Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*******

SỐ: 06-TTg

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

*******

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC VÀ CÁC NHIỆM VỤ CÔNG TÁC KHÁC

Mấy năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trong các ngành và ở khắp các địa phương. Những đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích đã được khen thưởng thích đáng.

Nhìn chung việc khen thưởng đã chú trọng đúng mức đối với các ngành sản xuất và các ngành trực tiếp phục phụ sản xuất, đã nhằm vào mục tiêu thi đua, trọng tâm công tác của từng ngành, từng địa phương, vào các thành tích về phát minh sáng chế, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý kinh doanh, cải tiến công tác, v.v…

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, công tác khen thưởng trong những năm qua còn có những thiếu sót chính sau đây:

1. Việc khen thưởng chưa cân đối giữa các ngành và giữa các địa phương, do đó chưa phản ánh được đầy đủ tình hình của phong trào thi đua:

- Có ngành được khen nhiều, ngành được khen ít (về nông nghiệp chỉ có 0,84% số hợp tác xã được khen thưởng từ bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên).

- Có tỉnh khen rộng, tỉnh khen hẹp; các tỉnh ở miền núi lại càng ít hơn;

- Cán bộ lãnh đạo, cán bộ hành chính và cán bộ xã ít được đề nghị khen thưởng.

2. Khen thưởng chậm nên tác dụng động viên bị hạn chế.

3. Khi xét khen thưởng, có nhiều nơi thiên về số lượng, nhẹ các mặt: nâng cao chất lượng, tăng năng suất, hạ giá thành, chấp hành chính sách, chế độ.

Nguyên nhân chính của những thiếu sót trên là do tiêu chuẩn đề ra chưa cụ thể, thủ tục xét duyệt và đề nghị khen thưởng còn có chỗ chưa hợp lý, phải qua nhiều cấp, nhiều ngành, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chưa được đầy đủ và thường xuyên, cán bộ chuyên trách ở nhiều nơi còn yếu và thiếu.

Để sửa chữa những thiếu sót trên, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhiệm vụ, phương hướng, tiêu chuẩn và thủ tục xét duyệt khen thưởng như sau:

I. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG KHEN THƯỞNG

Nhiệm vụ chung của công tác khen thưởng là nhằm động viên toàn dân hăng hái thi đua hoàn thành tốt những nhiệm vụ và chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Phương hướng chung của công tác khen thưởng chủ yếu phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ và vững chắc nhất là sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, phải hướng vào công tác trung tâm của từng thời kỳ, vào các trọng tâm và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước, vào các ngành nghề quan trọng cần khuyến khích và vào những nhân tố mới của phong trào.

Coi trọng việc khen thưởng đối với khu vực sản xuất đồng thời phải chú ý thích đáng đến khu vực sự nghiệp, hành chính. Chú trọng khen thưởng các ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, nhưng không được xem nhẹ các ngành kinh tế khác.

Việc khen thưởng chủ yếu phải căn cứ vào thành tích của từng đơn vị và cá nhân, nhưng cũng cần chú ý đến tỷ lệ thích đáng giữa các ngành và các địa phương, phải chiếu cố thỏa đáng đối với các ngành nghề mà điều kiện lao động vất vả hoặc có hại đến sức khỏe, đối với những nơi hẻo lánh, điều kiện công tác gian khổ, chiếu cố đúng mức đối với phụ nữ, thành phần dân tộc, tôn giáo và kiều bào về nước.

Ngoài phương hướng chung kể trên, công tác khen thưởng trong năm nay và những năm tới còn nhằm đẩy mạnh việc thực hiện hai cuộc vận động lớn “nâng cao ý thức trách nhiệm; tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãnh phí, quan liêu” và “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc”.

II. PHƯƠNG CHÂM KHEN THƯỞNG

Phương châm của công tác khen thưởng là: chính sách, kịp thời; không khen trùng, không bỏ sót, kết hợp đúng đắn việc khen thưởng bằng vật chất với việc khen thưởng về tinh thần.

