Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 1 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 01/1998/TT-BTC NGÀY 03 THÁNG 01 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHI PHÍ DỊCH VỤ, HOA HỒNG MÔI GIỚI TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành Điều 29 Nghị định số 59/CP ngày 3-10-1996 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chi phí dịch vụ, hoa hồng môi giới áp dụng trong doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Những thuật ngữ sau đây được hiểu là:

1.1. "Hoa hồng môi giới" là khoản tiền trả cho người làm môi giới cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2. "Chi phí dịch vụ tạo việc làm" là khoản tiền trả cho người làm dịch vụ mà dịch vụ đó tạo thêm việc làm cho doanh nghiệp, sau đây gọi tắt là chi phí dịch vụ.

Thông tư này không áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.

Hoa hồng để trả cho những người làm đại lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ chỉ được chi khi người làm môi giới, người làm dịch vụ thực sự cung cấp các hoạt động môi giới, tạo thêm việc làm cho doanh nghiệp để các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn.

3. Mức chi hoa hồng môi giới, mức chi phí dịch vụ phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế của từng hoạt động môi giới hoặc dịch vụ mang lại.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Xây dựng quy chế về chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ để áp dụng trong doanh nghiệp:

Mỗi doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào điều kiện và đặc điểm cụ thể của mình để xây dựng quy chế chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ áp dụng thống nhất và công khai trong doanh nghiệp. Hội đồng Quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị), Giám đốc doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) phê duyệt quy chế nói trên và gửi cho cơ quan tài chính (cơ quan quản lý vốn, cơ quan thuế) để giám sát thực hiện.

Căn cứ vào quy chế được duyệt, tuỳ theo từng nghiệp vụ mua bán hoặc cung ứng dịch vụ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà Giám đốc doanh nghiệp quyết định chi hoa hồng cho từng hoạt động môi giới, hoặc từng chi phí dịch vụ.

2. Những nội dung cơ bản phải được thể hiện trong quy chế của doanh nghiệp:

a. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng được hưởng tiền chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ là các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) có làm môi giới hoặc dịch vụ tạo việc làm cho doanh nghiệp.

Chi hoa hồng môi giới không áp dụng đối với các đối tượng sau theo quy định tại Nghị định 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ:

+ Đại lý những mặt hàng theo Hợp đồng đại lý hoặc các khách hàng được chỉ định của doanh nghiệp theo những mặt hàng đã được xác định theo hợp đồng mua bán với doanh nghiệp.

+ Các chức danh quản lý của doanh nghiệp.

+ Những nhân viên của doanh nghiệp làm nhiệm vụ cung ứng, tiêu thụ vật tư sản phẩm cho doanh nghiệp.

b. Hợp đồng hoặc giấy xác nhận về hoạt động môi giới, hoạt động dịch vụ:

Đối với các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động môi giới, hoạt động dịch vụ chuyên nghiệp có đăng ký kinh doanh thì việc thực hiện chi hoa hồng môi giới, dịch vụ phải căn cứ vào Hợp đồng hoặc Giấy xác nhận giữa doanh nghiệp với các tổ chức kinh tế, cá nhân nói trên.

Đối với các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động môi giới, dịch vụ không chuyên nghiệp, hoạt động môi giới hay hoạt động dịch vụ có tính chất tự phát, không thường xuyên, hoặc khoản chi dưới 50.000 đồng/người/ lần thì việc chi phải căn cứ vào Hợp đồng hoặc Giấy xác nhận giữa doanh nghiệp và người làm môi giới hoặc hoạt động dịch vụ trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận tiền.

Hợp đồng hoặc Giấy xác nhận tối thiểu phải có các nội dung sau:

+ Nội dung hoạt động môi giới, hoạt động dịch vụ.

+ Mức chi.

+ Phương thức thanh toán.

+ Thời gian thực hiện và kết thúc.

+ Trách nhiệm của các bên.

c. Khi kết thúc hoạt động môi giới, hoạt động dịch vụ doanh nghiệp phải thanh lý hợp đồng hoặc có xác nhận kết thúc hoạt động môi giới, hoạt động dịch vụ với đơn vị (hoặc cá nhân) làm môi giới hoặc hoạt động dịch vụ. Căn cứ vào thanh lý hợp đồng hoặc xác nhận kết thúc hoạt động môi giới, hoạt động dịch vụ, doanh nghiệp hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh theo số tiền thực chi.

3. Quy định về mức chi hoa hồng môi giới, dịch vụ:

- Việc chi hoa hồng môi giới, chi dịch vụ phải căn cứ vào hiệu quả do hoạt động môi giới và dịch vụ mang lại.

- Hiệu quả hoạt động môi giới được thể hiện một trong các chỉ tiêu sau:

+ Giúp cho tiêu thụ được sản phẩm, hàng hoá đặc biệt là sản phẩm hàng hoá ứ đọng, giảm mất phẩm chất hoặc khó tiêu thụ.

+ Làm tăng sản lượng hoặc giá trị sản phẩm hàng hoá bán ra cho doanh nghiệp so với không có hoạt động môi giới, hoạt động dịch vụ.

+ Giúp cho doanh nghiệp mua được vật tư hàng hoá có chất lượng tốt, giá mua rẻ hơn giá thị trường.

- Hiệu quả của hoạt động dịch vụ là tạo thêm được việc làm cho doanh nghiệp.

- Mức chi hoa hồng môi giới hoặc chi phí dịch vụ có thể là số tiền tuyệt đối, có thể tính theo tỷ lệ % trên doanh thu, hoặc trên số chênh lệch giá trị tăng thêm do hoạt động môi giới và dịch vụ mang lại.

Mức chi cụ thể do Giám đốc doanh nghiệp quyết định. Trường hợp doanh nghiệp làm đại lý uỷ quyền cho chủ hàng, thì mức chi do chủ hàng quyết định.

Mức chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ được khống chế không quá 3% doanh thu nếu là các hoạt động môi giới hay dịch vụ không thể tính được phần giá trị tăng lên bằng số tiền tuyệt đối; hoặc không quá 30% trên giá trị tăng thêm, nếu xác định giá trị tuyệt đối tăng thêm. Nhưng tổng mức chi phí dịch vụ, chi hoa hồng môi giới và các khoản chi giao dịch tiếp khách, đối ngoại... phải trong phạm vi khống chế theo quy định của chế độ hiện hành. Trường hợp đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng các hoạt động môi giới, chi phí dịch vụ, tiếp thị quảng cáo, đối ngoại cần phải chi ở mức cao hơn thì doanh nghiệp phải làm phương án báo cáo Bộ Tài chính xem xét quyết định.

4. Quy định về chứng từ chi:

Chứng từ chi phí dịch vụ, hoa hồng môi giới phải đảm bảo đủ các yếu tố của chứng từ chi theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.

Về nguyên tắc mọi chứng từ chi phải đảm bảo có chữ ký của người nhận tiền. Trường hợp không thể có chữ ký của người nhận tiền thì phải ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận tiền.

Trường hợp chi bằng chuyển khoản qua Ngân hàng cũng phải đảm bảo đủ các yếu tố như nội dung chi, số tiền, tên đơn vị hoặc cá nhân nhận. 5. Trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước trong việc thực hiện chi phí dịch vụ, hoa hồng môi giới:

Trong mọi trường hợp, người đề nghị chi và người quyết định chi hoa hồng môi giới, chi phí dịch vụ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu lạm dụng chế độ để chi sai mục đích, chi không đúng đối tượng thì người ra quyết định chi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

III. KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh với Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)