Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/TT-NH7

Hà Nội ngày 18 tháng 9 năm 1993

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHƯƠNG X NGHỊ ĐỊNH 18/CP NGÀY 16/4/1993 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM.

Ngày 16/4/1993 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18//CP quy định chi tiết việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể như sau :

I. MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TẠI NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM

1. Các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài - dưới đây gọi tắt là xí nghiệp) phải mở tài khoản ngoại tệ và tài khoản đồng Việt Nam tại một Ngân hàng ở Việt nam (Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Trường hợp Xí nghiệp có chi nhánh khác địa phương có thể mở thêm tài khoản phụ ở Ngân hàng nơi chi nhánh đóng trụ sở.

Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể mở tài khoản bằng ngoại tệ hay đồng Việt Nam tại một trong các Ngân hàng nói ở điểm này.

2. Mọi khoản thu bằng ngoại tệ và đồng Việt Nam của các xí nghiệp (bao gồm vốn pháp định, vốn vay và các khoản thu nhập) phải gửi vào tài khoản của mình tại Ngân hàng nói ở điểm 1 Thông tư này.

Mọi khoản thu, chi bằng ngoại tệ hay đồng Việt nam xí nghiệp đều phải thực hiện thông qua tài khoản của mình tại Ngân hàng và chấp hành các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về quản lý ngoại hối và đồng Việt Nam, về thanh toán không dùng tiền mặt.

II. MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN Ở NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

3. Xí nghiệp có thể được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở tài khoản vốn vay ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây :

- Khi bên nước ngoài cho vay có yêu cầu phải mở tài khoản ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay và trả nợ.

- Mỗi hợp đồng vay vốn tối thiểu 3 (ba) triệu đô la Mỹ.

4. Nội dung tài khoản vốn vay mở ở nước ngoài như sau :

- Tiếp nhận vốn vay của nước ngoài

- Gửi một phần doanh thu của xí nghiệp trong phạm vi số tiền gốc và lãi của khoản vay đến hạn trả.

- Thanh toán các khoản chi phù hợp với hợp đồng vay vốn

- Chi trả nợ và lãi vay đến hạn

5. Thời hạn hoạt động của tài khoản vốn vay mở ở nước ngoài

Tài khoản vốn vay mở ở nước ngoài sẽ chấm dứt hoạt động khi xí nghiệp trả hết nợ gốc và lãi cho nước ngoài.

6. Các xí nghiệp xin mở tài khoản vốn vay ở nước ngoài gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ quản lý ngoại hối) một bộ hồ sơ gồm :

- Đơn xin mở tài khoản vốn vay ở nước ngoài (ghi địa chỉ ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản).

- Bản sao giấy phép đầu tư do ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp;

- Hợp đồng vay và cho vay giữa xí nghiệp và bên cho vay trong đó có nội dung bên cho vay yêu cầu phải mở tài khoản vốn vay ở nước ngoài để tiếp nhận và trả nợ vốn (gốc và lãi) vay.

- Văn bản giới thiệu họ tên, chức vụ và chữ ký của chủ tài khoản và người được ủy quyền.

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo quyết định cho mở hay không cho mở tài khoản vốn vay cho xí nghiệp.

7. Hàng quy các xí nghiệp được mở tài khoản ở nước ngoài phải báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) về tình hình hoạt động của tài khoản này (theo mẫu đính kèm). Báo cáo này gửi trước ngày 10 của quy sau.

Trường hợp sau 6 tháng, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho mở tài khoản ở nước ngoài, xí nghiệp không mở tài khoản hoặc có mở tài khoản nhưng không hoạt động hay không chấp hành chế độ báo cáo theo quy định trên thì Ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy phép đã cấp và đình chỉ hoạt động của tài khoản này.

III. CÂN ĐỐI NGOẠI TỆ

8. Các xí nghiệp phải tự cân đối các nguồn vốn ngoại tệ của mình trên nguyên tắc các nguồn thu ngoại tệ ít nhất phải đáp ứng đủ các khoản chi ngoại tệ kể cả khoản lợi nhuận chuyến ra nước ngoài của người đầu tư. Ngân hàng Việt Nam không chịu trách nhiệm về việc cân đối ngoại tệ của các xí nghiệp.

9. Đối với những trường hợp cá biệt như các xí nghiệp sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu theo danh mục hàng thay thế hàng nhập khẩu trong từng thời kỳ do ủy ban kế hoạch Nhà nước công bố, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thì việc cân đối ngoại tệ được thực hiện bằng các giải pháp sau :

9.1. Chuyển đổi tiền Việt Nam thành ngoại tệ

9.2. Thanh toán bằng hàng hóa có giá trị tương đương

Việc cân đối các nguồn thu chi bằng tiền nước ngoài theo giải pháp 1 hoặc giải pháp 2 hoặc kết hợp cả hai giải pháp do ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư xem xét và quyết định trên cơ sở ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thương mại và đề nghị của xí nghiệp.

10. Sau khi được ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư quyết định cho việc chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần số tiền Việt Nam thu được thành ngoại tệ (mua ngoại tệ), Ngân hàng Nhà nước cho phép các xí nghiệp được mua ngoại tệ tại các Ngân hàng thương mại theo các quy định sau :

10.1. Trong năm tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho phép các xí nghiệp mua ngoại tệ để sử dụng vào các mục đích sau :

a/ Thanh toán cho nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu và chi trả dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh của xí nghiệp;

b/ Trả một phần thu nhập cho người nước ngoài làm việc tại các xí nghiệp; c/ Trả tiền gốc và lãi của các khoản vay bằng ngoại tệ trong quá trình hoạt động;

Xí nghiệp xin mua ngoại tệ để sử dụng vào các mục đích nói ở điểm 10.1 Thông tư này gửi Ngân hàng nhà nước một bộ hồ sơ gồm :

- Bản sao quyết định của ủy ban Nhà về hợp tác và đầu tư về giải pháp cân đối các nguồn thu chi bằng tiền nước ngoài :

- Đơn xin mua ngoại tệ cho năm tài chính (ghi rõ mục đích sử dụng, số lượng ngoại tệ cần mua;

- Kế hoạch thu nhập năm tài chính (pro-forma income statement) đối với hàng thay thế hàng nhập khẩu hoặc các công trình cơ sở hạ tầng; - Bản sao giấy phép đầu tư do ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư cấp 10.2. Khi kết thúc năm tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho phép các xí nghiệp mua ngoại tệ để :

- Chuyển ra nước ngoài phần lợi nhuận được chia của các tổ chức và cá nhân nước ngoài có vốn đầu tư.

Xí nghiệp xin mua ngoại tệ nói ở điểm 10.2. Thông tư này gửi Ngân hàng nhà nước một bộ hồ sơ gồm :

- Đơn xin mua ngoại tệ (ghi rõ số lượng ngoại tệ cần mua);

- Báo cáo thu nhập năm tài chính (income statement) đối với hàng thay thế hàng nhập khẩu hoặc các công trình cơ sở hạ tầng có xác nhận của cơ quan thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Báo cáo tổng số ngoại tệ đã mua trong năm tài chính (ghi rõ mua ở Ngân hàng nào, số ngoại tệ đã mua);

- Xác nhận của cơ quan thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về số lợi nhuận được chia của tổ chức và cá nhân nước ngoài sau khi nộp thuế thu nhập của xí nghiệp.

11. Các Ngân hàng thương mại căn cứ vào khả năng nguồn ngoại tệ của mình để bán cho các Xí nghiệp nêu tại điểm 10 Thông tư này trên cơ sở giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và các hồ sơ liên quan theo quy định của chế độ Quản lý ngoại hối hiện hành của Việt Nam.

