Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2024/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC DI CHUYỂN, THAY ĐỔI VỊ TRÍ, GIẢI THỂ TRẠM QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 của Luật Tài nguyên nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất bao gồm một hoặc một số các hạng mục kỹ thuật sau: điểm quan trắc, công trình quan trắc, nhà trạm, hệ thống bảo vệ công trình, hành lang an toàn kỹ thuật, các công trình phụ trợ khác tùy thuộc vào yêu cầu quản lý và diện tích đất xây dựng các công trình.

2. Di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất là di chuyển một phần hoặc toàn bộ trạm quan trắc đã có ra khỏi vị trí quan trắc hiện tại mà vẫn đảm bảo tính kết nối, đồng bộ của chuỗi dữ liệu quan trắc; đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu về đối tượng quan trắc phục vụ công tác quản lý nhà nước.

3. Vị trí quan trắc hiện tại bao gồm toàn bộ phạm vi diện tích đất xây dựng và phục vụ hoạt động của trạm quan trắc.

4. Giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất là việc thực hiện các quy định, thủ tục pháp lý, kỹ thuật liên quan để chấm dứt hoạt động quan trắc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 4. Nguyên tắc chung

1. Việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật và có tính kế thừa về quản lý tài sản công, tài chính và tổ chức bộ máy, nhân sự của các tổ chức công lập được giao thực hiện nhiệm vụ; phù hợp với xu thế, yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

2. Khi di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất phải xem xét lồng ghép tối đa với mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan để đảm bảo kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có.

3. Vị trí di chuyển, thay đổi phải phù hợp với quy hoạch; đảm bảo tính kết nối, đồng bộ của chuỗi dữ liệu quan trắc; đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu về đối tượng quan trắc phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

4. Tổ chức, cá nhân có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất không còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phải di chuyển, thay đổi vị trí hoặc giải thể có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quy trình thực hiện di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất

1. Đơn vị được giao quản lý vận hành lập báo cáo đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án xử lý trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2. Cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định phê duyệt chủ trương, báo cáo, kế hoạch di chuyển, thay đổi vị trí hoặc giải thể trạm quan trắc và giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện.

3. Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc theo quyết định được phê duyệt.

4. Thực hiện kết nối, cập nhật thông tin, dữ liệu trạm quan trắc vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

Chương II

DI CHUYỂN, THAY ĐỔI VỊ TRÍ TRẠM QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 6. Các trường hợp phải di chuyển, thay đổi vị trí

1. Có quyết định thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong đó có thu hồi diện tích đất xây dựng trạm quan trắc.

2. Trạm quan trắc bị hư hỏng không thể khắc phục sửa chữa để đáp ứng mục đích quan trắc.

3. Do các tác động tự nhiên, hoạt động kinh tế - xã hội dẫn đến trạm quan trắc không còn đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ thiết kế.

Điều 7. Điều kiện để xem xét quyết định về vị trí di chuyển, thay đổi

1. Vị trí thay thế không làm thay đổi đối tượng quan trắc; có tính tương đồng về điều kiện địa chất thủy văn; không làm thay đổi tính thống nhất của mạng lưới quan trắc.

2. Vị trí thay thế đảm bảo tính ổn định, lâu dài về điều kiện đất đai.

Điều 8. Tổ chức thực hiện di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc

1. Khảo sát, lập báo cáo kết quả khảo sát:

a) Thu thập, phân tích, xử lý thông tin: Điều kiện địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh; đặc điểm khí tượng thủy văn, địa chất thủy văn, các yếu tố tác động đến tài nguyên nước dưới đất tại vị trí dự kiến xây dựng;

b) Khảo sát điều kiện xây dựng: khảo sát hiện trạng sử dụng đất, mặt bằng, điều kiện thi công; xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng đất để xây dựng; đo đạc chi tiết vị trí dự kiến xây dựng;

c) Lập báo cáo kết quả khảo sát.

2. Lập báo cáo, dự toán kinh phí, kế hoạch di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chuẩn bị mặt bằng; thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đối với trường hợp có thu hồi đất để xây dựng trạm.

4. Tổ chức thi công xây dựng.

5. Thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc; vận hành thử nghiệm, thời gian không ít hơn ba (03) tháng liên tục; lập báo đánh giá kết quả quan trắc và vận hành thử nghiệm; kết nối, cập nhật thông tin, dữ liệu trạm quan trắc vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Đối với trường hợp giếng quan trắc không sử dụng thì phải thực hiện trám lấp theo quy định.

6. Lập phương án đưa trạm vào vận hành, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

7. Nghiệm thu công trình, thiết bị và tổ chức bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành.

8. Lập hồ sơ quy định tại Điều 9 của Thông tư này gửi cơ quan có thẩm quyền và đơn vị vận hành.

Điều 9. Hồ sơ di chuyển, thay đổi vị trí và đưa vào vận hành

1. Hồ sơ di chuyển, thay đổi vị trí:

a) Tờ trình của đơn vị được giao chủ trì thực hiện;

b) Báo cáo hiện trạng trạm quan trắc cần di chuyển, thay đổi vị trí theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Văn bản quyết định phê duyệt chủ trương di chuyển, thay đổi vị trí của cơ quan có thẩm quyền;

d) Báo cáo kết quả khảo sát di chuyển, thay đổi vị trí theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Hồ sơ thẩm định báo cáo, dự toán kinh phí, kế hoạch di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc;

e) Hồ sơ trám lấp giếng không sử dụng đối với trường hợp di chuyển là giếng khoan;

g) Báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm trong trường hợp di chuyển, thay thế công trình quan trắc theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này;

h) Hồ sơ hoàn công việc di chuyển, thay đổi các hạng mục công trình của trạm quan trắc;

i) Văn bản chấp thuận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc cho phép sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

2. Hồ sơ đưa vào vận hành chính thức:

a) Tờ trình của đơn vị được giao chủ trì thực hiện;

b) Các văn bản pháp lý có liên quan đến việc di chuyển, thay đổi vị trí;

c) Quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền hoặc bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

d) Hồ sơ hoàn công và biên bản nghiệm thu công trình, thiết bị;

đ) Báo cáo phương án đưa vào vận hành theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Quyết định phê duyệt phương án vận hành chính thức.

Chương III

GIẢI THỂ TRẠM QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 10. Các trường hợp giải thể trạm quan trắc

1. Trạm quan trắc không còn phù hợp quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh.

2. Cần phải di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc nhưng không có địa điểm thay thế phù hợp để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn, ổn định của công trình.

Điều 11. Thực hiện giải thể trạm quan trắc

1. Xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp công trình quan trắc là giếng khoan thì thực hiện trám lấp theo quy định.

3. Giải quyết các vấn đề liên quan khác theo quy định.

4. Lập báo cáo giải thể và lưu trữ hồ sơ.

Điều 12. Hồ sơ giải thể trạm quan trắc

1. Tờ trình của đơn vị được giao chủ trì thực hiện.

2. Báo cáo giải thể trạm quan trắc theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Các văn bản có liên quan.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất

1. Quyết định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc nước dưới đất thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Thực hiện sắp xếp, bố trí tổ chức, cán bộ đối với các trường hợp giải thể trạm quan trắc theo quy định của pháp luật.

3. Giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì thẩm định đối với kế hoạch, nhiệm vụ di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường; hướng dẫn việc thực hiện di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất trong phạm vi cả nước.

4. Giao cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện:

a) Tổ chức quản lý, vận hành trạm quan trắc sau khi được di chuyển, thay đổi vị trí; định kỳ thực hiện rà soát hiện trạng vận hành mạng quan trắc; báo cáo Bộ kết quả rà soát và đề xuất danh mục các trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất phải di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể và các vấn đề đột xuất liên quan;

b) Trình Bộ Tài nguyên và Môi trường kế hoạch, nhiệm vụ di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất phù hợp với quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước;

c) Tổ chức thực hiện việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất theo quyết định phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

d) Thực hiện việc trám lấp giếng quan trắc không sử dụng; đề xuất phương án sắp xếp, bố trí công tác cho cán bộ, viên chức tạm thời trong quá trình thực hiện quy trình theo quy định;

đ) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ, đảm bảo an toàn trạm quan trắc và trách nhiệm khác có liên quan.

Điều 14. Trách nhiệm các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh):

a) Quyết định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc nước dưới đất thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Thực hiện sắp xếp, bố trí tổ chức, cán bộ đối với các trường hợp giải thể trạm quan trắc theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức quản lý, vận hành trạm quan trắc sau khi được di chuyển, thay đổi vị trí; định kỳ thực hiện rà soát hiện trạng vận hành mạng quan trắc; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả rà soát và đề xuất danh mục các trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất phải di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể và các vấn đề đột xuất liên quan;

b) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch, nhiệm vụ di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;

c) Tổ chức thực hiện việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Thực hiện việc trám lấp giếng quan trắc không sử dụng; đề xuất phương án sắp xếp, bố trí công tác cho cán bộ, viên chức tạm thời trong quá trình thực hiện quy trình theo quy định;

đ) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ, đảm bảo an toàn trạm quan trắc và trách nhiệm khác có liên quan.

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án trong đó diện tích dự án chồng lấn với diện tích của trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thông báo đến đơn vị được giao quản lý trạm quan trắc trước khi triển khai dự án; chi trả các chi phí phát sinh nếu có, bao gồm các chi phí liên quan đến vị trí đặt trạm, khảo sát, xây dựng trạm quan trắc thay thế; chi phí thẩm định, kiểm định và các chi phí hợp lệ khác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến phải di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Đối với trường hợp không lựa chọn được vị trí thay thế thì phải bồi thường chi phí đầu tư xây dựng trạm và các chi phí liên quan đến thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Quy định chuyển tiếp

Đối với những trạm quan trắc tài nguyên nước được di chuyển, thay đổi vị trí và giải thể trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định đã được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- TTgCP và các PTTgCP (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, TNN, TNNQG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Công Thành

PHỤ LỤC

DANH MỤC MẪU TỜ TRÌNH VÀ MẪU BÁO CÁO
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2024/TT-BTNMT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Mẫu số 01: Báo cáo hiện trạng trạm quan trắc

Mẫu số 02: Báo cáo kết quả khảo sát di chuyển, thay đổi vị trí

Mẫu số 03: Báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm

Mẫu số 04: Báo cáo phương án đưa vào vận hành

Mẫu số 05: Báo cáo giải thể trạm quan trắc

Mẫu số 01

(TÊN TỔ CHỨC THỰC HIỆN BÁO CÁO)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO HIỆN TRẠNG TRẠM QUAN TRẮC

Tên trạm: …………………………………………………………

Vị trí trạm: ……………………………………………………………….

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm………

---------------------

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG BÁO CÁO HIỆN TRẠNG TRẠM QUAN TRẮC

I. Thông tin chung

1. Đặc điểm điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội khu vực

2. Báo cáo tình hình vận hành

II. Nội dung, khối lượng thực hiện

(trường hợp đề xuất di chuyển, thay đổi vị trí)

1. Hiện trạng quy hoạch mạng quan trắc

2. Hiện trạng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

3. Đề xuất vị trí thay thế và đánh giá tính tương đồng về đối tượng quan trắc

4. Đánh giá tính ổn định của vị trí được đề xuất thay thế

5. Phương án trám lấp (trường hợp công trình quan trắc là giếng khoan)

6. Tổng hợp nội dung, khối lượng và khái toán kinh phí

(trường hợp đề xuất giải thể)

1. Phương án xử lý tài sản

2. Phương án trám lấp (trường hợp công trình quan trắc là giếng khoan)

3. Giải quyết các vấn đề liên quan khác theo quy định

III. Kiến nghị

Mẫu số 02

(TÊN TỔ CHỨC THỰC HIỆN BÁO CÁO)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT DI CHUYỂN, THAY ĐỔI VỊ TRÍ

Tên trạm: …………………………………………………………

Vị trí trạm: ……………………………………………………………….

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm………

---------------------

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT DI CHUYỂN, THAY ĐỔI VỊ TRÍ

Mở đầu

I. Mục đích, yêu cầu

1. Thuyết minh yêu cầu đối với vị trí mới

2. Trích dẫn các văn bản liên quan như Quy hoạch; chủ trương chấp thuận, phê duyệt vị trí của cấp có thẩm quyền...

3. Nhiệm vụ quan trắc: Các yếu tố quan trắc, thời gian dự kiến quan trắc

4. Mục tiêu, nhiệm vụ khảo sát: Nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ khảo sát; những vấn đề đặc biệt cần quan tâm, xử lý.

II. Tổ chức công tác khảo sát

1. Thành phần đội khảo sát: Nêu rõ thành phần đội khảo sát, tên, trình độ chuyên môn từng người.

2. Máy móc, thiết bị dùng cho khảo sát: Mô tả chủng loại, tính năng kỹ thuật các máy móc, thiết bị dùng để khảo sát.

3. Phương án kỹ thuật khảo sát

4. Thời gian khảo sát: Thời gian bắt đầu, kết thúc khảo sát.

III. Nội dung khảo sát

1. Thuyết minh nội dung khảo sát

Chi tiết các nội dung quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Các loại sơ đồ, bản vẽ, bản đồ (bản vẽ và bản đồ in, số)

IV. Kết luận và kiến nghị

1. Đánh giá, nhận xét về khu vực khảo sát và công tác khảo sát

2. Đánh giá mức độ đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của vị trí mới

Mẫu số 03

(TÊN TỔ CHỨC THỰC HIỆN BÁO CÁO)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO KẾT QUẢ VẬN HÀNH THỬ NGHIỆM

Tên trạm: …………………………………………………………

Vị trí trạm: ……………………………………………………………….

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm………

---------------------

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG BÁO CÁO KẾT QUẢ VẬN HÀNH THỬ NGHIỆM

Mở đầu

I. Thông tin chung

1. Các căn cứ pháp lý

2. Vị trí xây dựng và hiện trạng hành lang kỹ thuật công trình (Mô tả chi tiết; đánh giá mức độ ảnh hưởng, mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật)

3. Đặc điểm điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội khu vực

4. Đặc điểm địa chất thủy văn đối tượng quan trắc

II. Kết quả vận hành thử nghiệm

1. Các yếu tố quan trắc

2. Công trình, thiết bị quan trắc tại trạm

3. Kết quả kiểm tra, so chuẩn phương tiện đo

4. Đánh giá chất lượng lắp đặt, độ ổn định của công trình, thiết bị, phương tiện đo

5. Đánh giá chất lượng số liệu quan trắc thử nghiệm

6. Đánh giá tính kết nối với dữ liệu quan trắc đã có

III. Kết luận và kiến nghị

1. Nhận định về kết quả vận hành

2. Kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định đưa trạm vào hoạt động chính thức

Mẫu số 04

(TÊN TỔ CHỨC THỰC HIỆN BÁO CÁO)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO PHƯƠNG ÁN ĐƯA VÀO VẬN HÀNH

Tên trạm: …………………………………………………………

Vị trí trạm: ……………………………………………………………….

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm………

---------------------

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG BÁO CÁO PHƯƠNG ÁN ĐƯA VÀO VẬN HÀNH Mở đầu

I. Thông tin chung

1. Các căn cứ pháp lý

2. Vị trí xây dựng và hiện trạng hành lang kỹ thuật công trình (Mô tả chi tiết; đánh giá mức độ ảnh hưởng, mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật)

3. Đặc điểm điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội khu vực

4. Đặc điểm địa chất thủy văn đối tượng quan trắc (trường hợp đối tượng đưa vào vận hành là giếng khoan)

II. Kết quả thực hiện

1. Các dạng công tác chính đã thực hiện

2. Đánh giá sự phù hợp giữa kết quả thực hiện với Quy hoạch mạng lưới quan trắc

3. Hiện trạng công trình, thiết bị quan trắc

4. Hiện trạng hành lang kỹ thuật công trình

5. Kết quả vận hành thử nghiệm (trường hợp đối tượng đưa vào vận hành là giếng khoan):

- Đánh giá chất lượng lắp đặt, độ ổn định của công trình, thiết bị, phương tiện đo;

- Đánh giá chất lượng số liệu quan trắc thử nghiệm;

- Đánh giá tính kết nối với dữ liệu quan trắc giữa vị trí mới và vị trí cũ.

III. Phương án tổ chức vận hành

1. Mục tiêu, nhiệm vụ

2. Luận chứng xây dựng khối lượng thực hiện (trường hợp đối tượng đưa vào vận hành là giếng khoan)

3. Nội dung thực hiện

4. Thời gian thực hiện

5. Tổ chức thực hiện

6. Dự toán kinh phí

IV. Kết luận và kiến nghị

Mẫu số 05

(TÊN TỔ CHỨC THỰC HIỆN BÁO CÁO)

(Trang bìa trong)

BÁO CÁO GIẢI THỂ TRẠM QUAN TRẮC

Tên trạm: …………………………………………………………

Vị trí trạm: ……………………………………………………………….

ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
Ký, đóng dấu

Địa danh, tháng..../năm………

---------------------

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG BÁO CÁO GIẢI THỂ TRẠM QUAN TRẮC

Mở đầu

I. Thông tin chung

1. Các căn cứ pháp lý

2. nguyên nhân giải thể

II. Tổ chức thực hiện giải thể

1. Sắp xếp, bố trí công tác cho cán bộ, viên chức

2. Xử lý tài sản, thiết bị, đất đai của trạm theo quy định

3. Lưu trữ Hồ sơ kỹ thuật của trạm quan trắc

III. Kết luận và kiến nghị