Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2002/TT-BXD

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA XÂY DỰNG SỐ 01/2002/TT-BXD NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN DỰ ÁN THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG THIẾT KẾ - CUNG ỨNG VẬT TƯ, THIẾT BỊ - XÂY DỰNG (EPC)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 15/CP ngày 4/3/1994 của Chính phủ, Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng (Hợp đồng chìa khoá trao tay) được quy định tại Điều 62 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện hình thức Hợp đồng Thiết kế-Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng đối với các dự án, gói thầu sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư phát triển của Doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt về hình thức thực hiện Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng trong quyết định đầu tư (đối với dự án) hoặc trong kế hoạch đấu thầu (đối với gói thầu).

2/ Những dự án, gói thầu thực hiện theo hình thức Hợp đồng Thiết kế-Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng bằng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài hoặc bằng các nguồn vốn khác thì có thể vận dụng các quy định hướng dẫn tại Thông tư này kết hợp với quy định hay thoả thuận của tổ chức cung cấp vốn.

3/ Giải thích từ ngữ

3.1 Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng (viết tắt theo tiếng Anh là Hợp đồng EPC) hay Hợp đồng chìa khoá trao tay là sự thoả thuận bằng văn bản được ký kết giữa Chủ đầu tư dự án với một Nhà thầu hoặc một liên danh Nhà thầu (được gọi chung là Tổng thầu EPC) để thực hiện các công việc về thiết kế - cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật - xây dụng và lắp đặt của một dự án hay của một gói thầu.

3.2 Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư là tài liệu do Chủ đầu tư soạn thảo để tiếp tục làm rõ và định hướng cụ thể đối với những nội dung, yêu cầu chủ yếu

của dự án đã nêu trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi được duyệt.

Nội dung Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư phải đầy đủ và rõ ràng để Nhà thầu có thể xác định được phạm vi công việc, dự tính khối lượng công tác và giá cả để ký kết Hợp đồng EPC.

3.3 Kế hoạch thanh toán: là tài liệu xác định tổng giá trị thanh toán của Hợp đồng EPC có phân chia theo số lần thanh toán hoặc giai đoạn thanh toán (tháng, quý, năm) phù hợp với tiến độ và khối lượng thực hiện các công việc của hợp đồng.

Kế hoạch thanh toán do Tổng thầu EPC lập và được Chủ đầu tư chấp thuận để làm cơ sở tạm ứng vốn và thanh toán khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng.

3.4 Tư vấn của Chủ đầu tư: là tổ chức tư vấn do Chủ đầu tư lựa chọn để thực hiện một số công việc như: chuẩn bị hợp đồng, lập Thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán và Hồ sơ mời thầu (nếu cần), giám sát quá trình thực hiện hợp đồng, cấp Chứng chỉ sử dụng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn khác theo yêu cầu của Chủ đầu tư.

3.5 Nhà thầu phụ: là Nhà thầu về tư vấn, khảo sát, thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật, xây lắp trực tiếp ký kết Hợp đồng thầu phụ với Tổng thầu EPC.

3.6 Hợp đồng thầu phụ: là hợp đồng ký kết giữa Tổng thầu EPC với một Nhà thầu phụ để thực hiện một phần công việc của Tổng thầu EPC trong Hợp đồng EPC.

II- MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG EPC

1/ Chuẩn bị Hợp đồng EPC

Để thực hiện dự án, gói thầu theo hình thức Hợp đồng EPC, Chủ đầu tư dự án cần phải làm một số công việc chuẩn bị sau đây:

1.1 Lập Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư

Căn cứ nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, Chủ đầu tư lập Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư với những nội dung:

a/ Yêu cầu của dự án, gói thầu về quy mô công suất, năng lực khai thác sử dụng; mức độ áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành; yêu cầu về các giải pháp kỹ thuật - công nghệ - thương mại; các chỉ dẫn kỹ thuật đối với vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật, nguyên vật liệu cần được cung ứng cho dự án, gói thầu; yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp đối với Nhà thầu.

b/ Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt; những yêu cầu cụ thể về kiến trúc và các thông số thiết kế ban đầu cũng như các quy phạm, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng trong thiết kế và xây dựng; điều kiện tự nhiên của khu vực địa điểm xây dựng; các yêu cầu về quản lý chất lượng, thử nghiệm, vận hành chạy thử và bảo trì công trình;

c/ Phạm vi công việc và kế hoạch tiến độ thực hiện bao gồm: phân định việc cung cấp các máy móc, vật tư, thiết bị, cấp điện, cấp nước, đường giao thông, thông tin liên lạc đến địa điểm xây dựng; các chỉ dẫn về nguồn cung cấp vật liệu tại chỗ; vị trí địa điểm bố trí các công trình phụ trợ; các mốc thời gian thực hiện những công việc chủ yếu;

d/ Dự kiến chi phí thực hiện dự án, gói thầu EPC;

e/ Thông tin liên quan đến các thủ tục phê duyệt; số lượng các loại hồ sơ, tài liệu phải nộp; chi tiết về vị trí địa điểm xây dựng; bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ và những vấn đề khác.

Nội dung Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư là một bộ phận của Hồ sơ mời thầu EPC.

1.2 Chuẩn bị tài liệu thiết kế để giao thầu EPC; lập, thẩm định và phê duyệt Thiết kế kỹ thuật.

a/ Trong trường hợp Chủ đầu tư đã có sẵn Thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán thì việc giao thầu EPC thực hiện trên cơ sở Thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán đã được phê duyệt.

b/ Trường hợp hồ sơ Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt chưa đủ đảm bảo để giao thầu EPC thì Chủ đầu tư phải bổ sung, hoàn chỉnh Thiết kế sơ bộ cho phù hợp với yêu cầu cụ thể của dự án, gói thầu để trình thẩm định và phê duyệt làm cơ sở giao thầu EPC.

c/ Chủ đầu tư giao cho Tổng thầu EPC lập Thiết kế kỹ thuật trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư (hoặc Hồ sơ mời thầu).

Trong trường hợp này, nếu Tổng thầu EPC có những đề xuất mới về thiết kế nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu đối với dự án, gói thầu thì Chủ đầu tư phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về những đề xuất này.

d/ Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế của dự án, gói thầu EPC được thực hiện như sau:

- Đối với dự án, gói thầu thực hiện giao thầu EPC trên cơ sở Thiết kế sơ bộ đã bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định tại Điểm b-Khoản này thì Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và trình phê duyệt Hồ sơ Thiết kế bổ sung, hoàn chỉnh. Tổng thầu EPC có trách nhiệm lập Thiết kế kỹ thuật và báo cáo Chủ đầu tư chấp thuận phê duyệt

- Trường hợp Tổng thầu EPC lập Thiết kế kỹ thuật theo quy định tại Điểm c-Khoản này thì Tổng thầu EPC có trách nhiệm thông qua Chủ đầu tư để trình thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật theo quy định hiện hành.

1.3 Phạm vi thực hiện các công việc của Hợp đồng EPC bao gồm: hạng mục công trình chính, các hạng mục công trình khác để bảo đảm vận hành sử dụng đồng bộ, hoàn chỉnh toàn bộ công trình theo thiết kế được duyệt. Các công việc phục vụ thi công như: xây nhà ở tạm cho công nhân, khu phụ trợ, làm đường nội bộ công trường và đường giao thông đến địa điểm xây dựng (nếu có), cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc và những công việc khác thuộc nội dung Hợp đồng EPC.

Tuỳ thuộc đặc điểm cụ thể của dự án, gói thầu, Chủ đầu tư có thể thoả thuận để giao cho Tổng thầu EPC thực hiện một số công việc khác thuộc dự án nhưng nằm ngoài nội dung Hợp đồng EPC.

1.4 Lựa chọn Tổng thầu EPC

a/ Chủ đầu tư lựa chọn Tổng thầu EPC thông qua chỉ định thầu hoặc đấu thầu trên cơ sở xem xét, chấp thuận Đề xuất về mức độ đáp ứng yêu cầu của dự án, gói thầu của Nhà thầu được chỉ định hoặc Hồ sơ dự thầu của Nhà thầu trúng thầu.

Việc chỉ định Tổng thầu EPC phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận trên cơ sở văn bản đề nghị chỉ định thầu của Chủ đầu tư (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Việc đấu thầu để lựa chọn Tổng thầu EPC được thực hiện theo quy định của Pháp luật về đấu thầu.

b/ Nhà thầu hoặc liên danh các Nhà thầu được lựa chọn làm Tổng thầu EPC phải có các tiêu chuẩn chủ yếu sau đây:

- Có đăng ký kinh doanh phù hợp với nội dung công việc của dự án, gói thầu thực hiện theo hình thức Hợp đồng EPC.

Trường hợp liên danh các Nhà thầu được lựa chọn làm Tổng thầu EPC thì phải có một Nhà thầu đại diện chịu trách nhiệm chung và phải có Cam kết thực hiện công việc theo phân giao trách nhiệm giữa các Nhà thầu;

- Có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổng thầu EPC như: đã thực hiện các dự án, gói thầu có quy mô tương đương; có khả năng đưa ra danh sách các Nhà thầu phụ thích hợp; trong cơ cấu tổ chức của Nhà thầu hoặc liên danh các Nhà thầu có các đơn vị đầu mối về tư vấn thiết kế, gia công chế tạo, cung ứng vật tư, thiết bị và xây lắp;

- Có khả năng đáp ứng được các yêu cầu tài chính của dự án, gói thầu.

1.5 Việc thương thảo, ký kết hợp đồng EPC phải căn cứ vào kết quả đấu thầu được duyệt (trường hợp đấu thầu) hoặc Đề xuất về mức độ đáp ứng yêu cầu của dự án, gói thầu của Nhà thầu được chỉ định (trường hợp chỉ định thầu).

Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư về nội dung của hợp đồng trước khi hợp đồng được ký kết và có hiệu lực.

1.6 Giá Hợp đồng EPC được hình thành và xác định trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư (hoặc Hồ sơ mời thầu); Đề xuất về mức độ đáp ứng yêu cầu của dự án, gói thầu (hoặc Hồ sơ dự thầu của Nhà thầu trúng thầu) và kết quả thương thảo, đàm phán hợp đồng giữa Chủ đầu tư với Tổng thầu EPC.

a/ Trong trường hợp đấu thầu để thực hiện dự án, gói thầu thì giá Hợp đồng EPC xác định trên cơ sở giá trúng thầu đã được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

b/ Trong trường hợp chỉ định thầu thì đối với những loại dự án, gói thầu như xây dựng các công trình nhà ở, trường học, cửa hàng v..v., giá Hợp đồng EPC được xác định ngay khi ký kết hợp đồng trên cơ sở dự kiến chi phí thực hiện trong Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư.

Đối với loại dự án, gói thầu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp thì gía Hợp đồng EPC được xác định tạm thời theo dự kiến chi phí thực hiện trong Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư và được xác định chính thức sau khi đã có Thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán được duyệt.

c/ Về nguyên tắc, giá Hợp đồng EPC không được vượt giá gói thầu được duyệt hoặc mức vốn đầu tư của gói thầu EPC trong tổng mức đầu tư của dự án được duyệt.

1.7 Tổng thầu EPC thực hiện cung ứng vật tư, thiết bị theo nội dung Hợp đồng EPC thông qua các hình thức mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, đấu thầu hay chỉ định Nhà thầu cung ứng.

Trường hợp thực hiện đấu thầu cung ứng vật tư, thiết bị thì Tổng thầu EPC phải lập và thoả thuận với Chủ đầu tư về Hồ sơ mời thầu cung ứng vật tư, thiết bị.

Nội dung hợp đồng cung ứng vật tư, thiết bị phải phù hợp với nội dung và tiến độ thực hiện Hợp đồng EPC.

2/ Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ đầu tư, Tổng thầu EPC và cơ quan, đơn vị có liên quan

Trên cơ sở các quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP và số 12/2000/NĐ-CP của Chính phủ, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ đầu tư, Tổng thầu EPC và Cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng EPC được hướng dẫn cụ thể như sau:

2.1 Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ đầu tư bao gồm:

a/ Quản lý vốn của dự án và thanh toán cho Tổng thầu EPC theo Kế hoạch thanh toán và tiến độ thực hiện;

b/ Lập Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư, Hồ sơ mời thầu (trường hợp tổ chức đấu thầu) và trình duyệt các tài liệu này.

c/ Giao cho Tổng thầu EPC lập Thiết kế kỹ thuật chi tiết và Hồ sơ mời thầu cung ứng vật tư, thiết bị (nếu có) của dự án, gói thầu. Trường hợp do tính chất kỹ thuật đặc biệt của dự án, gói thầu thì Chủ đầu tư có thể báo cáo Người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thuê tư vấn lập Thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán và Hồ sơ mời thầu cung ứng vật tư, thiết bị.

d/ Trình duyệt (hoặc thoả thuận phê duyệt) Thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán và kế hoạch thực hiện dự án; làm thủ tục phê duyệt hoặc thoả thuận khác.

e/ Đền bù, rà phá bom mìn (nếu có), giải phóng và bàn giao mặt bằng xây dựng cho Tổng thầu EPC;

f/ Xin giấy phép xây dựng (nếu cần);

g/ Ký kết hợp đồng với Tổng thầu EPC để thi công trước các hạng mục chuẩn bị xây dựng như: đường giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc vào công trường và các công trình kỹ thuật khác;

h/ Thoả thuận với Tổng thầu EPC về Thiết kế bản vẽ thi công những hạng mục công trình chính và Hồ sơ mời thầu mua sắm vật tư, thiết bị (nếu tổ chức đấu thầu);

i/ Thoả thuận với Tổng thầu EPC về danh sách các Nhà thầu phụ;

j/ Trực tiếp hoặc thông qua Tư vấn thực hiện giám sát hiện trường đối với các công việc thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị, xây dựng và lắp đặt, nghiệm thu, vận hành chạy thử và các công việc khác;

k/ Tổ chức nghiệm thu và làm thủ tục để cấp Chứng chỉ sử dụng công trình (nếu cần);

l/ Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành công trình;

m/ Đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng các chế độ, chính sách ưu đãi của dự án (nếu có) đối với Tổng thầu EPC.

2.2 Trách nhiệm và quyền hạn của Tổng thầu EPC bao gồm:

a/ Tiếp nhận và quản lý Tổng mặt bằng xây dựng, bảo quản tim, cốt, mốc giới công trình và điều phối hoạt động chung giữa các Nhà thầu (nếu có);

b/ Lập Thiết kế kỹ thuật chi tiết;

c/ Lập và thoả thuận với Chủ đầu tư về Thiết kế bản vẽ thi công theo hồ sơ Thiết kế kỹ thuật được duyệt;

d/ Lập và thoả thuận với Chủ đầu tư về Hồ sơ mời thầu cung ứng vật tư, thiết bị và tổ chức lựa chọn Nhà thầu cung ứng vật tư, thiết bị (nếu có);

e/ Lập và thoả thuận với Chủ đầu tư về Kế hoạch tiến độ thực hiện các giai đoạn thi công hoặc các hạng mục công trình chủ yếu;

g/ Lập và thoả thuận với Chủ đầu tư về Kế hoạch thanh toán;

h/ Lựa chọn Nhà thầu phụ thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu;

i/ Tiếp nhận và quản lý sử dụng các hạng mục công trình ngoài gói thầu EPC do Chủ đầu tư bàn giao (nếu có);

j/ Tổ chức hệ thống quản lý chất lượng thi công xây dựng;

k/ Thực hiện công tác thử nghiệm, hiệu chỉnh; vận hành chạy thử đồng bộ công trình; tham gia hướng dẫn, đào tạo công nhân vận hành, chuyển giao công nghệ và các tài liệu kỹ thuật, bí quyết (nếu có) liên quan đến việc vận hành, sử dụng và bảo trì công trình; bàn giao công trình cho Chủ đầu tư theo quy định trong khuôn khổ của Hợp đồng EPC;

l/ Lập biện pháp đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ và an toàn lao động trên công trường;

m/ Ký kết hợp đồng với Tư vấn trong nước hoặc nước ngoài (nếu cần) để thực hiện một số nhiệm vụ của Tổng thầu EPC;

n/ Thực hiện bảo hành công trình theo quy định hiện hành.

2.3 Các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị cấp trên của Chủ đầu tư có trách nhiệm:

a/ Xem xét, giải quyết các vấn đề, các thủ tục liên quan đến việc triển khai, thực hiện dự án, gói thầu EPC trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình như: thẩm định, phê duyệt Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư (hoặc Hồ sơ mời thầu), văn bản chỉ định Tổng thầu EPC (hoặc kết quả đấu thầu EPC), Thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán, các sửa đổi bổ sung thiết kế (nếu có) theo phân cấp.

b/ Chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, gói thầu EPC.

3/ Thực hiện Hợp đồng EPC

3.1 Hợp đồng EPC được ký kết với những nội dung chủ yếu sau đây:

a/ Các chủ thể và đối tượng của hợp đồng

b/ Thời gian thực hiện

c/ Các điều kiện của hợp đồng

d/ Giá hợp đồng và nghiệm thu, thanh toán

e/ Sử dụng Nhà thầu phụ

f/ Bảo hành công trình

g/ Hiệu lực của hợp đồng và giải quyết các tranh chấp.

Hợp đồng EPC còn bao gồm các phụ lục hợp đồng kèm theo như: các bản vẽ, các chỉ dẫn kỹ thuật; Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư; các thoả thuận bằng văn bản giữa Chủ đầu tư với Tổng thầu EPC; Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ dự thầu (hoặc đề xuất của Nhà thầu) và các tài liệu có liên quan khác.

3.2 Giá Hợp đồng EPC chỉ được điều chỉnh khi trong hợp đồng ký kết có quy định rõ về phạm vi, mức độ và phương pháp điều chỉnh giá. Nguyên tắc điều chỉnh giá Hợp đồng EPC như sau:

a/ Đối với các khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng do những nguyên nhân không thuộc về Nhà thầu như bổ sung, thay đổi thiết kế, do điều kiện địa chất công trình thay đổi thì:

- Phần khối lượng phát sinh của những công việc đã có trong danh mục công việc của hợp đồng được điều chỉnh theo đơn giá của hợp đồng đã ký kết (bao gồm cả yếu tố trượt giá).

- Đối với khối lượng phát sinh của những công việc chưa có trong danh mục công việc của hợp đồng thì Chủ đầu tư phải thống nhất với Tổng thầu EPC về việc xác định đơn giá áp dụng cho các công việc có khối lượng phát sinh theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b/ Đối với Hợp đồng EPC không thuộc loại hợp đồng trọn gói và có thời gian thực hiện trên 12 tháng thì từ tháng thứ 13 trở đi, hợp đồng sẽ được xem xét điều chỉnh giá đối với một số loại vật tư, vật liệu xây dựng chủ yếu và chi phí về nhân công.

c/ Khi có những thay đổi lớn về chế độ, chính sách của Nhà nước áp dụng cho đầu tư và xây dựng làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá hợp đồng thì giá Hợp đồng EPC sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp với những thay đổi này.

d/ Tổng thầu EPC chịu trách nhiệm tính toán, giải trình và thoả thuận với Chủ đầu tư về các điều chỉnh giá.

3.3 Việc thanh toán Hợp đồng EPC được thực hiện trên cơ sở những nguyên tắc sau đây:

a/ Giá thanh toán Hợp đồng EPC là giá hợp đồng và các điều kiện ghi trong hợp đồng phù hợp với các quy định nêu tại Điểm 1.6, 1.7 - Khoản 1 và Điểm 3.1 và 3.2 - Khoản 3 - Mục II của Thông tư này.

b/ Khi triển khai thực hiện Hợp đồng, Chủ đầu tư tạm ứng vốn cho Tổng thầu EPC (trừ trường hợp Hai bên có thoả thuận khác). Mức tạm ứng và việc thu hồi vốn tạm ứng được quy định như sau:

- Mức tạm ứng vốn lần đầu cho Tổng thầu EPC tối thiểu bằng 15% giá trị của Hợp đồng EPC (không bao gồm giá trị phần thiết bị công nghệ);

- Việc tạm ứng vốn để mua sắm thiết bị công nghệ, dịch vụ kỹ thuật được xác định theo thoả thuận giữa Tổng thầu EPC với Nhà sản xuất, cung ứng và phải phù hợp với tiến độ thực hiện Hợp đồng EPC;

- Việc tạm ứng vốn của Tổng thầu EPC cho các Nhà thầu phụ được thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành;

- Vốn tạm ứng sẽ được thu hồi dần theo từng kỳ thanh toán và thu hồi hết khi công việc được thanh toán đến 80% giá trị khối lượng hoàn thành.

c/ Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu EPC theo tiến độ thực hiện công việc, theo giá trúng thầu hay giá trị hợp đồng đã được ký kết và các điều kiện khác của hợp đồng trên cơ sở khối lượng công việc thực hiện được nghiệm thu theo giai đoạn thực hiện hoặc hạng mục công trình hoàn thành.

- Đối với công tác xây lắp, việc thanh toán được căn cứ vào khối lượng hoàn thành, Kế hoạch thanh toán và Phiếu đề nghị thanh toán của Tổng thầu EPC.

- Đối với việc mua sắm, cung ứng vật tư, thiết bị, việc thanh toán thực hiện theo hợp đồng cung ứng vật tư, thiết bị đã được ký kết;

- Đối với công tác tư vấn do Tổng thầu EPC thực hiện, việc thanh toán được căn cứ vào khối lượng công việc tư vấn hoàn thành đã được nghiệm thu theo giai đoạn hoặc theo thời gian thực hiện công việc tư vấn.

3.4 Sử dụng Nhà thầu phụ và Hợp đồng thầu phụ

a/ Tổng thầu EPC lựa chọn Nhà thầu phụ thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Danh sách các Nhà thầu phụ đã được khẳng định phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Chủ đầu tư.

Tổng thầu EPC không được phép giao thầu lại các công việc chủ yếu (phần do trong nước thực hiện) của dự án, gói thầu có tính chất quyết định đến chất lượng và thời hạn hoàn thành công trình. Việc giao thầu lại đối với những công việc khác của Tổng thầu EPC phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ đầu tư và Chủ đầu tư không được từ chối ra văn bản này nếu không có lý do xác đáng.

b/ Việc ký kết Hợp đồng thầu phụ giữa Tổng thầu EPC và Nhà thầu phụ phải phù hợp với nội dung của Hợp đồng EPC và các quy định của Pháp luật về hợp đồng.

c/ Trong phạm vi thực hiện công việc của Hợp đồng EPC, Nhà thầu phụ không có quan hệ trực tiếp với Chủ đầu tư và chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thầu EPC về phần công việc được giao thầu lại theo Hợp đồng thầu phụ.

3.5 Giám sát thực hiện Hợp đồng và nghiệm thu công trình

a/ Chủ đầu tư trực tiếp hoặc thông qua Tư vấn của mình kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng theo nội dung đã ký kết và theo các quy định hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng, bao gồm:

- Kiểm tra hệ thống quản lý và bảo đảm chất lượng công trình của Tổng thầu EPC.

- Giám sát chất lượng thi công xây dựng, gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị trong suốt quá trình xây dựng; ghi biên bản và thông báo cho Tổng thầu EPC (trực tiếp hoặc bằng văn bản) khi phát hiện thấy những hoạt động không phù hợp với thiết kế được duyệt hoặc quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng để Tổng thầu EPC sửa chữa, hiệu chỉnh;

- Kiểm tra, xác nhận những khối lượng công việc phát sinh không thuộc lỗi của Nhà thầu để bổ sung và giải quyết thanh toán.

b/ Tổng thầu EPC có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu về khối lượng và chất lượng công trình được quy định trong Hợp đồng EPC, bao gồm:

- Tổ chức hệ thống đảm bảo chất lượng để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thử nghiệm và nghiệm thu theo quy định hiện hành;

- Trả lời (trực tiếp hoặc bằng văn bản) và xử lý giải quyết những kiến nghị của Chủ đầu tư liên quan đến chất lượng công trình xây dựng;

- Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, tài liệu cho việc nghiệm thu theo giai đoạn, hạng mục hay công trình hoàn thành theo quy định.

c/ Công tác nghiệm thu giữa Chủ đầu tư và Tổng thầu EPC được thực hiện theo giai đoạn hoặc công trình, hạng mục công trình hoàn thành.

- Trước khi thi công, Chủ đầu tư cần thống nhất với Tổng thầu EPC về cách phân chia giai đoạn hoàn thành để nghiệm thu và chuyển bước thi công cũng như xác định những giai đoạn thi công quan trọng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tiến độ thực hiện và sự an toàn của công trình trong vận hành và khai thác sử dụng.

- Chủ đầu tư chủ trì tổ chức thực hiện công tác nghiệm thu trên cơ sở đánh giá thực trạng mức độ công việc hoàn thành và xem xét Hồ sơ nghiệm thu công trình cùng với các tài liệu có liên quan khác do Tổng thầu EPC trình. Đối với công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, Chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu tại các điểm dừng kỹ thuật hoặc các giai đoạn thi công quan trọng

3.6 Tổng thầu EPC thực hiện bảo hành toàn bộ công trình với thời hạn và mức tiền bảo hành quy định như sau:

a/ Thời hạn bảo hành được xác định theo thoả thuận (hay quy định) của Nhà sản xuất, cung ứng đối với máy móc, thiết bị và theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với công trình, hạng mục công trình xây dựng.

b/ Mức tiền bảo hành được xác định theo thoả thuận giữa Chủ đầu tư và Tổng thầu EPC đối với phần máy móc, thiết bị và theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với công trình, hạng mục công trình xây dựng.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2/ Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tổng công ty và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Nguyễn Mạnh Kiểm

(Đã ký)