A (H5N1) trên người:

Trên thế giới:

Theo Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới:

* Tại Indonesia: Trong tháng 7/2006, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 02 trường hợp mắc cúm A(H5N1), đều tử vong:

- Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân nữ 3 tuổi, sống ở tỉnh Jakarta, khởi bệnh ngày 23/6/2006, nhập viện ngày 05/7/2006 và tử vong ngày 06/7/2006. Tại hàng xóm của bệnh nhân có gà chết do mắc cúm A(H5N1).

- Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân nam 44 tuổi, sống ở phía đông tỉnhJarkata, khởi bệnh ngày 24/6/2006, nhập viện ngày 10/7/2006, tử vong ngày 12/7/2006. Các chức trách địa phương đang xác định nguồn lây nhiễm bệnh có thể từ gia cầm nuôi tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân hoặc tại chợ nơi bệnh nhân có quầy bán thức ăn.

Đến nay Indonesia đã ghi nhận 54 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó 42 trường hợp tử vong.

* Tại Thái Lan: Ngày 21/7/2006, Bộ Y tế Thái Lan đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên của nước này kể từ đầu năm 2006 đến nay.Bệnh nhân nam 17 tuổi, sống ở tỉnh Pichít, đây là tỉnh đầu tiên của nước này tái phát dịch cúm gia cầm trở lại tính từ vụ dịch cuối cùng được ghi nhận tại Thái Lan vào tháng 11/2005 đến nay. Bệnh nhân khởi bệnh ngày 15/7/2006, nhập viện ngày 20/7/2006 và tử vong ngày 24/7/2006. Trước khi khởi bệnh 5 ngày bệnh nhân có chôn cất xác gia cầm chết tại nhà. Hiện các nhà chức trách Thái Lan đang tiếp tục giám sát về y tế đối với hàng trăm trường hợp nghi mắc cúm A(H5N1).

Từ tháng 12/2003 đến nay, tại Thái Lan đã ghi nhận 23 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó 15 trường hợp tử vong.

* Đến nay Lào chưa ghi nhận trường hợp nào người mắc cúm A(H5N1).

Tại Việt Nam:

Kể từ ngày 14/11/2005 đến nay gần 9 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A(H5N1) ở người.

 Tính từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.

Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 232 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 134 trường hợp tử vong tại 10 quốc gia: Azerbaijan (mắc 8, chết 5), Campuchia (mắc 6, chết 6), Trung Quốc (mắc 19, chết 12), Djibouti (mắc 01, chết 0), Ai Cập (mắc 14, chết 06), Indonesia (mắc 54, chết 42), Iraq (mắc 02, chết 02), Thái Lan (mắc 23, chết 15), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 12, chết 04), Việt Nam (mắc 93, chết 42).

2.2. Các hoạt động phòng chống dịch đã thực hiện:

- Thông báo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người về tình hình dịch cúm A(H5N1) ở người và khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch.

- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chỉ thị về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân, trong đó có phòng chống dịch cúm A(H5N1).

- Tiếp tục triển khai giám sát chủ động nhiễm vi rút cúm A(H5N1) cho các đối tượng tham gia trong chiến dịch tiêm vắc xin cho gia cầm trọng điểm đợt 3 tại 5 xã thuộc 5 tỉnh Thái Bình, Hà Tây, Quảng Bình, Tây Ninh, Đồng Tháp. Tổng số mẫu bệnh phẩm xét nghiệm 3 đợt là 1.238 mẫu, tất cả các mẫu đều có kết quả âm tính với vi rút cúm A(H5N1). Tiếp tục tổng hợp kết quả đánh giá về giám sát dịch tễ học các đối tượng thuộc chiến dịch.

- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức diễn tập sẵn sàng phòng chống đại dịch cúm ở người vào ngày 10/8/2006.

- Hoàn chỉnh kế hoạch Dự án phòng chống cúm A(H5N1) giai đoạn 2006 - 2007 tại Việt Nam, do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).

- Chuẩn bị mở các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh, khống chế ổ dịch cúm và phòng ngừa đại dịch cúm ở người tại 50 tỉnh/thành phố, sẽ triển khai vào tháng 8/2006 thuộc Dự án WHO/FAO/UNDP.

- Chỉ đạo và giám sát Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục triển khai hệ thống giám sát cúm tại Việt Nam và báo cáo lên mạng Flunet toàn cầu.

- Chuẩn bị họp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và hoàn chỉnh Dựthảo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 8/2006.

- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai, hàng tuần báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ.

- Tổ chức Hội nghị về kiểm dịch y tế quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia (ngày 28/7/2006). Chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế biên giới tiếp tục giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu có các đối tượng nhập cảnh từ vùng có dịch SARS cũ và cúm A(H5N1) vào Việt Nam. Trong tháng 7/2006, tại 7 cửa khẩu lớn có 343.113 khách nhập cảnh, trong đó có 171.086 người nhập cảnh từ vùng có dịch SARS cũ. Giám sát 185.331 người từ nước có dịch cúm A(H5N1) trên người nhập cảnh vào Việt Nam, chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm cúm A.

III. KẾT LUẬN CUỘC HỌP:

Sau khi thống nhất ý kiến của các thành viên tham gia dự họp, PGS.TS. Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kết luận cuộc họp như sau:

1.                   Hiện nay tình hình dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và cúm ở người trên thế giới đang diễn biến căng thẳng và phức tạp. Dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ở nhiều quốc gia tại hầu hết các châu lục, đặc biệt dịch đã xuất hiện trở lại và lây lan sang người ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sau nhiều tháng khống chế đ­ược dịch như­ Thái Lan, Indonesia, Lào, Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo nguy cơ biến chủng của vi rút cúm A(H5N1) có thể lây nhiễm từ người sang người và khả năng bùng phát dịch rất cao trong mùa Đông - Xuân cuối năm 2006, đầu năm 2007.

2.                   Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút cúm týp A tăng, dẫn đến khả năng tái tổ hợp của vi rút cúm có thể rất cao. Đề nghị Tiểu ban Giám sát phòng chống dịch và Tiểu ban Điều trị tiếp tục tăng cường các hoạt động chuyên môn, giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, tiếp tục tập huấn công tác xử lý ổ dịch, sử dụng trang thiết bị và chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập phòng chống đại dịch cúm ở người, thực hành thu dung điều trị bệnh nhân.

3.                   Đề nghị Tiểu ban Hậu cần kiểm tra việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng các máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị, phòng chống dịch tại các địa phương. Dự thảo Tờ trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá chất phòng chống dịch đợt II, chú trọng mua sắm và dự trữ đủ những trang thiết bị chưa mua sắm trong đợt I phục vụ cho công tác dự phòng và điều trị, đảm bảo trang bị cho các địa phương để sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra.

4.                   Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ thương mại, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới triển khai kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, mua bán, vận chuyển sản phẩm gia cầm, gia cầm tại các cửa khẩu biên giới; khi phát hiện ổ dịch cúm trên gia cầm, tiến hành các biện pháp bao vây, khoanh vùng ổ dịch, xử lý và dập dịch kịp thời không để dịch bệnh lây lan sang người.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người sẽ giao ban định kỳ 1 tháng/1 lần vào 16h00 thứ tư tuần đầu tháng. Công tác giám sát sẽ tiếp tục thực hiện thường xuyên và thông báo định kỳ 2 tuần/1 lần cho các thành viên Ban chỉ đạo về tình hình dịch cúm A(H5N1) và triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

 

 

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Trịnh Quân Huấn