IV. CHUYỂN VỐN VÀO VÀ RA KHỎI VIỆT NAM CHUYỂN LỢI NHUẬN RA NƯỚC NGOÀI

12. Xí nghiệp phải chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam theo đúng tiến độ góp vốn ghi trong hợp đồng và điều lệ đã được ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư phê chuẩn. Việc góp vốn bằng tiền phải chuyển vào tài khoản của xí nghiệp mở tại Ngân hàng theo quy định tại điểm 2 Thông tư này.

13. Khi Xí nghiệp kết thúc hoạt động hoặc giải thể, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài được quyền chuyển ra nước ngoài vốn đầu tư và vốn tái đầu tư vào xí nghiệp sau khi đã thanh toán mọi khoản nợ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước Việt nam.

Trường hợp số tiền xin chuyển ra nước ngoài nói tại điểm này cao hơn vốn ban đầu (gốc) và vốn tái đầu tư thì số tiền chênh lệch đó chỉ được chuyển ra nước ngoài khi có sự chấp thuận của ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

Ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền nói ở điểm này trên cơ sở 3 văn bản dưới đây :

- Báo cáo thực hiện góp vốn ban đầu và vốn tái đầu tư (có xác nhận của ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư);

- Biên bản thanh lý xí nghiệp

- Báo cáo hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước Việt nam Cả hai văn bản (biên bản thanh lý xí nghiệp và báo cáo hoàn thành các nghĩa vụ thuế) đều phải có xác nhận của cơ quan thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

14. Xí nghiệp có vốn vay nước ngoài được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để trả tiền gốc và lãi của các khoản vay.

Ngân hàng căn cứ vào hợp đồng vay vốn và chứng từ nhận nợ để thực hiện việc chuyển tiền

Trường hợp xí nghiệp được phép mở tài khoản ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay và trả nợ thì thực hiện theo điểm 4 Thông tư này.

15. Tổ chức kinh tế và cá nhân nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam được chuyển ra nước ngoài phần lợi nhuận của mình.

Việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được thực hiện sau khi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt nam và nộp thuế chuyển lợi nhuận, có xác nhận của cơ quan thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc chuyển lợi nhuận nói tại điểm này (16) chỉ được thực hiện sau khi kết thúc năm tài chính.

16. Trường hợp xí nghiệp giải thể (do hết thời hạn hoạt động hay bất kỳ lý do nào khác) thì tổ chức kinh tế hoặc cá nhân đầu tư nước ngoài được chuyển phần lợi nhuận của mình sau khi đã hoàn thành thủ tục thanh lý mà không chờ đến hết năm tài chính.

17. Việc chuyển lợi nhuận của tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài, tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới 12 tháng được thực hiện khi kết thúc hợp đồng, nếu hợp đồng trên 1 năm thì thực hiện như điều 16 nói trên.

18. Người nước ngoài làm việc trong Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được chuyển ra nước ngoài tiền lương và các khoản thu nhập hợp pháp bằng tiền nước ngoài sau khi trừ thuế thu nhập phải nộp và chi phí sinh hoạt của họ ở Việt Nam.

Ngân hàng thực hiện việc chuyển tiền nói ở điểm này sau khi có xác nhận của cơ quan thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

V. TỶ GIÁ

19. Việc chuyển đổi các loại ngoại tệ để góp vốn đầu tư vào xí nghiệp được áp dụng theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt nam công bố tại thời điểm giao dịch. Việc mua, bán các loại ngoại tệ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp được thực hiện theo tỷ giá hối đoái của Ngân hàng nơi Xí nghiệp giao dịch trên cơ sở tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm giao dịch.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

20. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 01/TT-NH7 ngày 20/1/1992 của Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn thi hành chương VIII Nghị định số 28/HDBT ngày 06/02/1991 quy định chi tiết việc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

21. Thủ trưởng các Vụ, Cục ở Ngân hàng Nhà nước Trung Ương, các Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. 22. Các Bộ ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp thực hiện Thông Tư này.

KT/THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Lê Văn Châu