Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-NV

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CẢI TIẾN CÔNG TÁC VÀ CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC Ở CÁC THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH VÀ THỊ XÃ

Kính gửi: Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố, tỉnh,

Thành phố thuộc tỉnh, thị xã là những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của địa phương; một số thành phố thuộc tỉnh, thị xã là những khu công nghiệp tập trung, khu vực nghỉ mát.

Mấy năm nay, đi đôi với những thắng lợi của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các thành phố thuộc tỉnh, thị xã ở miền Bắc nước ta có những biến đổi to lớn và có một vị trí ngày càng quan trọng.

Hiện nay việc giữ gìn trật tự trị an, quản lý nhân khẩu, xây dựng các sự nghiệp phục vụ lợi ích công cộng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở thành phố thuộc tỉnh, thị xã là những công tác rất nặng nề và phức tạp.

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp ban hành ngày 10-11-1962 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã và nói rõ thành phố thuộc tỉnh và thị xã là một cấp có kế hoạch và ngân sách.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26-TTg ngày 19-4-1963 quy định nguyên tắc thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn. Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 12-NV ngày 15-5-1963 hướng dẫn về việc thi hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đã có Thông tư số 226 ngày 06-6-1963 hướng dẫn việc phân cấp quản lý tài chính và ngân sách cho thành phố thuộc tỉnh và thị xã.

Nhưng đến nay, nhiều thành phố thuộc tỉnh, thị xã vẫn chưa có ngân sách và chưa được giao nhiệm vụ, quyền hạn như luật đã quy định. Việc phân cấp quản lý cho thành phố thuộc tỉnh và thị xã thực hiện còn chậm. Một số việc như quản lý các bệnh xá, các trường phổ thông cấp II, các cửa hàng sách báo, các hợp tác xã thủ công nghiệp v.v... lẽ ra có thể giao cho thành phố thuộc tỉnh, thị xã quản lý có lợi hơn, thì hiện nay còn do tỉnh trực tiếp nắm cả.

Nhiều công tác quan trọng và cấp thiết của các thành phố thuộc tỉnh, thị xã, ở nhiều nơi làm chưa tốt, như chưa chú ý đến việc quản lý tình hình nhân dân và việc quản lý nhân khẩu nên đã không nắm vững được dân số và để cho nhân khẩu thành thị tăng một cách tự phát và quá nhanh; hoặc chưa quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn vệ sinh chung và chăm lo đến những tiện nghi tối cần thiết cho đời sống của nhân dân như đường sá, cống rãnh còn để thiếu vệ sinh, nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt chưa đủ, các nhà vệ sinh công cộng không có hoặc còn thiếu v.v...

Có nơi lại chú trọng lãnh đạo nông nghiệp ở ngoại thành và coi nhẹ công tác ở nội thành.

Ngoài ra, về tình hình tổ chức bộ máy của thành phố thuộc tỉnh, thị xã cũng có nhiều vấn đề tồn tại, Có nơi bộ máy giúp việc Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã chưa được kiện toàn đúng mức. Trái lại, ở nhiều nơi khác, bộ máy giúp việc Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã lại cồng kềnh và phân tán và nhất là hiện nay còn một số thị xã, thành phố thuộc tỉnh vẫn duy trì các Ủy ban hành chính hoặc các Ban hành chính khu phố là những tổ chức trung gian không cần thiết và trái với luật tổ chức hiện hành.

Để khắc phục những hiện tượng nói trên, nhằm bước đầu cải tiến công tác và chấn chỉnh tổ chức ở các thành phố thuộc tỉnh, thị xã, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần chỉ đạo thực hiện một số việc cần thiết dưới đây:

1. Làm tốt việc giữ gìn trật tự trị an, quản ký nhân khẩu, phòng cháy chữa cháy. Trước hết cần có kế hoạch và biện pháp tăng cường việc nắm tình hình nhân dân và kịp thời chấm dứt tình trạng dân số ở thành thị tăng một cách tự phát và quá nhanh, gây nên nhiều khó khăn, trở ngại cho việc quản lý và cung cấp lương thực, thực phẩm của Nhà nước. Để làm tốt công tác này, cần có sự phối hợp chặt chẽ và phân rõ trách nhiệm giữa các cơ quan lao động, lương thực, công an của tỉnh với các tổ chức thuộc Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã.

2. Làm tốt việc phục vụ lợi ích công cộng. Trước hết cần phải quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ sức khỏe, chăm lo đến những vấn đề có liên quan đến đời sống của nhân dân thành thị như: giải quyết tốt vấn đề nước ăn, vấn đề phân rác, xây dựng đường sá, cống rãnh… Đối với những công trình phục vụ lợi ích công cộng khác thì tùy theo yêu cầu và điều kiện thực tế của địa phương mà có kế hoạch thực hiện cho thích hợp.

Đối với những thành phố thuộc tỉnh và thị xã lớn có công nghiệp tập trung, càng phải coi trọng việc thực hiện các công tác nói trên.

3. Tiến hành khẩn trương việc phân cấp quản lý cho thành phố thuộc tỉnh và thị xã. Về vấn đề này, tùy tình hình đặc điểm của mỗi địa phương mà tiến hành phân cấp quản lý cho thích hợp. Nhưng trước hết, phải phân cấp quản lý tài chính cho thành phố thuộc tỉnh và thị xã để có ngân sách riêng như luật đã quy định, đồng thời cần mạnh dạn phân cấp cho thành phố thuộc tỉnh, thị xã quản lý những công tác và các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế v.v... có quan hệ trực tiếp đến lợi ích công cộng và đời sống nhân dân ở thành phố, thị xã.

Đối với những thành phố thuộc tỉnh và thị xã ở xa tỉnh lỵ thì việc phân cấp cần được mở rộng hơn so với thành phố thuộc tỉnh, thị xã là tỉnh lỵ. Đối với những thị xã nhỏ là tỉnh lỵ dân số ít, công việc không phức tạp lắm thì tỉnh vẫn có thể trực tiếp đảm nhiệm một số việc của thị xã nếu xét có lợi hơn là phân cấp cho thị xã.

4. Đi đôi với việc phân cấp quản lý cho thành phố thuộc tỉnh, thị xã cần tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, cải tiến lề lối làm việc của thành phố thuộc tỉnh, thị xã cho phù hợp.

Cần phải tổ chức bộ máy của thành phố thuộc tỉnh, thị xã gọn, mạnh, có hiệu lực thực sự, đảm bảo thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ được giao.

Ở các thành phố thuộc tỉnh, thị xã ngoài các cơ quan chuyên môn hiện nay cần thiết phải đặt ra như cơ quan lương thực, bưu điện, truyền thanh, ngân hàng, thị đội, công an, tòa án, kiểm sát…, các Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã sẽ tổ chức những phòng chuyên môn trực thuộc Ủy ban phụ trách những công tác y tế, tài chính, công thương nghiệp. Ở các thành phố thuộc tỉnh, thị xã lớn, nếu xét thật cần thết thì có thể tổ chức thêm những phòng chuyên môn phụ trách những công tác kiến trúc, giao thông, lao động, văn hóa, thông tin. Đối với những công tác khác, nói chung không nên tổ chức những phòng chuyên môn mà để các bộ phận trực thuộc Ủy ban hành chính phụ trách.

Cần tăng cường cán bộ có chất lượng cho các Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã lớn và cho các cơ quan, các bộ phận quan trọng của Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã.

Về lề lối làm việc, cần phải tăng cường việc đi sát cơ sở, giảm bớt giấy tờ, hội họp làm cho chính quyền thành phố thuộc tỉnh, thị xã thực sự là cấp chính quyền cơ sở để mọi mặt công tác lãnh đạo được thống nhất tập trung và kịp thời.

5. Bãi bỏ các Ủy ban hành chính khu phố hoặc các Ban hành chính khu phố do Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã đã chỉ định trước đây mà hiện nay còn duy trì trái với luật tổ chức hiện hành, đồng thời để thay thế cho các tổ chức không còn thích hợp nói trên, cần thống nhất thành lập các Ban đại biểu dân phố ở các khu vực dân cư trong phạm vi nội thành, nội thị theo như điều lệ mẫu về tổ chức Ban đại biểu dân phố đính kèm.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Ung Văn Khiêm

ĐIỀU LỆ MẪU

VỀ TỔ CHỨC BAN ĐẠI BIỂU DÂN PHỐ Ở THÀNH PHỐ VÀ THỊ XÃ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04-NV ngày 06 tháng 2 năm 1964)

Để tăng cường sự liên hệ giữa chính quyền với nhân dân, giúp cho chính quyền nắm được tình hình và nguyện vọng của nhân dân để đẩy mạnh mọi mặt công tác của thành phố, thị xã, đồng thời để phát huy tính tích cực và tính sáng tạo của nhân dân tham gia vào việc quản lý Nhà nước và giải quyết các công việc có liên quan đến lợi ích của nhân dân ở thành phố, thị xã, nay tổ chức các Ban đại biểu dân phố ở thành phố, thị xã như sau.

Điều 1. - Ở nội thành các thành phố thuộc tỉnh, nội thị các thị xã và ở các khu phố có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính, sẽ căn cứ vào khu vực cư trú của nhân dân mà tổ chức các Ban đại biểu dân phố.

Ban đại biểu dân phố hoạt động dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố.

Nhiệm kỳ của Ban đại biểu dân phố là hai năm.

Điều 2. – Trong phạm vi khu vực của mình, Ban đại biểu dân phố có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ của mình đối với Nhà nước, tuân theo pháp luật, thi hành những quy định về trật tự trị an và vệ sinh chung của thành phố, thị xã.

2. Cùng nhân dân bàn bạc, tổ chức làm các công việc về văn hóa, xã hội, cải thiện sinh hoạt và tương trợ lẫn nhau.

3. Phản ánh tình hình và ý kiến nguyện vọng của nhân dân với Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố.

4. Dàn xếp các việc xích mích trong nội bộ nhân dân.

5. Giúp Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố trong một số việc như phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước, phân phối phiếu mua hàng… giúp cán bộ các ngành đến liên hệ công tác.

Điều 3. – Ban đại biểu dân phố tổ chức như sau:

- Căn cứ theo khu vực cư trú của nhân dân khoảng từ 100 hộ đến 300 hộ, (trường hợp đặc biệt có thể nhiều hơn, nhưng không quá 400 hộ) có một Ban đại biểu dân phố, và khoảng từ 15 hộ đến 50 hộ có một tổ dân phố;

- Ban đại biểu dân phố do đại diện các hộ trong mỗi khu vực cư trú bầu ra;

- Số thành viên của mỗi Ban đại biểu dân phố do Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố quy định.

Ban đại biểu dân phố gồm có: một trưởng ban, một hay hai phó ban, một số ủy viên trực tiếp làm tổ trưởng tổ dân phố và từ ba đến năm ủy viên phụ trách một số công việc của Ban.

- Trưởng Ban đại biểu dân phố phụ trách chung công tác của Ban. Phó Ban đại biểu dân phố giúp trưởng ban trong việc phụ trách chung và trực tiếp làm một số công việc của Ban;

- Mỗi thành viên của Ban đại biểu dân phố chịu trách nhiệm chung về toàn bộ công tác của Ban và chịu trách nhiệm riêng về phần công tác của mình.

Điều 4. - Việc bầu cử Ban đại biểu dân phố tiến hành như sau:

- Căn cứ theo sự quy định của Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố, mỗi tổ dân phố bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín một số đại biểu dân phố. Việc bầu cử này phải có quá nửa tổng số đại diện các hộ trong mỗi tổ dân phố tham gia thì mới có giá trị;

- Những người tham gia bầu cử, ứng cử Ban đại biểu dân phố phải là người đại diện các hộ, có đủ 18 tuổi trở lên, không bị tòa án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và không phải là người mất trí;

- Các đại biểu dân phố được cán bộ trong các tổ dân phố bầu ra họp lại thành Ban đại biểu dân phố và cử ra trưởng, phó ban và các ủy viên của Ban.

Điều 5. – Trong nhiệm kỳ của Ban đại biểu dân phố, khi khuyết một thành viên thì Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố quyết định việc bầu cử bổ sung.

Điều 6. – Khi tiến hành công tác, Ban đại biểu dân phố phải dựa vào tính tích cực và sự tự nguyện của quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, tuyệt đối không được dùng mệnh lệnh cưỡng ép và không có thẩm quyền về hành chính; đồng thời phải tranh thủ sự hướng dẫn của chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng, các Ban bảo vệ dân phố và các hợp tác xã.

Điều 7. – Ban đại biểu dân phố họp mỗi tháng ít nhất một lần để bàn bạc công tác.

Ban đại biểu dân phố sáu tháng một lần phải báo cáo công tác trước nhân dân trong khu vự của mình.

Điều 8. – Trong khi làm công việc của Ban đại biểu dân phố, các thành viên của Ban không thoát ly sản xuất hay công tác chuyên môn của mình. Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố phải định chế độ làm việc, hội họp thích hợp với điều kiện công tác của Ban đại biểu dân phố, đồng thời phải chú ý bồi dưỡng về nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc và các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước cho các Ban đại biểu dân phố.

Điều 9. – Ban đại biểu dân phố và các thành viên của Ban, nếu có thành tích công tác, sẽ được Ủy ban hành chính thành phố thuộc tỉnh, thị xã, khu phố hoặc cơ quan Nhà nước cấp trên khen thưởng, nếu phạm sai lầm, khuyết điểm sẽ tùy theo trường hợp mà bị phê bình, cảnh cáo hoặc đưa ra tổ dân phố bãi miễn.