Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2011/TT-BCA

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VŨ TRANG CANH GÁC BẢO VỆ MỤC TIÊU CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BẢO VỆ

Căn cứ Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ Công an quy định về hoạt động vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội của lực lượng Cảnh sát bảo vệ như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội (gọi chung là mục tiêu) của lực lượng Cảnh sát bảo vệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) thuộc lực lượng Cảnh sát bảo vệ và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác bảo vệ mục tiêu.

Điều 3. Nguyên tắc vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu

1. Tuân thủ quy định tại Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của Thông tư này.

2. Bảo đảm vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu thường xuyên, liên tục 24/24 giờ.

3. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Công an nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi xâm hại mục tiêu.

Điều 4. Yêu cầu đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu

1. Nắm vững và thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được phân công trong quá trình vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu, chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân.

3. Phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của người chỉ huy, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu phải chấp hành nghiêm sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của lãnh đạo cấp trên trực tiếp.

4. Khi tiếp xúc với người đến cơ quan có mục tiêu liên hệ công tác, phải có thái độ kính trọng, lịch sự và đúng mực.

5. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và của Bộ Công an về tiếp xúc với người nước ngoài khi thi hành nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

6. Đối với những đơn vị được cơ quan có mục tiêu bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt trong khu vực mục tiêu thì cán bộ, chiến sĩ ngoài việc thực hiện tốt nội quy đơn vị còn phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an ninh, trật tự, an toàn của cơ quan có mục tiêu bảo vệ.

7. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ thực hiện các hành vi sau đây trong khi làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tại mục tiêu:

a) Tiết lộ bí mật của ngành, bí mật về công việc, nhiệm vụ được giao;

b) Nói chuyện với người không có nhiệm vụ;

c) Hách dịch, gây khó khăn cho khách đến liên hệ công tác;

d) Đeo kính đen, ngủ gật, vào hàng quán, uống rượu, bia, hút thuốc lá, làm việc riêng;

đ) Bỏ vị trí, đi quá phạm vi quy định của vọng gác, phạm vi tuần tra, đốc gác đã được phân công;

e) Tự ý xem hồ sơ, tài liệu của cơ quan có mục tiêu bảo vệ;

g) Vào trong mục tiêu là trụ sở Đại sứ quán, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan đại diện các tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền;

h) Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu để làm những việc trái pháp luật hoặc gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành, của đơn vị;

i) Các hành vi vi phạm khác liên quan đến công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu.

Điều 5. Phương pháp vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu

1. Vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu tại vọng gác và khu vực bảo vệ.

2. Cơ động tuần tra kiểm soát bảo vệ mục tiêu.

3. Giám sát, bảo vệ mục tiêu bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Điều tra cơ bản đối với mục tiêu được giao canh gác bảo vệ

1. Các mục tiêu được giao canh gác bảo vệ đều phải được tiến hành điều tra cơ bản theo quy định của Bộ Công an nhằm thu thập các thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan, phục vụ công tác phòng ngừa các hành vi xâm hại mục tiêu và chủ động có kế hoạch, biện pháp bảo vệ an toàn mục tiêu. Thông tin, tài liệu thu thập được phải được xác minh, phân tích, tổng hợp bảo đảm tính khách quan, chính xác.

2. Hồ sơ điều tra cơ bản phải được lập, đăng ký, quản lý theo quy định của Bộ Công an; thường xuyên bổ sung, điều chỉnh thông tin, tài liệu và sắp xếp hệ thống theo thời gian, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu, khai thác sử dụng.

Điều 7. Xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở bí mật phục vụ công tác bảo vệ mục tiêu

1. Căn cứ đặc điểm, tính chất mục tiêu cần bảo vệ và tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có liên quan đến công tác bảo vệ mục tiêu để xây dựng, sử dụng cơ sở bí mật phục vụ công tác bảo vệ mục tiêu. Việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở bí mật được thực hiện theo quy định của Bộ Công an.

