Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2004/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 05/2004/TT-BLĐTBXH NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2003/NĐ-CP VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐỐI VỚI THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG ĐÃ CHẾT TRƯỚC NGÀY 01/01/1995

Thi hành Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công với cách mạng đã chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.

Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ Quốc phòng (Công văn số 4124/BQP ngày 14 tháng 10 năm 2003), Bộ Công an (Công văn số 2078/CV-BCA(V11) ngày 20 tháng 10 năm 2003) và các Bộ, ngành liên quan; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể về chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công với cách mạng đã chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN LÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

1. Người hoạt động cách mạng trước năm 1945 (cán bộ lão thành cách mạng) là người đủ điều kiện tiêu chuẩn xác nhận theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

2. Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (cán bộ "tiền khởi nghĩa") là người đủ điều kiện tiêu chuẩn xác nhận theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

3. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày là người đủ điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

4. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc là người đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến hoặc Huân chương, Huy chương Chiến thắng.

II. THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Thân nhân người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp một lần là vợ hoặc chồng của đối tượng quy định tại Mục I của Thông tư này.

Trường hợp vợ hoặc chồng của người có công với cách mạng đã chết thì người thừa kế theo pháp luật đang thờ cúng người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp một lần, theo thứ tự như sau:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật của người chết (thuộc hàng thừa kế thứ nhất);

- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết (thuộc hàng thừa kế thứ hai);

- Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người đó là bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột (thuộc hàng thừa kế thứ ba).

III. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP

1. Trợ cấp một lần:

- Mức 2.000.000đồng/người áp dụng đối với thân nhân người có công với cách mạng quy định tại khoản 1 Mục I của Thông tư này.

- Mức 1.500.000đồng/người áp dụng đối với thân người có công với cách mạng quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư này.

- Mức 1.000.000đồng/người áp dụng đối với thân người có công với cách mạng quy định tại khoản 3, khoản 4 Mục I của Thông tư này.

2. Người có đủ điều kiện xác nhận 2 đối tượng trở lên theo quy định tại Mục I của Thông tư này thì thân nhân của họ được hưởng một loại trợ cấp với mức trợ cấp một lần cao nhất.

Ví dụ1: Ông Nguyễn Văn A đã chết năm 1990, nay ông A được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là cán bộ "tiền khởi nghĩa". Đồng thời ông A cũng là người hoạt động kháng chiến vì được Nhà nước khen tặng Huân chương kháng chiến. Bà Phạm Thị H là vợ ông A được hưởng một loại trợ cấp đối với thân nhân cán bộ "tiền khởi nghĩa" với mức trợ cấp một lần là 1.500.000 đồng.

Ví dụ 2: Bà Trần Thị T tham gia du kích hy sinh khi làm nhiệm vụ trong kháng chiến đã được công nhận là liệt sĩ. Bà Trần Thị T thuộc diện được tặng Huân chương kháng chiến.

Anh Hoàng Văn K là con đẻ của bà T, hiện giữ Bằng Tổ quốc ghi công và đảm nhiệm việc thờ cúng bà T.

Anh K được hưởng một loại trợ cấp đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc với mức trợ cấp một lần là 1.000.000đồng.

3. Gia đình có nhiều người đủ điều kiện xác nhận là người có công với cách mạng theo Mục I của Thông tư này thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp với mức trợ cấp một lần cao nhất quy định đối với từng người.

Ví dụ: ông Lê Văn A đã chết năm 1993, nay ông A được xác nhận là người hoạt động cách mạng "tiền khởi nghĩa" và người hoạt động kháng chiến. Bà Trần Thị B là vợ của ông Lê Văn A, bà B đã chết năm 1992 được xác nhận là người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù và người hoạt động kháng chiến.

Ông Lê Văn H là con trai của ông A và bà B được hưởng một khoản trợ cấp một lần đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng "tiền khởi nghĩa" với mức là 1.500.000đ và một khoản trợ cấp một lần đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày với mức là 1.000.000đồng.

IV. HỒ SƠ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRỢ CẤP MỘT LẦN

1. Hồ sơ trợ cấp gồm:

a) Bản khai của thân nhân hoặc người thừa kế theo pháp luật (kèm theo giấy uỷ quyền của gia đình hoặc họ tộc) của người có công với cách mạng (Mẫu số 1) có xác nhận của trưởng thôn (trưởng bản, tổ trưởng dân phố) nơi người đứng khai cư trú.

Mỗi hàng thừa kế do một người đại diện được những người trong hàng thừa kế uỷ quyền đứng khai. Người đại diện ở hàng thừa kế sau chỉ đứng khai hưởng chế độ nếu không còn ai đại diện ở hàng thừa kế trước.

b) Một trong những giấy tờ chứng nhận về người có công sau đây:

- Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước năm 1945 (lão thành cách mạng).

- Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 (cán bộ "tiền khởi nghĩa").

- Giấy chứng nhận người bị địch bắt tù, đày: đối với đảng viên hoặc người thoát ly là chứng nhận của cấp uỷ, cơ quan, đơn vị căn cứ vào hồ sơ, lý lịch đang lưu giữ; đối với người không là đảng viên hoặc người không thoát ly là tài liệu, giấy tờ có căn cứ pháp lý ghi rõ có hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù hoặc xác nhận của Ban Liên lạc nhà tù.

- Bản sao Bằng Huân chương, Huy chương Kháng chiến hoặc Huân chương, Huy chương Chiến thắng hoặc giấy chứng nhận khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến hoặc bản sao Bằng "Tổ quốc ghi công" hoặc giấy báo tử, giấy chứng nhận hy sinh (đối với liệt sĩ hy sinh từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước).

Các bản sao nói trên có chứng nhận sao y bản chính của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).

2. Thủ tục giải quyết trợ cấp:

a) Đối với thân nhân người có công (người đứng khai hưởng trợ cấp):

- Ghi bản khai theo Mẫu số 1 (mỗi bản khai ghi một người có công)

Trường hợp một trong những người thừa kế đảm nhiệm việc thờ cúng đứng khai thì kèm giấy uỷ quyền của gia đình hoặc họ tộc.

- Nộp hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp người đứng khai hưởng trợ cấp không có hoặc không còn một trong những giấy tờ chứng nhận về người có công thì gửi bản khai đến cơ quan, đơn vị quản lý người đó (nếu là người thoát ly hoặc đảng viên) trước khi chết để xem xét cấp giấy chứng nhận theo quy định tại điểm 4 mục V của Thông tư này.

b) Đối với Uỷ ban nhân dân cấp xã:

- Kiểm tra hồ sơ trợ cấp. Trường hợp đủ điều kiện, đúng quy định thì lập danh sách thân nhân người có công với cách mạng hưởng một mức trợ cấp một lần cao nhất theo thứ tự: lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, người bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến (Mẫu số 3).

- Niêm yết danh sách tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của xã.

- Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo, Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Hội đồng xác nhận người có công) để xem xét, kết luận nội dung bản khai từng người, thông qua biên bản xác nhận và đề nghị (Mẫu số 2), danh sách (Mẫu số 3) và tổng hợp (Mẫu số 4).

- Hoàn chỉnh danh sách, tổng hợp kèm theo bản khai, giấy chứng nhận, biên bản xác nhận và gửi Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã (gọi chung là cấp huyện).

c) Đối với Phòng Tổ chức - Lao động Xã hội (Phòng Lao động - Thương binh Xã hội ) cấp huyện:

- Giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, danh sách, bản tổng hợp do cấp xã chuyển đến; xác minh trường hợp có vướng mắc, thông báo cho cấp xã những đối tượng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ.

- Lập danh sách (Mẫu số 3), tổng hợp (Mẫu số 4) của toàn huyện kèm theo hồ sơ và trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện duyệt ký công văn gủi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

d) Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Xét duyệt hồ sơ trợ cấp của từng người.

- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Thường trực Thi đua Khen thưởng kiểm tra, kết luận những trường hợp có vướng mắc theo đối tượng quản lý hoặc chuyển lại Uỷ ban nhân dân cấp huyện để xem xét lại.

- Lập 02 danh sách (Mẫu số 3) và 05 bản tổng hợp (Mẫu số 4) những trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp.

- Báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố kết quả đề nghị trợ cấp một lần và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 03 bản tổng hợp kèm theo công văn đề nghị để thống nhất với Bộ Tài chính cấp phát kinh phí.

- Tổ chức thực hiện việc chi trả trực tiếp theo danh sách đến thân nhân người có công sau khi nhận được thông báo cấp kinh phí. Thực hiện việc thanh quyết toán và quản lý hồ sơ, danh sách thân nhân hưởng trợ cấp theo quy định hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan phối hợp tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên và tổ chức hướng dẫn, thực hiện đầy đủ, chính xác, công khai các quy định tại Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ và Thông tư này.

2. Trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công với cách mạng theo Thông tư này được thực hiện như sau:

a) Người có công với cách mạng đã có giấy tờ xác nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn; thân nhân của người có công với cách mạng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì tập trung làm trước việc kê khai, lập danh sách, xét duyệt và chi trả trợ cấp 1 lần.

b) Người đang được xác minh, xem xét bổ sung giấy tờ, căn cứ để xác nhận là người có công với cách mạng; thân nhân của người có công đứng khai hưởng trợ cấp đang có vướng mắc thì Uỷ ban nhân dân cấp xã lập danh sách riêng để tiếp tục giải quyết.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện việc sử dụng hồ sơ, tài liệu gốc về liệt sĩ, về thân nhân hưởng trợ cấp liên quan đến việc xác nhận và thực hiện chế độ quy định tại Thông tư này, tránh sai sót, nhầm lẫn, trùng lặp; khi phát hiện những trường hợp khai không đúng sự thật để hưởng chế độ thì đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật và kịp thời thu hồi khoản trợ cấp đã cấp.

4. Các cơ quan, đơn vị (bao gồm cả cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đang quản lý hồ sơ của cán bộ, quân nhân, công an, công nhân viên chức, đảng viên đã chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, trường hợp người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn là người có công quy định tại Mục I của Thông tư này thì theo đề nghị của thân nhân (kèm bản khai) để xem xét cấp giấy chứng nhận cho thân nhân làm thủ tục hưởng trợ cấp một lần tại nơi cư trú. Trường hợp có vướng mắc thì thống nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng địa bàn xem xét kết luận.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết.

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

Mẫu số 1-TT..../ 2004

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BẢN KHAI CỦA THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Đề nghị hưởng trợ cấp một lần theo Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ

1. Phần khai về thân nhân (người đứng khai):

Họ và tên:............................................................ Năm sinh....................

Quê quán: ................................................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ............................................................

Quan hệ với người có công với cách mạng: Vợ (chồng, cha, mẹ, con...)...........

2. Phần khai về người có công:

Họ và tên:................................................ Nam, Nữ........ Năm sinh............

Nguyên quán...............................................................................................

Cơ quan, đơn vị trước khi chết:...................................................................

Nơi đăng ký hộ khẩu trước khi chết (trừ liệt sĩ):........................................

Đã chết ngày........ tháng..... năm......... tại..................................................

Là đối tượng: (LTCM, TKN, HĐKC, Địch bắt tù, đày):............................

Thuộc diện hưởng một mức trợ cấp đối với:...............................................

Giấy chứng nhận kèm theo (Quyết định, giấy chứng nhận, lý lịch, giấy báo tử, chúng tử, biên bản của gia đình, họ tộc,…):........................................................

-

-

-

Tôi xin cam đoan lời khai trên là đúng, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật.

Ngày.... tháng... năm....

Xác nhận của thôn (bản, đường phố)... xã... huyện... tỉnh

Ông (bà)................................................................

Hiện cư trú tại:......................................................

là................. của ông (bà).....................................

(tên người có công) đã chết ngày.... tháng.... năm......

Đề nghị hưởng trợ cấp một lần đối với đối tượng.......

Chi uỷ (chi bộ) tổ đảng thôn Trưởng thôn, Trưởng bản,

Tổ trưởng dân phố

Ngày.... tháng... năm....

Người khai
(ký, ghi rõ họ tên)

UBND xã...... đã niêm yết danh sách và thông báo công khai từ ngày........

Đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh UĐNCC xã...... xem xét.

..... Ngày..... tháng..... năm......

TM. UBND
Chủ tịch

Mẫu số 2-TT... 2004

Đợt…/200……..

Tỉnh, (thành phố):......
Huyện (quận)..............
Xã (phường):...............

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

biên bản xác nhận và đề nghị

Hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ

Hôm nay, ngày..... tháng....... năm................

Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Hội đồng xác nhận người có công xã (phường), gồm:

1- Đại diện Đảng uỷ xã (phường):.............................................................

Chức vụ: ...............................................................……………………....

2- Đại diện UBND xã (phường): .............................…………………......

Chức vụ: ......................................................……………….....................

3- Đại diện Mặt trận Tổ quốc xã (phường):…………………...................

Chức vụ: ........................................…………………………………..…..

4- Đại diện Hội Cựu chiến binh xã (phường):………………....................

Chức vụ: .......................................................…………………….............

5- Đại diện:…..………………..................................................………….

Đã họp đợt thứ…để xem xét, đề nghị thân nhân người có công với cách mạng hưởng trợ cấp một lần theo Nghị định số 59/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ và Thông tư số …… ngày… tháng… năm … của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Kết quả như sau:

1- Người có công với cách mạng được xem xét……………….… người.

2- Người có công với cách mạng đủ điều kiện............................... người

Trong đó: - Lão thành cách mạng

- Tiền khởi nghĩa

- Tù, đày

- Hoạt động kháng chiến

3- Thân nhân người có công với cách mạng hưởng trợ cấp một lần:…… người

trong đó vợ hoặc chồng…………............................................................. người

4- Số tiền trợ cấp một lần:………………………………......................... đồng

Kèm theo Biên bản này có: bản khai cá nhân, giấy chứng nhận, bản danh sách và bản tổng hợp

TM......
(ký ghi rõ họ tên)

TM. Đảng uỷ
(ký tên, đóng dấu)

TM. Hội Cựu chiến binh
(ký tên, đóng dấu)

TM. UBND
(ký tên, đóng dấu)