- 1 Quyết định 49/2008/QĐ-BVHTTDL về quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 2 Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL sửa đổi Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim kèm theo Quyết định 49/2008/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 1 Nghị định 01/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- 2 Quyết định 840/QĐ-BNV năm 2021 phê duyệt Điều lệ Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và Phim truyền hình Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 3 Quyết định 2458/QÐ-BVHTTDL năm 2021 phê duyệt Đề án Tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai, UAE do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4 Công văn 515/VPCP-KGVX năm 2022 về xem xét đề nghị của một số doanh nghiệp chiếu phim tại Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2023/TT-BVHTTDL | Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2023 |
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI PHIM VÀ THỰC HIỆN HIỂN THỊ MỨC PHÂN LOẠI PHIM, CẢNH BÁO
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điện ảnh;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim.
Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại quy định tại
1. Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
2. Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
3. Loại T13 (13 ): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
4. Loại T16 (16 ): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
5. Loại T18 (18 ): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
6. Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Điều 3. Tiêu chí phân loại phim
1. Tiêu chí phân loại phim bao gồm:
a) Tiêu chí về chủ đề, nội dung;
b) Tiêu chí về bạo lực;
c) Tiêu chí về khỏa thân, tình dục;
d) Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện;
đ) Tiêu chí về kinh dị;
e) Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục;
g) Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
2. Việc đánh giá phân loại phim theo quy định tại
a) Bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với các nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực;
b) Căn cứ cách thể hiện, các tình huống và bối cảnh cụ thể, tính tương tác, tần suất, thời lượng, mức độ chi tiết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của bộ phim đối với người xem, trong đó tầm quan trọng của bối cảnh và mức độ tác động đến người xem là những yếu tố ưu tiên trong việc phân loại phim;
c) Tùy vào nội dung, phim được cân nhắc phân loại ở mức thấp hơn khi có các tình tiết:
- Khi được miêu tả bằng lời nói thay vì hình ảnh;
- Hình ảnh có mức độ tác động thấp.
d) Tùy vào nội dung, phim được cân nhắc phân loại ở mức cao hơn khi có các tình tiết:
- Chứa nhiều chi tiết hơn, bao gồm cả việc quay cận cảnh và quay chậm;
- Sử dụng các kỹ thuật tạo điểm nhấn như kỹ thuật ánh sáng, phối cảnh và độ phân giải;
- Sử dụng các hiệu ứng đặc biệt như ánh sáng và âm thanh, độ phân giải, màu sắc, kích thước của hình ảnh, đặc điểm và tông màu;
- Được tả thực, thay vì cách điệu;
- Khuyến khích tương tác;
- Mức độ tác động cộng hưởng của nhiều tiêu chí phân loại.
đ) Trường hợp phim ở giữa các mức phân loại, thì phim có cách xử lý tình huống và kết quả thể hiện thông điệp giáo dục, nhân văn, ca ngợi các giá trị đạo đức, xã hội, tác động tích cực tới người xem sẽ được xem xét phân loại ở mức thấp hơn.
3. Tiêu chí về chủ đề, nội dung của phim được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống như sau:
a) Mức độ tác động đến việc hình thành cảm xúc, tư tưởng, thẩm mỹ, khả năng hiểu biết và việc chấp nhận về chủ đề, nội dung đối với từng nhóm người xem theo độ tuổi;
b) Không gây nhận thức sai lệch về các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, quan hệ gia đình, xã hội; dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền trẻ em, phân biệt đối xử và các chủ đề nhạy cảm, ngụ ý, ẩn dụ.
4. Tiêu chí về bạo lực được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:
a) Tính thực tế của các tình huống, sự hiện diện của trẻ em, phụ nữ trong các cảnh bạo lực, các cảnh ngược đãi động vật;
b) Các cảnh khuyến khích bạo lực, các nhân vật tự thỏa mãn trong đau đớn, tôn vinh, phô trương bạo lực;
c) Bạo lực vô cớ, những nội dung khiến người xem cho rằng nạn nhân thích thú với bạo lực hoặc khuyến khích người xem bắt chước;
d) Hành vi bạo lực thể hiện trong phim được miêu tả hài hước, cường điệu hoặc giả tưởng; mục đích miêu tả nhằm lên án hành vi bạo lực, kết quả thể hiện sự tích cực, phê phán, loại trừ cái ác, cái xấu;
đ) Miêu tả chi tiết hành vi phạm tội và bạo lực có sử dụng các loại hung khí; những hình ảnh gây đau đớn, chảy máu, nhẫn tâm đối với nạn nhân.
5. Tiêu chí về khỏa thân, tình dục được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:
a) Chủ đề, nội dung, hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục không nhằm mục đích khiêu dâm hay tấn công tình dục trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi này; có mục đích hoặc thông điệp giáo dục, phù hợp với nội dung phim;
b) Các hành vi có mục đích hoặc tạo cảm hứng kích thích hoạt động tình dục;
c) Các hành động bạo lực tình dục bao gồm hiếp dâm và bạo lực tình dục ép buộc, có sự tham gia của nhóm nhân vật; nhấn mạnh các yếu tố nỗi đau, sự sợ hãi của nạn nhân, tập trung vào các hình ảnh nạn nhân bị chế ngự, bất lực, sự thích thú của kẻ tấn công;
d) Cách thể hiện hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục như dàn dựng trực tiếp, trực diện hoặc gián tiếp bằng âm thanh, ngôn ngữ, cử chỉ, hiệu ứng hình ảnh;
đ) Miêu tả các hoạt động tình dục từ hành động ôm hôn, nhưng không miêu tả chi tiết;
e) Tần suất thể hiện hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục;
g) Độ tuổi của nhân vật trong các cảnh tình dục;
h) Mức độ tác động của hoạt động tình dục đến người xem.
6. Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích không nhằm hướng dẫn sản xuất, sử dụng trái phép, quảng cáo, tiếp thị, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc mục đích vi phạm pháp luật khác trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi này và phù hợp với nội dung phim.
7. Tiêu chí về kinh dị được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:
a) Các yếu tố gây căng thẳng, kích thích hoặc tạo cảm giác đe dọa, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe người xem;
b) Mức độ tác động của hiệu ứng âm thanh, hình ảnh kinh dị một cách chân thực, kích thích và liên tục;
c) Sắc thái và không khí chung của toàn bộ phim, thời lượng và tần suất của các cảnh kinh dị.
8. Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mục đích, tính chất, cách xử lý tình huống được miêu tả, cụ thể:
a) Cử chỉ thô lỗ, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục, lăng mạ, tục tĩu, nói bậy, bao gồm cả tiếng lóng;
b) Mức độ thô tục của ngôn ngữ, bối cảnh được sử dụng, tính nhạy cảm của cộng đồng, văn hóa và xã hội liên quan đến việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục;
c) Lời thoại có khả năng kích động mối quan tâm đến hoạt động lạm dụng tình dục;
d) Ngôn ngữ phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người, thuần phong mỹ tục.
9. Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước được xác định dựa trên các nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều này và mức độ tác động đến người xem, cụ thể:
a) Miêu tả chi tiết bằng hình ảnh hoặc ngôn ngữ về các kỹ thuật phạm tội, bạo lực, hướng dẫn sử dụng các loại hung khí dễ dàng tiếp cận như dao kéo, vật nhọn, đồ vật có thể gây tổn thương, sát thương trừ trường hợp lên án hành vi này và phù hợp với nội dung phim;
b) Miêu tả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm sự khuyến khích hoặc kích thích các hành động có thể khiến người xem bắt chước như: sử dụng ma túy, vũ khí, hành vi tự sát, tự làm hại bản thân, bạo lực học đường, hoặc các hành động vi phạm pháp luật khác;
c) Mức độ tác động đến người xem một cách có ý thức hoặc vô thức.
10. Nội dung tiêu chí phân loại phim thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo
1. Nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim
a) Phim phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P;
b) Việc hiển thị mức phân loại phim phải bảo đảm cung cấp được thông tin về mức phân loại phim, và nội dung cảnh báo trong khoảng thời gian đủ để người xem tiếp nhận được thông tin;
c) Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim bằng các hình thức sau: trên màn hình chiếu phim, website, ứng dụng bán vé trực tuyến, quầy vé trực tiếp và các hình thức phù hợp khác;
d) Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định nghe, xem phim cung cấp trên dịch vụ, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật;
Mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác;
2. Nguyên tắc thực hiện cảnh báo
a) Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện trước và trong quá trình phổ biến phim;
b) Việc hiển thị cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn: lời nói, chữ viết;
c) Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.
d) Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 03 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 03 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.
3. Nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo
a) Nội dung hiển thị là mức phân loại phim theo quy định tại
b) Nội dung cảnh báo là các tiêu chí phân loại phim theo quy định tại
Trường hợp trong phim xuất hiện cả 07 tiêu chí phân loại, thì thực hiện cảnh báo đầy đủ các tiêu chí.
1. Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này.
2. Cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2023.
2. Bãi bỏ khoản c điểm 1 Điều 10 Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Điện ảnh) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
| BỘ TRƯỞNG |
TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI PHIM
(Kèm theo Thông tư số: /2023/TT-BVHTTDL ngày tháng năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Trong Phụ lục này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Miêu tả là dùng ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng hoặc cách thức nào đó để làm cho người xem hình dung được ý nghĩa của nội dung cần diễn đạt.
2. Miêu tả ở mức độ nhẹ là miêu tả thoáng qua, không rõ ràng, thiếu chi tiết và tác động đến người xem dưới mức bình thường.
3. Miêu tả ở mức độ trung bình là miêu tả có thêm các chi tiết và tác động đến người xem ở mức bình thường.
4. Miêu tả ở mức độ mạnh là miêu tả chi tiết, rõ ràng và tác động đến người xem trên mức bình thường.
5. Miêu tả ở mức độ quá mức là miêu tả ở mức độ mạnh đặc biệt là về tính chất, tần suất, thời lượng và tác động đến người xem vượt quá giới hạn cho phép, ở mức khó chấp nhận.
6. Khai thác sâu là miêu tả cụ thể ở mức độ trên mức trung bình nhằm nhấn mạnh vào nội dung cần diễn đạt.
7. Diễn ra thường xuyên là sự xuất hiện nhiều lần, liên tục những hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, ngôn ngữ tương tự nhau trong một khoảng thời gian nhất định hoặc không nhất định.
8. Miêu tả chi tiết là miêu tả rõ nét, trực diện, ở khoảng cách gần về nhân vật, bối cảnh, hành động trong phim bao gồm các cảnh đặc tả, cận cảnh, hình ảnh chuyển động chậm, kéo dài hoặc lặp lại.
9. Thời lượng kéo dài là thời gian mà hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, ánh sáng được miêu tả dài hơn mức bình thường.
10. Mức độ tác động đến người xem là mức độ làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hành động của người xem một cách tích cực hoặc tiêu cực, vô thức hoặc có ý thức.
11. Bắt chước các hành động trong phim là làm theo, mô phỏng hoặc sao chép hành vi, lời nói, cử chỉ của nhân vật trong phim vô thức hoặc có ý thức.
STT | Mức phân loại phim | Tiêu chí phân loại |
1 | P Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi | a) Chủ đề, nội dung Nội dung phim mang tính giáo dục, giải trí, khuyến khích những giá trị đạo đức và quan hệ xã hội tích cực. b) Bạo lực - Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh uy hiếp, đe dọa, đánh đập người khác, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và được miêu tả ở mức độ nhẹ, không khai thác sâu, mức độ tác động đến người xem ít; - Không được miêu tả bạo lực tình dục. c) Khỏa thân, tình dục - Không có hình ảnh khỏa thân, không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hoạt động tình dục; - Đối với phim có nội dung, chủ đề đặc biệt như lịch sử, hoặc tài liệu về chiến tranh, diệt chủng, trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu số hoặc phong tục tập quán của quốc gia, vùng lãnh thổ giới thiệu trong phim có thể có hình ảnh khỏa thân nửa người từ phía sau, nhưng miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài. d) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện Không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện. đ) Kinh dị Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị. e) Ngôn ngữ thô tục Không sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục. g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ khuyến khích hoặc kích thích hành vi bắt chước các hành động trong phim của trẻ em nhu sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực học đường, sử dụng vũ khí, hành động vi phạm pháp luật khác. |
2 | K Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ | a) Chủ đề, nội dung - Như mức phân loại P; - Những nội dung cần có cha mẹ và người giám hộ hướng dẫn được miêu tả ở mức độ nhẹ, mức độ tác động đến người xem ít và phải phù hợp với bối cảnh. b) Bạo lực - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không xuất hiện thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với chủ đề, nội dung phim; - Không được miêu tả bạo lực tình dục. c) Khỏa thân, tình dục - Có thể có hình ảnh khỏa thân nửa người từ phía sau, nhưng không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài và không liên quan đến tình dục; - Đối với phim có nội dung, chủ đề đặc biệt như lịch sử, hoặc tài liệu về chiến tranh, diệt chủng, trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu số hoặc là phong tục tập quán của quốc gia, vùng lãnh thổ giới thiệu trong phim có thể có hình ảnh khỏa thân từ phía sau, nhưng miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài; - Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hoạt động tình dục. d) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện Có thể có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện nhưng nhằm mục đích lên án, phản đối những hành vi đó hoặc có mục đích, thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ngụ ý kín đáo và phải phù hợp với nội dung phim; đ) Kinh dị Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không có thời lượng kéo dài và không diễn ra thường xuyên, ít có tác động và không tạo cảm giác đe dọa đến người xem. Kết quả phải mang tính trấn an và giải toả. e) Ngôn ngữ thô tục Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục nhưng được miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với chủ đề, nội dung phim, như sử dụng tiếng lóng, cách xử lý mang tính hài hước. g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ khuyến khích và kích thích bắt chước các hành động trong phim như sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực học đường, sử dụng vũ khí, hành động vi phạm pháp luật khác trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và có thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ngụ ý kín đáo và không khai thác sâu. |
3 | T13 (13 ) Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên | a) Chủ đề, nội dung - Nội dung phim không phản ánh những vấn đề khiến nhận thức, cảm xúc của người xem ở lứa tuổi từ đủ 13 bị lệch lạc, tâm lý bị xáo trộn hoặc rơi vào tình trạng lo sợ, bi quan, buồn chán, tác động tiêu cực đến việc hình thành và phát triển tính cách của người xem trong độ tuổi đang lớn; - Đối với thể loại phim hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em, cần miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không diễn ra thường xuyên và không khai thác sâu. b) Bạo lực - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với chủ đề, nội dung phim; - Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả chi tiết về vết thương gây đau đớn, thương tích hoặc cảnh giết người; - Không được miêu tả bạo lực tình dục. c) Khỏa thân, tình dục - Có thể có các hình ảnh khỏa thân nửa người từ phía sau, được miêu tả ở mức độ nhẹ, không chi tiết, không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và không liên quan đến hoạt động tình dục; - Đối với phim có nội dung, chủ đề đặc biệt như lịch sử, hoặc tài liệu về chiến tranh, diệt chủng, trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu số hoặc phong tục tập quán của quốc gia, vùng lãnh thổ giới thiệu trong phim: có thể có hình ảnh khỏa thân trực diện hoặc toàn bộ cơ thể người nhưng được miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài; - Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hoạt động tình dục. d) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện Có thể có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện nhưng nhằm mục đích lên án, phản đối những hành vi đó hoặc có mục đích, thông điệp giáo dục rõ ràng; được miêu tả ở mức độ nhẹ, không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với chủ đề, nội dung phim. đ) Kinh dị Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ trung bình, không chi tiết và không diễn ra thường xuyên, tạo cảm giác đe dọa đến người xem ở mức độ nhẹ. Kết quả nên mang tính trấn an và giải toả. e) Ngôn ngữ thô tục Như mức phân loại K. g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước - Như mức phân loại K; - Không miêu tả chi tiết về những hành vi nguy hiểm tiềm ẩn mà người xem từ đủ 13 tuổi có thể bắt chước, trừ trường hợp hành vi đó được thể hiện một cách an toàn hay có tính hài hước; - Không miêu tả chi tiết các hung khí dễ dàng tiếp cận như dao kéo, vật sắc nhọn, vật thể dễ gây tổn thương. Không có các hình ảnh thể hiện hành vi chống đối xã hội mà người xem từ đủ 13 tuổi có khả năng sao chép, bắt chước. |
4 | T16 (16 ) Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên | a) Chủ đề, nội dung - Nội dung phim đề cập đến một số vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm nhưng phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; - Đối với thể loại phim hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em, có thể miêu tả ở mức độ trung bình nhưng không chi tiết, không diễn ra thường xuyên và không khai thác sâu; - Các chủ đề như tự làm hại bản thân, tính mạng bị đe dọa vì lý do khách quan hoặc tự tử cần được thể hiện gián tiếp, miêu tả ở mức độ nhẹ, không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung phim. b) Bạo lực - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi bạo lực như giết người, gây đau đớn, thương tích, chảy máu được miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài và gây căng thẳng, tác động đến người xem ở mức độ trung bình trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim; - Được phép miêu tả ngụ ý bạo lực tình dục nhưng miêu tả ở mức độ nhẹ và phải phù hợp với nội dung phim. c) Khỏa thân, tình dục - Hình ảnh khỏa thân được miêu tả ở mức độ trung bình, không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài, không cận cảnh, không đặc tả bộ phận sinh dục, không liên quan đến hoạt động tình dục và phải phù hợp với nội dung phim; - Có thể sử dụng bối cảnh vui, tình huống hài hước, hoặc ngôn ngữ ám chỉ để miêu tả chi tiết cảnh khỏa thân nhưng không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung phim; - Hình ảnh khỏa thân toàn bộ cơ thể người liên quan đến tình dục hoặc hoạt động tình dục có tính giáo dục được miêu tả ở mức độ nhẹ, không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài. d) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ liên quan đến ma túy, các chất kích thích, chất gây nghiện (nếu có) không được miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung phim. Về tổng thể, bộ phim không được quảng bá, hướng dẫn chi tiết hoặc khuyến khích việc sử dụng ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; - Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc lạm dụng các chất có độ nguy hiểm cao và dễ tiếp cận như dung môi, chất axit. đ) Kinh dị - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị được miêu tả ở mức độ mạnh, không có thời lượng kéo dài và không khai thác sâu vào các mối đe dọa bạo lực; - Gây tác động căng thẳng hoặc tạo cảm giác đe dọa đến người xem ở mức độ trung bình. e) Ngôn ngữ thô tục - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được miêu tả ở mức độ trung bình nhưng không xuất hiện thường xuyên và phải phù hợp với nội dung phim; - Trường hợp các nhân vật phản diện sử dụng một số từ chửi thề, tiếng lóng thì không được làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục. g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ khuyến khích và kích thích bắt chước các hành động trong phim như sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực học đường, sử dụng vũ khí, hành động vi phạm pháp luật khác được miêu tả ở mức độ nhẹ, không miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ nhẹ. Kết quả phải có thông điệp lên án, phản đối các hành vi sai trái đó. |
5 | T18 (18 ) Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên | a) Chủ đề, nội dung - Nội dung phim đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, chi tiết nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với nội dung phim; - Đối với thể loại phim hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em có thể miêu tả ở mức độ mạnh, miêu tả chi tiết, tác động đến người xem ở mức độ mạnh nhưng không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài; - Đối với các chủ đề, nội dung nhạy cảm, đề tài hiện thực về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế có thể miêu tả ở mức độ trung bình, có thể khai thác sâu nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình. b) Bạo lực - Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hành vi bạo lực tác động đến người xem từ trên miêu tả ở mức độ mạnh đến dưới miêu tả ở mức độ quá mức; có thể miêu tả ở mức độ mạnh nhưng không có thời lượng kéo dài, tần suất ở mức độ trung bình và phù hợp với thể loại phim; - Được phép miêu tả ngụ ý bạo lực tình dục nhưng miêu tả ở mức độ trung bình và phải phù hợp với nội dung phim. c) Khỏa thân, tình dục - Có thể có hình ảnh khỏa thân toàn bộ cơ thể người được miêu tả ở mức độ trung bình, không có thời lượng kéo dài, không cận cảnh, không đặc tả bộ phận sinh dục, phù hợp với nội dung phim nhưng không lạm dụng hình ảnh khỏa thân, không kích động tình dục; - Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim, không có thời lượng kéo dài và không khai thác sâu. d) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện - Như mức phân loại T16; - Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, sản xuất, tàng trữ ma túy và các chất gây nghiện trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi sai trái đó và kết quả, những nhân vật thực hiện hành động này phải bị trừng phạt, loại trừ. đ) Kinh dị Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả ở mức độ mạnh với cảm giác đe dọa liên tục nhưng không có thời lượng kéo dài, không tác động quá mức tới tâm lý và cảm xúc của người xem. e) Ngôn ngữ thô tục - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được miêu tả ở mức độ mạnh hơn so với phim được phân loại ở mức T16 nhưng không được làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục; - Đối với phim đề tài phản ánh hiện thực xã hội, có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được diễn ra thường xuyên nhưng không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung phim. g) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước - Khi nội dung phim chứa các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ nguy hiểm, dễ bắt chước hoặc cách xử lý có nguy cơ gây tổn hại cho các cá nhân hoặc thông qua hành vi của họ có thể gây hại cho xã hội, thì kết quả phải được xử lý triệt để, có thông điệp giáo dục và ngăn chặn; - Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi dễ bắt chước không được miêu tả chi tiết và không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình. |
6 | C Phim không được phép phổ biến | - Vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh. Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; - Miêu tả các tiêu chí phân loại phim ở mức độ quá mức. |
- 1 Quyết định 840/QĐ-BNV năm 2021 phê duyệt Điều lệ Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và Phim truyền hình Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2 Quyết định 2458/QÐ-BVHTTDL năm 2021 phê duyệt Đề án Tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai, UAE do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3 Công văn 515/VPCP-KGVX năm 2022 về xem xét đề nghị của một số doanh nghiệp chiếu phim tại Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành