Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2018/TT-BCA

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN THI ĐUA TRONG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ XẾP LOẠI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ CHO PHẠM NHÂN

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư này quy định tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và Điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét duyệt, quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù (sau đây viết gọn là xếp loại) cho phạm nhân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Công an nhân dân;

2. Cơ quan, người có thẩm quyền đề nghị, xét duyệt, quyết định xếp loại cho phạm nhân;

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc xếp loại cho phạm nhân

1. Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và liên tục.

2. Khuyến khích phạm nhân nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động, nộp án phí, thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ dân sự khác do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Điều 4. Tính thời gian xếp loại cho phạm nhân

1. Thời gian xếp loại cho phạm nhân được tính từ ngày lập biên bản tiếp nhận họ vào trại giam hoặc phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam hoặc buồng quản lý phạm nhân của nhà tạm giữ được chỉ định thi hành án phạt tù.

2. Trường hợp phạm nhân Điều chuyển giữa các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với nhau, thì thời gian và kết quả xếp loại của phạm nhân đó được tính liên tục cả quá trình trước và sau khi Điều chuyển.

Điều 5. Hành vi bị nghiêm cấm trong xếp loại cho phạm nhân

1. Xếp loại cho phạm nhân không đúng Điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định.

2. Làm sai lệch hồ sơ về xếp loại cho phạm nhân, lợi dụng xếp loại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân hoặc vì Mục đích vụ lợi khác.

Điều 6. Biểu mẫu sử dụng trong xếp loại cho phạm nhân

Ban hành kèm theo Thông tư này phụ lục 21 (hai mươi mốt) biểu mẫu sử dụng trong xếp loại cho phạm nhân, ký hiệu từ XL 01 đến XL 21.

Chương II

TIÊU CHUẨN THI ĐUA TRONG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ XẾP LOẠI CHO PHẠM NHÂN

Mục 1. TIÊU CHUẨN THI ĐUA TRONG CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ

Điều 7. Tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù

1. Tiêu chuẩn 1

Nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải; tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trung thực khai báo, tố giác tội phạm, cung cấp thông tin về hành vi phạm tội của người khác mà mình biết.

2. Tiêu chuẩn 2

Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án; Nội quy, quy định của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi sai phạm; thực hiện nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh; không có thái độ, lời nói, việc làm tiêu cực, gây chia rẽ, mất đoàn kết và ảnh hưởng xấu đến phạm nhân khác.

3. Tiêu chuẩn 3

Tích cực, tự giác, gương mẫu trong lao động, học nghề, tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu, định mức lao động; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong phạm nhân.

4. Tiêu chuẩn 4

Tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình và của người khác; có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác cùng rèn luyện, học tập tiến bộ và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Mục 2. XẾP LOẠI CHO PHẠM NHÂN

Điều 8. Phân loại kết quả xếp loại, định kỳ xếp loại cho phạm nhân

1. Phân loại kết quả xếp loại cho phạm nhân được quy định thành bốn loại, gồm: Tốt; khá; trung bình; kém.

2. Định kỳ xếp loại cho phạm nhân theo: Tuần, tháng, quý, sáu tháng, một năm.

a) Phạm nhân đã được đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù từ bốn ngày trở lên trong một tuần thì được xếp loại tuần, xếp loại tuần vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Thời gian xếp loại tuần kể từ ngày thứ Bảy tuần trước đến ngày thứ Sáu tuần sau đó;

b) Phạm nhân đã được xếp loại từ ba tuần hoặc đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù hai mươi ngày trở lên trong một tháng thì được xếp loại tháng, xếp loại tháng vào ngày 25 hằng tháng. Thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau đó. Trường hợp phạm nhân đã chấp hành án phạt tù được hai mươi ngày trong một tháng, thì thời gian xếp loại được tính từ ngày 05 đến ngày 25 của tháng đó;

c) Phạm nhân đã được xếp loại từ hai tháng trở lên trong một quý thì được xếp loại quý. Xếp loại quý I vào ngày 25 tháng 2, quý II vào ngày 25 tháng 5, quý III vào ngày 25 tháng 8, quý IV vào ngày 25 tháng 11. Thời gian xếp loại quý kể từ ngày 26 của tháng cuối quý trước đến ngày 25 của tháng cuối quý sau đó;

d) Phạm nhân đã được xếp loại từ bốn tháng trở lên trong sáu tháng thì được xếp loại sáu tháng. Xếp loại sáu tháng đầu năm vào ngày 25 tháng 5; sáu tháng cuối năm vào ngày 25 tháng 11. Thời gian xếp loại của sáu tháng đầu năm kể từ ngày 26 tháng 11 của năm trước đến ngày 25 tháng 5 của năm sau đó; xếp loại sáu tháng cuối năm kể từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 25 tháng 11 của năm đó;

đ) Phạm nhân đã được xếp loại từ mười tháng trở lên trong một năm thì được xếp loại một năm. Xếp loại một năm vào ngày 25 tháng 11 hằng năm. Thời gian xếp loại của một năm kể từ ngày 26 tháng 11 của năm trước đến ngày 25 tháng 11 của năm sau đó.

Điều 9. Xếp loại tốt

Phạm nhân được xếp loại tốt khi thực hiện đầy đủ bốn tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù quy định tại Điều 7 Thông tư này, cụ thể:

1. Đối với tiêu chuẩn 1

a) Nhận rõ tội lỗi là có thái độ, nhận thức nghiêm túc, đầy đủ về tính chất, mức độ và hậu quả hành vi phạm tội của mình đã gây ra, thành khẩn khai báo đúng sự thật, đầy đủ về tội lỗi của mình.

b) Ăn năn hối cải là thể hiện sự hối hận sâu sắc về tội lỗi của mình, tin tưởng chính sách, pháp luật hình sự nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, nêu cao ý thức, trách nhiệm, quyết tâm sửa chữa tội lỗi, chấp hành tốt Nội quy, tích cực lao động, học tập tiến bộ, để trở thành người có ích cho xã hội.

c) Trung thực khai báo, tố giác hành vi phạm tội của người khác mà mình biết là tự giác, trung thực khai báo, tố giác, cung cấp rõ thông tin của sự việc, hành vi phạm tội của người khác mà mình biết, dù người đó đã bị bắt, đang chấp hành án phạt tù hay đang ở ngoài xã hội.

d) Tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra là phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó và có tài liệu chứng minh hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp phạm nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện một Phần các nghĩa vụ đó mà được Tòa án quyết định miễn thi hành hoặc bản án tuyên tạm giữ tiền đảm bảo thi hành án, số tiền đó bằng hoặc cao hơn số tiền phải thực hiện các nghĩa vụ đó hoặc đã bị kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận số tài sản kê biên đủ hoặc cao hơn để bảo đảm thi hành án hoặc cơ quan thi hành án dân sự có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc quyết định kết thúc thi hành án, thì được coi là đã thực hiện xong.

đ) Trường hợp phạm nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện được một Phần mà bên người bị hại có văn bản đồng ý xóa nợ hoặc xác nhận đã nhận đủ số tiền mà bản án đã tuyên, không yêu cầu thực hiện nữa, được Cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận thì được coi là đã thực hiện xong.

e) Phạm nhân khi thực hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi mà Tòa án quyết định giao cho bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại dân sự, nếu những người đó đã thực hiện xong hoặc phạm nhân đó đã nhiều lần viết thư, liên lạc bằng điện thoại, trực tiếp đề nghị, vận động bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện bồi thường thiệt hại mà mới thực hiện được một Phần thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả.

g) Phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng, đến kỳ xếp loại, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận cấp dưỡng cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận là đã thực hiện xong đến thời điểm đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả.

2. Đối với tiêu chuẩn 2

a) Phạm nhân phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án, Luật Thi hành án hình sự, Nội quy trại giam, quy định của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

b) Tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thái độ, hành vi sai phạm của phạm nhân khác.

c) Thực hiện tốt nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh, giao tiếp, ứng xử văn hóa của phạm nhân.

d) Không có thái độ, lời nói, việc làm tiêu cực, xuyên tạc sự thật, gây chia rẽ, mất đoàn kết, làm ảnh hưởng không tốt đến phạm nhân khác.

3. Đối với tiêu chuẩn 3

a) Phạm nhân phải luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, gương mẫu, tích cực, tự giác, cần cù, chịu khó trong lao động, học nghề.

b) Tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, định mức được giao; thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, học nghề, giữ gìn, bảo vệ môi trường.

c) Có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua lao động, học tập, rèn luyện, học nghề trong phạm nhân.

4. Đối với tiêu chuẩn 4

a) Phạm nhân phải luôn nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tích cực, tự giác, tham gia học tập pháp luật, giáo dục công dân, học văn hóa, các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (nếu có) do trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức; có ý thức tự rèn luyện bản thân theo nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử lành mạnh, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội.

b) Tôn trọng danh dự, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của bản thân và của người khác.

c) Quan tâm động viên, giúp đỡ phạm nhân khác trong lao động, học tập, rèn luyện và sinh hoạt.

Điều 10- Định kỳ xếp loại tốt

1. Xếp loại tuần: Phạm nhân có các ngày trong tuần đều được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù tốt.

2. Xếp loại tháng

a) Có các tuần trong tháng đều xếp loại tốt;

b) Có ít nhất hai tuần xếp loại tốt (đối với tháng có 4 tuần), ba tuần xếp loại tốt (đối với tháng có 5 tuần), trong đó tuần cuối tháng phải xếp loại tốt, các tuần còn lại xếp loại khá;

c) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại ba tuần, thì cả ba tuần phải xếp loại tốt hoặc hai tuần xếp loại tốt, một tuần xếp loại khá, trong đó tuần cuối cùng phải xếp loại tốt.

3. Xếp loại quý

a) Cả ba tháng trong quý đều xếp loại tốt;

b) Có hai tháng xếp loại tốt, trong đó tháng cuối quý phải xếp loại tốt, một tháng xếp loại khá (không có tuần xếp loại trung bình);

c) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại hai tháng, thì cả hai tháng phải xếp loại tốt hoặc tháng đầu xếp loại khá (không có tuần xếp loại trung bình), tháng cuối cùng xếp loại tốt.

4. Xếp loại sáu tháng

a) Cả hai quý đều xếp loại tốt;

b) Có quý thứ nhất xếp loại khá (không có tuần hoặc tháng xếp loại trung bình), quý thứ hai xếp loại tốt;

c) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại bốn tháng, thì tháng đầu xếp loại khá trở lên (không có tuần xếp loại trung bình), quý thứ hai xếp loại tốt.

5. Xếp loại một năm

a) Sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm đều xếp loại tốt;

b) Có sáu tháng đầu năm xếp loại khá (không có tháng xếp loại trung bình), quý III và quý IV xếp loại tốt.

6. Phạm nhân mới chấp hành án phạt tù mà có tiền án (chưa được xóa án tích), thì phải có thêm thời gian theo dõi, thử thách. Phạm nhân có một tiền án thì quý đầu, có hai tiền án thì sáu tháng đầu, có từ ba tiền án trở lên thì một năm đầu mới chấp hành án phạt tù không được xếp loại tốt (trừ trường hợp lập công).

Điều 11. Xếp loại khá

Phạm nhân được xếp loại khá khi thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại điểm a, b, c Khoản 1; Khoản 2; điểm a, c Khoản 3 và Khoản 4 Điều 9 Thông tư này. Đối với các tiêu chuẩn quy định tại điểm d, đ, e, g Khoản 1 và điểm b Khoản 3 Điều 9 Thông tư này phải bảo đảm các Điều kiện sau đây:

1. Đối với tiêu chuẩn quy định tại điểm d, đ, e, g Khoản 1 Điều 9 Thông tư này yêu cầu phạm nhân phải “tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình đã gây ra”.

a) Những phạm nhân chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một Phần, thi phạm nhân phải có bản cam kết tiếp tục thực hiện và thân nhân phạm nhân hoặc người đại diện hợp pháp có đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, không có Điều kiện giúp phạm nhân thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác. Đơn trình bày được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi công tác, học tập hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận.

Trường hợp phạm nhân không còn thân nhân, gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị, em vợ (hoặc chồng); cô, dì, cậu, mợ, chú, bác, cháu ruột, thì có thể nhờ người có quan hệ họ hàng gần nhất viết đơn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân cư trú xác nhận không còn thân nhân. Trường hợp trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày tiếp nhận vào trại giam, phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam, buồng quản lý phạm nhân của nhà tạm giữ mà không liên lạc được với ai là họ hàng, thì phạm nhân có đơn trình bày hoàn cảnh, cam kết tiếp tục thực hiện sau khi chấp hành xong án phạt tù, có xác nhận của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Trường hợp phạm nhân còn thân nhân nhưng thân nhân không có nơi cư trú nhất định hoặc phạm nhân là người dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, trong thời hạn ba tháng kể từ ngày tiếp nhận vào trại giam, phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam, buồng quản lý phạm nhân của nhà tạm giữ mà không liên lạc được với thân nhân, thì phạm nhân có đơn trình bày hoàn cảnh, cam kết tiếp tục thực hiện sau khi chấp hành xong án phạt tù, có xác nhận của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Trường hợp, sau đó liên lạc được với thân nhân của phạm nhân, nếu họ có Điều kiện giúp phạm nhân thi hành án thì hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật; nếu họ có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, không có Điều kiện giúp phạm nhân thi hành án, thì hướng dẫn họ làm đơn theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này.

b) Bản cam kết thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác, đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn nêu tại điểm a Khoản 1 Điều này cứ ba năm viết một lần, tính từ ngày phạm nhân được tiếp nhận vào trại giam, phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam, buồng quản lý phạm nhân của nhà tạm giữ.

c) Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, phải thực hiện làm nhiều lần các hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc các nghĩa vụ dân sự khác, thì các lần thực hiện đó phải có hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc hoặc được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các lần thực hiện đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả.

d) Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đề nghị thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc các nghĩa vụ dân sự làm nhiều đợt tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, thì phạm nhân viết cam kết, thân nhân phạm nhân làm đơn thể hiện rõ cam kết thời hạn thực hiện, đồng thời phải đảm bảo tổng giá trị thực hiện trong mỗi năm ít nhất phải bằng tổng giá trị phải thực hiện chia cho số năm phạt tù của phạm nhân (trường hợp án chung thân thì chia cho ba mươi năm), được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết, thì không được coi là tích cực khắc phục hậu quả.

đ) Phạm nhân quốc tịch nước ngoài chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, thì Giám thị trại giam yêu cầu họ viết thư cho thân nhân, gửi Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (qua Cục Quản lý phạm nhân, trại viên) chuyển cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự nước mà phạm nhân mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam phối hợp giải quyết.

2. Đối với tiêu chuẩn quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 9 Thông tư này yêu cầu phạm nhân phải tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, năng suất, chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu, định mức được giao.

Những phạm nhân là thương binh, bệnh binh; bị khuyết tật; có con nhỏ đang ở cùng trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; từ 70 tuổi trở lên; nam từ 60 tuổi trở lên, nữ từ 55 tuổi trở lên bị ốm đau, bệnh tật thường xuyên hoặc bị ốm, đau đang Điều trị tại bệnh xá hoặc bệnh viện không thể tham gia lao động hoặc tham gia không đầy đủ, không hoàn thành chỉ tiêu, định mức được giao, thì phải có văn bản đề nghị của Đội trưởng Đội y tế và bảo vệ môi trường hoặc cán bộ y tế (đối với trại giam chưa có Đội trưởng Đội y tế và bảo vệ môi trường); của Bệnh xá trưởng hoặc cán bộ y tế (đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ chưa có Bệnh xá trưởng), được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đồng ý.

Điều 12. Định kỳ xếp loại khá

1. Xếp loại tuần: Phạm nhân có các ngày trong tuần đều được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù khá.

2. Xếp loại tháng

a) Có các tuần trong tháng đều xếp loại khá;

b) Có một tuần xếp loại tốt (đối với tháng có 4 tuần), hai tuần xếp loại tốt (đối với tháng có 5 tuần), các tuần còn lại xếp loại khá;

c) Có tuần cuối tháng xếp loại khá, các tuần còn lại xếp loại tốt hoặc khá;

d) Có ít nhất hai tuần xếp loại khá trở lên (đối với tháng có 4 tuần), ba tuần xếp loại khá trở lên (đối với tháng có 5 tuần), các tuần còn lại xếp loại trung bình, trong đó tuần cuối tháng phải xếp loại khá trở lên;

đ) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại ba tuần, thì cả ba tuần xếp loại khá hoặc một tuần xếp loại tốt, hai tuần xếp loại khá hoặc hai tuần đầu xếp loại tốt, tuần cuối tháng xếp loại khá hoặc hai tuần xếp loại khá trở lên, một tuần xếp loại trung bình, trong đó tuần cuối tháng phải xếp loại khá trở lên.

