Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2001/TT-TCBĐ

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 02/2001/TT-TCBĐ NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2001HƯỚNG DẪN QUYẾT ĐỊNH SỐ 46/2001/QĐ-TTG NGÀY 04/4/2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ THỜI KỲ 2001-2005 ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ THUỘC QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN

Thực hiện Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005, Tổng cục Bưu điện hướng dẫn Điều 3 đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc quản lý chuyên ngành của Tổng cục Bưu điện như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Thông tư này hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc quản lý chuyên ngành của Tổng cục Bưu điện. Tổng cục Bưu điện thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá bằng hai hình thức: cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu và cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn được quy định tại mục IV Phụ lục số 03 Quyết định 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

1.2. Hàng hoá thuộc quản lý chuyên ngành của Tổng cục Bưu điện bao gồm:

a. Tem bưu chính, ấn phẩm tem, các mặt hàng tem bưu chính (sau đây được gọi là mặt hàng tem bưu chính);

b. Vật tư, thiết bị viễn thông (sau đây được gọi là hàng hoá viễn thông).

1.3. Tổng cục Bưu điện khuyến khích các tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá sản xuất, lắp ráp trong nước.

II. QUY ĐỊNH VỀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ CẦN CÓ GIẤY PHÉP

2.1. Mặt hàng tem bưu chính:

2.1.1. Mặt hàng tem bưu chính cần có Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm:

a. Tem bưu chính:

- Tem;

- Blốc tem.

b. ấn phẩm tem bưu chính:

- Tờ kỷ niệm;

- Bưu giản (Aerogramme);

- Phong bì in sẵn tem;

- Phong bì ngày phát hành đầu tiên (FDC);

- Bưu ảnh in sẵn tem;

- Bưu ảnh có dán tem đóng dấu ngày phát hành đầu tiên (Maximum Card).

c. Các mặt hàng tem bưu chính:

- Tài liệu có minh hoạ bằng tem bưu chính;

- Vật phẩm có sử dụng tem bưu chính .

2.1.2. Mặt hàng tem bưu chính được xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm không thuộc một trong các mặt hàng tem bưu chính sau:

a. Tổng cục Bưu điện không cho phép lưu hành, đình chỉ phát hành hoặc có quyết định thu hồi;

b. Có nội dung không lành mạnh, kích động, gây thù hằn giữa các dân tộc, trái với phong tục tập quán và pháp luật Việt Nam;

c. Đã bị khuyến cáo bởi Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Hiệp hội tem chơi thế giới (FIP), Hiệp hội tem chơi Châu Á (FIAP) và không cho phép tham dự trong các triển lãm tem quốc tế.

2.1.3. Hồ sơ xin cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng tem bưu chính bao gồm:

a. Đơn xin phép xuất khẩu, nhập khẩu (theo mẫu 01);

b. Bản sao hợp lệ:

- Giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu (Đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu) hoặc Quyết định thành lập hay Giấy phép hoạt động (Đối với cơ quan, tổ chức) hoặc Giấy chứng minh nhân dân hay Hộ chiếu (đối với cá nhân);

- Giấy mời tham dự triển lãm, hội nghị (nếu tham dự triển lãm, hội nghị);

- Hợp đồng thương mại hoặc tờ khai hải quan hoặc hoá đơn (invoice) liên quan đến lô hàng.

2.1.4. Không cần Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu trong những trường hợp sau:

a. Mặt hàng tem bưu chính trao đổi nghiệp vụ giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) thông qua Văn phòng quốc tế của UPU mà Tổng cục Bưu điện uỷ quyền cho Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam thực hiện với số lượng 650 chiếc cho mỗi chủng loại;

b. Mặt hàng tem bưu chính nêu tại điểm 2.1.1 khi xuất khẩu, nhập khẩu với tổng số các chủng loại dưới 500 chiếc.

Đối với các trường hợp này không cần giấy phép của Tổng cục Bưu điện mà chỉ làm thủ tục trực tiếp tại Hải quan cửa khẩu.

2.2. Hàng hoá viễn thông:

2.2.1. Danh mục hàng hóa viễn thông nhập khẩu cần có giấy phép được quy định tại điểm 2 và 3 Mục IV Phụ lục số 03 của Quyết định 46/2001/QĐ-TTg gồm:

a. Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần số nằm trong khoảng từ 9 KHz đến 400 GHz, có công suất từ 60mW trở lên dùng trong nghiệp vụ viễn thông và các nghiệp vụ khác.

b. Thiết bị Rađa, các thiết bị trợ giúp bằng sóng vô tuyến và thiết bị điều khiển xa bằng sóng vô tuyến.

2.2.2. Danh mục hàng hoá viễn thông nêu tại 2.2.1 được chi tiết như sau:

I

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong nghiệp vụ viễn thông

1

Thiết bị phát, thu-phát sóng dùng trong các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện cố định hoặc lưu động mặt đất.

2

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho thông tin vệ tinh

3

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư

4

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho nghiệp vụ lưu động Hàng hải, lưu động Hàng không (kể cả các thiết bị trợ giúp, thiết bị vệ tinh)

II

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong các nghiệp vụ khác

1

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho truyền hình quảng bá, phát thanh quảng bá

2

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho phát chuẩn (tần số, thời gian)

3

Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho định vị và đo đạc từ xa

4

Thiết bị Rađa, thiết bị trợ giúp bằng sóng vô tuyến và thiết bị điều khiển xa bằng sóng vô tuyến

2.2.3. Hàng hoá viễn thông nhập khẩu phải bảo đảm:

a. Phù hợp với công nghệ, mạng lưới viễn thông Việt Nam và các tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước, Tổng cục Bưu điện ban hành hoặc cho phép áp dụng;

b. Đối với thiết bị vô tuyến điện ngoài việc bảo đảm các yêu cầu nêu tại điểm a. còn phải phù hợp với quy hoạch phổ tần số được quy định tại Quyết định số 85/1998/QĐ-TTg ngày 16/04/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam cho các nghiệp vụ" để sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện;

c. Phù hợp với các tiêu chuẩn quản lý về phát xạ sóng vô tuyến điện, chống gây can nhiễu giữa các hệ thống thông tin.

2.2.4. Các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện dùng trong nghiệp vụ viễn thông, khi nhập khẩu ngoài các điều kiện quy định tại điểm 2.2.3 còn phải bảo đảm mục đích sử dụng phù hợp với các quy định về quản lý viễn thông.

2.2.5. Hồ sơ xin cấp Giấy phép nhập khẩu hàng hoá viễn thông gồm:

a. Đơn xin phép nhập khẩu (theo mẫu 02 );

b. Bản sao hợp lệ:

- Giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu (đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu) hoặc Quyết định thành lập hay Giấy phép hoạt động (đối với cơ quan, tổ chức) hoặc Giấy Chứng minh nhân dân hay Hộ chiếu (đối với cá nhân);

- Giấy chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị viễn thông (trừ trường hợp tạm nhập tái xuất để sử dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và các đoàn khách nước ngoài đến thăm Việt Nam theo lời mời chính thức của Chính phủ Việt Nam; trường hợp tạm nhập tái xuất của các cơ quan, tổ chức để trưng bày, triển lãm);

- Hợp đồng thương mại hoặc tờ khai hải quan hoặc hoá đơn (invoice) liên quan đến lô hàng.

2.3. Địa chỉ tiếp nhận và giải quyết cấp phép:

2.3.1. Tổng cục Bưu điện uỷ quyền cho các Cục Bưu điện khu vực, Văn phòng Tổng cục Bưu điện (sau đây gọi là các Cục Bưu điện khu vực) tiếp nhận và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu cho hàng hoá quy định tại điểm 2.1.1 và 2.2.2 Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cấp giấy phép như sau:

a. Văn phòng Tổng cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du - Hà Nội;

b. Cục Bưu điện khu vực II, 27 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 - Thành phố Hồ Chí Minh;

c. Cục Bưu điện khu vực III, 42 Trần Quốc Toản - Thành phố Đà Nẵng.

2.3.2. Tổng cục Bưu điện cấp phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất theo đề nghị của các tổ chức, cơ quan ngoại giao được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam theo lời mời chính thức của Chính phủ Việt Nam. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cấp phép: Tổng cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du - Hà Nội.

2.3.3. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu do các Cục Bưu điện khu vực cấp có giá trị trong phạm vi toàn quốc.

2.3.4. Giấy phép nhập khẩu hàng hoá viễn thông không có giá trị để thay thế Giấy phép thiết lập mạng viễn thông, Giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện.

2.4. Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, các Cục Bưu điện khu vực sẽ cấp phép. Trong trường hợp đặc biệt hoặc từ chối cấp phép, các Cục Bưu điện phải có văn bản trả lời và thông báo lý do cho khách hàng.

2.5. Lệ phí cấp phép: Theo quy định của Bộ Tài chính.

III. QUY ĐỊNH VỀ NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ VIỄN THÔNG CẦN CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP CHUẨN

3.1. Danh mục hàng hoá viễn thông được quy định từ điểm 4 đến điểm 15 Mục IV Phụ lục số 03 của Quyết định 46/2001/QĐ-TTg được chi tiết như sau:

STT

Danh mục

1

Tổng đài dung lượng lớn và nhỏ, thiết bị truy nhập mạng (sử dụng giao diện V 5.1 và V5.2).

2

Tổng đài PABX.

3

Thiết bị truyền dẫn hữu tuyến.

4

Cáp sợi quang.

5

Cáp thông tin kim loại.

6

Thiết bị điện thoại không dây.

7

Thiết bị đầu cuối kết nối vào mạng điện thoại công cộng (PSTN), mạng số liên kết đa dịch vụ (ISDN).

8

Máy telex.

9

Máy fax.

10

Máy nhắn tin.

11

Máy điện thoại di động.

12

Máy điện thoại thấy hình tốc độ thấp.

3.2. Hàng hoá viễn thông nêu tại điểm 3.1 nhập khẩu phải phù hợp với công nghệ mạng lưới viễn thông Việt Nam và các tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước, Tổng cục Bưu điện ban hành hoặc cho phép áp dụng. Khi nhập khẩu cần có Giấy chứng nhận hợp chuẩn, không cần phải xin Giấy phép nhập khẩu. Trình tự, thủ tục, điều kiện chứng nhận hợp chuẩn được quy định tại Quyết định số 285/2000/QĐ-TCBĐ ngày 29/3/2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện ban hành "Quy định chứng nhận hợp chuẩn vật tư, thiết bị bưu chính, viễn thông".

3.3. Giấy chứng nhận hợp chuẩn có giá trị tối thiểu là 2 năm. Trong thời gian Giấy chứng nhận hợp chuẩn còn hiệu lực, hàng hóa được nhập khẩu theo các quy định của Giấy chứng nhận hợp chuẩn, không bị hạn chế về số lượng hoặc giá trị lô hàng.

3.4. Trường hợp nhập khẩu mang theo người hoặc gửi theo đường hàng hoá mỗi chủng loại một chiếc (01) đối với các loại thiết bị: Máy điện thoại cố định, máy Telex, máy Fax, máy điện thoại di động mặt đất cầm tay, máy điện thoại thấy hình tốc độ thấp, không cần Giấy chứng nhận hợp chuẩn chỉ làm thủ tục trực tiếp tại Hải quan cửa khẩu.

IV. KHOẢN THI HÀNH

4.1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/5/2001 và thay thế Thông tư số 01/2000/TT-TCBĐ ngày 20/3/2000 của Tổng cục Bưu điện hướng dẫn Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về hành xuất nhập khẩu năm 2000. Mọi quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

4.2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh kịp thời về Tổng cục Bưu điện để giải quyết.

Trần Đức Lai

(Đã ký)

MẪU ĐƠN 01

(Kèm theo Thông tư số: 02/2001/TT-TCBĐ, ngày 25 tháng 4 năm 2001)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

........, ngày.... tháng.... năm 2001

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÁC MẶT HÀNG TEM BƯU CHÍNH

Kính gửi: (tên cơ quan cấp phép )

1. Tên tổ chức, cá nhân xin cấp phép:

Thuộc (cơ quan chủ quản):

2. Địa chỉ:

3. Điện thoại: Fax:

4. Mục đích nhập khẩu:

5. Thời gian dự kiến nhập khẩu:

6. Địa điểm nhập khẩu:

7. Hồ sơ kèm theo:

8. Danh mục các mặt hàng tem:

TT

Tên hàng

Số lượng

Ghi chú

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Nhà nước và của Tổng cục Bưu điện về xuất nhập khẩu .

Tổ chức, cá nhân xin giấy phép

(ký tên đóng dấu)

MẪU ĐƠN 02

(Kèm theo thông tư số: 02/2001/TT-TCBĐ, ngày 25 tháng 4 năm 2001)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

........., ngày... tháng... năm 2001

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ VIỄN THÔNG

Kính gửi: (tên cơ quan cấp phép )

1. Tên tổ chức, cá nhân xin giấy phép:

Thuộc (Cơ quan chủ quản):

2. Địa chỉ:

Điện thoại: Fax:

3. Hàng hoá nhập khẩu xin giấy phép:

Tên các loại thiết bị:

Ký hiệu:

Số lượng:

Công suất:

Băng tần hoặc tần số làm việc:

(Nếu hàng hoá nhiều loại có thể kèm danh mục riêng)

4. Hình thức nhập khẩu:

5. Mục đích nhập khẩu:

6. Thời gian dự kiến nhập khẩu:

7. Địa điểm nhập khẩu:

8. Hồ sơ kèm theo:

Chúng tôi cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Nhà nước và của Tổng cục Bưu điện về xuất nhập khẩu hàng hoá viễn thông.

Tổ chức, cá nhân xin giấy phép

(ký tên đóng dấu)

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN

Số:.. /2001/GP-TCBĐ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

Hà Nội, ngày... tháng... năm 2001

Mẫu 5

GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÁC MẶT HÀNG TEM

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN

- Căn cứ Nghị định 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện;

- Căn cứ Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông;

- Căn cứ Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 04 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005;

- Căn cứ Quyết định số 225/QĐ- TCBĐ ngày 13/05/1996 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện về việc thành lập và ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Cục bưu điện khu vực;

- Xét đề nghị của....... trong Công văn số... ngày...... về việc cấp Giấy phép xuất khẩu ( Nhập khẩu ) các mặt hàng tem.

Nay Cho phép

1. (Tổ chức, cá nhân) được xuất khẩu (nhập khẩu) tem, ấn phẩm tem và các mặt hàng tem bưu chính, chi tiết cụ thể như sau:

Mặt hàng

Tem chưa đóng dấu

Tem đóng dấu

Giá trị (USD)

Trọn bộ (bộ)

Lẻ bộ (con)

Trọn bộ (bộ)

Lẻ bộ (con)

I. Xuất khẩu:

Tem bưu chính

ấn phẩm tem

Mặt hàng tem

II. Nhập khẩu

Tem bưu chính

Ấn phẩm tem

Mặt hàng tem

2. (Tổ chức, cá nhân) phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về xuất nhập khẩu.

3. Giấy phép này có giá trị đến hết ngày.../.../.....

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện