TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04-TT/ĐKKD | Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1992 |
Căn cứ Điều 4 Nghị định 388-HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991, Điều 7 Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này;
Căn cứ Điều 5 Chỉ thị số 393-CT ngày 25 tháng 11 năm 1991 và Thông tư số 34-CT ngày 28 tháng 11 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thực hiện Nghị định 388-HĐBT;
Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn các doanh nghiệp Nhà nước, Trọng tài kinh tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước như sau:
I. MỤC ĐÍCH ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Thực hiện nguyên tắc các doanh nghiệp bình đẳng trước pháp luật, doanh nghiệp Nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, phải tiến hành đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế. Mục đích đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước là:
1. Xác nhận địa vị pháp lý của doanh nghiệp Nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Mọi doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh đều phải đăng ký ở cơ quan pháp luật để được có tư cách doanh nghiệp, được quyền thiết lập các quan hệ kinh tế trong khuôn khổ pháp luật, được bảo vệ các quyền và lợi ích theo luật định.
2. Thông qua đăng ký kinh doanh Nhà nước thực hiện việc giám sát quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, ngăn chặn hoạt động kinh doanh trái pháp luật; Nhà nước nắm được trạng thái hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo các ngành nghề, theo lãnh thổ để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với thành phần kinh tế quốc doanh và có đủ căn cứ pháp lý để xử lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp Nhà nước phải giải thể hoặc phá sản.
II. TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN ĐĂNG KÝ KINH DOANH
Đối với doanh nghiệp Nhà nước đăng ký kinh doanh vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ: chỉ sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp Nhà nước mới có tư cách pháp nhân và được tổ chức hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đã được đăng ký. Theo quy định tại Điều 7 Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định thành lập, doanh nghiệp Nhà nước phải đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế.
Đối với Trọng tài kinh tế, thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo quy định tại đoạn 2 Điều 2 Pháp lệnh Trọng tài kinh tế.
Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập và có trụ sở chính đặt trên lãnh thổ tỉnh, thành phố mình.
Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các đăng ký kinh doanh cho các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhà nước đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố của mình cấp giấy phép cho đặt chi nhánh, văn phòng đại diện trên lãnh thổ tỉnh, thành phố.
III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH
A. Đối với doanh nghiệp Nhà nước thành lập trước khi ban hành Nghị định 388-HĐBT, nay đã làm lại thủ tục thành lập theo Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 388-HĐBT.
1. Sau khi có quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp Nhà nước có thể thực hiện ngay việc đăng ký kinh doanh để cho việc hoạt động kinh doanh được liên tục và phù hợp với pháp luật.
2. Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có gồm:
a. Quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền theo Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 388-HĐBT và theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 388-HĐBT của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Tài chính (bản chính + 5 bản sao).
Chú ý: Khi làm thủ tục để xin cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập, cơ quan đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước phải trình bày rõ ràng và đầy đủ các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp để được ghi các ngành nghề đó vào trong quyết định thành lập, bởi vì khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh và ghi ngành nghề kinh doanh và trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Trọng tài kinh tế chỉ được phép ghi các ngành nghề đã được ghi trong quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước, và do vậy doanh nghiệp Nhà nước chỉ được hoạt động kinh doanh theo các ngành nghề đã được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
b. Điều lệ (hoặc bản quy chế, nội quy) hiện có và được cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp (Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) xác nhận, cho phép áp dụng (1 bản sao).
d. Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng nơi doanh nghiệp Nhà nước dùng làm trụ sở chính (hợp đồng thuê nhà, giấy cho phép xây dựng trụ sở của doanh nghiệp...) (1 bản sao).
3. Khi nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu đủ các giấy tờ nói tại điểm 2, Trọng tài kinh tế làm ngay thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước mà không phải xem xét gì thêm, bởi vì toàn bộ các giấy tờ đó đã được cơ quan ra quyết định thành lập xem xét. Nếu chưa đủ, thì Trọng tài kinh tế yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải nộp đủ các giấy tờ đó mới được đăng ký kinh doanh. Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản chính các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kinh doanh được trả lại cho doanh nghiệp Nhà nước, Trọng tài kinh tế giữ lại các bản sao để lưu và gửi đến cơ quan khác theo quy định.
B. Đối với doanh nghiệp Nhà nước mới thành lập theo Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước kèm theo Nghị định 388-HĐBT.
1. Thời hạn quy định để các doanh nghiệp Nhà nước đăng ký kinh doanh là 60 ngày, kể từ ngày được cấp quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước. Nếu quá thời hạn này mà doanh nghiệp Nhà nước chưa đủ điều kiện để đăng ký kinh doanh hoặc chưa đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp Nhà nước phải xin cơ quan ra quyết định thành lập gia hạn. Trọng tài kinh tế không được phép đăng ký kinh doanh cho những doanh nghiệp Nhà nước đã quá thời hạn quy định, nếu không được gia hạn.
2. Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải gồm có:
a. Quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền (bản chính + 5 bản sao).
b. Điều lệ tổ chức quản lý doanh nghiệp (1 bản sao).
c. Các giấy tờ chứng nhận của cơ quan tài chính về nguồn vốn mà doanh nghiệp được cấp (bản chính + 5 bản sao).
d. Các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng nơi làm trụ sở của doanh nghiệp (hợp đồng thuê nhà, giấy phép xây dựng trụ sở v.v...) (1 bản sao).
3. Doanh nghiệp Nhà nước phải có đủ các giấy tờ nói trên mới được đăng ký kinh doanh. Khi nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, Trọng tài kinh tế cần xem xét về thời hạn đăng ký, và tính hợp lệ của hồ sơ. (Cơ quan ra quyết định thành lập có đúng thẩm quyền theo quy định không?). Khi doanh nghiệp Nhà nước có đủ hồ sơ hợp lệ, đúng thời hạn đăng ký, trong thời hạn 15 ngày Trọng tài kinh tế phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước. Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản chính các giấy tờ trong hồ sơ được trả lại cho doanh nghiệp Nhà nước, Trọng tài kinh tế giữ lại các bản sao để lưu và gửi đến các cơ quan khác theo quy định.
C. Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhà nước.
Hồ sơ xin đăng ký kinh doanh cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhà nước phải có gồm:
1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước nơi đặt trụ sở chính (bản chính + 1 bản sao).
2. Giấy phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bản chính + 5 bản sao).
3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng nơi đặt làm trụ sở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhà nước (bản chính + 1 bản sao).
4. Văn bản của người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện (5 bản).
5. Quyết định cử người đứng đầu chi nhánh hoặc văn phòng đại diện (5 bản).
Khi nhận đủ hồ sơ nói trên, trong thời hạn 15 ngày, Trọng tài kinh tế phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản chính các giấy tờ trong hồ sơ được trả lại cho doanh nghiệp Nhà nước. Trọng tài kinh tế giữ lại các bảo sao để lưu và gửi đến cơ quan khác theo quy định.
D. Đăng ký khi doanh nghiệp Nhà nước thay đổi kinh doanh.
1. Khi doanh nghiệp Nhà nước được cơ quan ra quyết định thành lập cho phép thay đổi mục tiêu, ngành nghề kinh doanh và các nội dung khác trong hồ sơ thành lập, doanh nghiệp Nhà nước phải đến Trọng tài kinh tế đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để đăng ký lại những nội dung thay đổi. Trọng tài kinh tế chỉ chấp nhận đăng ký thay đổi kinh doanh khi có văn bản cho phép những nội dung thay đổi của cơ quan đã ra quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
2. Khi doanh nghiệp Nhà nước muốn thay đổi kinh doanh cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp mình:
a. Nếu thay đổi trụ sở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trong phạm vi lãnh thổ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng nơi chuyển đến và chỉ cần đến Trọng tài kinh tế để đăng ký thay đổi.
b. Nếu thay đổi người đứng đầu chi nhánh văn phòng đại diện, doanh nghiệp Nhà nước gửi quyết định về việc này đến Trọng tài kinh tế nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.
c. Khi doanh nghiệp Nhà nước muốn tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, phải thông báo cho Trọng tài kinh tế đã cấp đăng ký kinh doanh cho chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp đình chỉ hoạt động doanh nghiệp Nhà nước phải nộp lại giấy tờ chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Trọng tài kinh tế đã cấp.
d. Nếu thay đổi ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp Nhà nước phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước sau khi đã đăng ký thay đổi tại Trọng tài kinh tế nơi có trụ sở chính.
3. Sau khi chấp nhận đăng ký thay đổi doanh nghiệp cho chi nhánh, văn phòng đại diện; chấp nhận thay đổi đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước, Trọng tài kinh tế phải gửi văn bản về nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh đến cơ quan khác theo quy định.
Đ. Những vấn đề khác
1. Doanh nghiệp Nhà nước được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải nộp lệ phí đăng ký kinh doanh theo Thông tư số 70-CT/TCT ngày 29-11-1991 của Bộ Tài chính.
2. Các khiếu nại của doanh nghiệp Nhà nước trong việc đăng ký kinh doanh được gửi đến Trọng tài kinh tế Nhà nước. Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước sẽ xem xét và giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.
3. Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố thực hiện ghi chép biểu mẫu, sổ sách, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước theo sự hướng dẫn của Trọng tài kinh tế Nhà nước.
4. Việc lưu giữ, bảo quản hồ sơ đăng ký kinh doanh và gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh các cơ quan có liên quan (trong việc thực hiện đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp Nhà nước) được áp dụng như quy định trong Thông tư 07-TT/ĐKKD của Trọng tài kinh tế Nhà nước ngày 29-7-1991.
5. Hàng tháng Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi bảo sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước cùng với bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp khác và báo cáo đăng ký kinh doanh về Trọng tài kinh tế Nhà nước để tổng hợp số liệu phục vụ cho nhu cầu quản lý Nhà nước của Trung ương và địa phương.
Trong quá trình thực hiện đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước nếu có các vướng mắc phát sinh, yêu cầu phản ánh về Trọng tài kinh tế Nhà nước để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Lê Tài (Đã ký) |
- 1 Thông tư 07-TT/ĐKKD năm 1993 hướng dẫn đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp của Đảng và đoàn thể do Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành
- 2 Chỉ thị 393-CT năm 1991 thực hiện Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Nghị định 388-HĐBT năm 1991 về Quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4 Thông tư 07-TT/ĐKKD năm 1991 hướng dẫn thực hiện đăng ký kinh doanh do Trọng tài Kinh tế Nhà nước ban hành
- 5 Chỉ thị 138-CT năm 1991 về mở rộng diện trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành