Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2003/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 06/2003/TT-NHNN NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ GÓP VỐN THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 193/2001/QĐ-TTG VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 02/2003/NQ-CP NGÀY 17/1/2003 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/1/2003 của Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2003, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn triển khai một số nội dung liên quan đến việc góp vốn thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là quỹ bảo lãnh tín dụng) của các tổ chức tín dụng như sau:

I. GÓP VỐN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀO QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG:

Các tổ chức tín dụng căn cứ vào vốn điều lệ và quỹ dự trữ, tình hình sử dụng vốn điều lệ và quỹ dự trữ cho hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và tình hình phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương để quyết định việc tham gia góp vốn vào Quỹ bảo lãnh tín dụng do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập. Trong trường hợp các nguồn vốn trên khó khăn, tổ chức tín dụng được sử dụng nguồn vốn huy động dài hạn để góp vốn thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng. Khi tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động dài hạn để tham gia góp vốn thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng, tổ chức tín dụng phải có kế hoạch thay thế nguồn vốn huy động dài hạn bằng nguồn vốn điều lệ và quỹ dự trữ, trong thời hạn tối đa là 10 năm.

- Mức góp vốn của một tổ chức tín dụng vào một quỹ bảo lãnh tín dụng so với vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng đó tối đa không vượt quá tỷ lệ sau:

+ Ngân hàng: 6%

+ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Công ty tài chính): 10%

- Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một tổ chức tín dụng trong tất cả các doanh nghiệp, quỹ bảo lãnh tín dụng so với vốn điều lệ và quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng đó tối đa không vượt quá tỷ lệ sau:

+ Ngân hàng: 30%

+ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Công ty tài chính): 40%

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trên cơ sở tổng kết đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành tại địa phương tham mưu cho Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương.

Khi có yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cử đại diện tham gia Ban trù bị thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và Hội đồng quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng của tỉnh, thành phố.

2. Tổ chức tín dụng

2.1. Cử đại diện tham gia Ban trù bị thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tham gia Hội đồng quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng trong trường hợp góp vốn vào Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập tại địa phương.

2.2. Hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu được Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo đúng quy định tại Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg, Thông tư 42/2002/TT-BTC, Thông tư này và các quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đối với khách hàng.

2.3. Phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và hoàn trả nợ của khách hàng, đảm bảo an toàn vốn.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định tại Công văn số 1070/NHNN-TD ngày 3/10/2002 hết hiệu lực thi hành.

4. Các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Thông tư đề nghị phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết.

 

Nguyễn Thị Kim Phụng

(Đã ký)