Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
-------

Số: 78/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU GẠO, THỦY SẢN

Ngày 20 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, thủy sản. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản; Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và ý kiến của các cơ quan tham dự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:

Năm 2007, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong phát triển và ổn định tình hình kinh tế-xã hội đất nước: sản lượng lúa cả năm đạt 35,87 triệu tấn, xuất khẩu 4,558 triệu tấn gạo đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2006, sản lượng thủy sản đạt 4,15 triệu tấn, tăng 11,5% so với năm 2006 (trong đó nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, khai thác đạt 2,06 triệu tấn), xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng với tốc độ cao, đạt 3,763 tỷ USD; đời sống nông ngư dân từng bước được cải thiện rõ rệt.

Bước sang năm 2008, nền kinh tế của nước ta phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mới: rét đậm, rét hại kéo dài làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, giá cả nhiều loại vật tư, hàng hóa trên thế giới và trong nước tăng cao... Trước tình hình đó, nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế của mình, tận dụng thời cơ, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc để phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế và tham gia chống lạm phát.

Cơ bản đồng ý với các giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến tham gia của các Bộ ngành; nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:

1. Đối với sản xuất lương thực: Sản xuất và xuất khẩu phải đáp ứng được 3 yêu cầu: góp phần quan trọng để ổn định mặt bằng giá lương thực đồng thời đảm bảo nông dân vẫn có lãi; đảm bảo giữ vững an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cục bộ; phải có biện pháp tiêu thụ được hết lúa hàng hóa của nông dân, không để nông dân bị thiệt thòi do rớt giá.

Các giải pháp quan trọng là:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai trong thời gian qua, chuẩn bị tốt việc cung cấp giống lúa, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh... để nông dân cấy đủ diện tích, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

- Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, năm 2008 chỉ xuất khẩu tối đa khoảng 3,5 đến 4 triệu tấn gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ký thêm các hợp đồng mới và chỉ ký hợp đồng theo từng quý (quý III và quý IV), đồng thời cần nghiên cứu kỹ dự báo thị trường trước khi ký hợp đồng, tránh những bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và đảm bảo có lợi cho nông dân.

- Bộ Tài chính nghiên cứu việc áp dụng thuế xuất khẩu gạo để điều tiết xuất khẩu.

2. Về chăn nuôi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về con giống, vốn, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, các dịch bệnh ở gia súc... để nhanh chóng phát triển các đàn gia súc, gia cầm theo hướng nuôi tập trung, nuôi trang trại, đảm bảo hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh.

3. Về thủy sản: Thủy sản là lĩnh vực còn tiềm năng phát triển, có nhiều lợi thế, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Vì vậy, cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất và xuất khẩu.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương phát triển sản xuất thủy sản, đặc biệt là phát triển nuôi thủy sản, theo đúng quy hoạch để phát triển bền vững; tập trung việc sản xuất các loại giống thủy sản có chất lượng tốt, đủ cung cấp cho người nuôi trên tất cả các loại hình mặt nước.

- Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trước hết là cải tiến các thủ tục hành chính nhằm đơn giản, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục tạm nhập tái xuất nguyên liệu chế biến thủy sản; chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phí kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa ở mức hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất và xuất khẩu, bảo đảm mua hết ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam;
- Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu thuỷ sản;
- Hội đồng tư vấn CS Tài chính tiền tệ QG;
- VPCP: BTCN, PCN Văn Trọng Lý; các Vụ: KTTH, TH; Website CP;
- Lưu: VT, NN (3). 24

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý