Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2021/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU ĐƯỢC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH BỒI DUỠNG VIÊN CHỨC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về điều kiện để cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải, bao gồm: các điều kiện về chương trình, tài liệu bồi dưỡng giảng viên; cơ sở vật chất, cơ sở thực hành; kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; việc tổ chức thực hiện bồi dưỡng; đánh giá chất lượng bồi dưỡng; in, cấp, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng.

2. Thông tư này áp dụng đối với học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo, nghiên cứu) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mục đích bồi dưỡng

1. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của viên chức ngành Giao thông vận tải.

2. Đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định pháp luật để làm căn cứ xét thăng hạng, thi thăng hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ, chính sách khác có liên quan.

Điều 3. Tổ chức thực hiện bồi dưỡng

1. Học viện, viện nghiên cứu, trường đại học và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ điều kiện quy định tại Chương II của Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải hạng I, viên chức ngành Giao thông vận tải hạng II.

2. Trường cao đẳng và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ tiêu chuẩn quy định tại Chương II của Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải hạng II, viên chức ngành Giao thông vận tải hạng III.

3. Trường trung cấp và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ tiêu chuẩn quy định tại Chương II của Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải hạng IV, viên chức ngành Giao thông vận tải hạng V.

Điều 4. Đánh giá chất lượng bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải và việc in, cấp, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng

1. Việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan.

2. Việc in, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Chương II

ĐIỀU KIỆN ĐỂ CƠ SỞ ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU ĐƯỢC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG VIÊN CHỨC NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 5. Chương trình bồi dưỡng

1. Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo quy định của pháp luật.

2. Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng, chuyên ngành của viên chức ngành Giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Điều 6. Tài liệu bồi dưỡng

Cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải có tài liệu bồi dưỡng được biên soạn hoặc lựa chọn và ban hành trên cơ sở chương trình bồi dưỡng quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Điều 7. Giảng viên

1. Giảng viên của cơ sở đào tạo, nghiên cứu; giảng viên kiêm nhiệm và người được mời thỉnh giảng đảm bảo tiêu chuẩn quy định về giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 34 và Điều 35 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

2. Giảng viên của cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải đủ để tham gia giảng dạy ít nhất 50% khối lượng chương trình bồi dưỡng được giao tổ chức thực hiện.

Điều 8. Cơ sở vật chất, cơ sở thực hành

1. Có đủ phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý thuyết và thực hành các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với chương trình bồi dưỡng quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Có đủ nguồn thông tin tư liệu, gồm: sách, giáo trình, bài giảng, các tài liệu có liên quan phù hợp với chương trình bồi dưỡng quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Điều 9. Kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng

Cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong tổ chức bồi dưỡng viên chức hoặc được tổ chức đào tạo trình độ trung cấp trở lên về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải có liên quan đến các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giao thông vận tải.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo, nghiên cứu được giao nhiệm vụ bồi dưỡng

1. Biên soạn hoặc lựa chọn và ban hành tài liệu bồi dưỡng viên chức chuyên ngành Giao thông vận tải theo chương trình bồi dưỡng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành đảm bảo phù hợp với từng đối tượng bồi dưỡng; cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải cho từng đối tượng đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

3. Quyết định danh sách học viên nhập học, quản lý quá trình học tập, đánh giá kết quả học tập và công nhận kết quả học tập của học viên theo quy định của pháp luật.

4. Hàng năm, tổng hợp và gửi kết quả bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp, theo dõi, quản lý.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có viên chức tham gia bồi dưỡng

1. Hàng năm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị; gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và phối hợp với cơ sở đào tạo, nghiên cứu tổ chức bồi dưỡng theo kế hoạch.

2. Có trách nhiệm quản lý hồ sơ; bảo đảm tiêu chuẩn của các viên chức được cử đi tham gia bồi dưỡng theo quy định.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2021.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.