UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC | VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 04-UB/GD-ĐT | Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 1975 |
Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 134-CP ngày 30 thang 6 năm 1975 ban hành quy chế phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp.
Điều 2 của Nghị định giao Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ra thông tư giải thích quy chế và hướng dẫn việc làm kế hoạch phân phối đúng theo các điều khoản của quy chế.
Thi hành Nghị định nói trên của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác có nhu cầu hoặc có trách nhiệm đối với việc phân phối, sử dụng học sinh tốt nghiệp thực hiện tốt các điểm sau đây để chấp hành đúng quy chế phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp.
I. CÁC NGUYÊN TẮC PHÂN PHỐI NGHIÊN CỨU SINH VÀ HỌC SINH ĐÃ TỐT NGHIỆP
Quy chế nêu rõ chỉ phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã tốt nghiệp, có nghĩa là số nghiên cứu sinh, học sinh không được các cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tốt nghiệp thì không đươc phân phối theo quy chế của Nhà nước.
1. Điều 1, chương 1 của quy chế nêu lên các quy định chủ yếu :
- Công tác phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp phải được kế hoạch hóa ;
- Phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp đúng nghề nghiệp mà người học sinh đã được học ;
Phân phối học sinh tốt nghiệp phải nhằm từng bước thực hiện sự đồng bộ có hiệu lực về khoa học kỹ thuật ở các ngành và các địa phương …
a) Công tác phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp phải được kế hoạch hóa. Cụ thể là phải tuân thủ các điều của quy chế phân phối do Hội đồng Chính phủ đã ban hành và các điều hướng dẫn về việc làm kế hoạch phân phối ghi trong thông tư này,
b) Trong hoàn cảnh cụ thể của ta, nguyên tắc phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp đúng với nghề nghiệp mà người học sinh đã được học vận dụng như sau :
- Đúng chuyên đề và chuyên ngành tốt nghiệp, đây là trường hợp tốt nhất (nhưng trong thực tế, thường khó vận dụng được chính xác một trăm phần trăm);
- Đúng ngành học, đây là trường hợp phải phấn đấu làm cho đúng ;
- Đúng nhóm ngành học, đây là trường hợp tối thiểu phải đạt được và chỉ vận dụng đối với số học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Phân phối trái nhóm ngành thi xem là không chấp hành đúng tinh thần của quy chế phân phối. ví dụ : kỹ sư kỹ thuật cơ khí phân phối làm kỹ thuật hóa học ; kỹ sư kỹ thuật hóa học phân phối làm kỹ thuật xây dựng …;
- Trong công tác quản lý Nhà nước (ở cơ quan Bộ, Tổng cục, Văn phòng, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng các cấp, Ủy ban Kế hoạch các cấp, v v…) cần có một số cán bộ cơ khí, điện, xây dựng, vận tải, v v…và một số cán bộ tốt nghiệp các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, tài chính, thương nghiệp,v.v…để làm công tác nghiên cứu và giúp cơ quan lãnh đạo theo dõi xử lý các vấn đề thuộc các lĩnh khác nhau của Nhà nước. Không nên xem việc bố trí và xử dụng số cán bộ như trên ở các cơ quan này là trái nghề nghiệp đã học, vì trong thực tế công tác, kiến thức nghề nghiệp của họ được sử dụng, ví dụ : kỹ sư cơ khí được sử dụng làm kế hoạch phát triển ngành cơ khí và theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc thực hiện kế hoạch ngành cơ khi ở các Ủy ban kế hoạch, v.v…
c) Sự đồng bộc có hiệu lực về lao động khoa học, kỹ thuật được hiểu là cơ cấu đội ngũ cán bộ đã đạt tỉ lệ hợp lý giữa số tốt nghiệp ngành này, ngành khác, trình độ này, trình độ khác ở trong từng đơn vị và bộ môn công tác, ở đó mỗi người điều được huy động kiến thức nghề nghiệp của mình và thì giờ làm công tác chuyên môn của mình để đem lại hiệu suất và hiệu quả công tác cao nhất. Có thể có sự đồng bộ không có hiệu lực, đủ người, đủ nghề và trình độ, nhưng kiến thức nghề nghiệp, thì giờ làm công tác chuyên môn của từng người không được sử dụng tốt, gây lãng phí lao động.
2. Điều 2, chương 1 của quy chế nêu lên các quy định chủ yếu ;
- Công tác phân phối phải quan tâm đến khu vục Nhà nước, đồng thời quan tâm đến khu vực kinh tế tập thể ;
- Công tác phân phối phải chú ý đầy đủ đến các khâu công tác trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ,
a) Việc phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp phải quan tâm đến khu vực Nhà nước, đồng thời cũng phải quan tâm đến khu kinh tế tập thể. Ở các hợp tác xã thuộc khu vực kinh tế tập thể(sản xuất nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, v.v…) cũng cần phải có cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý. Trong khi phân phối học sinh tốt nghiệp, nhất là số tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, phải chú ý phân phối cho các hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp v.v…
b) Trong việc phân phối học sinh tốt nghiệp, tránh việc phân phối rải mánh mánh; phải biết phân phối tập trung vào từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị công tác để sớm hình thành sự đồng bộ có hiệu lực về lao động khoa học kỹ thuật, nhằm bảo đảm thực hiện các khâu công tác trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.
3. Điều 3, chương 1 của quy chế nêu lên các quy định chủ yếu :
- Học sinh tốt nghiệp điều được Nhà nước phân phối công tác, trừ số phạm kỷ luật nghiêm trọng ngay sau khi tốt nghiệp ;
Học sinh tốt nghiệp theo chế độ học chuyên tu và hình thức tại chức nói chung được trở về ngành hay địa phương cũ công tác ; ngành hay địa phương cũ có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí công tác cho thích hợp.
a) Điểm thứ nhất nói lên tính chất ưu việt của chế độ ta : Nhà nước đã đào tạo cán bộ thì Nhà nước phân phối công tác bảo đảm cho người cán bộ có công việc làm đúng nghề nghiệp đã được đào tạo. Điểm này có liên quan đến điểm a của điều 11, chương II của Quy chế : “ Các Bộ và Ủy ban hành chính có trách nhiệm thu nhận tất cả số học sinh được phân phối theo kế hoạch Nhà nước, bố trí và sử dụng tốt số này”; và điều 16, chương III của quy chế nêu lên nhiệm vụ và nghĩa vụ của người học sinh tốt nghiệp : “ Học sinh tốt nghiệp có nhiệm vụ phải tuân theo sự phân phối công tác của Nhà nước và có nghĩa vụ đem hết sức mình làm tốt công tác được giao…”.
Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp sẽ có văn bản quy định thế nào là kỷ luật nghiêm trọng và theo đó người học sinh tốt nghiệp không được phân phối công tác theo quy chế của Nhà nước.
b) Điểm thứ hai nêu lên trách niệm của cơ quan gửi người đi học theo chế độ chuyên tu và hình thức tại chức : cho người đi học phải theo một kế hoạch chính xác, tránh tình trạng cho đi học vì lý do nội bộ, không theo yêu cầu kế hoạch…như một số ít nới đã mắc phải. Phải thu nhận và bố trí công tác cho số người đã cho đi học theo chế độ chuyên tu và hình thức tại chức (trừ trường hợp rất cần thiết Nhà nước đã điều động đi nơi khác).
4. Điều 4, chương I của quy chế nêu rõ : trên cơ sở bảo đảm yêu cầu kế hoạch Nhà nước, việc phân phối học sinh tốt nghiệp để xây dựng kinh tế, văn hóa ở miền núi, xây dựng kinh tế, văn hóa ở các địa phương cần chú ý thích đáng đưa người dân tộc thiểu số, người địa phương trở về hoạt động. Cụ thể là : nếu địa phương, nhất là các địa phương ở miền núi, có nhu cầu thì Nhà nước sẽ chú ý thích đáng phân phối người của địa phương đó trở về địa phương hoạt động hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt quan tâm đưa người dân tộc thiểu số về vùng dân tộc thiểu số, nhưng việc phân phối này phải trên cơ sở bảo đảm yêu cầu của kế hoạch Nhà nước.
5. Điều 5, chương I của quy chế quy định việc phân phối học sinh tốt nghiệp trước khi đi học nếu chưa phải là cán bộ, công nhân thì cần được phân phối về tập sự và công tác ở các đơn vị cơ sở. Điều này có ý nghĩa rất lớn : làm cho học sinh (trước khi đi học chưa phải là cán bộ, công nhân) mới tốt nghiệp có diều kiện công tác thực tiễn ở cơ sở để qua công tác thực tiễn đó mà rèn luyện và trưởng thành. Việc bổ sung cán bộ cho các cơ quan nghiên cứu và quản lý các cấp trên từ nay nên điều những cán bộ đã làm công tác thực tế và đã được rèn luyện qua công tác thực tế ở các đơn vị cơ sở. Cũng có thể giải quyết bằng cách xin và nhận học sinh đã tốt nghiệp, đưa về các cơ sở đơn vị tập sự và công tác một thời gian (không dưới 3 năm) sau đó bổ xung vào các cơ quan quản lý bên trên.
6. Điều 6, chương I của quy chế nêu lên nguyên tắc : số học sinh tốt nghiệp đi nhận công tác ở các địa phương xa xôi, hẻo lánh và ở những vùng nông thôn còn quá yếu, kém về kinh tế thi được hưởng các chế độ ưu đãi. Theo sự phân công ghi ở điều 12, chương II của quy chế, Bộ Lao động sẽ quy định rõ địa phương xa xôi, hẻo lánh, vùng nông thôn còn quá yếu, kém về kinh tế…và sẽ trình Chính phủ ban hành các chế độ ưu đãi.
7. Điều 7, chương I của quy chế chi tiêu phân phối nghiên cứu sinh học và học sinh tốt nghiệp được ghi trng kế hoạch Nhà nước là chỉ tiêu pháp lệnh.Muốn chỉ tiêu phân phối học sinh đã tốt nghiệp có đầy đủ hiệu lực và có tính chất pháp lệnh thì các Bộ, Tổng cục, của Ủy ban hành chính địa phương, các cơ quan phải tuân thủ tất cả các điều quy định ở chương II và chương III của bản quy chế về trách nhiệm trong công tác phân phối và các điều hướng dẫn ghi trong thông tư này.
(chương II và chương III của quy chế)
Điều 8 và điều 9, chương II của quy chế quy định cách lập kế hoạch phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp và trách nhiệm của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đối với việc phân phối. Để thực hiện các điểm này :
1. Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có yêu cầu xin phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp, phải gửi đến Ủy ban Kế hoạch Nhà nước văn bản yêu cầu được phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp, và gửi đến Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và hội đồng phân phối cán bộ trên đại học …văn bản yêu cầu được phân phối nghiên cứu sinh tốt nghiệp năm sau theo đúng các điểm sau đây :
- Thời gian gửi văn bản yêu cầu phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp đến Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hội đồng phân phối (chỉ gửi đến hội đồng phân phối văn bản xin nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp) phải kèm theo biểu báo vào tháng 8 hàng năm ;
- Biểu báo : làm đúng theo điều 1a-PPCB. kèm theo (*);
- Văn bản phải do vụ kế hoạch của Bộ, Tổng cục hoặc Ủy ban kế hoạch tỉnh, thành phố dự thảo (sau khi cân đối các mặt) và phải được Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Tổng cục phó, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố ký. Ủy ban Kế hoạch nhà nước và hội đồng phân phối không xem xét các văn bản làm không đúng các điều ghi ở điểm 1 này.
2. Hàng năm, các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố có trường trực thuộc, các đại sứ quán Việt Nam ở các nước có lưu học sinh Việt Nam báo cáo dự kiến học sinh tốt nghiệp năm sau cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và hội đồng phân phối (chỉ gửi cho hội đồng phân phối dự kiên nghiên cứu sinh tốt nghiệp) theo đúng các điểm sau đây :
- Thời gian gửi đến Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và hội đồng phân phối : vào tháng 8 hàng năm;
- Biểu báo : làm đúng theo biểu báo 2a –TN kèm theo (*);
- Văn bản do Vụ kế hoạch Bộ, Tổng cục, bộ phận quản lý lưu học sinh hoặc Ủy ban kế hoạch các tỉnh, thành phố dự thảo (sau khi tập hợp ý kiến của các hiệu trưởng, v.v…) và phải được Bộ trưởng, Thứ trưởng, tổng cục trưởng, Tổng cục phó, các đại sứ, Chủ tịch hoặc phó chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố ký.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và hội đồng phân phối không chịu trách nhiệm về việc phân phối công tác cho số học sinh không được các cơ quan có trách nhiệm báo cáo theo đúng các điểm đã nêu ở trên.
3. Sau khi nghiên cứu các văn bản do các nơi gửi đến, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ tiến hành bàn bạc với các Bộ và địa phương có nhu cầu và có trường, cân đối nhu cầu với khả năng lên phương án đểtrình lên Hội đồng Chính phủ xét duyệt, ban hành chỉ tiêu phân phối cùng một lúc với các kế hoạch kinh tế quốc dân khác. Vào giữa năm hàng năm, theo sự phát triển của các Bộ có yêu cầu cán bộ và các Bộ trưởng, nếu thấy cần thiết điều chỉnh kế hoạch thì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ trình Hội đồng Chính phủ xin điều chỉnh.
Quy chế cũng nêu rõ : “Chỉ tiêu kế hoạch phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp trong kế hoạch Nhà nước là chỉ tiêu pháp lệnh, thủ trưởng các trường, các cơ quan tiếp nhận phải chấp hành nghiêm chỉnh” (điều 7, chương I của quy chế). Các Bộ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm “thu nhận tất cả số học sinh và nghiên cứu sinh tốt nghiệp được phân phối theo kế hoạch Nhà nước, bố trí công tác và sử dụng tốt số này theo đúng những nguyên tắc đã nêu ở chương I.” (điểm a, điều 11, chương II của quy chế). Chấm dứt tình trang có văn bản xin, được Nhà nước chi tiêu đúng như văn bản đã xin (số lượng, ngành nghề đào tạo) nhưng cơ quan xin lại không tiếp nhận ; đồng thời cũng tránh tình trạng các cơ quan phân phối gán ghép chỉ tiêu phân phối buộc phải nhận nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp khi không có nhu cầu (số lượng, ngành nghề).
4. Điều 11, chương II của quy chế nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, các Tổng cục,các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố về việc tiếp nhận học sinh và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp. Để thực hiện điều này, sau khi thực hiện xong kế hoạch phân phối, vào tháng 12 của hàng năm, các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố có trường trực thuộc phải báo cáo cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tình hình thực hiện kế hoạch phân phối nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp để Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp báo cáo lên Hội đồng chính phủ. Báo cáo cần nêu rõ :
- Tình hình thực hiện kế hoạch phân phối theo chỉ tiêu số lượng, ngành nghề đào tạo, nơi tiếp nhận …đã được ghi trong kế hoạch gửi cho Bộ, địa phương ;
- Các vấn đề xảy ra trong khi thực hiện kế hoạch phân phối mà Đảng, Chính phủ cũng như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ liên quan cần quan tâm.
5. Các vấn đề như thời gian học sinh tốt nghiệp phải được nhận công tác ; các trường hợp học sinh tốt nghiệp không có nơi nương tựa mà chưa được Nhà nước phân phối công tác ; học sinh tốt nghiệp chưa có nơi sử dụng đúng ngành nghề đào tạo ; học sinh không chịu nhận công tác theo kế hoạch phân phối của Nhà nước, v.v… thì giải quyết theo điều 14 và điều 15 ở chương III của quy chế.
Để thực hiện tốt điều 14, chương III của quy chế, các Bộ có trường trực thuộc cần :
- Báo cáo chính xác cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước : ngày, tháng công nhận tốt nghiệp cho học sinh (các đại sứ quán báo cáo chính xác tháng tốt nghiệp và về nước của lưu học sinh);
- Chấm dứt tình trạng tuỳ tịên kéo dài thời gian đào tạo, mà phải thực hiện đúng thời gian đào tạo và thời điểm thi tốt nghiệp đã đăng ký với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ;
- Khẩn trương làm kế hoạch phân phối cụ thể ngay sau khi nhận được chỉ tiêu phân phối của kế hoạch Nhà nước.
Các Bộ tiếp nhận học sinh cần :
- Tiếp xúc ngay với các trường để tiếp nhận học sinh sau khi nhận được kế hoạch phân phối ;
- Thực hiện nghiêm chỉnh điểm a, điều 11 ở chương II của quy chế, không trả lại cho nhà trường những học sinh tốt nghiệp được phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Để thực hiện tốt điều 15, chương III của quy chế, hàng năm, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ cùng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ có trường trực thuộc chủ động lọc ra số học sinh thực sự chưa có nơi sử dụng theo ngành nghề đào tạo để trình Hội đồng Chính phủ tạm thời phân phối làm một số việc trước mắt . Diện học sinh tạm phân phối không bao gồm số học sinh đã được phân phối trong kế học Nhà nước, nhưng vì lý do riêng mà các nơi trả lại (các nơi phải nhận theo quy định của điểm a, điều 11 của quy chế) ; cũng không bao gồm số nghiên cứu sinh và học sinh đã tốt nghiệp không tuân theo sự điều đồng của Nhà nước (sẽ giải quyết bằng cách thi hành kỷ luật theo điều 16, chương III của quy chế).
UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC KT. CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM
Chế Viết Tấn |