2. Lý lịch của người được tuyển chọn làm cơ sở bí mật phải được lãnh đạo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hồ sơ cá nhân của cơ sở bí mật phải được lập, đăng ký, quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ của Bộ Công an.

4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ phụ trách công tác bảo vệ mục tiêu và Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Công an cấp tỉnh) trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý cơ sở bí mật thuộc đơn vị, địa phương mình phụ trách.

Điều 8. Xây dựng phương án bảo vệ mục tiêu

1. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát bảo vệ mục tiêu thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ phải xây dựng phương án bảo vệ đối với các mục tiêu được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ, gửi Phòng Hướng dẫn nghiệp vụ Cảnh sát bảo vệ thẩm định, trình Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ phê duyệt.

2. Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an cấp tỉnh xây dựng phương án bảo vệ đối với các mục tiêu do Công an cấp tỉnh giao nhiệm vụ bảo vệ, trình Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt.

3. Mỗi mục tiêu phải được xây dựng ít nhất một phương án bảo vệ. Đối với mục tiêu tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng bố, bạo loạn, phá hoại vũ trang, bắt giữ con tin thì ngoài phương án bảo vệ thường xuyên, phải xây dựng phương án tác chiến để xử lý tình huống nêu trên.

4. Nội dung phương án bảo vệ mục tiêu phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Khái quát đặc điểm, tình hình mục tiêu cần bảo vệ; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu vực có mục tiêu;

b) Dự báo tình hình tội phạm và những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho mục tiêu; dự kiến các tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý;

c) Bố trí lực lượng, trang bị các loại phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm cho công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu.

5. Phương án bảo vệ mục tiêu phải được lưu tại đơn vị để theo dõi, kiểm tra và phải được thường xuyên tổ chức luyện tập.

Điều 9. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu

1. Đối với mục tiêu bảo vệ là mục tiêu chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội

a) Tập trung quan sát nắm tình hình, phát hiện những hiện tượng nghi vấn có liên quan đến an ninh, an toàn mục tiêu đang được bảo vệ, ghi chép đầy đủ vào sổ công tác và kịp thời báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị;

b) Hướng dẫn khách đến làm việc, thăm thân vào phòng thường trực hoặc nơi tiếp khách và thông báo cho cơ quan có mục tiêu bố trí người tiếp đón;

c) Chủ động phát hiện các hiện tượng tụ tập đông người ở khu vực mục tiêu đang được bảo vệ, nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, trực tiếp giải thích và yêu cầu mọi người giải tán; nếu tình hình phức tạp phải kịp thời báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để có biện pháp giải quyết;

d) Kiểm soát người vào, ra khỏi mục tiêu; nếu phát hiện có nghi vấn phải kiểm tra giấy tờ tùy thân, phương tiện, hành lý của người đó;

đ) Phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm nhập trái phép vào mục tiêu đang được bảo vệ. Trường hợp cố tình xâm nhập mục tiêu thì phải bắt và lập biên bản về hành vi xâm nhập đó, đồng thời báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và chuyển giao cơ quan Công an sở tại để có biện pháp xử lý;

e) Bắt người phạm tội quả tang, người có lệnh truy nã giao cho cơ quan Công an sở tại;

g) Bảo vệ hiện trường khi vụ việc xảy ra có dấu hiệu phạm tội, tai nạn xảy ra tại khu vực mục tiêu đang được bảo vệ; thu thập thông tin, báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và Công an sở tại về vụ việc đó;

h) Lập biên bản các vụ việc vi phạm hành chính xảy ra tại khu vực mục tiêu đang được bảo vệ, chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý;

i) Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an và cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn mục tiêu theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp có thẩm quyền.

2. Đối với mục tiêu ngoại giao là trụ sở Đại sứ quán, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan đại diện các tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam (gọi chung là cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam)

a) Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bảo đảm an toàn trụ sở cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam;

c) Kiểm soát người vào, ra khỏi trụ sở cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; nắm vững đặc điểm bên ngoài, phương tiện đi lại, thời gian vào, ra của họ, ghi chép, mô tả đầy đủ các thông tin thu thập được vào sổ nhật ký công tác và tập hợp, báo cáo Thủ trưởng theo quy định. Nếu phát hiện thấy hiện tượng khác thường hoặc có biểu hiện nghi vấn thì phải kịp thời ngăn chặn, báo cáo ngay chỉ huy đơn vị để có biện pháp giải quyết kịp thời;

d) Ngăn chặn mọi hành vi xâm nhập, phá hoại trụ sở của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; nếu phát hiện người có hành vi đột nhập mục tiêu, trộm cắp tài sản, tài liệu, phá hoại, tấn công vũ trang, bắt giữ con tin, đặt bom mìn, chất cháy, nổ, truyền đơn, dán, vẽ khẩu hiệu có nội dung phản động lên tường rào, hành lang mục tiêu bảo vệ và những hành vi khác xâm hại đến mục tiêu bảo vệ thì phải bắt, giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

d) Phối hợp với lực lượng bảo vệ của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để bảo vệ an toàn mục tiêu;

e) Trường hợp cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có yêu cầu trao đổi về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn mục tiêu thì cán bộ cấp phòng và tương đương trở lên phụ trách công tác bảo vệ mục tiêu (ít nhất phải có 02 người) trực tiếp làm việc với người phụ trách an ninh của cơ quan đó để bàn về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; nội dung trao đổi, làm việc phải được lập thành biên bản và hai bên cùng ký xác nhận. Kết quả làm việc phải được báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo cấp trên trực tiếp;

g) Thực hiện quy định của pháp luật về ngoại giao và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 10. Nhiệm vụ của cán bộ đốc gác

1. Nắm vững vị trí, phạm vi, đặc điểm, phương án bảo vệ mục tiêu, nhiệm vụ và những quy định của từng vọng gác trong ca mình phụ trách. Chịu trách nhiệm liên đới bảo vệ an toàn các mục tiêu theo phạm vi được phân công.

2. Gọi gác, kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ trang bị cho cán bộ, chiến sĩ gác, tổ chức giao nhiệm vụ, chỉ huy dẫn đổi gác, duy trì thời gian ca gác.

3. Thường xuyên lưu động kiểm tra, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ gác chấp hành quy định canh gác nhằm đảm bảo an toàn mục tiêu được phân công.

4. Trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ gác chủ động ngăn chặn kịp thời các hoạt động vũ trang tấn công hoặc đột nhập, phá hoại mục tiêu bảo vệ.

5. Hỗ trợ hoặc thay thế vị trí của cán bộ, chiến sĩ gác trong trường hợp cần thiết, như hỗ trợ giải quyết công việc tại mục tiêu, thay thế tạm thời khi cán bộ, chiến sĩ gác bị thương, ốm đau, tai nạn …. đồng thời, báo cáo chỉ huy đơn vị biết, chủ động bố trí lực lượng tăng cường.

6. Báo cáo với chỉ huy hoặc bàn giao lại cho cán bộ đốc gác kế tiếp về tình hình mục tiêu trong ca mình phụ trách, biện pháp giải quyết vụ việc xảy ra có ảnh hưởng đến an toàn mục tiêu bảo vệ.

Điều 11. Trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Đơn vị Cảnh sát bảo vệ làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện chở quân, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc để thực hiện nhiệm vụ.

2. Cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do cấp có thẩm quyền quyết định căn cứ vào đặc điểm, tình hình mục tiêu được giao bảo vệ.

3. Việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.

Điều 12. Vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu tại vọng gác

1. Căn cứ đặc điểm, tính chất, phạm vi của mục tiêu cần bảo vệ để bố trí số lượng vọng gác cho phù hợp. Mỗi mục tiêu có thể bố trí một hoặc nhiều vọng gác nhưng ít nhất phải có 01 vọng gác trung tâm thường trực 24/24 giờ và phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Bao quát được mục tiêu cần bảo vệ;

b) Kiểm soát tình hình để chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống làm ảnh hưởng tới sự an toàn của mục tiêu;

c) Hỗ trợ kịp thời giữa các vọng gác khi có tình huống xảy ra.

2. Mỗi vọng gác được biên chế 08 (tám) cán bộ, chiến sĩ trực tiếp canh gác, trong đó chiến sĩ phục vụ có thời hạn không quá 60% tổng biên chế quân số của vọng gác.

3. Vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu tại vọng gác được chia thành nhiều ca gác, mỗi ca gác phải bảo đảm ít nhất có một cán bộ, chiến sĩ gác tại vọng gác. Nếu vọng gác ở xa trụ sở chỉ huy, khó khăn trong việc huy động lực lượng hoặc do tính chất đặc thù của mục tiêu bảo vệ, có thể bố trí từ hai cán bộ, chiến sĩ trở lên cùng một lúc gác tại một vọng gác và phải có phương án huy động lực lượng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mục tiêu bảo vệ. Trường hợp một mục tiêu có nhiều vọng gác, thì mỗi ca gác phải cử một người làm tổ trưởng ca gác, đồng thời là người chỉ huy của ca gác đó và phải trực tiếp gác ở vọng gác trung tâm để thuận tiện cho việc chỉ huy, nắm tình hình.

Điều 13. Cơ động tuần tra kiểm soát bảo vệ mục tiêu

1. Chỉ huy đơn vị vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu căn cứ vào đặc điểm, tình hình, tính chất của mục tiêu, địa hình khu vực mục tiêu để bố trí lực lượng, phương thức tuần tra kiểm soát và xác định phạm vi, địa bàn tuần tra kiểm soát bảo vệ mục tiêu phù hợp. Việc tuần tra kiểm soát bảo vệ mục tiêu có thể thực hiện bằng phương tiện cơ giới hoặc đi bộ, đội hình tuần tra kiểm soát bảo vệ mục tiêu phải có ít nhất từ 02 (hai) người trở lên.

2. Khi tiến hành tuần tra kiểm soát bảo vệ mục tiêu phải đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, không tuần tra kiểm soát theo quy luật, tăng cường tuần tra vào những giờ cao điểm.

3. Tuần tra kiểm soát xung quanh mục tiêu, đặc biệt chú trọng những điểm xung yếu, những vị trí khuất tầm quan sát của người gác tại vọng gác. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi đột nhập mục tiêu và các hành vi khác gây nguy hại cho mục tiêu cần bảo vệ.

4. Hỗ trợ chiến sĩ gác tại vọng gác trong việc giải quyết các tình huống xảy ra tại mục tiêu.

5. Tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội xung quanh mục tiêu cần bảo vệ. Bắt người đang có lệnh truy nã, người phạm tội quả tang trong phạm vi khu vực tuần tra kiểm soát, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Điều 14. Giám sát, bảo vệ mục tiêu bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ được sử dụng camera, bục gác chống đạn, thiết bị kiểm tra phát hiện kim loại và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác để giám sát, bảo vệ mục tiêu.

2. Căn cứ đặc điểm, tính chất của mục tiêu cần bảo vệ, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát bảo vệ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, bảo vệ mục tiêu.

Điều 15. Giải quyết các tình huống xảy ra tại mục tiêu

1. Đối với những vụ, việc đơn giản, ít phức tạp thì cán bộ, chiến sĩ gác trực tiếp giải quyết; cán bộ đốc gác chỉ huy cán bộ, chiến sĩ gác giải quyết vụ việc bảo đảm đúng người, đúng pháp luật và báo cáo tình hình giải quyết vụ, việc với chỉ huy đơn vị.

2. Đối với những tình huống phức tạp, chỉ huy đơn vị Cảnh sát bảo vệ mục tiêu báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo, trực tiếp chỉ huy việc giải quyết tình huống; bố trí lực lượng thành các tổ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ tham gia giải quyết tình huống.

3. Đối với các tình huống đặc biệt nghiêm trọng xảy ra như khủng bố, bạo loạn, phá hoại vũ trang, bắt giữ con tin:

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ, Giám đốc Công an cấp tỉnh trực thuộc chỉ đạo việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia giải quyết tình huống tại mục tiêu do đơn vị mình bố trí lực lượng bảo vệ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Công an, lực lượng Quân đội, cơ quan có mục tiêu, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan;

b) Trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ, Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo Bộ trưởng quyết định điều động lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm của Bộ và các lực lượng chức năng khác thuộc Bộ Công an, Công an cấp tỉnh để phối hợp giải quyết tình huống.

Điều 16. Chế độ báo cáo

1. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu phải báo cáo ngay với chỉ huy đơn vị trong các trường hợp sau:

a) Có vụ việc xảy ra trong phạm vi khu vực mục tiêu, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn mục tiêu được bảo vệ;

b) Phát hiện đối tượng có hành vi đột nhập mục tiêu;

c) Phát hiện những hiện tượng nghi vấn, hoạt động trái quy luật của cán bộ, nhân viên của cơ quan có mục tiêu bảo vệ, kể cả nhân viên ngoại giao;

d) Phát hiện những sự việc, hiện tượng khác gây mất trật tự, an toàn xã hội xung quanh mục tiêu được bảo vệ.

2. Chế độ báo cáo của đơn vị Cảnh sát bảo vệ mục tiêu:

a) Hằng ngày, báo cáo về tình hình công tác của đơn vị với chỉ huy đơn vị cấp trên trực tiếp;

b) Định kỳ tuần, tháng, quý, sáu tháng, năm báo cáo về tình hình công tác của đơn vị với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cấp trên;

c) Báo cáo đột xuất khi có vụ việc xảy ra;

d) Trường hợp cần thiết như xảy ra khủng bố, bạo loạn, phá hoại vũ trang, bắt giữ con tin, có thể báo cáo vượt cấp đến chỉ huy, lãnh đạo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Điều 17. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ

Hàng năm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ được huấn luyện về điều lệnh, quân sự, võ thuật, bắn súng và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và các vấn đề khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát bảo vệ. Kinh phí huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ được phân bổ hàng năm theo quy định.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/3/2011; thay thế Quy định về công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 215/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 15/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

b) Chỉ đạo Cục Cảnh sát bảo vệ tổ chức lực lượng bảo vệ các mục tiêu theo sự phân cấp của Bộ Công an; biên soạn tài liệu và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát bảo vệ; nghiên cứu xây dựng dự án và lập dự trù kinh phí trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, xây dựng vọng gác phục vụ công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng Cảnh sát bảo vệ.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội nghiên cứu, đề xuất Bộ trưởng quyết định về mô hình tổ chức, biên chế lực lượng Cảnh sát bảo vệ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, quân sự, võ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội nghiên cứu, đề xuất trang bị vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ phù hợp phục vụ công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng Cảnh sát bảo vệ.

4. Cục trưởng Cục Tài chính có trách nhiệm thẩm định, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt kinh phí trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, xây dựng vọng gác, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu phục vụ công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng Cảnh sát bảo vệ.

5. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội và Công an cấp tỉnh xác định những mục tiêu có khả năng xảy ra khủng bố, bạo loạn, phá hoại vũ trang, bắt giữ con tin; xây dựng phương án tác chiến, tổ chức diễn tập phương án; bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện tham gia giải quyết các tình huống xảy ra.

6. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ vũ trang canh gác, bảo vệ các mục tiêu tại địa phương theo phân cấp của Bộ Công an.

7. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu, phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội xảy ra tại mục tiêu; tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các đơn vị Thứ trưởng Bộ Công an;
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ TP. Hồ Chí Minh;
- Lưu: VT, C65, V19 (200 bản).

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh