Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/TT-NH1

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 03/TT-NH1 NGÀY 1 THÁNG 9 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 29/CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC

Ngày 12 tháng 5 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 29/CP quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Để thi hành một cách thống nhất và nghiêm túc những quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định của Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể nội dung Điều 11 của Nghị định số 29/CP ưu tiên về mức vốn cho vay để sản xuất, thu mua hàng xuất khẩu như sau:

1. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh có trách nhiệm ưu tiên về mức vốn cho vay đối với các đơn vị sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước là Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Đầu tư - Phát triển.

2. Đối tượng được ưu tiên về mức vốn cho vay là các tổ chức sản xuất, thu mua hàng xuất khẩu bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu qua uỷ thác (gọi tắt là cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu) thuộc mọi thành phần kinh tế trong phạm vi điều chỉnh của Luật khuyến khích đầu tư trong nước đã ký hợp đồng xuất khẩu hoặc đã bán hàng ra nước ngoài.

3. Điều kiện để được ưu tiên về mức vốn vay:

- Các điều kiện cho vay thực hiện theo quy định tại thể lệ tín dụng hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Đơn vị vay phải có giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo danh mục A, B, C quy định tại Nghị định số 29/CP; giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do UBKHNN cấp đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp đối với các doanh nghiệp do UBND tỉnh, thành phố cho phép thành lập.

- Các giấy tờ chứng minh đã ký kết hợp đồng xuất khẩu hoặc đã bán hàng ra nước ngoài.

4. Việc ưu tiên về mức vốn cho vay đối với cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước được thực hiện như sau:

- Khi các cơ sở sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu có đủ điều kiện quy định tại điểm 3 của Thông tư này thì các Ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn mà đơn vị yêu cầu (số lượng vốn và thời gian) trong phạm vi khả năng về vốn và hạn mức tín dụng (nếu có) của mình và tuân thủ quy định tại Điều 25 Pháp lệnh NH-HTXTD và Công ty Tài chính.

Nếu Ngân hàng Thương mại không đủ vốn để cho vay kịp thời thì phải lập kế hoạch cụ thể để xin vay vốn bổ sung của Ngân hàng Nhà nước (đối tượng và mức vốn). Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho vay bổ sung bằng phương thức tái cấp vốn theo quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

5. Thời hạn cho vay: các Ngân hàng cho vay căn cứ vào đối tượng cho vay để định thời hạn cho vay phù hợp chu kỳ luân chuyển vật tư hàng hoá và chu kỳ sản xuất theo quy định tại thể lệ tín dụng hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

6. Về lãi suất cho vay: Nghị định số 29/CP và Luật khuyến khích đầu tư trong nước chỉ quy định các NHTM Quốc doanh phải ưu tiên về mức vốn cho vay đối với cơ sở sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu. Tổng Giám đốc các Ngân hàng Thương mại quốc doanh quy định các mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khuyến khích đầu tư trong nước trong khung lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ. Trường hợp do giá cả thị trường thế giới xuống thấp hoặc giá vật tư, nguyên liệu trong nước lên cao gây thua lỗ lớn cho cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu thì Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ bằng quỹ bình ổn giá để giảm một phần lãi suất tín dụng.

7. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký; Tổng Giám đốc các Ngân hàng Thương mại quốc doanh căn cứ vào thông tư này hướng dẫn chi tiết các đơn vị trong hệ thống thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần báo cáo kết quả và phản ánh những vướng mắc về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để giải quyết.

Chu Văn Nguyễn

(Đã ký)