Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2005 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ VỀ TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG CHẶT PHÁ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Ngày 19 tháng 04 năm 2005, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị triển khai các biện pháp chống chặt phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Cùng dự họp với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng, Công nghiệp, Tổng công ty Giấy Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau:

Tài nguyên rừng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống, cung cấp các nhu cầu về lâm sản, góp phần phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế đất nước bền vững. Trong những năm qua, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhu cầu về khai thác các nguồn tài nguyên ngày càng lớn, vì vậy việc bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng đang trở thành vấn đề bức xúc.

Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực cố gắng của các Bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có rừng, các chủ rừng, sự giúp đỡ của quốc tế, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã thu được kết quả đáng khích lệ, trong đó tỷ lệ che phủ của rừng tăng đáng kể. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với sự cố gắng của Nhà nước và nhân dân. Tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng vẫn xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương. Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2005, diện tích rừng bị phá và bị cháy tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, các vụ việc xảy ra tập trung ở những địa phương chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 05 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các tỉnh có rừng phải tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp chống chặt phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn cho được nạn chặt phá rừng, gây cháy rừng, nạn lâm tặc, trong đó cần tập trung triển khai các nội dung sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải:

- Tiếp tục chỉ đạo tiến hành kiểm điểm quán triệt, làm rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với rừng và đất lâm nghiệp, những địa phương chưa tổ chức quán triệt và thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 05 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 12) cần phải tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị trên của Thủ tướng, đặc biệt là các cấp chính quyền ở cơ sở.

- Nắm chắc nhu cầu về đất ở, đất sản xuất của đồng bào tại chỗ, tình hình dân di cư tự do để có biện pháp quản lý, trợ giúp có hiệu quả. Trước hết, thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp về kinh tế, xã hội của Nhà nước đã ban hành đối với đồng bào như: trợ cấp gạo, trợ cấp về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư, di dân tái định cư, xây dựng hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn… Đồng thời thực hiện tốt chính sách giao đất giao rừng, cho thuê rừng và khoán bảo vệ rừng, đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng sâu, vùng xa để đồng bào có thêm thu nhập từ nhận khoán bảo vệ rừng, khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng, nhằm giúp đồng bào ổn định, cải thiện cuộc sống, bảo đảm cho người dân sống trên địa bàn rừng núi có đời sống đựơc cải thiện và yên tâm gắn bó với rừng, giảm sức ép về chặt phá rừng và gây cháy rừng.

- Chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với hành vi mua, bán, chuyển nhượng đất trái phép. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định để giao cho đồng bào chưa có hoặc còn thiếu đất sản xuất, đất ở.

2. Các Bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ theo chức năng và nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt là các lực lượng Quân đội, Công an, Kiểm lâm, các cơ quan chuyên trách và chủ rừng phải kiểm điểm nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo, Tổ công tác của các địa phương trong thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tập trung giải quyết khẩn trương các công việc sau:

- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh có rừng tổ chức rà soát, lên danh sách, phân loại các đối tượng thường xuyên vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng để có biện pháp xử lý thích hợp, tăng cường chỉ đạo và phối hợp với cơ sở để thường xuyên kiểm tra, truy quét nhằm xóa bỏ các tụ điểm chặt phá rừng, khai thác lâm sản, sản xuất kinh doanh lâm sản trái phép.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng. Đối với những tên cầm đầu, những kẻ tổ chức, bọn “lâm tặc” phải đấu tranh bằng những biện pháp mạnh và trấn áp, loại trừ triệt để.

- Trình Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung những nghị định và các chính sách thuộc lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua, ban hành năm 2004.

Sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành để kiện toàn đổi mới lực lượng Kiểm lâm theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã được ban hành năm 2004 nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của lực lượng thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm lâm phải là lực lượng nòng cốt, là công cụ chủ yếu của Nhà nước để giúp Chính phủ kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cấp, các ngành trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đồng thời thực hiện tốt việc trực tiếp tham mưu với lãnh đạo các cấp, các ngành và hướng dẫn các chủ rừng tuân thủ luật pháp, chính sách về lâm nghiệp, đưa công tác bảo vệ phát triển rừng theo đúng tinh thần Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành liên quan xem xét về biên chế, tổ chức của lực lượng Kiểm lâm, bảo đảm quản lý chỉ đạo về chuyên môn thống nhất theo ngành dọc từ cấp cơ sở lên Trung ương, đồng thời bảo đảm sự quản lý, lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp có sự điều hành tập trung thống nhất như lực lượng Công an, Quân đội, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Các đề nghị của Bộ về những chính sách chế độ cụ thể như: suất đầu tư trồng rừng theo Chương trình 661, chính sách đối với người tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, v.v… cần thống nhất với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và những quy định chung của pháp luật.

- Có chương trình, biện pháp phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tốt việc tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng, hướng việc tuyên truyền giáo dục các chủ rừng phải phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường tuần tra, làm vành đai sản lửa để phòng cháy rừng là chính. Đặc biệt lưu ý trong tuyên truyền, định hướng xã hội về thói quen tiêu dùng, sử dụng đồ gỗ, củi, chuyển sang sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và vật liệu thay thế khác nhằm giảm áp lực đối với sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên.

4. Các Bộ, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để phối hợp, có biện pháp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức lực lượng, bảo đảm kinh phí để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bảo đảm tài chính theo quy định cho việc triển khai thực hiện các nội dung công việc trên đây.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Công sự