ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/TT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 01 năm 1983 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC HUY ĐỘNG _ TIỀN MẶT ĐỂ MUA LƯƠNG THỰC
Chỉ thị 40/CT-UB ngày 27-12-1982 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc huy động tiền mặt để mua lương thực cho nhân dân thành phố đã được triển khai thực hiện, nhưng đến nay kết quả đạt quá thấp ( chưa được 1% kế hoạch dự định). Nguyên nhân một phần do công tác cuối năm và việc chuẩn bị cho Tết chi phối nên việc huy động tiền tiết kiệm để mua lúa, gạo trong nhân dân và cán bộ chưa làm tốt, nhưng phần chủ yếu là do các cấp lãnh đạo chưa tập trung chỉ đạo, biện pháp chỉ đạo chưa cụ thể và nhận thức chưa dứt khoát do đó chưa quyết tâm và thiếu các hình thức thực hiện thích hợp.
Vấn đề huy động tiền tiết kiệm để mua lương thực bảo đảm nhu cầu cho nhân dân thành phố là hết sức cấp thiết, không thể để chậm trễ kéo dài. Để bảo đảm thi hành thống nhứt và đem lại kết quả cao trong thời vụ lúa đang thu hoạch rộ, Uỷ ban nhân dân thành phố hướng dẫn thêm một số biện pháp cụ thể sau đây:
1. Nỗ lực vận động từ nay đến Tết một đợt cao điểm đem lại kết quả 50% chỉ tiêu đã định sau Tết tiếp tục hoàn thành trong tháng 3/1983 không để dây dưa kéo dài.
Số tiền của nhân dân đóng góp mua lương thực được ghi vào quỹ tiết kiệm. người góp tiển được hưởng lãi suất tiết kiệm và được mua gạo với giá bảo đảm kinh doanh ; các Công ty kinh doanh sẽ bán lại gạo không lấy lời mà chỉ tính giá mua cộng với các loại phí tổn (bốc xếp, vận chuyển…).
Ngân hàng thành phố đã có hướng dẫn cụ thể về việc thu, ghi, lãi suất… của loại tiết kiệm này.
2. Cần phải dự kiến định mức huy động từng lọai hộ dân để phấn đấu thực hiện có kết quả, tránh tình trạng thu bình quân không hợp lý. Căn cứ vào khả năng, mức thu nhập, nhất là với những hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ; Thành phố gợi ý một số mức với từng loại hộ để các cấp các ngành vận động :
Với bà con buôn bán, kinh doanh công thương, dịch vụ dựa vào đăng ký kinh doanh hộ A, B, C mà vận động. hộ A có thể từ 2.000đ trở lên, hộ B từ 1.000đ, hộ C từ 300đ trở lên, hộ tiểu thương nghèo từ 100 đến 300đ.
Với hộ cán bộ công nhân viên chức, tùy mức đời sống mà huy động, có thể từ 50đ trở lên. Với loại hộ này, cần động viên thuyết phục, không phải cả gia đình đều ăn gạo Nhà nước cung cấp là không cần đóng góp, mà có khả năng góp phần bao nhiêu thì góp. Ngược lại, nếu gia đình chỉ sống bằng đồng lương, không có nguồn thu nhập nào khác, đời sống thực sự khó khăn, thì dù gia đình có nhiều người phải mua gạo ngoài diện cung cấp vẫn có thể đóng góp, hoặc trước mắt chưa có tiền chưa góp, sau này khi có tiền sẽ góp sau (ví dụ hộ cán bộ hưu trí …).
Với hộ gia đình quá nghèo, cán bộ công nhân viên chức quá túng thiếu thì không đặt chỉ tiêu huy động trong đợt này.
Với chỉ tiêu đó, từng quận huyện và cơ sở dựa trên cơ cấu dân cư của địa phương, xem xét khả năng thực tế, lên kế hoạch định mức huy động cụ thể. Ngân hàng thành phố, Sở Lương thực, Công ty kinh doanh lương thực phối hợp với các quận, huyện xem xét tình hình trình thường trực Uỷ ban giao chỉ tiêu định mức huy động cụ thể cho từng quận, huyện.
3. Với đà đang triển khai ở cơ sở, nhận được thông tư này, các Uỷ ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, các đồng chí Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố kiểm điểm lại tình hình, bổ sung kế hoạch và uốn nắn những lệch lạc vướng mắc, đẩy mạnh hơn nữa đợt vận động, làm thông suốt chủ trương này từ trong nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước ra ngoài nhân dân, từ cán bộ Đảng viên ra đến quần chúng ngoài Đảng (chú ý: những đồng chí thực sự khó khăn, không đóng góp được thì báo cáo, trình bày với cấp Uỷ, Thủ trưởng ; tuyệt đối không được vì mình có khó khăn mà nói ngược lại chủ trương này của Đảng, đồng thời cũng tránh quy chụp gán ép).
Các đoàn thể quần chúng, nhất là Phụ nữ, Công đoàn, Hội Công thương, Hội Trí thức…, các ngành Tuyên huấn, Ngân hàng, Thuế… của thành phố và quận, huyện cần có kế hoạch tăng cường cán bộ xuống phường, xã, đi từng nhà, từng đối tượng, tuyên truyền giải thích, vận động, ghi danh sách; đến từng chợ cùng Ban quản lý chợ, không bỏ sót một ai.
4. Ngân hàng thành phố và các quận, huyện có kế hoạch cụ thể tăng cường bàn tiết kiệm đặc biệt cho loại thu gom này, làm sao dễ dàng thuận lợi tối đa cho từng khu phố, tổ dân phố, chú ý các khu xóm lao động.
Cần xét lại nội dung hướng dẫn (của Ngân hàng) vừa qua, bổ sung, sửa đổi những gì cần thiết phù hợp với thông tư này và uốn nắn ngay lệch lạc nếu có.
5. Sở Lương thực và Công ty kinh doanh lương thực thành phố kiểm điểm lại việc tổ chức mạng lưới và cách bán gạo cho dân vừa qua, bổ cứu những gì thiếu sót, chấn chỉnh những gì lệch lạc và có kế hoạch tổ chức bán gạo sắp tới đến tay người tiêu dùng, đến tay người gởi tiền mua gạo.
Cần chú ý phối hợp chặt chẽ với thương nghiệp hợp tác xã để bố trí mạng lưới hợp lý, nên nghiên cứu cả hình thức mạng lưới xe đẩy, đưa gạo bán lẻ đến từng xóm lao động, từng hộ có góp tiền mua gạo.
Nhận được thông tư này, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân từng quận, huyện có kế hoạch kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị 40/CT-UB của Uỷ ban nhân dân thành phố và căn cứ hướng dẫn của thông tư này vạch kế hoạch thực hiện cụ thể, xin ý kiến chỉ đạo của quận ủy, huyện ủy và trực tiếp tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo định kỳ (ngày 15 và 30 hàng tháng) về Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố.
Chú ý gắn chặt đợt vận động đóng góp, tiết kiệm, tạo quỹ mua lương thực đợt này với vận động thực hành tiết kiệm trong chỉ tiêu Tết năm nay ở từng cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, từng hộ gia đình.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh