Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2001/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 05/2001/TT-NHNN NGÀY 31 THÁNG 5 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 61/2001/QĐ-TTG NGÀY 25/04/2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ NGHĨA VỤ BÁN VÀ QUYỀN MUA NGOẠI TỆ CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC

Ngày 25/4/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/2001/QĐ-TTg về nghĩa vụ bán và quyền mua ngoại tệ của Người cư trú là Tổ chức; Căn cứ vào Khoản 3 Điều 6 của Quyết định này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Mục 1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nguồn thu vãng lai là nguồn thu bằng ngoại tệ của Người cư trú từ các giao dịch vãng lai giữa Người cư trú với Người không cư trú (theo quy định tại Phụ lục 3 Thông tư 01/1999/TT-NHNN7 ngày 16/04/1999 của Ngân hàng Nhà nước).

2. Nguồn thu từ giao dịch vốn là nguồn thu bằng ngoại tệ của Người cư trú từ các giao dịch vốn giữa Người cư trú với Người không cư trú (theo quy định tại Phụ lục 4 Thông tư 01/1999/TT-NHNN7 ngày 16/04/1999 của Ngân hàng Nhà nước).

3. Tài trợ, viện trợ là khoản tài trợ, viện trợ không hoàn lại của Người không cư trú cho Người cư trú.

4. Mua, bán ngoại tệ là việc sử dụng đồng Việt nam để mua ngoại tệ hoặc việc bán ngoại tệ lấy đồng Việt Nam giữa Ngân hàng được phép với Người cư trú là tổ chức.

Mục 2. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm:

1. Tổ chức kinh tế Việt nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên danh với nước ngoài (sau đây gọi chung là Tổ chức kinh tế).

2. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt nam (sau đây gọi chung là Tổ chức xã hội) .

3. Ngân hàng được phép (sau đây gọi là Ngân hàng).

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục I. NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ CHO NGÂN HÀNG

1. Đối tượng và tỷ lệ bán ngoại tệ

a. Đối tượng là Tổ chức kinh tế: Phải bán ngay tối thiểu 40% số ngoại tệ thu được từ nguồn thu vãng lai cho Ngân hàng;

b. Đối tượng là Tổ chức xã hội: Phải bán ngay 100% số ngoại tệ thu được từ nguồn thu vãng lai cho Ngân hàng.

Đối tượng là Tổ chức kinh tế và Tổ chức xã hội nói tại Điểm a và b sau đây được gọi chung là "Tổ chức".

2. Thủ tục bán ngoại tệ

2.1. Đối với nguồn thu ngoại tệ của Tổ chức đã xác định là nguồn thu vãng lai phải bán:

a. Khi ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản mà Tổ chức có nhu cầu bán ngay ngoại tệ theo tỷ lệ quy định cho Ngân hàng nơi Tổ chức mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ thì Ngân hàng có trách nhiệm mua ngay số ngoại tệ này;

b. Khi ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản mà Tổ chức chưa bán ngay ngoại tệ thì Ngân hàng nơi Tổ chức mở tài khoản trích chuyển ngay số ngoại tệ phải bán theo tỷ lệ quy định từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ sang tài khoản "Tiền giữ hộ và đợi thanh toán"; Đồng thời, thông báo ngay cho Tổ chức biết để làm thủ tục bán ngoại tệ. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ, Ngân hàng và Tổ chức phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ mua, bán ngoại tệ theo tỷ lệ quy định tại Thông tư này;

c. Trường hợp Tổ chức có nhu cầu bán số ngoại tệ thuộc nghĩa vụ phải bán cho một Ngân hàng khác không phải là Ngân hàng nơi mở tài khoản thì Tổ chức phải xuất trình hợp đồng mua bán ngoại tệ đã ký cho Ngân hàng nơi mở tài khoản vào trước ngày hoặc vào ngày ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản. Ngân hàng nơi mở tài khoản sẽ căn cứ vào hợp đồng mua bán ngoại tệ để chuyển số ngoại tệ cho Ngân hàng đã ký hợp đồng mua ngoại tệ. Ngân hàng ký hợp đồng mua ngoại tệ với Tổ chức có trách nhiệm mua ngay số ngoại tệ này.

d. Trường hợp sau 3 ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản mà Tổ chức không thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ theo tỷ lệ quy định thì Ngân hàng nơi Tổ chức mở tài khoản phải mua ngay số ngoại tệ phải thực hiện nghĩa vụ bán từ tài khoản "Tiền giữ hộ và đợi thanh toán"; Đồng thời, ghi Có vào tài khoản tiền đồng Việt Nam của Tổ chức mở tại Ngân hàng. Trường hợp Tổ chức chưa mở tài khoản tiền đồng Việt Nam tại Ngân hàng thì Ngân hàng mở tài khoản tiền đồng Việt Nam cho Tổ chức để thực hiện việc mua ngay ngoại tệ.

2.2. Đối với nguồn thu ngoại tệ của Tổ chức chưa xác định được là nguồn thu vãng lai phải bán:

a. Khi ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Tổ chức mà Ngân hàng chưa xác định được là nguồn thu vãng lai phải bán thì Ngân hàng thực hiện việc trích chuyển ngay sang tài khoản "tiền giữ hộ và đợi thanh toán" 40% số ngoại tệ đối với Tổ chức kinh tế hoặc 100% đối với Tổ chức xã hội; Đồng thời, thông báo ngay cho Tổ chức biết;

b. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được trích chuyển vào tài khoản "Tiền giữ hộ và đợi thanh toán" mà Tổ chức xuất trình cho Ngân hàng các chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn thu ngoại tệ không phải bán theo quy định tại Khoản 2, Mục 2, Chương II của Thông tư này thì Ngân hàng có trách nhiệm trích chuyển trả lại ngay số ngoại tệ từ tài khoản "Tiền giữ hộ và đợi thanh toán" sang tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Tổ chức;

c. Sau 3 ngày làm việc kể từ ngày ngoại tệ được trích chuyển vào tài khoản "Tiền giữ hộ và đợi thanh toán" mà Tổ chức không chứng minh được ngoại tệ thuộc nguồn thu vãng lai không phải bán hoặc cố ý không thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ theo tỷ lệ quy định thì việc mua bán ngoại tệ giữa Ngân hàng và Tổ chức được thực hiện như quy định tại tiết c và d, Khoản 2.1, Mục 1 của Chương này.

2.3. Ngân hàng phải trả lãi bằng ngoại tệ đối với số ngoại tệ đã trích chuyển từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ sang tài khoản "Tiền giữ hộ và đợi thanh toán" theo quy định của Ngân hàng nơi mở tài khoản.

2.4. Khi thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ từ nguồn thu vãng lai theo quy định của Thông tư này, Tổ chức được để lại số ngoại tệ tối thiểu để duy trì tài khoản tiền gửi ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng nơi mở tài khoản.

3. Hình thức mua bán ngoại tệ

3.1. Mua bán ngoại tệ giao ngay (Spot): Việc mua bán ngoại tệ giao ngay giữa Ngân hàng và Tổ chức phải thực hiện trong vòng 3 ngày kể từ ngày ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Tổ chức.

3.2. Mua bán ngoại tệ kỳ hạn (Forward):

a. Thời hạn mua bán ngoại tệ kỳ hạn từ nguồn thu vãng lai phải bán theo quy định được ký kết giữa Ngân hàng với Tổ chức phải phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng xuất khẩu hoặc dịch vụ với nước ngoài để đảm bảo ngoại tệ từ nguồn thu vãng lai khi chuyển vào tài khoản của Tổ chức được bán ngay cho Ngân hàng.

b. Các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn từ nguồn thu vãng lai phải bán theo quy định đã ký kết giữa Ngân hàng với Tổ chức trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì Tổ chức phải bán ngay cho Ngân hàng theo tỷ lệ quy định khi ngoại tệ được ghi Có vào tài khoản ngoại tệ.

Mục II. CÁC NGUỒN THU VÃNG LAI KHÔNG PHẢI THỰC HIỆN NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ CHO NGÂN HÀNG

1. Các nguồn thu vãng lai không phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ

a. Các nguồn thu từ tài trợ, viện trợ không hoàn lại theo Thoả thuận đã cam kết giữa người cư trú với Bên tài trợ;

b. Các nguồn thu của Bên nhận uỷ thác xuất khẩu theo Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu. Trong trường hợp này Bên uỷ thác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho Ngân hàng;

c. Các nguồn thu từ tạm nhập tái xuất theo các Hợp đồng mua bán hàng hoá với nước ngoài. Phần thu chênh lệch giá bằng ngoại tệ từ nghiệp vụ này phải thực hiện nghĩa vụ bán cho Ngân hàng;

d. Các nguồn thu từ việc đặt cọc, ký quỹ của Người không cư trú và các khoản thu hộ cho Người không cư trú;

đ. Các nguồn ngoại tệ của Tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép nhận của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài chuyển về Việt Nam để giúp đỡ gia đình, thân nhân hay vì mục đích từ thiện khác;

c. Các nguồn thu vãng lai không phải bán theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ .

2. Giấy tờ chứng minh cho các nguồn thu ngoại tệ không phải bán

a. Đối với điểm 1 (a): Thoả thuận về tài trợ, viện trợ không hoàn lại đã cam kết với Bên tài trợ hoặc các giấy tờ liên quan đến nguồn viện trợ, tài trợ;

b. Đối với điểm 1 (b): Hợp đồng xuất khẩu uỷ thác ký giữa Bên uỷ thác và Bên nhận uỷ thác;

c. Đối với điểm 1 (c): Hợp đồng tạm nhập tái xuất đã ký giữa các bên và văn bản của Bộ Thương Mại cho phép thực hiện dịch vụ tạm nhập tái xuất đối với loại hàng hoá đó;

d. Đối với điểm 1 (d): Hợp đồng mua bán hàng hoá và dịch vụ trong đó có quy định các nội dung về ký quỹ, đặt cọc; Thoả thuận thu hộ giữa Người cư trú là Tổ chức với Người không cư trú;

đ. Đối với điểm 1 (đ): Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép tổ chức kinh tế làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài chuyển về Việt Nam;

e. Đối với điểm 1 (e): Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép không phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ.

Các giấy tờ và chứng từ để chứng minh cho các trường hợp không phải bán ngoại tệ phải là bản chính hoặc là bản sao có công chứng. Trong trường hợp cơ quan công chứng không thực hiện công chứng, Ngân hàng có thể yêu cầu Tổ chức xuất trình bản gốc hoặc bản sao có xác nhận và đóng dấu của Tổ chức đó. Bản xác nhận phải ghi rõ nội dung giữa bản sao và bản gốc là giống nhau. Nếu có sai sót, Tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp một giấy tờ và chứng từ có nhiều trang, Tổ chức phải xác nhận trên từng trang.

Mục III. QUYỀN MUA NGOẠI TỆ CỦA TỔ CHỨC

1. Quyền mua ngoại tệ

a. Người cư trú là tổ chức kinh tế Việt Nam, tổ chức tín dụng ở Việt Nam, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu liên danh với nước ngoài, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam khi có nhu cầu ngoại tệ để đáp ứng cho giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch được phép khác theo quy định thì được quyền mua ngoại tệ tại các Ngân hàng trên cơ sở xuất trình các giấy tờ và chứng từ hợp lệ.

b. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khi có nhu cầu ngoại tệ để đáp ứng cho giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch được phép khác theo quy định thì được quyền mua ngoại tệ tại các Ngân hàng trên cơ sở xuất trình các giấy tờ và chứng từ hợp lệ.

c. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư vào các dự án đặc biệt quan trọng theo chương trình của Chính phủ thì được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với từng dự án. Các Ngân hàng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đảm bảo cân đối ngoại tệ; trường hợp nguồn ngoại tệ hiện có không đủ khả năng đáp ứng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để bổ sung nguồn ngoại tệ.

d. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư vào các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và các dự án quan trọng khác thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và quyết định bảo đảm hỗ trợ cân đối ngoại tệ trên cơ sở đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi các Ngân hàng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ.

2. Các giấy tờ cần thiết cho việc mua ngoại tệ

Khi mua ngoại tệ để đáp ứng cho các giao dịch vãng lai, các giao dịch vốn hay các giao dịch được phép khác, Tổ chức phải xuất trình cho Ngân hàng các giấy tờ và chứng từ hợp lệ sau đây đối với từng loại giao dịch:

a. Đối với thanh toán nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ cho nước ngoài: Phải có Hợp đồng nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ với nước ngoài; giấy phép nhập khẩu của Thủ tướng Chính phủ (đối với các mặt hàng trong Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu), hay giấy phép hay hạn ngạch của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành (đối với việc nhập khẩu các mặt hàng trong Danh mục nhập khẩu có điều kiện), quyết định thành lập, đăng ký kinh doanh, bộ chứng từ hoàn hảo gồm thư tín dụng (nếu có), hoá đơn, vận đơn và các chứng từ có liên quan đến nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

b. Thanh toán uỷ thác xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cho Bên nhận uỷ thác xuất nhập khẩu: Phải có hợp đồng uỷ thác xuất, nhập khẩu và các chứng từ có liên quan đến uỷ thác xuất, nhập khẩu.

c. Hoàn trả tiền bồi thường liên quan đến xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ: Phải có hợp đồng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, thông báo thanh toán, giấy khiếu nại, biên bản và giấy tờ có liên quan đến giải quyết tranh chấp khiếu nại.

d. Chuyển tiền đặt cọc để đấu thầu ở nước ngoài: Phải có hợp đồng có liên quan, các giấy tờ và chứng từ có liên quan đến việc đấu thầu ở nước ngoài.

đ. Nộp tiền hội viên cho các tổ chức quốc tế, các khoản phí đăng ký cho các cuộc họp quốc tế: Phải có giấy tờ phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền và các giấy tờ khác có liên quan.

e. Các khoản chi phí liên quan đến phí, chi tiêu cho việc thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện ở nước ngoài: Phải có phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập văn phòng ở nước ngoài và các giấy tờ liên quan đến việc chi các loại phí và chi tiêu của văn phòng.

g. Các khoản chi phí liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký bản quyền ứng dụng đối với bằng phát minh, sáng chế, các dịch vụ tư vấn: Phải xuất trình hợp đồng có liên quan và các giấy tờ khác liên quan đến việc thanh toán cho nước ngoài.

h. Các khoản chi phí liên quan đến việc cử cá nhân làm việc trong tổ chức ra nước ngoài công tác, học tập, khảo sát, hội thảo ...: Phải xuất trình các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền cho phép ra nước ngoài và các giấy tờ có liên quan đến việc thanh toán ở nước ngoài, các giấy tờ khác có liên quan.

i. Chuyển trả nợ gốc, lãi và phí đối với khoản vay nước ngoài: Phải có hợp đồng vay vốn đã được phê duyệt, các giấy tờ liên quan khác.

k. Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh: Tuỳ từng mục đích sử dụng ngoại tệ, phải xuất trình các giấy tờ theo quy định tại Thông tư số 04/2001/TT-NHNN ngày 18/05/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về Quản lý ngoại hối đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.

l. Đối với các giao dịch vãng lai và giao dịch được phép khác tuỳ theo từng trường hợp, Ngân hàng sẽ quy định cụ thể các chứng từ cần thiết khi mua ngoại tệ.

Các giấy tờ và chứng từ nộp cho Ngân hàng để mua ngoại tệ phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng. Đối với trường hợp cơ quan công chứng không thực hiện công chứng, Ngân hàng có thể yêu cầu Tổ chức xuất trình bản gốc hoặc bản sao có xác nhận và đóng dấu của Tổ chức đó. Bản xác nhận phải ghi rõ nội dung giữa bản sao và bản gốc là giống nhau. Nếu có sai sót, Tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp trong một giấy tờ và chứng từ có nhiều trang, Tổ chức phải xác nhận trên từng trang.

Mục IV. TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG

Các Ngân hàng khi thực hiện mua, bán ngoại tệ với Tổ chức theo quy định tại Thông tư này phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định dưới đây:

1. Hướng dẫn, đôn đốc, thông báo cho Tổ chức thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho các Ngân hàng, thực hiện mua ngoại tệ theo quy định của Thông tư này;

2. Đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho Tổ chức phù hợp theo quy định tại Mục 3, Chương II trong Thông tư này và phù hợp với giá trị thực tế phải thanh toán của Tổ chức; Riêng đối với việc bán ngoại tệ để thanh toán cho các giao dịch vốn được thực hiện theo các quy định hiện hành.

3. Niêm yết tỷ giá mua và tỷ giá bán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc niêm yết tỷ giá được coi như là một cam kết giao dịch ngoại tệ với Tổ chức;

4. Hàng ngày phải báo cáo chính xác cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) về số ngoại tệ mua bán trong ngày, bảo đảm duy trì trạng thái ngoại hối hoặc trạng thái đồng Việt Nam, thực hiện mua, bán ngoại tệ với Tổ chức, với các Ngân hàng khác và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của Tổ chức và đảm bảo duy trì trạng thái ngoại hối cuối ngày theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

5. Hàng tháng, chậm nhất vào ngày mùng 5 của tháng sau phải báo cáo đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) về tình hình mua - bán ngoại tệ với Tổ chức (theo Phụ lục đính kèm).

6. Khi phát hiện các hành vi vi phạm của Ngân hàng khác hay Tổ chức đối với các quy định tại Thông tư này thì phải thông báo kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có biện pháp xử lý.

Mục V. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC

1. Thực hiện nghiêm túc việc bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này;

2. Xuất trình đầy đủ các giấy tờ và chứng từ theo quy định và theo yêu cầu hợp lý của Ngân hàng;

3. Kê khai trung thực theo quy định trong Thông tư này;

4. Phát hiện các hành vi vi phạm của Ngân hàng hay các tổ chức khác đối với các quy định tại Thông tư này và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biết để có biện pháp xử lý;

Mục VI. XỬ LÝ VI PHẠM

Các Ngân hàng và Tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của Thông tư này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng và tiền tệ hoặc các quy định khác của pháp luật.

Chương 3:

KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các văn bản của Ngân hàng Nhà nước đã ban hành trước đây gồm:

Thông tư số 08/1998/TT-NHNN7 ngày 30/9/1998 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Quyết định số 173/1998/QĐ-TTg ngày 12/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 418/1998/QĐ-NHNN7 ngày 11/12/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư số 08/1998/TT-NHNN7 ngày 30/9/1998, Quyết định số 314/1999/QĐ-NHNN7 ngày 09/9/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi một số điểm tại Quyết định số 418/1998/QĐ-NHNN7.

2. Thủ trưởng các Vụ, Cục, Chánh văn phòng, Chánh thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương, Tổng giám đốc (giám đốc) các Ngân hàng trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này.

Lê Đức Thuý

(Đã ký)

PHỤ LỤC

TÊN NGÂN HÀNG BÁO CÁO

BÁO CÁO TÌNH HÌNH MUA BÁN NGOẠI TỆ

THÁNG...........NĂM...........

Ngày tháng năm

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Vụ Quản lý Ngoại hối - Phòng Quản lý các giao dịch Vãng lai

Fax: 048268789

1. Bảng số liệu:

Đơn vị: nghìn USD

Đối tượng

Tổng số lượng ngoại tệ ngân hàng mua từ các tổ chức theo Thông tư này

Tổng số lượng ngoại tệ ngân hàng bán cho các tổ chức theo Thông tư này

Tổ chức kinh tế

Tổ chức xã hội

2. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện (nếu có)

Tổng giám đốc (Giám đốc)
Ký tên và đóng dấu

Lưu ý:

Các Ngân hàng tập hợp số liệu từ các chi nhánh, sở giao dịch trong nước thuộc hệ thống của mình để báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.