Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2017/TT-BXD

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2017

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG THÍ NGHIỆM CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 62/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 62/2016/NĐ-CP về hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là một thực thể trực thuộc tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, bao gồm: nhân lực (trưởng, phó phòng thí nghiệm, các thí nghiệm viên) và các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc thí nghiệm được bố trí trong một không gian riêng nhằm cung cấp các điều kiện để thực hiện các thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được cấp mã số (LAS-XD) và có địa chỉ cố định ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

Điều 3. Phạm vi và lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng quy định trong Nghị định số 62/2016/NĐ-CP

1. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng bao gồm các hoạt động đo lường xác định đặc tính về cơ, lý, hóa, hình học của các đối tượng thí nghiệm: sản phẩm, vật liệu xây dựng; đất xây dựng; cấu kiện, kết cấu công trình xây dựng; môi trường xây dựng đối với các loại công trình xây dựng.

2. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc ngoài hiện trường.

3. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có thể được thực hiện bằng phương pháp phá hủy hoặc không phá hủy, xác định các đặc tính của đối tượng thí nghiệm tại một thời điểm trong một khoảng thời gian nhất định.

Điều 4. Đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

1. Thành phần đoàn đánh giá bao gồm: Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường “Bộ Xây dựng, đại diện Sở Xây dựng tại địa phương nơi đặt phòng thí nghiệm và chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp.

2. Nội dung đánh giá phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

3. Tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có trách nhiệm chi trả phí và lệ phí cho công tác đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, phù hợp quy định thu phí và lệ phí cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Điều 5. Quy định về trạm thí nghiệm hiện trường

1. Trạm thí nghiệm hiện trường là một thực thể của phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, do tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thành lập để phục vụ hoạt động thí nghiệm cho dự án/công trình xây dựng cụ thể trong khoảng thời gian thi công dự án/công trình xây dựng đó. Trạm thí nghiệm hiện trường được bố trí nhân lực, thiết bị, dụng cụ, đáp ứng các yêu cầu về không gian và điều kiện thí nghiệm như phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, tương ứng với các phép thử được thực hiện.

2. Căn cứ yêu cầu thực tế của từng dự án/công trình xây dựng cụ thể, việc thành lập trạm thí nghiệm hiện trường phải được ban hành bằng Quyết định. Quyết định thành lập trạm thí nghiệm hiện trường phải ghi rõ địa chỉ, kèm theo danh mục nhân sự, thiết bị được điều chuyển. Quyết định thành lập được gửi cho chủ đầu tư hoặc cá nhân, tổ chức được chủ đầu tư ủy quyền kiểm tra xác nhận phù hợp với các phép thử thực hiện cho công trình. Quá trình kiểm tra được lập thành biên bản trước khi tiến hành các hoạt động thí nghiệm, Trường hợp một trạm thí nghiệm hiện trường phục vụ cho nhiều dự án/công trình cùng thời điểm thì phải được ghi rõ trong Quyết định thành lập trạm thí nghiệm hiện trường hoặc phải ban hành Quyết định bổ sung.

3. Trạm thí nghiệm hiện trường được sử dụng mã số LAS-XD của phòng thí nghiệm được công nhận của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

4. Các thiết bị thí nghiệm đặt cố định tại trạm thí nghiệm hiện trường phải được kiểm định/hiệu chuẩn lại theo quy định của pháp luật về đo lường trước khi tiến hành các thí nghiệm.

5. Trước khi tiến hành các hoạt động thí nghiệm và trong thời gian 01 tháng sau khi kết thúc các hoạt động của trạm thí nghiệm hiện trường, tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng tại địa phương nơi thực hiện dự án/công trình xây dựng,

Điều 6. Công bố thông tin các tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

Hệ thống các tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng tại địa chỉ www.xaydung.gov.vn, bao gồm:

1. Thông tin về các tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

a) Tên, email, số điện thoại liên hệ cố định, địa chỉ tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, địa chỉ phòng thí nghiệm và mã số (LAS-XD);

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng và Danh mục các chỉ tiêu thí nghiệm kèm theo.

2. Danh sách các tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng vi phạm các quy định của pháp luật, bị đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

1. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng

a) Bộ Xây dựng thống nhất quản lý các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng với mã số LAS-XD.

b) Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện quản lý các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, bao gồm: xử lý hồ sơ đăng ký, tổ chức đánh giá, trình cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 62/2016/NĐ-CP; tổ chức kiểm tra hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, giải quyết khiếu nại tố cáo, trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 62/2016/NĐ-CP; tổ chức đánh giá thử nghiệm thành thạo/so sánh liên phòng các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

c) Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các phòng thí nghiệm, trạm thí nghiệm hiện trường tại địa phương. Kết quả kiểm tra được lập thành biên bản và gửi về Bộ Xây dựng để thống nhất hình thức xử lý theo quy định.

2. Trách nhiệm của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

a) Đảm bảo và duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thí nghiệm viên và hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 5 Nghị định số 62/2016/NĐ-CP;

b) Có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn về xây dựng được quy định tại khoản 1 Điều này.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức.

3. Trách nhiệm của người quản lý các hoạt động thí nghiệm của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (Trưởng/phó phòng thí nghiệm)

a) Quản lý các thiết bị thí nghiệm, lên kế hoạch định kỳ kiểm định/hiệu chuẩn các thiết bị thí nghiệm theo quy định nhằm đảm bảo độ chính xác của phép đo;

b) Giám sát, phân công công việc cụ thể cho từng thí nghiệm viên phù hợp với văn bằng, chứng chỉ được đào tạo;

c) Chịu trách nhiệm về hồ sơ, tài liệu, sổ sách thí nghiệm phù hợp hệ thống quản lý chất lượng đã xây dựng;

d) Chịu trách nhiệm về các kết quả thử nghiệm của phòng thí nghiệm do mình phụ trách.

4. Trách nhiệm của thí nghiệm viên

a) Tuân thủ nhiệm vụ được giao, trung thực trong quá trình thí nghiệm và kết quả thí nghiệm;

b) Chịu trách nhiệm về số liệu thí nghiệm do mình thực hiện.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2017

2. Trường hợp các tiêu chuẩn được viện dẫn trong Thông tư này được bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế thì thực hiện theo phiên bản mới nhất.

3. Bãi bỏ các quy định sau:

a) Quyết định số 11/2003/QĐ-BXD ngày 12 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam TCXDVN 297:2003 “Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng - Tiêu chuẩn công nhận”

b) Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

c) Điều 5, Điều 6, khoản 3 Điều 7 Thông tư số 06/2011/TT-BXD ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng thực thi Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.