3. Xếp loại quý

a) Cả ba tháng trong quý đều xếp loại khá;

b) Có một tháng xếp loại tốt, hai tháng còn lại xếp loại khá;

c) Có hai tháng đầu quý xếp loại tốt nhưng tháng cuối quý xếp loại khá;

d) Có hai tháng xếp loại khá trở lên, trong đó tháng cuối quý phải xếp loại khá trở lên, một tháng xếp loại trung bình (không có tuần xếp loại kém);

đ) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại hai tháng thì tháng đầu xếp loại khá trở lên, tháng sau xếp loại khá hoặc tháng đầu xếp loại trung bình (không có tuần xếp loại kém), tháng sau xếp loại khá trở lên.

4. Xếp loại sáu tháng

a) Cả hai quý đều xếp loại khá;

b) Có quý thứ nhất xếp loại tốt nhưng quý thứ hai xếp loại khá;

c) Có quý thứ nhất xếp loại trung bình (không có tuần hoặc tháng xếp loại kém), quý thứ hai xếp loại khá trở lên;

d) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại bốn tháng, thì tháng đầu xếp loại khá trở lên, quý thứ hai được xếp loại khá hoặc tháng đầu xếp loại trung bình (không có tuần xếp loại kém), quý thứ hai xếp loại khá trở lên.

5. Xếp loại một năm

a) Sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm đều xếp loại khá;

b) Sáu tháng đầu năm xếp loại tốt, sáu tháng cuối năm xếp loại khá;

c) Sáu tháng đầu năm và quý III xếp loại khá, quý IV xếp loại tốt;

d) Sáu tháng đầu năm xếp loại trung bình (không có tháng xếp loại kém), quý III, quý IV xếp loại khá trở lên;

đ) Có quý I xếp loại trung bình (có một tháng xếp loại kém), các quý II, quý III, quý IV xếp loại khá trở lên.

Điều 13. Xếp loại trung bình

Phạm nhân xếp loại trung bình khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Không đủ Điều kiện, tiêu chuẩn xếp loại tốt, khá.

2. Vi phạm Nội quy trại giam bị xử lý kỷ luật khiển trách.

3. Sau khi có quyết định công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ.

4. Hết thời hạn tạm đình chỉ nhưng không có mặt tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đúng thời gian quy định để tiếp tục chấp hành án mà không có lý do chính đáng.

Điều 14. Định kỳ xếp loại trung bình

1. Xếp loại tuần: Phạm nhân có các ngày trong tuần đều được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù trung bình.

2. Xếp loại tháng

a) Có các tuần trong tháng đều xếp loại trung bình;

b) Có một tuần (đối với tháng có 4 tuần), hai tuần (đối với tháng có 5 tuần) xếp loại khá trở lên, các tuần còn lại xếp loại trung bình;

c) Tuần cuối tháng xếp loại trung bình, các tuần còn lại xếp loại khá trở lên;

d) Có tuần đầu xếp loại kém, các tuần sau xếp loại trung bình trở lên;

đ) Phạm nhân vi phạm nội quy trại giam đã được công nhận tiến bộ, thì có hai tuần đầu tháng xếp loại kém, các tuần sau xếp loại trung bình trở lên;

e) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại ba tuần, thì cả ba tuần xếp loại trung bình hoặc một tuần xếp loại khá trở lên, hai tuần còn lại xếp loại trung bình hoặc tuần cuối tháng xếp loại trung bình, hai tuần còn lại xếp loại khá trở lên hoặc hai tuần xếp loại trung bình trở lên, trong đó tuần cuối tháng phải xếp loại trung bình trở lên, một tuần còn lại xếp loại kém;

g) Phạm nhân đã được công nhận tiến bộ, hai tháng xếp loại liền kế vơi tháng có ngày ký quyết định công nhận đã tiến bộ được xếp loại trung bình.

3. Xếp loại quý

a) Cả ba tháng trong quý đều xếp loại trung bình;

b) Có một tháng xếp loại khá trở lên, hai tháng còn lại xếp loại trung bình;

c) Hai tháng đầu xếp loại khá trở lên, tháng cuối quý xếp loại trung bình;

d) Có tháng đầu xếp loại kém, hai tháng sau xếp loại trung bình trở lên (không có tuần xếp loại kém);

đ) Trường hợp phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại hai tháng thì tháng đầu xếp loại trung bình trở lên, tháng sau xếp loại trung bình;

e) Trường hợp phạm nhân bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách một lần trong quý, thì quý đó xếp loại trung bình;

g) Trường hợp phạm nhân hết thời hạn tạm đình chỉ nhưng không có mặt tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đúng thời gian quy định để tiếp tục chấp hành án mà không có lý do chính đáng, thì quý đầu trở lại chấp hành án phạt tù xếp loại trung bình.

4. Xếp loại sáu tháng

a) Cả hai quý đều xếp loại trung bình;

b) Có quý thứ nhất xếp loại khá trở lên, quý thứ hai xếp loại trung bình;

c) Quý thứ nhất xếp loại trung bình (trong đó có tuần hoặc tháng xếp loại kém), quý thứ hai xếp loại khá trở lên;

d) Có quý thứ nhất xếp loại kém, quý thứ hai xếp loại trung bình trở lên (không có tuần hoặc tháng xếp loại kém);

đ) Phạm nhân mới đủ thời gian xếp loại bốn tháng, thì tháng đầu xếp loại trung bình trở lên, quý thứ hai xếp loại trung bình (không có tuần hoặc tháng xếp loại kém) hoặc tháng đầu xếp loại trung bình, quý thứ hai xếp loại khá trở lên (có tuần hoặc tháng xếp loại trung bình) hoặc có tháng đầu xếp loại kém, quý thứ hai xếp loại trung bình trở lên.

5. Xếp loại một năm

a) Sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm đều xếp loại trung bình;

b) Sáu tháng đầu năm xếp loại khá trở lên, sáu tháng cuối năm xếp loại trung bình;

c) Sáu tháng đầu năm xếp loại trung bình (có tháng xếp loại kém), sáu tháng cuối năm xếp loại khá trở lên;

d) Có sáu tháng đầu năm xếp loại kém, sáu tháng cuối năm xếp loại trung bình trở lên.

Điều 15. Xếp loại kém

Phạm nhân xếp loại kém thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Chưa thực hiện đúng các tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù và không được xếp loại từ trung bình trở lên.

2. Đã vi phạm Nội quy trại giam bị kỷ luật khiển trách hai lần trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày ký quyết định kỷ luật khiển trách lần thứ nhất hoặc bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên và chưa được công nhận đã cải tạo tiến bộ.

3. Thường xuyên vi phạm Nội quy trại giam bị giam giữ riêng.

4. Phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

5. Phạm nhân khiếu nại đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình khiếu nại trái với quy định của pháp luật về bản án, quyết định của Tòa án hoặc về vấn đề khác có liên quan đến việc chấp hành án phạt tù của phạm nhân.

6. Trường hợp người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, bị Tòa án chấm dứt việc tạm đình chỉ hoặc bỏ trốn bị bắt lại, áp giải đưa đến tiếp tục chấp hành án phạt tù, thì hai quý mới trở lại chấp hành án phạt tù xếp loại kém.

7. Phạm nhân không khai báo hành vi phạm tội của mình đã thực hiện trước thời gian chấp hành án phạt tù và được xét xử bằng một bản án khác, thì hai quý sau ngày trích xuất trả lại hoặc đưa đến chấp hành án phạt tù xếp loại kém (nếu trích xuất để Điều tra, truy tố, xét xử) hoặc hai quý sau ngày bản án có hiệu lực pháp luật xếp loại kém (nếu không trích xuất).

8. Trường hợp đã được tha tù trước thời hạn có Điều kiện nhưng bị Tòa án buộc đưa trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành Phần thời hạn tù còn lại chưa chấp hành, thì hai quý mới trở lại chấp hành án phạt tù xếp loại kém.

Điều 16. Công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ

1. Phạm nhân bị xử lý kỷ luật hoặc phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù phải có thời gian theo dõi, thử thách để công nhận đã tiến bộ, thời gian để công nhận đã tiến bộ cụ thể như sau:

a) Phạm nhân bị xử lý kỷ luật khiển trách hai lần trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày ký quyết định kỷ luật khiển trách lần thứ nhất, thì thời gian để được công nhận đã tiến bộ là ba tháng, tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật khiển trách lần thứ hai.

b) Phạm nhân đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, thì thời gian để được công nhận đã tiến bộ là ba tháng, tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật.

c) Phạm nhân đã bị xử lý kỷ luật giam tại buồng kỷ luật, thì thời gian để được công nhận đã tiến bộ là sáu tháng, tính từ ngày ra khỏi nhà kỷ luật.

d) Phạm nhân phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù và được xét xử bằng một bản án khác, thì thời gian để được công nhận đã tiến bộ là một năm, tính từ ngày trích xuất trả lại hoặc đưa đến chấp hành án phạt tù (nếu trích xuất để Điều tra, truy tố, xét xử) hoặc tính từ ngày bản án mới có hiệu lực pháp luật (nếu không trích xuất). Trường hợp có quyết định đình chỉ Điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên không phạm tội, thì thời gian để được công nhận đã tiến bộ là sáu tháng, tính từ ngày trở lại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (nếu trích xuất) hoặc từ ngày nhận được quyết định đình chỉ Điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên không phạm tội (nếu không trích xuất). Trường hợp oan, sai thì không được áp dụng điểm d Khoản 1 Điều này.

2. Trong thời gian để được công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều này, nếu phạm nhân đã phấn đấu sửa chữa, tiến bộ thì đến ngày hết thời hạn công nhận đã tiến bộ sẽ được xét, công nhận đã tiến bộ. Trường hợp đã chấp hành được một nửa thời hạn công nhận tiến bộ trở lên, nếu thực hiện tốt các tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù, có quyết định khen thưởng, thi có thể được xét, công nhận tiến bộ trước thời hạn. Trường hợp lập công, được xét, công nhận tiến bộ ngay.

3. Trong thời gian để được công nhận tiến bộ mà phạm nhân vi phạm Nội quy trại giam, thì sẽ bị gia hạn thời gian công nhận tiến bộ. Việc gia hạn có thể nhiều lần, mỗi lần đến sáu tháng, tính từ ngày kết thúc thời gian công nhận tiến bộ. Trường hợp phạm nhân bị giam giữ riêng, khi hết thời gian công nhận tiến bộ mà chưa đưa ra khỏi buồng giam riêng, thì gia hạn thời gian công nhận tiến bộ đến ngày ra khỏi buồng giam riêng.

4. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xét, quyết định công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ; công nhận phạm nhân đã tiến bộ trước thời hạn hoặc gia hạn thời gian công nhận tiến bộ đối với phạm nhân.

5. Trường hợp phạm nhân chưa hết thời gian công nhận tiến bộ mà có quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc trích xuất để Điều tra, truy tố, xét xử quy định tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư này, thì thời gian công nhận tiến bộ chấm dứt kể từ ngày đưa ra khỏi trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Điều 17. Xếp loại trong trường hợp lập công

1. Phạm nhân lập công cứu được người, tài sản giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên trong thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc phát hiện cung cấp nguồn tin giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ngăn chặn được âm mưu chống phá, trốn khỏi nơi giam giữ, bắt được phạm nhân trốn khỏi nơi giam, ngăn chặn được hành vi phá hoại của người khác hoặc ngăn chặn được phạm nhân phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù hoặc giúp cơ quan Điều tra phát hiện tội phạm đã được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan Điều tra xác nhận bằng văn bản, quyết định khen thưởng, thì xếp loại năm đó được Điều chỉnh lên một bậc.

2. Phạm nhân cứu được người đang trong tình trạng nguy hiểm, tài sản giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên; lập được công lớn, lập được nhiều công, thì xếp loại năm đó được nâng lên hai bậc. Nếu trong năm đó, phạm nhân được xếp loại khá thì nâng lên xếp loại tốt.

3. Phạm nhân lập công quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này, nếu trong năm đó đã được xếp loại tốt thì tình tiết lập công đó được tính để xếp loại cho năm sau. Trường hợp sau khi lập công mà phạm nhân bị xử lý kỷ luật hoặc phạm tội mới thì không được nâng mức xếp loại.

Điều 18. Xếp loại cho phạm nhân trích xuất; phạm nhân vi phạm nội quy nhà tạm giữ, trại tạm giam bị xử lý kỷ luật; phạm nhân phạm tội trước hoặc trong thời gian tạm giữ, tạm giam

1. Phạm nhân trích xuất để tham gia tố tụng trong vụ án có liên quan đến người đó hoặc phục vụ công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang quản lý phạm nhân trích xuất phải căn cứ vào nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại của phạm nhân trước khi trích xuất và các tài liệu liên quan đến xếp loại (nếu có) để xếp loại cho phạm nhân trong thời gian trích xuất theo quy định của Thông tư này và gửi kết quả xếp loại tháng, quý, sáu tháng, một năm, Bản kiểm điểm thi đua chấp hành án phạt tù sáu tháng, một năm của phạm nhân và tài liệu liên quan đến xếp loại cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang quản lý hồ sơ gốc của phạm nhân để lưu hồ sơ.

2. Phạm nhân trích xuất để Điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành án phạt tù hoặc Điều tra, truy tố, xét xử lại bản án phạt tù mà phạm nhân đang thi hành, thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam. Khi tiếp nhận phạm nhân trích xuất trả lại hoặc đưa đến chấp hành án phạt tù, phải căn cứ vào nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành Nội quy trại tạm giam, nhà tạm giữ trong thời gian trích xuất và các tài liệu có trong hồ sơ phạm nhân để xếp loại cho phạm nhân theo quy định của Thông tư này.

3. Trong thời hạn sáu tháng trước ngày tiếp nhận phạm nhân vào chấp hành án phạt tù mà họ đã vi phạm Nội quy nhà tạm giữ, trại tạm giam, bị xử lý kỷ luật, thì quý đầu chấp hành án phạt tù không được xếp loại khá trở lên (trừ trường hợp lập công).

4. Phạm nhân có hành vi phạm tội thực hiện trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam và được xét xử bằng một bản án khác, thì hai quý đầu chấp hành án phạt tù xếp loại kém.

5. Phạm nhân không khai báo hành vi phạm tội của mình được thực hiện trước thời gian bị tạm giữ, tạm giam và được xét xử bằng một bản án khác, thì hai quý đầu chấp hành án phạt tù xếp loại kém.

Điều 19. Trình tự, thủ tục xếp loại cho phạm nhân

1. Xếp loại sáu tháng, một năm, phạm nhân phải viết Bản kiểm điểm thi đua chấp hành án phạt tù (nội dung kiểm điểm dựa vào các tiêu chuẩn thi đua trong chấp hành án phạt tù), nêu phương hướng phấn đấu trong thời gian tới và tự nhận loại chấp hành án phạt tù. Phạm nhân không biết chữ hoặc khuyết tật không tự viết được thì nhờ phạm nhân khác viết hộ, sau đó đọc lại cho phạm nhân nhờ viết kiểm điểm nghe, ký tên hoặc điểm chỉ vào bản kiểm điểm, có xác nhận của quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân. Phạm nhân người nước ngoài không biết tiếng Việt, thì quản giáo yêu cầu họ viết bản kiểm điểm bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước họ. Giám thị trại giam tổ chức dịch bản kiểm điểm ra tiếng Việt, có chữ ký của người dịch và xác nhận của Giám thị trại giam.

Trường hợp phạm nhân không đủ thời gian để được xếp loại 6 tháng, thì cũng phải viết bản kiểm điểm, có nhận xét, đánh giá của quản giáo và xác nhận của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về thái độ, kết quả chấp hành phạt tù.

2. Trong tất cả các cuộc họp nhận xét, đánh giá kết quả và xếp loại cho phạm nhân, quản giáo phải chủ trì, từng phạm nhân tự kiểm điểm quá trình thi đua chấp hành án phạt tù của bản thân; họp xét xếp loại sáu tháng và một năm, từng phạm nhân phải đọc bản kiểm điểm của mình. Tại các cuộc họp, tập thể đội (tổ) phạm nhân tham gia ý kiến, sau đó biểu quyết bằng hình thức giơ tay theo nguyên tắc ít nhất phải có hai Phần ba trở lên số phạm nhân dự hợp đồng ý. Trên cơ sở họp đội (tổ) phạm nhân, quản giáo rà soát, lập danh sách xếp loại cho phạm nhân và đề nghị Tiểu ban, Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù xét duyệt, quyết định. Các cuộc họp nhận xét, đánh giá và xếp loại tuần, tháng, quý, sáu tháng và một năm của đội (tổ) phạm nhân đều phải ghi thành biên bản.

3. Họp đội (tổ) phạm nhân

a) Ngày thứ Sáu hằng tuần, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại tuần. Trên cơ sở kết quả bình xét, xếp loại tuần của đội (tổ) phạm nhân, quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân rà soát, xếp loại tuần cho từng phạm nhân, ghi vào sổ theo dõi và thông báo cho phạm nhân biết.

b) Ngày 25 hằng tháng, đội (tổ) phạm nhân họp nhận xét, đánh giá xếp loại tháng cho mỗi phạm nhân.

Đối với trại giam, trên cơ sở kết quả bình xét, xếp loại tháng của đội (tổ) phạm nhân, quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân rà soát, lập danh sách xếp loại tháng cho phạm nhân, chuyển cho ủy viên thư ký Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù của phân trại báo cáo, đề nghị Trưởng tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù của phân trại duyệt, ký tên, đóng dấu xác nhận danh sách xếp loại tháng cho phạm nhân theo từng đội (tổ) phạm nhân.

Đối với trại tạm giam, quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân rà soát, lập danh sách đề nghị xếp loại tháng cho phạm nhân, chuyên cho ủy viên thư ký Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù báo cáo, đề nghị Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân duyệt, ký tên, đóng dấu xác nhận danh sách xếp loại tháng cho phạm nhân theo từng đội (tổ) phạm nhân.

Đối với nhà tạm giữ, quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân rà soát, lập danh sách đề nghị xếp loại tháng cho phạm nhân, báo cáo Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm Ủy viên thường trực Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù duyệt, ký tên, đóng dấu xác nhận danh sách xếp loại tháng cho phạm nhân.

Quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân thông báo công khai kết quả xếp loại tháng cho phạm nhân biết.

c) Ngày 25 tháng 2, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù quý I.

d) Ngày 25 tháng 5, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại quý II và sáu tháng đầu năm.

đ) Ngày 25 tháng 8, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại quý III.

e) Ngày 25 tháng 11, đội (tổ) phạm nhân họp để nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại quý IV, sáu tháng cuối năm và một năm.

g) Trường hợp ngày thứ Sáu là ngày Lễ, Tết hoặc ngày 25 các tháng là ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Lễ, Tết thì tổ chức họp đội (tổ) phạm nhân vào ngày làm việc gần nhất sau đó. Trường hợp trong các ngày nghỉ đó mà phạm nhân lập công hoặc bị xử lý kỷ luật, phạm tội mới, thì xem xét nâng lên hoặc hạ xuống ngay mức xếp loại Tuần, tháng, quý, sáu tháng, một năm đó.

4. Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù của phân trại giam

a) Mỗi phân trại giam trong trại giam thành lập Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, do Phó Giám thị phụ trách phân trại làm Trưởng tiểu ban. Các ủy viên gồm: Trưởng phân trại, Phó đội trưởng hoặc cán bộ (đối với phân trại chưa có Phó đội trưởng) trinh sát, Cảnh sát quản giáo, cán bộ trực trại, y tế, quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ và Phó đội trưởng hoặc cán bộ giáo dục (đối với phân trại chưa có Phó đội trưởng) làm ủy viên thư ký.

b) Trên cơ sở đề nghị xếp loại tháng, quý, sáu tháng và một năm của quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân, Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù họp xét, đề nghị xếp loại quý, sáu tháng và một năm cho phạm nhân của phân trại. Khi xét đến đội (tổ) phạm nhân nào, thì quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân đó báo cáo danh sách phạm nhân đề nghị xếp loại, giải trình các vấn đề các thành viên dự họp nêu ra, sau đó tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay trên nguyên tắc ít nhất phải được hai Phần ba thành viên Tiểu ban nhất trí.

c) Sau khi họp xét xếp loại cho phạm nhân, Tiểu ban hoàn thành hồ sơ, danh sách gửi Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam.

Điều 20. Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù

1. Trại giam thành lập Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, do Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và hồ sơ làm ủy viên thường trực và các ủy viên gồm: Phó Giám thị phụ trách công tác quản lý, giam giữ, Phó Giám thị phụ trách lao động sản xuất, hướng nghiệp dạy nghề, Phó Giám thị phụ trách phân trại, Trưởng phân trại, Đội trưởng đội: Cảnh sát quản giáo, Trinh sát, Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Y tế và bảo vệ môi trường, Tham mưu và Đội trưởng Giáo dục và hồ sơ làm ủy viên thư ký.

Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam họp xét xếp loại quý, sáu tháng và một năm. Hội đồng họp xét, xếp loại cho phạm nhân trên cơ sở đề nghị của các Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù. Khi xét đến phân trại giam nào, thì Phó Giám thị phụ trách phân trại hoặc Trưởng phân trại báo cáo danh sách phạm nhân đề nghị xếp loại của phân trại đó và giải trình các vấn đề thành viên dự họp nêu ra. Hội đồng tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay trên nguyên tắc ít nhất phải được hai Phần ba thành viên Hội đồng nhất trí.

Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam, Giám thị duyệt, ký quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Đối với các trại giam có quy mô từ hai phân trại trở lên, Giám thị trại giam có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và hồ sơ duyệt, ký quyết định xếp loại cho từng phạm nhân.

2. Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện

a) Trại tạm giam thành lập Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, do Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân làm ủy viên thường trực và các ủy viên gồm: các Phó Giám thị, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Tổ trưởng Tổ quản giáo phân trại, Bệnh xá trưởng, Đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ giáo dục, hồ sơ, trinh sát, trực trại và Đội trưởng Tham mưu làm ủy viên thư ký. Trình tự xét duyệt, xếp loại thực hiện như đối với phạm nhân ở trại giam.

b) Đối với nhà tạm giữ, Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân ở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện do Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm Chủ tịch, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm ủy viên thường trực và các cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân làm ủy viên, một cán bộ làm thư ký. Trình tự xét duyệt, xếp loại thực hiện như đối với phạm nhân ở trại giam.

3. Trong thời gian chờ Tiểu ban xếp loại chấp hành án phạt tù, Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù họp, xét xếp loại mà phạm nhân lập công hoặc bị xử lý kỷ luật, phạm tội mới, thì phải xem xét nâng lên hoặc hạ xuống ngay mức xếp loại của quý, sáu tháng, một năm đó.

4. Trường hợp phạm nhân khiếu nại về việc xếp loại, thi trong thời gian năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải có văn bản trả lời cho phạm nhân.

5. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ký quyết định xếp loại cho phạm nhân, nếu có căn cứ cho rằng kết quả xếp loại đó không đúng quy định của pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng xếp loại chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức cuộc họp, ủy viên thư ký của Hội đồng báo cáo, giải trình các nội dung, nguyên nhân liên quan đến việc đó và đề xuất xếp loại mới cho phạm nhân, các thành viên dự họp phát biểu, thảo luận. Hội đồng tiến hành biểu quyết bằng hình thức giơ tay về việc hủy quyết định xếp loại cũ và xếp loại mới cho phạm nhân trên nguyên tắc phải được từ hai Phần ba thành viên Hội đồng trở lên nhất trí.

Căn cứ kết quả họp Hội đồng, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện duyệt, ký quyết định hủy quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù và quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù mới cho phạm nhân hoặc giữ nguyên kết quả xếp loại cũ. Quyết định hủy quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù, quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù mới phải thông báo công khai cho phạm nhân biết.

Điều 21. Thông báo kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù

Sau khi kết thúc xếp loại quý, sáu tháng, một năm cho phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm:

1. Thông báo công khai kết quả xếp loại cho phạm nhân biết.

2. Thông báo tình hình chấp hành án phạt tù sáu tháng đầu năm, sáu tháng cuối năm, một năm cho gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân.

3. Gửi báo cáo tổng hợp kết quả xếp loại cho phạm nhân quý I, quý III, sáu tháng đầu năm và một năm về Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (các trại giam gửi qua Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng; trại tạm giam thuộc Bộ Công an gửi qua Cục Hướng dẫn tạm giam, tạm giữ; trại tạm giam thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện gửi về cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để tổng hợp gửi qua Cục Hướng dẫn tạm giam, tạm giữ).

Điều 22. Quản lý, lưu trữ kết quả xếp loại cho phạm nhân

1. Quyết định của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về xếp loại của từng phạm nhân theo quý, sáu tháng đầu năm, sáu tháng cuối năm và một năm;

2. Bản kiểm điểm của phạm nhân về thi đua chấp hành án phạt tù sáu tháng đầu năm, cả năm. Trường hợp phạm nhân không đủ thời gian để được xếp loại hoặc người chấp hành án đang ở trại tạm giam, nhà tạm giữ chờ đưa đi chấp hành án phạt tù phải lưu bản kiểm điểm của phạm nhân đó, có nhận xét, đánh giá và xác nhận kết quả, thái độ chấp hành án phạt tù hoặc chấp hành Nội quy trại tạm giam, nhà tạm giữ của thời gian chưa được xếp loại;

3. Quyết định miễn hoặc giảm thi hành án đối với Khoản tiền phạt, án phí; quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự về đình chỉ thi hành án hoặc kết thúc thi hành án dân sự; các hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác;

4. Bản cam kết thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác; đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn hoặc đơn xác nhận không còn ai là thân nhân của phạm nhân;

5. Quyết định công nhận phạm nhân vi phạm kỷ luật đã tiến bộ, công nhận đã tiến bộ trước thời hạn, gia hạn thời gian công nhận tiến bộ, kèm theo Bản kiểm điểm của phạm nhân có xác nhận của quản giáo;

6. Các quyết định khen thưởng đối với phạm nhân có thành tích trong quá trình chấp hành án phạt tù hoặc lập công;

7. Giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của Bệnh xá trưởng hoặc cán bộ y tế (đối với nhà tạm giữ hoặc trại tạm giam chưa có Bệnh xá trưởng), hồ sơ bệnh án và tài liệu liên quan đến ốm đau, bệnh tật của phạm nhân;

8. Đơn khiếu nại của phạm nhân về kết quả xếp loại và thông báo trả lời khiếu nại của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

9. Quyết định hủy quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù cũ; quyết định xếp loại chấp hành án phạt tù mới của phạm nhân.

10. Các tài liệu khác liên quan đến xếp loại của phạm nhân.

11. Các biên bản họp, danh sách xếp loại tháng, quý, sáu tháng, một năm của từng đội (tổ) phạm nhân quy định tại Điều 19 và Điều 20 Thông tư này, đối với trại giam lưu tại Đội Giáo dục và hồ sơ; trại tạm giam lưu tại Đội Tham mưu; đối với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thì quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân lưu.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 3 năm 2018 và thay thế Thông tư số 40/2011/TT-BCA ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.

2. Các biểu mẫu PT 13, PT 14, PT 15, PT 16, PT 17, PT 18, PT 19, PT 20, PT 21, PT 22, PT 23, PT 24, PT 25, PT 26, PT 27, PT 28, PT 40, PT 64 quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 63/2011/TT-BCA ngày 07 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định các loại biểu mẫu, sổ sách về thi hành án hình sự hết giá trị sử dụng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, triển khai việc thực hiện Thông tư này. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật về xếp loại cho phạm nhân.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để kịp thời hướng dẫn./.