Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2000/TT-BTS

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 03/2000/TT-BTS NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 178/1999/QĐ-TTG NGÀY 30/8/1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ GHI NHÃN HÀNG HOÁ LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ THUỶ SẢN

Ngày 30/8/2000. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg.

Ngày 15/8/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiếp Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Khoản 2 Điều 19 của Quy chế quy định "Các Bộ quản lý chuyên ngành căn cứ chức năng quản lý các yêu cầu cụ thể liên quan đến sử dụng và bảo quản đối với hàng hoá riêng biệt thuộc phạm vi ngành phụ trách, có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cách ghi nhãn các hàng hoá riêng biệt,...".

Thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn chi tiết cách ghi nhãn thống nhất đối với hàng hoá thuỷ sản như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Việc ghi nhãn hàng hoá thuỷ sản lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải theo quy định chung của Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Quy chế) ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 và Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 34/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 34).

2. Phạm vi điều chỉnh

Các nhóm hàng hoá thuỷ sản có bao gói thương phẩm sau đây khi lưu thông phải thực hiện việc ghi nhãn theo quy định của Thông tư này:

a) Thực phẩm chế biến có nguồn gốc từ động vật và thực vật thuỷ sản hoặc có thành phần đặc trưng là động vật và thực vật thuỷ sản (sau đây gọi tắt là thực phẩm thuỷ sản).

b) Giống động vật và thực vật thuỷ sản (kể cả giống bố mẹ).

c) nguyên liệu thuỷ sản để sản xuất thức ăn và thức ăn chế biến công nghiệp dùng cho nuôi thuỷ sản (sau đây gọi tắt là nguyên liệu và thức ăn).

d) Thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học dùng cho động vật và thực vật thuỷ sản (sau đây gọi tắt là thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học).

e) Lưới đánh cá gồm lưới tấm, sợi để dệt lưới và dây (giềng) để lắp ráp lưới (sau đây gọi tắt là lưới đánh cá).

3. Đối với hàng hoá là thực phẩm thuỷ sản xuất khẩu, cách ghi nhãn cho những nội dung bắt buộc sau đây có thể theo thoả thuận với yêu cầu của thị trường nhập khẩu:

a) Thành phần cấu tạo.

b) Thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng.

c) Hướng dẫn bảo quản và sử dụng.

II. NỘI DUNG CỦA NHÃN HÀNG HOÁ

A. NỘI DUNG BẮT BUỘC

1. Thực phẩm thuỷ sản

1.1. Tên hàng hoá

a) Cách ghi theo quy định chung tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Quy chế và tiêu chẩu ngành.

b) Đối với các sản phẩm theo quy định khoản 4 Điều 6 của Quy chế, tên hàng hoá phải mô tả đúng thực phẩm thuỷ sản trong bao bì, gồm các nội dung sau:

- Tên loài của động vật, thực vật thuỷ sản (Ví dụ: Cá đổng cờ phi lê động lạnh...) hoặc tên mô tả đặc tính và công dụng của hàng hoá (ví dụ: Chả giò cua động lạnh...).

- Công nghệ chế biến của hàng hoá: Động lạnh, khô, đóng hộp,.... Ví dụ: Cá đổng cờ phi lê động lạnh.

- Dạng chế biến của hàng hoá: Còn vỏ (HOSO), lột vỏ (PUD, PD), phi lê, cắt khúc chả,... Ví dụ: Chả giò cua đông lạnh.

1.2. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

a) Là tên và địa chỉ ghi trong đăng ký hoạt động kinh doanh.

b) Đối với cơ sở sản xuất thực phẩm thuỷ sản, nội dung ghi là: sản xuất tại (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (Tên và địa chỉ cơ sở).

c) Đối với cơ sở nhập khẩu thực phẩm thuỷ sản hoặc cơ sở làm đại lý bán hàng cho nước ngoài, nội dung ghi là: Thương nhân nhập khẩu (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Thương nhân đại lý (tên và địa chỉ cơ sở).

d) Đối với cơ sở sang bao đóng gói lại thực phẩm thuỷ sản để bán, nội dung ghi là: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), cơ sở đóng gói (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), đóng gói tại (tên và địa chỉ cơ sở).

1.3. Định lượng hàng hoá

Cách ghi theo quy định tại Điều 8 của Quy chế và Mục II.A.3 của Thông tư số 34.

1.4. Thành phần cấu tạo

a) Đối với thực phẩm thuỷ sản đạng không phối chế và không sử dụng các chất phụ gia chế biến, thì không phải ghi thành phần cấu tạo.

b) Đối với thực phẩm thuỷ sản dạng phối chế có bổ sung các thành phần khác mà không phải là thuỷ sản, thì phải ghi rõ các thành phần nguyên liệu chính được sử dụng trong công nghệ sản xuất ra thực phẩm thuỷ sản đó (nguyên liệu thuỷ sản, các thành phần phối chế khác).

c) Đối với thực phẩm thuỷ sản có sử dụng các chất phụ gia chế biến, nội dung phải ghi rõ tên nhóm chất phụ gia và tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế của chất phụ gia (mã số được đặt trong ngoặc đơn). Riêng các chất phụ gia là "Hương liệu", "Chất tạo ngọt", "Chất tạo màu" phải ghi rõ thêm là "Tự nhiên", "nhân tạo" hay "tổng hợp".

d) Đối với thực phẩm thuỷ sản có sử dụng công nghệ gen hoặc một thành phần nguyên liệu chế biến thực phẩm thuỷ sản được tạo ra từ công nghệ gen, thì phải ghi trên nhãn dòng chữ bằng tiếng Việt "Có sử dụng công nghệ gen".

e) Đối với thực phẩm thuỷ sản hoặc một thành phần nguyên liệu chế biến thực phẩm thuỷ sản có sử dụng kỹ thuật chiếu xạ trong sản xuất, chế biến, bảo quản thì phải ghi trên nhãn dòng chữ bằng tiếng Việt "Thực phẩm chiếu xạ" hoặc trên nhãn có hình biểu thị thực phẩm chiếu xạ theo quy định quốc tế mà Việt Nam đã công bố áp dụng.

1.5. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

Cách ghi theo quy định chung tại Điều 10 của Quy chế và Mục II.A.5 của Thông tư số 34

1.6. Ngày sản xuất, thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng

Cách ghi theo quy định tại Điều 11 của Quy chế và Mục II.A.6 của Thông tư số 34.

1.7. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng

a) Nội dung ghi theo quy định chung tại Điều 12 của Quy chế. Ngoài ra, phải ghi thêm một số nội dung sau: Đối tượng sử dụng đặc biệt (ví dụ: dùng cho người ăn kiêng) và cách thức sử dụng (ví dụ: ăn liền, hoặc nấu chín trước khi ăn).

b) Đối với thực phẩm thuỷ sản có yêu cầu về chế độ bảo quản, nội dung phải ghi là các chỉ tiêu có ảnh hưởng đến công dụng, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm đó.

Ví dụ: Đối với hàng khô ghi "bảo quản nơi thoáng mát".

1.8. Xuất xứ của hàng hoá

Khi xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm thuỷ sản, trên nhãn hàng hoá phải ghi rõ tên nước xuất xứ theo quy định tại Điều 13 của Quy chế.

2. Giống động vật và thực vật thuỷ sản

2.1. Tên hành hoá

a) Cách ghi theo quy định chung tại Điều 6 của Quy chế và tiêu chuẩn ngành hoặc theo tên định loại khoa học.

b) Tên giống của động vật và thực vật thuỷ sản phải bao gồm cả tên thương mại và tên khoa học của đối tượng đó.

Ví dụ: - Với tôm sú, ghi là: Tôm sú (Penaeus monodon).

- Với rong câu chỉ vàng, ghi là: Rong câu chỉ vàng (Gracilaria asiatica).

c) Riêng đối với con giống do lai tạo, tên hàng hoá phải ghi kèm theo các dòng lai.

Ví dụ: - Tên con giống lai: Cá chép V1

- Các dòng lai: Cá Chép Hungari, Chép vàng Indonêxia và Chép vảy trắng Việt Nam.

2.2. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

a) Là tên và địa chỉ ghi trong đăng ký hoạt động kinh doanh.

b) Đối với cơ sở sản xuất giống hoặc ương giống, nội dung ghi là: Sản xuất tại (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở).

c) Đối với cơ sở thu gom hoặc vớt giống tự nhiên để bán, nội dung ghi là: Cơ sở đóng gói (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Đóng gói tại (tên và địa chỉ cơ sở). Ngoài ra, đối với cơ sở vớt giống tự nhiên phải bổ sung thêm nội dung: Nơi vớt giống tự nhiên.

2.3. Định lương của hàng hóa

a) Đối với giống động vật thuỷ sản, nội dung ghi là: Số lượng cá thể (con).

b) Đối với trứng Artemia, nội dung ghi là: Khối lượng (g).

c) Đối với giống thực vật đơn bào, nội dung ghi là: Số lượng tế bào (tế bào).

d) Đối với giống thực vật đa bào, nội dung ghi là: Khối lượng (kg).

2.4. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

a) Đối với giống động vật thuỷ sản, nội dung ghi là: Số ngày tuổi và chiều dài (mm hoặc cm).

b) Đối với động thuỷ sản bố mẹ, nội dung ghi là: Khối lượng (g) và giai đoạn phát dục.

c) Đối với trứng Artemia, nội dung ghi là: Số lượng trứng/g và tỷ lệ nở (%).

d) Đối với giống thực vật thuỷ sản, nội dung ghi là: Chiều dài (cm), đường kính thân chính (mm) và giai đoạn phát triển.

2.5. Ngày sản xuất, thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng

a) Đối với giống động vật và thực vật thuỷ sản:

- Ngày sản xuất được hiểu là ngày xuất xưởng hoặc ngày xuất bán, viết tắt là "NSX". Ví dụ: Xuất bán ngày 2 tháng 4 năm 2000, ghi là: NSX 020400.

- Không cần ghi thời hạn sử dụng và thời hạn bảo quản

b) Đối với trứng Artemia:

- Ngày sản xuất được hiểu là ngày đóng sản phẩm vào hộp, viết tắt là "NSX".

Ví dụ: Đóng hộp ngày 3 tháng 5 năm 2000, ghi là: NSX 030500.

- Thời hạn bảo quản, viết tắt là "HBQ".

Ví dụ: Hạn bảo quản đến ngày 10 tháng 5 năm 2000, ghi là: HBQ 100500.

- Không cần ghi thời hạn sử dụng.

2.6. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng

a) Đối với giống động vật và thực vật thuỷ sản, phải hướng dẫn cho người sử dụng mã số các tiêu chuẩn ngành hoặc tên các tài liệu kỹ thuật đã ban hành về cách vận chuyển và thả giống.

b) Đối với trứng Artemia, nội dung phải ghi là: Điều kiện bảo quản trứng (nhiệt độ, độ ẩm), tóm tắt cách ấp nở trứng.

2.7. Xuất xứ hàng hoá

Khi xuất khẩu, nhập khẩu giống động vật và thực vật thuỷ sản, trên nhãn hàng hoá phải ghi rõ tên nước xuất xứ theo quy định tại Điều 13 của Quy chế.

3. Nguyên liệu và thức ăn

3.1. Tên hàng hoá

Cách ghi theo quy định chung tại Điều 6 của Quy chế và tiêu chuẩn ngành. Ngoài ra, tên của nhóm hàng hoá phải ghi rõ đối tượng sử dụng.

Ví dụ: - Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm.

- Thức ăn cho cá cảnh,

- Thức ăn cho ấu trùng tôm,...

3.2. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

a) Là tên và địa chỉ ghi trong đăng ký hoạt động kinh doanh.

b) Đối với cơ sở sản xuất nguyên liệu và thức ăn, nội dung ghi là: Sản xuất tại (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở).

c) Đối với cơ sở nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn hoặc cơ sở làm đại lý bán hàng cho nước ngoài, nội dung ghi là: Thương nhân nhập khẩu (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Thương nhân đại lý (tên và địa chỉ cơ sở).

d) Đối với cơ sở sang bao đóng gói lại nguyên liệu và thức ăn để bán, nội dung ghi là: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), cơ sở đóng gói (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), đóng gói tại (tên và địa chỉ cơ sở).

3.3. Định lượng hàng hoá

a) Đối với nguyên liệu và thức ăn ở dạng bột, mảnh, viên, nội dung ghi là: Khối lượng (g hoặc kg).

b) Đối với nguyên liệu và thức ăn ở dạng lỏng, nội dung ghi là: Dung tích (ml hoặc lít).

3.4. Thành phần cấu tạo

a) Nội dung ghi theo quy định chung tại Điều 9 của Quy chế.

b) Ghi các thành phần nguyên liệu chính được sử dụng trong công nghệ sản xuất ra hàng hoá đó (ví dụ: bột cá, bột tôm, dầu gan mực...).

c) Nếu thức ăn sử dụng các chất phi dinh dưỡng để phòng trị bệnh, nội dung phải ghi thêm thành phần chất phi dinh dưỡng đó.

d) Nếu một trong những nguyên liệu đã được chiếu xạ hoặc là sản phẩm của công nghệ gen, thì phải ghi rõ trên nhãn nội dung đó theo các quy định quốc tế mà Việt Nam đã công bố áp dụng.

3.5. Chỉ tiêu chất lưọng chủ yếu

a) Cách ghi theo quy định chung tại Điều 10 của Quy chế và Mục II.A.5 của Thông tư số 34.

b) Ghi một số chỉ tiêu chất lượng chủ yếu quyết định tới chất lượng của nguyên liệu và thức ăn kèm theo định lượng các chỉ tiêu đó:

- Đối với nguyên liệu và thức ăn tổng hợp, phải ghi là: Hàm lượng của các chỉ tiêu protein, li pít, tro, xơ, độ ẩm, độ tan.

- Đối với thức ăn bổ sung, thức ăn bổ sung chất gì thì ghi những chỉ tiêu chất lượng của chất đó.

Ví du: Với thức ăn bổ sung vitamin và khoáng, phải ghi một số chỉ tiêu vitamin và chất khoáng chủ yếu.

3.6. Ngày sản xuất, thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng

Cách ghi theo quy định tại Điều 11 của Quy chế và Mục II.A.6 của Thông tư số 34.

3.7. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng

a) bao gồm các nội dung phải ghi là: Điều kiện bảo quản (Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng) và cách cho ăn.

b) Đối với những loại thức ăn quy định cần phải ngừng sử dụng trước khi thu hoạch sản phẩm nuôi, thì phải ghi cụ thể thời gian ngừng sử dụng.

3.8. Xuất xứ của hàng hoá

Khi xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn, trên nhãn hàng hoá phải ghi rõ tên nước xuất xứ theo quy định tại Điều 13 của Quy chế.

4. Thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học

4.1. Tên hàng hoá

Cách ghi theo quy định chung tại Điều 6 của Quy chế và tiêu chuẩn ngành. Ngoài ra, tên của hàng hoá phải ghi rõ tên thuốc, hóa chất và tên hoạt chất chính.

Ví dụ: tên thuốc: EM-55, hoạt chất chính: Erythomycine.

4.2. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

a) Là tên và địa chỉ ghi trong đăng ký hoạt động kinh doanh.

b) Đối với cơ sở sản xuất thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học, nội dung ghi là: Sản xuất tại (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở).

c) Đối với cơ sở nhập khẩu thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học hoặc cơ sở làm đại lý bán hàng cho nước ngoài, nội dung ghi là: Thương nhân nhập khẩu (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Thương nhân đại lý (tên và địa chỉ cơ sở).

d) Đối với cơ sở sang bao đóng gói lại thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học để bán, nội dung ghi là: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), cơ sở đóng gói (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), đóng gói tại (tên và địa chỉ cơ sở).

4.3. Định lượng hàng hoá

a) Đối với thuốc ở dạng viên, nội dung ghi là: Số lượng (viên), khối lượng 1 viên (mg).

b) Đối với thuốc, chế phẩm sinh học ở dạng bột, nội dung ghi là: Khối lượng (mg hoặc g hoặc kg).

c) Đối với thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học ở dạng lỏng, nội dung ghi là: Dung tích (ml hoặc lít).

d) Đối với thuốc kích dục tố cho cá đẻ (HCG), nội dung ghi theo đơn vị quốc tế (UI).

4.4. Thành phần cấu tạo

Ghi công thức hoá học, thành phần cấu tạo (trừ HCG) và các nội dung theo quy định chung tại Điều 9 của Quy chế.

4.5. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

Cách ghi theo quy định chung tại Điều 10 của Quy chế và Mục II.A.5 của Thông tư số 34.

4.6. Ngày sản xuất, thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng

Cách ghi theo quy định chung tại Điều 11 của Quy chế và Mục II.A.6 của Thông tư số 34.

4.7. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng

a) Bao gồm các nội dung phải ghi là: Điều kiện bảo quản (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng) và cách sử dụng (liều lượng, nồng độ, thời gian, dùng trong trường hợp nào, đối tượng nào, cách phun thuốc...).

b) Đối với những loại thuốc quy định cần phải ngừng sử dụng trước khi thu hoạch sản phẩm nuôi, thì phải ghi cụ thể thời gian ngừng sử dụng.

4.8. Xuất xứ của hàng hoá

Khi xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thuỷ sản, trên nhãn hàng hoá phải ghi rõ tên nước xuất xứ theo quy định tại Điều 13 của Quy chế.

5. Lưới đánh cá

5.1. Tên hàng hoá

Cách ghi theo quy định chung tại Điều 6 của Quy chế và tiêu chuẩn ngành.

Ví dụ: Lưới tấm, sợi, dây

5.2. Tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

a) Là tên và địa chỉ ghi trong đăng ký hoạt động kinh doanh.

b) Đối với cơ sở sản xuất lưới đánh cá, nội dung ghi là: Sản xuất tại (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở).

c) Đối với cơ sở nhập khẩu lưới đánh cá hoặc cơ sở làm đại lý bán hàng cho nước ngoài, nội dung ghi là: Thường nhân nhập khẩu (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Thương nhân đại lý (tên và địa chỉ cơ sở).

d) Đối với cơ sở sang bao đóng gói lại lưới đánh cá để bán, nội dung ghi là: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), cơ sở đóng gói (tên và địa chỉ cơ sở) hoặc: Sản phẩm của (tên và địa chỉ cơ sở), đóng gói tại (tên và địa chỉ cơ sở).

5.3. Định lượng hàng hoá

a) Đối với lưới tấm, nội dung ghi là Kích thước gồm chiều dài kéo căng và chiều ngang kéo căng (m hoặc số mắt lưới), khối lượng (g hoặc kg).

b) Đối với dây, nội dung ghi là: Khối lượng (kg) và chiều dài (m).

c) Đối với sợi, nội dung ghi là: khối lượng (g hoặc kg).

5.4. Thành phần cấu tạo

Cách ghi theo quy định chung tại Điều 9 của Quy chế. Ví dụ: Sợi nylon, sợi cước, sợi PE,...

5.5. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

a) Đối với lưới tấm nội dung ghi là: Màu sắc, độ thô (Tex), độ bền đứt khô (N-niutơn) và kích thước mắt lưới 2a (mm).

b) Đối với sợi và dây nội dung ghi là: Đường kính (mm), độ thô (Tex), độ bền đứt khô (N-niutơn) và độ săn (vòng xoắn/m).

5.6. Ngày sản xuất, thời hạn bảo quản, thời hạn sử dụng

Cách ghi theo quy định tại Điều 11 của Quy chế và mục II.A.6 của Thông tư số 34.

5.7. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng

a) Đối với hàng hoá và lưới đánh cá, không cần ghi hướng dẫn sử dụng.

b) Nội dung hướng dẫn bảo quản phải ghi rõ điều kiện bảo quản (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng).

5.8. Xuất xứ của hàng hoá

Khi xuất khẩu, nhập khẩu lưới đánh cá, trên nhãn hàng hoá phải ghi rõ tên nước xuất xứ theo quy định tại Điều 13 của Quy chế.

B. NỘI DUNG KHÔNG BẮT BUỘC

Ngoài những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn, thương nhân có thể ghi trên nhãn hàng hoá các nội dung khác (nếu có) theo đúng quy định tại Điều 14 của Quy chế như: số đăng ký chất lượng sản phẩm, mã số tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.... và Mục B của Thông tư số 34.

III. CÁCH TRÌNH BÀY, DÁN NHÃN HÀNG HOÁ

1. Yêu cầu và ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá đối với hàng hoá thuỷ sản phải theo đúng quy định tại Quy chế và Thông tư số 34.

2. Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được trình bày như sau:

2.1. Đối với hàng hoá không có bao bì ngoài: Nhãn được in chìm, in nổi trực tiếp trên bao bì chứa đựng hoặc dán, đính, cài chắc chắn trên hàng hoá.

2.2. Đối với hàng hoá có bao bì ngoài:

a) Nhãn được in chìm, in nổi trực tiếp trên bao bì chứa đựng hoặc dán, đính, cài chắc chắn trên hàng hoá. Trên bao bì ngoài của hàng hoá chỉ cần ghi tên hàng hoá hoặc toàn bộ nội dung của nhãn hàng hoá như với bao bì chứa đựng. Hoặc

b) Trên bao bì chứa đựng chỉ ghi một số nội dung bắt buộc của nhãn, những nội dung khác còn lại được ghi trên bao bì ngoài giống như quy định tại điểm 3 dưới đây.

3. Trong trường hợp hàng hoá có bao bì chứa đựng nhỏ, nhãn hàng hoá không đủ diện tích để ghi hết các nội dung bắt buộc thì ghi nhãn hàng hoá như sau:

3.1. Ghi nhãn hàng hoá trên bao bì chứa đựng một số nội dung bắt buộc chủ yếu như: tên hàng hoá, tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, định lượng hàng hoá, thời hạn sử dụng hoặc thời hạn bảo quản.

3.2. Những nội dung bắt buộc còn lại và nội dung không bắt buộc (nếu có) phải ghi trên bao bì ngoài hoặc phải ghi trên bản thuyết minh kèm theo.

IV. KHOẢN THI HÀNH

1. Bộ Thuỷ sản phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện quản lý Nhà nước về ghi nhãn hàng hoá theo quy định của Quy chế.

2. Vụ Khoa học Công nghệ là cơ quan đầu mối, giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý Nhà nước về ghi nhãn hàng hoá thuỷ sản trên phạm vi cả nước và phối hợp với Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Trung tâm Kiểm tra chất lượng và Vệ sinh thuỷ sản hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo, thực hiện Thông tư này.

3. Thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hoá; phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về ghi nhãn hàng hoá thuỷ sản.

4. Thông tư này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001. Mọi bổ sung sửa đổi nội dung của Thông tư này do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản xem xét và quyết định bằng văn bản.

Nguyễn Việt Thắng

(Đã ký)