Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-NV

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1967

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC ĐĂNG KÝ SINH, TỬ CHO NHỮNG NGƯỜI ĐI SƠ TÁN VÀ VIỆC ĐĂNG KÝ TỬ CHO NHỮNG NGƯỜI CHẾT VÌ BOM ĐẠN CỦA GIẶC MỸ

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố

Qua theo dõi việc thực hiện điều lệ đăng ký hộ tịch, Bộ Nội vụ thấy ở một số địa phương còn có những thiếu sót như sau;

- Đối với việc đăng ký sinh, tử cho những người đi sơ tán, có nơi đã không làm đúng nguyên tắc, đăng ký cả những việc sinh, tử của những người ở các địa phương khác sơ tán về địa phương mình.

- Đối với những người chết vì bom đạn của giặc Mỹ sau mỗi vụ bắn phá, có nơi không đăng ký đầy đủ và kịp thời những trường hợp người chết là người ở địa phương; có nơi lại đăng ký cả những người chết là người ở địa phương khác, không gửi giấy báo tử cho địa phương nơi người chết ở biết để đăng ký v.v…

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương quản lý tốt tình hình sinh, tử và nắm những thiệt hại về người do giặc Mỹ gây nên, Bộ Nội vụ hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể như sau.

I. ĐỐI VỚI VIỆC ĐĂNG KÝ SINH, TỬ CHO NHỮNG NGƯỜI ĐI SƠ TÁN

Điều lệ đăng ký hộ tịch quy định mọi việc sinh, tử đều phải đăng ký tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi đương sự cư trú (điều 1 và 5). Đối với những người từ các thành phố, thị xã, khu phố sơ tán về nông thôn, hoặc từ thị trấn, xã này sơ tán đến xã khác thì nơi cư trú của họ vẫn là ở thành phố, thị xã, thị trấn, xã, khu phố nơi họ ở trước khi đi sơ tán; nơi họ sơ tán đến chỉ là nơi tạm trú. Việc sơ tán phòng không chỉ là tính chất tạm thời, không phải là việc thay đổi hẳn nơi cư trú. Do đó các việc sinh, tử (kể cả các việc khai sinh, khai tử quá hạn) của những người này đều phải đăng ký ở các thành phố, thị xã, thị trấn, xã, khu phố nơi họ cư trú trước khi đi sơ tán. Nếu cho đăng ký sinh, tử tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi sơ tán thì sẽ dẫn đến tình trạng một việc sinh hoặc tử được đăng ký tại 2 nơi, gây khó khăn cho việc quản lý dân số.

Để giúp cho những người đi sơ tán có điều kiện xin đăng ký các việc sinh, tử ở nơi họ cư trú được dễ dàng, mau chóng, Ủy ban hành chính cơ sở nơi sơ tán cần:

- Cấp cho họ giấy chứng sinh trong trường hợp họ không có giấy chứng sinh của trạm xá, nhà hộ sinh;

- Nhận việc báo tử và cho phép mai táng rồi giao giấy báo tử cho thân nhân người chết mang về nơi cư trú xin đăng ký. Trường hợp người chết không có thân nhân thì Ủy ban hành chính nơi sơ tán gửi giấy báo tử cho Ủy ban hành chính nơi cư trú của người chết như thường lệ.

II. ĐỐI VỚI VIỆC ĐĂNG KÝ TỬ CHO NHỮNG NGƯỜI CHẾT VÌ BOM ĐẠN CỦA GIẶC MỸ

A. Vấn đề đăng ký tử, báo tử

Trên thực tế, đối với những trường hợp chết vì bom đạn của giặc Mỹ, người thân thuộc của nạn nhân thường không đến Ủy ban hành chính khai báo đầy đủ. Vì vậy, sau mỗi vụ giặc Mỹ bắn phá, song song với việc giải quyết hậu quả của vụ bắn phá, Ủy ban hành chính cơ sở nơi xảy ra sự việc cần phải quan tâm đến các việc đăng ký tử, báo tử, cụ thể là:

1. Trưòng hợp người chết cư trú ở địa phương (kể cả trường hợp thi hài nạn nhân bị tan nát, không còn nhận được căn cước lý lịch, nhưng sau khi xác minh thấy đúng là người cư trú ở địa phương). Ủy ban hành chính đăng ký tử ngay, không chờ đợi người thân thuộc của nạn nhân đến khai rồi mới đăng ký. Nếu có thiếu sót gì về chi tiết trong căn cước lý lịch nạn nhân thì sẽ liên hệ với gia đình nạn nhân bổ sung sau.

2. Trường hợp người chết cư trú ở địa phương khác.

a) Nếu xác minh được căn cước lý lịch, thì Ủy ban hành chính cơ sở nơi xảy ra vụ bắn phá không đăng ký tử mà chỉ làm giấy báo tử gửi cho Ủy ban hành chính nơi người ấy cư trú để đăng ký theo đúng như đã quy định trong điều 5 của điều lệ đăng ký hộ tịch.

b) Nếu không xác minh được căn cước lý lịch người chết thì Ủy ban hành chính lập biên bản, ghi rõ những đặc điểm về người, quần áo, v.v… Biên bản này lưu tại văn phòng Ủy ban hành chính để làm tài liệu tra cứu khi cần thiết. Nếu thi hài nạn nhân bị tan nát thì cũng cần ghi rõ trong biên bản.

3. Trường hợp bị thương đưa vào bệnh viện, trạm cứu thương, v.v… rồi mới chết.

Đối với những người bị thương đưa vào bệnh viện, trạm cứu thương v.v… rồi mới chết thì Ủy ban hành chính cơ sở cũng phải đăng ký tử, nếu người chết cư trú trong địa phương mình. Nếu người chết cư trú tại địa phương khác, thì gửi giấy báo tử cho Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú của người chết.

B. Vấn đề ghi nguyên nhân chết.

Nói chung, cần ghi nguyên nhân chết cho cụ thể. Ví dụ:

- Chết vì máy bay giặc Mỹ ném bom, thì ghi rõ là “chết vì bom của máy bay giặc Mỹ”;

- Chết vì tàu chiến bắn, thì ghi rõ là “chết vì tàu chiến của giặc Mỹ bắn”;

- Chết trong khi chiến đấu chống máy bay thì ghi rõ là “chết trong khi chiến đấu chống máy bay giặc Mỹ”, v.v…

C. Vấn đề báo cáo thống kê

Báo cáo thống kê vẫn làm theo mẫu báo cáo ghi danh sách đã ban hành kèm theo chỉ thị số 26-NV ngày 10-12-1963 của Bộ Nội vụ, không cần thiết phải làm danh sách riêng.

Đối với những việc xảy ra từ những năm trước còn sót chưa đăng ký, thì chỉ cần đăng ký cho hết, không phải làm báo cáo bổ sung. Riêng đối với những việc xảy ra từ đầu năm 1967 đến nay còn sót chưa đăng ký, nếu đăng ký vào tháng nào thì làm báo cáo bổ sung vào danh sách người chết trong tháng ấy.

Yêu cầu các Ủy ban hành chính phổ biến sớm thông tư này đến tận xã, thị trấn, thị xã, khu phố, thành phố trực thuộc tỉnh để thực hiện cho tốt.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu