Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 95/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH CƠ KHÍ TRỌNG ĐIỂM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO VỀ DỰ ÁN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ "NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ, CHẾ TẠO TRONG NƯỚC THIẾT BỊ ĐỒNG BỘ NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN CHẠY THAN 300 MW"

Ngày 11 tháng 3 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai Dự án khoa học công nghệ "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện chạy than 300 MW". Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA); Viện Nghiên cứu Cơ khí.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Viện nghiên cứu Cơ khí, ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:

1. Theo Quy hoạch điện VI (Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ), nhu cầu thị trường thiết bị cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện chạy than là rất lớn. Đến năm 2015, tổng công suất lắp đặt các nhà máy chạy than khoảng 106.000 MW trên tổng công suất nguồn 170.000 MW (chiếm khoảng 62%). Do vậy, việc triển khai dự án khoa học công nghệ "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị đồng bộ nhà máy nhiệt điện chạy than 300 MW" là cần thiết. Dự án có tính thí điểm để ta dần làm chủ được thiết kế kỹ thuật, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện công suất đến 600 MW, giảm nhập siêu, nâng cao trình độ trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo và tạo việc làm cho người lao động,... Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực chỉ đạo các viện nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất, chế tạo (kể cả hợp tác với nước ngoài) triển khai thực hiện Đề tài nói trên.

2. Đồng ý đổi tên dự án khoa học công nghệ nêu trên thành Dự án khoa học công nghệ "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy đến 600 MW".

3. Đồng ý lấy dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 (công suất tổ máy 600 MW) và dự án nhiệt điện Long Phú 2 (công suất tổ máy 2 x 600 MW) để áp dụng kết quả nghiên cứu của dự án khoa học công nghệ nêu trên. Giao Bộ Xây dựng lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thuộc Bộ thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Long Phú 2.

- Giao Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nêu trên và thông báo cho Tập đoàn Doossan (Hàn Quốc) hoặc một số đối tác nước ngoài khác có năng lực, đáp ứng yêu cầu chuyển giao công nghệ, tư vấn thiết kế theo yêu cầu của dự án khoa học công nghệ, để cùng tham gia thành lập Tổ hợp EPC với LILAMA, Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) và các doanh nghiệp chế tạo trong nước, do Tập đoàn Doossan (Hàn Quốc) hoặc đối tác nước ngoài khác làm điều phối chính, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm xem xét, quyết định.

- Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Xây dựng chỉ đạo việc phân công nhiệm vụ cụ thể trong Tổ hợp EPC thực hiện dự án nhiệt điện Hải Phòng 3 và dự án nhiệt điện Long Phú 2. Trên cơ sở đó đề xuất phương án thực hiện của dự án khoa học công nghệ nêu trên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trên nguyên tắc bảo đảm nội dung của dự án và tận dụng tối đa sản xuất, chế tạo trong nước.

4. Về đầu tư trang thiết bị để sản xuất, chế tạo trong nước: giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Công ty Cơ khí Hà Nội và một số doanh nghiệp cơ khí khác tăng cường năng lực công nghệ, thiết bị hiện có hoặc trang thiết bị bổ sung để có đủ năng lực chế tạo và sửa chữa các thiết bị nhà máy nhiệt điện có kỹ thuật cao; sử dụng tối đa quỹ đất hiện có để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật cho Nhà máy.

5. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo LILAMA tiến hành đánh giá, rút ra bài học trong việc triển khai, thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả sản xuất cơ khí cho các dự án xi măng Sông Thao, xi măng Thái Nguyên; trên cơ sở đó đề xuất khả năng đảm nhiệm các dự án sản xuất thiết bị xi măng, thiết bị nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông;
- Ngân hàng PTVN;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo CTSPCKTĐ;
- Hiệp hội các doanh nghiệp Cơ khí VN;
- Các Tập đoàn: Than - Khoáng sản VN, Điện lực VN;
- Tổng công ty Lắp máy VN;
- Viện Nghiên cứu Cơ khí;
- VPCP: BTCN, PCN Văn Trọng Lý, các Vụ: TH, KGVX, KTTH, QHQT, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (4).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý