Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 81/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 2007 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC KIỂM ĐIỂM CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Ngày 11 tháng 4 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị toàn quốc kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi đọc báo cáo và nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường là cần thiết nhằm phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục các mặt yếu kém, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Về cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Bộ, trong đó nhấn mạnh:

1. Về đánh giá công tác quản lý tài nguyên và môi trường

Kể từ sau khi được thành lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đặc biệt là trong việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra. Chính quyền các địa phương đã ngày càng quan tâm công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Nhờ đó, công tác quản lý tài nguyên và môi trường ngày càng hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào các thành tựu chung của cả nước trong thời gian qua.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đang tồn tại những yếu kém, bất cập, nổi lên là thể chế, chính sách, luật pháp còn những điểm chưa phù hợp, cần phải tiếp tục hoàn thiện; nhiều quy định đã phù hợp nhưng do hiểu chưa đúng nên triển khai thực hiện chưa hiệu quả, đặc biệt là trong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hoàn thiện, đã để xảy ra khá phổ biến tình trạng quy hoạch "treo"; thực thi thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, trong đó có nguyên nhân do đạo đức, trình độ, phẩm chất của công chức; tổ chức bộ máy ở cấp huyện và cơ sở còn bất cập.

2. Về nhiệm vụ quản lý tài nguyên và môi trường thời gian tới:

Năm 2007 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010, một năm có ý nghĩa rất quan trọng cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm. Chính phủ đặt ra yêu cầu phải thực hiện một cách đồng bộ và đồng thời các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu chính: tăng trưởng phải đạt 8,5%, tăng trưởng phải đi liền với bền vững; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Để góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, công tác quản lý về tài nguyên và môi trường cần có những chuyển biến mạnh mẽ hơn, tập trung vào các công việc chính sau đây:

a) Rà soát để bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý tài nguyên và môi trường, trước hết là về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, cho phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng các quy định của hội nhập, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cần lưu ý làm tốt các nội dung sau:

- Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nâng cao chất lượng quy hoạch. Quy hoạch phải phù hợp với thực tế, điều kiện thị trường và đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên. Trong quy hoạch phát triển ngành hoặc quy hoạch phát triển sản xuất cần xác định rõ những nội dung quy hoạch bắt buộc và những nội dung quy hoạch có tính chất định hướng cho nhà đầu tư để nhà đầu tư quyết định. Quy hoạch phải đi trước, phải là căn cứ để triển khai các hoạt động đầu tư. Để quy hoạch có chất lượng, phải làm tốt công tác điều tra, khảo sát, lập bản đồ về đất đai, điều tra cơ bản về khoáng sản, về tài nguyên nước; phải có chương trình, dự án điều tra và bố trí kinh phí cụ thể. Đối với quy hoạch sử dụng đất, trong đó phải nêu rõ quyền lợi của người dân sống trong vùng quy hoạch khi chưa thực hiện quy hoạch và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch.

- Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế định giá đất. Nguyên tắc định giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 là phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Giá đất quy định để bồi thường cho người bị thu hồi đất, để giao đất, cho thuê đất, thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Việc định giá đất sát giá thị trường là công việc rất khó khăn, cần tổng kết từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước để tiếp tục hoàn thiện.

- Ba là, hoàn thiện các quy định, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hướng vừa thực hiện tốt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa đảm bảo phát triển sản xuất và ổn định, nâng cao đời sống của người dân có đất bị thu hồi; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải đảm bảo sự công bằng giữa việc thỏa thuận với người dân và việc áp dụng chính sách khi Nhà nước thu hồi đất.

b) Đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết cần tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát để kịp thời bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định, thủ tục không cần thiết, không phù hợp; cần đặc biệt quan tâm cải cách thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Giấy "đỏ", giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà Giấy "hồng" nhằm thuận lợi cho người sử dụng đất, tài sản trên đất, đồng thời quản lý chặt chẽ, minh bạch tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển. Tiếp tục chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao trách nhiệm, trình độ và đạo đức đáp ứng yêu cầu quản lý và cải cách hành chính.

c) Triển khai thực hiện các chỉ tiêu về môi trường. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã triển khai cụ thể vấn đề này. Tuy nhiên việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường là vấn đề mới, có ý nghĩa góp phần bảo đảm phát triển bền vững, cần phải nghiêm túc và quyết tâm thực hiện. Các vấn đề về môi trường như nước, không khí, khói, bụi, tiếng ồn... phải có sự kiểm soát chặt chẽ, xử phạt nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.

Các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần bố trí kinh phí thỏa đáng cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

d) Đẩy mạnh công tác thanh tra về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thanh tra, kiểm tra là một nhiệm vụ rất quan trọng cần phải tiến hành thường xuyên và nghiêm minh, đồng thời cần tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo. Hiện nay trong khiếu nại, tố cáo thì số vụ việc về đất đai chiếm tỷ lệ rất lớn. Vừa qua, chính quyền các cấp cũng đã cố gắng giải quyết những điểm nóng khiếu kiện đông người, trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa việc này.

Việc quản lý đất đai của nước ta trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trong đó có thời gian chiến tranh tương đối dài, gây ra nhiều thay đổi về người sử dụng đất, chính sách đất đai, khi giải quyết khiếu nại chúng ta cần xem xét, cân nhắc kỹ từng trường hợp cho phù hợp. Đối với những vụ việc xảy ra từ lâu, tuy hợp pháp mà chưa hợp với cuộc sống thực tế, cần vận động thuyết phục để nhân dân hiểu và đồng thuận.

Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần làm tốt việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Trước hết phải tập trung làm tốt ở cơ sở. Chính quyền các cấp cũng phải hết sức lắng nghe, sẵn sàng điều chỉnh những việc đã giải quyết chưa đúng. Từ đó hạn chế đến mức thấp nhất việc cơ quan cấp trên bác các quyết định giải quyết của cấp dưới, buộc cấp dưới phải sửa vì đây còn là uy tín của chính quyền địa phương đối với dân.

đ) Kiện toàn tổ chức bộ máy ngành tài nguyên và môi trường đủ sức thực hiện nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ có vừa thiếu, vừa yếu, đó là điều rất đáng lo; cần tập trung đào tạo cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; tăng cường cán bộ giỏi nghiệp vụ tài nguyên và môi trường cho cấp cơ sở. Cần nghiên cứu, làm thí điểm nên định biên cán bộ địa chính thuộc xã hay thuộc huyện để ổn định đội ngũ, đủ cán bộ để thực hiện công việc.

Nhiệm kỳ Chính phủ (khóa 2002-2007) sắp hết, chức năng nhiệm vụ của một số Bộ cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần chủ động đánh giá cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và đề xuất kiện toàn cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới được giao.

Văn phòng Chính phủ  xin thông báo để Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

Nơi nhận:
-Thủ tướng , các Phó TTg CP;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính,
 Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Nông nghiệp và PTNT,
 Thủy sản, Quốc phòng, Công án, Công nghiệp;
- VPCP: BTCN, PCN Văn Trọng Lý,
 các Vụ: CN, KG,KTTH, TH, ĐP, TCCB,
 Website CP,
- Lưu VT, NN .

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
 
 
 
 
Văn Trọng Lý