Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ

*******

Số: 04/2004/TT-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2004

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC Y - DƯỢC HỆ TẬP TRUNG 4 NĂM – NĂM 2004

Căn cứ Luật Giáo dục đã được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 09/L-CTN ngày 02 tháng 12 năm 1998.
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.
Căn cứ Pháp lệnh Hành nghề Y, Dược tư nhân số 07/2002/PL-UBTVQH11 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 02 năm 2003.
Căn cứ Nghị định số 103/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Hành nghề Y, Dược tư nhân.
Thực hiện Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010.
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn tuyển sinh đại học Y - Dược hệ tập trung 04 năm (hệ chuyên tu cũ).

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ hệ tập trung 04 năm là hình thức đào tạo cùng với hình thức đào tạo chính quy nhằm tăng cường Bác sỹ, Dược sỹ làm việc ở tuyến y tế cơ sở. Đối với hình thức đào tạo này, Bộ Y tế chủ trương tuyển sinh dưới các hình thức thi tuyển, cử tuyển, tuyển sinh theo địa chỉ và tạo điều kiện thuận lợi cho Y sỹ đang công tác tại Trạm Y tế xã, Dược sỹ trung học đang công tác tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện được đào tạo lên bậc đại học để sau khi tốt nghiệp trở về địa phương nơi đã cử đi học tiếp tục làm việc tốt hơn.

2. Đối với các xã, huyện miền núi, vùng cao, vùng sâu và các xã đặc biệt khó khăn, Bộ Y tế áp dụng hình thức đào tạo theo chế độ cử tuyển và hợp đồng đào tạo theo địa chỉ để đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế. Trước khi vào học chính thức, các học viên này được bồi dưỡng văn hóa và chuyên môn 01 năm theo chương trình do Bộ Y tế quy định.

3. Chỉ tiêu đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ hệ tập trung 04 năm được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho từng Trường đại học Y, Dược. Các tỉnh có khó khăn đặc biệt về nhân lực y tế và có nhu cầu đào tạo theo địa chỉ phải làm việc với Bộ Y tế và các Trường đại học trước tháng 8 hàng năm để xác định nhu cầu và khả năng đào tạo. Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để đưa vào kế hoạch tuyển sinh.

4. Kết thúc khóa đào tạo, các Trường Đại học Y, Dược bàn giao học viên kèm theo hồ sơ cho các tỉnh hoặc cơ quan cử người đi học để bố trí công tác tại tuyến y tế cơ sở. Những học viên không tốt nghiệp hoặc phải ngừng học tập trước khi tốt nghiệp cũng sẽ được trả về tỉnh hoặc cơ quan cử đi học để giải quyết.

Cơ sở đào tạo không giao hồ sơ và cấp giấy tờ cho học viên để tự liên hệ công tác.

5. Các khu vực tuyển sinh : Bao gồm Khu vực 1 (KV1), Khu vực 2 (KV2), Khu vực 3 (KV3), được phân chia theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khu vực dự thi của mỗi thí sinh được xác định dựa vào địa chỉ cơ quan nơi thí sinh đang làm việc.

6. Một số quy định khác :

- Đội Y tế lưu động quy định trong Thông tư này là các Đội Y tế lưu động thuộc Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế.

- Tuyến Y tế cơ sở được hiểu là tuyến y tế huyện và xã.

- Hợp đồng lao động dài hạn được hiểu là hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên và người lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đây gọi tắt là hợp đồng lao động.

- Hợp đồng trong định biên được hiểu là hợp đồng ký theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 08/TT-LB ngày 20/4/1995 của liên Bộ Y tế - Tài chính – Lao động – Thương binh và Xã hội – Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. Hợp đồng trong định biên được coi là một hình thức của hợp đồng lao động dài hạn.

II. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

Thí sinh phải là công dân Việt Nam đang làm việc đúng chuyên ngành và trình độ đào tạo tại các cơ sở y tế.

1. Đối tượng thi tuyển

1.1. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ đa khoa

a) Y sỹ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập sau:

- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thuộc KV1, KV2.

- Phòng khám đa khoa khu vực, Đội Y tế của các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thuộc KV1, KV2.

- Đội Y tế lưu động thuộc KV1, KV2.

- Trạm Y tế và Bệnh xá của các Bộ, Ngành khác đóng trên địa bàn KV1, KV2.

- Bệnh viện Phong – Da liễu, Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Trung tâm Phòng chống lao đóng trên địa bàn KV1, KV2.

- Bệnh viện các huyện KV1.

b) Y sỹ đang làm việc tại Phòng khám đa khoa tư nhân đóng trên địa bàn KV1, KV2.

c) Y sỹ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đã công tác liên tục tại KV1 ít nhất 36 tháng hiện đang làm việc tại các cơ sở y tế sau đóng trên địa bàn KV3:

- Cơ sở y tế công lập: Trạm Y tế phường, Phòng đám đa khoa khu vực, Đội Y tế của các Trung tâm Y tế quận, Đội Y tế lưu động, bệnh viện Phong – Da liễu, Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Trung tâm Phòng chống lao, Trạm Y tế và Bệnh xá của các Bộ, Ngành khác.

- Cơ sở y tế ngoài công lập: Phòng khám đa khoa tư nhân.

1.2. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ y học cổ truyền (YHCT)

- Y sỹ YHCT đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV1, KV2.

- Y sỹ YHCT đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đã công tác liên tục tại KV1 ít nhất 36 tháng, hiện nay đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV3.

1.3. Đối tượng tuyển sinh Dược sỹ đại học:

- Dược sỹ Trung học đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV1, KV2.

- Dược sỹ Trung học đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đã làm việc liên tục tại KV1 ít nhất 36 tháng, hiện nay đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV3.

2. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ đa khoa và Dược sỹ đào tạo theo hình thức cử tuyển.

2.1. Y sỹ là người dân tộc thiểu số đang công tác, có biên chế hoặc hợp đồng trong định biên tại tuyến y tế cơ sở thuộc KV1. Nếu là người Kinh phải có hộ khẩu thường trú và đã công tác liên tục ở khu vực nói trên ít nhất 36 tháng.

2.2. Dược sỹ trung học là người dân tộc thiểu số đang công tác, có biên chế hoặc hợp đồng trong định biên tại KV1. Nếu là người Kinh phải có hộ khẩu thường trú và đã công tác liên tục ở khu vực nói trên ít nhất 36 tháng.

3. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ đa khoa và Dược sỹ hình thức đào tạo hợp đồng theo địa chỉ.

3.1. Y sỹ là người dân tộc thiểu số đang công tác, có biên chế hoặc hợp đồng lao động tại Trạm Y tế xã. Nếu là người Kinh phải có hộ khẩu thường trú và đã công tác liên tục ở khu vực nói trên ít nhất 36 tháng.

3.2. Dược sỹ trung học là người dân tộc thiểu số, có biên chế hoặc hợp đồng lao động tại các cơ sở y tế thuộc KV1 hoặc tuyến y tế cơ sở thuộc KV2. Nếu là người Kinh phải có hộ khẩu thường trú và đã công tác liên tục tại khu vực nói trên ít nhất 36 tháng.

III. TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH

1. Tiêu chuẩn chính trị

Lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành đầy đủ các chủh trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những người đang trong thời gian thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) không được xét tuyển.

2. Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và văn hóa

2.1. Về chuyên môn

- Thí sinh dự thi và cử tuyển vào các lớp Bác sỹ đa khoa phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ trung học đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

- Thí sinh dự thi vào các lớp Bác sỹ Y học cổ truyền phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ Y học cổ truyền hoặc Y sỹ định hướng Y học cổ truyền đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

- Thí sinh dự thi và cử tuyển vào các lớp Dược Sỹ đại học phải có bằng tốt nghiệp Dược sỹ trung học đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

- Các thí sinh đã được đào tạo trong quân đội phải có bằng tốt nghiệp Trung học Y, Dược do Trường Trung học Quân y 1 (nay là Học viện Quân y), Trường Trung học Quân y 2 cấp, hoặc có bằng tốt nghiệp trung học Y, Dược do Cục Quân y trực tiếp ký quyết định công nhận tốt nghiệp hay ký bằng tốt nghiệp từ năm 1994 trở về trước và thời gian đào tạo ít nhất là 02 năm (24 tháng).

2.2. Về văn hóa :

Các đối tượng tuyển sinh đều phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc văn hóa hoặc đã tốt nghiệp các môn văn hóa trong chương trình đào tạo trung học Y, Dược, được cơ sở đào tạo xác nhận.

3. Tiêu chuẩn về thâm niên chuyên môn: 3 năm (đủ 36 tháng).

Thâm niên chuyên môn là thời gian làm việc liên tục đúng chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp trung học Y, Dược, tính từ khi có Quyết định tuyển dụng vào biên chế, hợp đồng lao động hay được phép hành nghề Y, Dược tư nhân đến ngày 31 tháng 10 năm dự thi.

4. Tiêu chuẩn sức khỏe và tuổi:

4.1. Về sức khỏe:

Phải có đủ sức khỏe để học tập như quy định tại Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Đại học trung học chuyên nghiệp và dạy nghề số 10/TT-LB ngày 18/8/1989 và Công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20/8/1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.2. Về tuổi :

Không quá 45 tuổi đối với nam và 40 tuổi đối với nữ, tính đến ngày 31 tháng 10 của năm dự thi.

IV. CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN

Điểm tuyển vào trường được xét ưu tiên theo khu vực và trong mỗi khu vực có các ưu tiên cho các đối tượng theo chính sách:

1. Ưu tiên về khu vực

Theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Ưu tiên về chính sách

2.1. Nhóm ưu tiên 1

- Anh hùng lao động, anh hùng các lực lượng vũ trang, chiến sỹ thi đua toàn quốc.

- Người dân tộc thiểu số đang làm việc tại KV1.

- Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh.

2.2. Nhóm ưu tiên 2

- Người được thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, chiến thắng, huân chương lao động hoặc là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 02 năm liền.

- Con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh.

- Người dân tộc thiểu số đang làm việc tại KV2.

- Người đang làm việc tại Trạm Y tế xã thuộc KV1, Bệnh viện Phong – Da liễu, Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Trung tâm Phòng chống lao, đã công tác liên tục tại đó từ 36 tháng trở lên tính đến ngày 31 tháng 10 của năm dự thi.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất về chính sách.

V. HỒ SƠ DỰ TUYỂN

Hồ sơ dự tuyển gồm có:

1. Một phiếu dự tuyển do cơ quan sử dụng người lao động cử đi dự tuyển và có ý kiến phê duyệt của Sở Y tế tỉnh, thành phố. Các thí sinh đang làm việc trong các đơn vị không thuộc Ngành Y tế phải có ý kiến đề nghị của cơ quan chủ quản (nếu ở cấp Trung ương) hoặc Sở Nội vụ (nếu ở cấp địa phương).

2. Bản sao bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hóa tương đương, có công chứng Nhà nước, khi nhập học phải xuất trình bản chính. Những trường hợp cần thiết, nhà trường yêu cầu thí sinh xuất trình học bạ khóa đào tạo trung học chuyên nghiệp Y tế.

3. Bản sao giấy khai sinh có công chứng Nhà nước.

4. Bản sao có công chứng Nhà nước các giấy tờ sau (khi nhập học phải xuất trình bản chính).

- Đối với người thuộc biên chế Nhà nước hoặc hợp đồng trong định biên : Quyết định tuyển dụng vào biên chế hoặc hợp đồng trong định biên.

- Đối với các đối tượng khác : Quyết định tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế, hợp đồng lao động dài hạn, sổ bảo hiểm xã hội, Chứng chỉ hành nghề Y, Dược tư nhân và giấy xác nhận thời gian đã hành nghề của Sở Y tế.

Thí sinh đang làm việc tại KV3 phải có bản sao Quyết định phân công công tác và giấy xác nhận thời gian làm việc tại KV1 hoặc giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

5. Giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên tuyển sinh (như quy định tại phần IV) của cơ quan sử dụng người lao động và được Sở Y tế tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

6. Một bản cam kết của thí sinh sau khi kết thúc học tập sẽ trở về công tác tại tuyến y tế cơ sở theo sự phân công của tỉnh.

7. Bốn ảnh mới chụp cỡ 4 x 6 (một ảnh dán vào phiếu dự tuyển, đóng dấu giáp lai của đơn vị cử đi học).

8. Khi nhập học, thí sinh trúng tuyển phải nộp thêm quyết định cử đi học của Sở Y tế tỉnh, thành phố, Thí sinh không thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố quản lý phải có quyết định cử đi học của Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi quản lý người lao động.

Thí sinh thuộc diện cử tuyển và diện hợp đồng đào tạo theo địa chỉ phải có quyết định cử đi học của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Các giấy tờ khác : Theo quy định của trường.

Thí sinh phải nộp đầy đủ hồ sơ dự thi về Ban tuyển sinh của các trường theo vùng tuyển sinh đúng thời hạn quy định của từng trường.

Cán bộ ký quyết định cử người đi học phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của hồ sơ của người xin đi học.

VI. THI TUYỂN VÀ CỬ TUYỂN

1. Thi tuyển:

1.1. Các môn thi:

Thí sinh trong diện thi tuyển phải thi 3 môn : Toán, Hóa và Chuyên môn.

a) Môn Toán và môn Hóa:

Trình độ trung học phổ thông (hay bổ túc văn hóa tương đương) theo chương trình hiện hành.

b) Môn chuyên môn :

Theo chương trình đào tạo Y sỹ trung học (Y sỹ đa khoa hoặc Y sỹ Y học cổ truyền) hoặc Dược sỹ trung học hiện hành của Bộ Y tế.

1.2. Tổ chức thi:

Các trường tổ chức thi tuyển theo các quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày thi tuyển sinh do các trường quy định (nên tổ chức cùng ngày với thi tuyển sinh đại học hệ chính quy) và đăng ký với Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời thông báo cho thí sinh.

Các Sở Y tế cần có kế hoạch bồi dưỡng văn hóa và chuyên môn cho người được cử đi học để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Bộ Y tế khuyến khích các trường có cùng ngày thi tập trung làm đề và sử dụng đề chung để tiết kiệm và đảm bảo mặt bằng kiến thức.

1.3. Điều kiện trúng tuyển

Thí sinh đúng đối tượng, có đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh, điểm thi môn chuyên môn không dưới 5 điểm và các môn văn hóa không có điểm 0, đạt mức điểm tuyển của trường sẽ được xét trúng tuyển.

2. Đào tạo hợp đồng theo địa chỉ

Sau một năm học tập theo chương trình do Bộ Y tế quy định, các thí sinh diện đào tạo hợp đồng theo địa chỉ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh với các thí sinh diện thi tuyển và được xét trúng tuyển theo điểm chuẩn riêng dành cho các đối tượng này.

3. Cử tuyển :

Thí sinh không phải dự thi nhưng phải kiểm tra các môn học thêm, nếu đạt yêu cầu sẽ được học chính thức.

Các trường phải báo cáo điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, danh sách sinh viên nhập học về Bộ Y tế và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VII. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ VÀ HỌC PHÍ

1. Học viên trúng tuyển (do thi tuyển và cử tuyển) thuộc chỉ tiêu Nhà nước cấp ngân sách phải đóng học phí theo đúng các quy định hiện hành. Đối với học viên diện đào tạo theo địa chỉ, các địa phương ký hợp đồng trực tiếp với cơ sở đào tạo.

2. Trong thời gian học tập, lương và mọi chế độ của học viên do cơ quan cử người đi học giải quyết theo chế độ hiện hành.

3. Học viên trúng tuyển không thuộc diện Nhà nước cấp ngân sách phải đóng học phí và các khoản phí, lệ phí khác (nếu có) theo đúng các quy định hiện hành.

VIII. KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xét cử cán bộ tham dự kỳ thi tuyển sinh và đi học theo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

Các trường đại học thông báo rộng rãi cho thí sinh và thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng xã hội.

Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị, địa phương có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo) để nghiên cứu, giải quyết kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Lê Ngọc Trọng

PHỤ LỤC 1

PHÂN VÙNG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC Y - DƯỢC HỆ TẬP TRUNG 4 NĂM (CHUYÊN TU CŨ)
(ban hành kèm theo Thông tư số 04/2004/TT-BYT ngày 09 tháng 4 năm 2004 của Bộ Y tế)

Số thứ tự

Tên đơn vị

Chuyên ngành đào tạo

Vùng tuyển

1

Trường Đại học Dược Hà Nội

Dược sỹ đại học

- Các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

2

Trường Đại học Y Thái Bình

- Bác sỹ đa khoa

- Bác sỹ y học cổ truyền

- Các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

- Các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

3

Trường Đại học Y Hải Phòng

- Bác sỹ đa khoa

- Các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra.

4

Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh

- Bác sỹ y học cổ truyền

- Dược sỹ đại học

- Các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.

- Các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.

5

Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên

- Bác sỹ đa khoa

- Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.

6

Trường Đại học Y Huế

- Bác sỹ đa khoa

- Dược sỹ đại học

- Từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và Gia Lai, Kon Tum.

- Từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên.

7

Đại học Tây Nguyên

- Bác sỹ đa khoa

- Các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước.

8

Trường Đại học Y - Dược Cần Thơ

- Bác sỹ đa khoa

- Dược sỹ đại học

- Các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.

- Các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.

9

Học viện Quân y :

- Cơ sở 1 (miền Bắc)

- Cơ sở 2 (miền Nam)

- Bác sỹ đa khoa

- Bác sỹ đa khoa

- Hà giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh Tây Nguyên.

- Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên.

10

Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố Hồ Chí Minh

- Bác sỹ đa khoa

- Các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.