VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2002 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 90/TB-VPCP NGÀY 24 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN ĐƯA LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở MALAYSIA
Chiều ngày 16/5/2002, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì cuộc họp về Đề án đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở Malaysia. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Hằng- Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Nguyễn Lương Trào-Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Bộ Công an và đại diện các cơ quan: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Lương Trào trình bày đề án, ý kiến bổ sung của đồng chí Nguyễn Thị Hằng và ý kiến của các đồng chí dự họp, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm có ý kiến như sau:
1. Thị trường lao động ở Malaysia có nhiều triển vọng cho công tác xuất khẩu lao động của ta. Cần tranh thủ thời cơ, đồng thời phải bảo đảm chất lượng và ổn định để củng cố và mở rộng thị trường, bảo đảm uy tín của Việt Nam.
2. Việc đưa lao động đi làm việc ở Malaysia phải được tiến hành chặt chẽ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 146/VPCP-VX ngày 08/3/2002 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải chỉ đạo nghiêm túc việc thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm, không làm ồ ạt. Sau thời gian thí điểm sẽ tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm để mở rộng.
Trong thời gian tiến hành thí điểm, tạm dừng việc cho phép thêm doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động đi Malaysia. Đối với các doanh nghiệp đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho phép, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải kiểm tra chặt chẽ, doanh nghiệp nào đủ điều kiện và đảm bảo chất lượng lao động, các hợp đồng cung cấp lao động được ký kết chặt chẽ, đúng quy định, mới cho phép thí điểm đưa lao động sang Malaysia; cần xử lý nghiêm minh và kịp thời những vi phạm.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về việc lựa chọn và cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện và chất lượng tham gia thí điểm đưa lao động sang làm việc ở Malaysia.
3. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn chỉnh Đề án đưa lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở Malaysia, trong đó chú ý phân tích sâu sắc và toàn diện những thuận lợi và khó khăn của thị trường lao động Malaysia để có giải pháp phù hợp. Chọn 01 tỉnh và 01 doanh nghiệp làm thí điểm thực hiện đề án này trong tháng 6 năm 2002
4. Để gắn việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở Malaysia với chương trình giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo, giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích việc đưa lao động đi làm việc ở Malaysia.
5. Để triển khai thực hiện tốt việc đưa lao động đi làm việc ở Malaysia, phân công trách nhiệm cụ thể như sau:
a/ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan của Malaysia để có thể ký Hiệp định (hoặc thoả thuận) hợp tác lao động;
- Ban hành các văn bản hướng dẫn việc đưa lao động đi làm việc ở Malaysia;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương là cơ quan quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ xây dựng đề án thành lập Ban quản lý lao động tại Malaysia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
b/ Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam đi làm việc ở Malaysia; triển khai các giải pháp khai thác, củng cố và mở rộng thị trường lao động.
c/Bộ Công an chỉ đạo để có biện pháp rút ngắn thời gian làm hộ chiếu và thủ tục xuất nhập cảnh, tránh phiền hà cho người lao động.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương có liên quan biết và thực hiện.
| Trần Quốc Toản (Đã ký) |
- 1 Thông báo 155/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về tình hình thực hiện Đề án thí điểm đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở Malaysia do Văn phòng chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 28/1999/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 152/1999/NĐ-CP quy định người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 3 Nghị định 370-HĐBT năm 1991 ban hành Quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
- 1 Nghị định 370-HĐBT năm 1991 ban hành Quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
- 2 Thông tư 28/1999/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 152/1999/NĐ-CP quy định người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành
- 3 Thông báo 155/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về tình hình thực hiện Đề án thí điểm đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở Malaysia do Văn phòng chính phủ ban hành