Có khen thưởng kịp thời mới phát huy ngay được tác dụng động viên thi đua lập thành tích mới. Có khen thưởng chính xác mới bảo đảm thực hiện đúng chính sách khen thưởng và bảo đảm được giá trị của các hình thức khen thưởng. Không nên vì muốn kịp thời mà thiếu thận trọng trong việc thẩm tra xét duyệt, thường dẫn đến chỗ khen nhầm hoặc khen không đúng mức, ngược lại cũng không nên vì muốn chính xác mà cầu toàn, chậm trễ để việc khen thưởng mất tác dụng động viên kịp thời.

Không nên chỉ chú trọng khen thưởng về tinh thần mà quên việc khuyến khích lao động bằng lợi ích vật chất; ngược lại cũng không nên chỉ chú ý việc khen thưởng bằng vật chất mà coi nhẹ việc khen thưởng về tinh thần.

III. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG

Để đề cao tinh thần thi đua tập thể và phát huy mạnh mẽ trí tuệ của tập thể, đồng thời động viên tính tích cực sáng tạo của cá nhân người lao động, đối tượng khen thưởng phải vừa là tập thể, vừa là cá nhân có thành tích mà trước hết là những tập thể và cá nhân đã được lựa chọn và được tặng những danh hiệu thi đua. Những tập thể và cá nhân khác có thành tích đột xuất hoặc thành tích về từng mặt công tác cũng cần được xét khen thưởng thích đáng.

Đối tượng tập thể chủ yếu được xét khen thưởng là những đơn vị cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh công tác như: hợp tác xã, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cửa hàng, cơ quan, trường học, bệnh viện… và những đơn vị nhỏ hơn như: phân xưởng, tổ, đội sản xuất, tổ, đội công tác…

Đối với các đơn vị cơ sở kể trên, nói chung khi xét khen thưởng nên xét thành tích về mọi mặt hoạt động để định mức khen thưởng cho đúng, nhưng chủ yếu là xét thành tích về thực hiện nhiệm vụ chính. Trường hợp một đơn vị đã được khen về thành tích toàn diện mà có thành tích thật xuất sắc về một mặt công tác nào đó, xét cần được biểu dương để động viên chung thì cũng có thể được khen thêm về mặt đó. Đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ chính thì dù có thành tích xuất sắc về mặt công tác khác cũng không được khen hoặc chỉ được khen với mức độ thấp; trường hợp có đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ chính do hoàn cảnh khách quan gây ra nhưng đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn thì cũng có thể được xét khen thưởng về các mặt công tác khác.

Đối với các đơn vị hành chính như xã, huyện, tỉnh, thành, khu, thì nên xét khen thưởng thành tích về từng mặt công tác như sản xuất, chăn nuôi, phân bón, thủy lợi, văn hóa, thể dục, vệ sinh, v.v…Nhưng cũng có thể khen toàn diện nếu các mặt trên đều có thành tích xuất sắc.

Cá nhân được đề nghị khen thưởng bao gồm cán bộ, công nhân, viên chức, quân nhân và nhân dân có thành tích.

Cán bộ ở các cơ quan đoàn thể và tổ chức của các đoàn thể ở địa phương nếu có thành tích về thực hiện kế hoạch Nhà nước thì cũng được xét và đề nghị các cấp chính quyền địa phương và Chính phủ khen thưởng. Khi một đơn vị được khen thưởng rồi thì nói chung các tổ chức đoàn thể ở đơn vị đó không được xét khen thưởng nữa, trừ trường hợp tổ chức đoàn thể đó đã có tác dụng quyết định đối với những thành tích chung của đơn vị.

IV. TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

A. Tiêu chuẩn cơ bản:

1. Khi xét khen thưởng đơn vị, cần xét về các mặt dưới đây:

- Thực hiện kế hoạch Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ công tác;

- Phát minh, sáng chế, sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, áp dụng tốt khóa học và kỹ thuật tiên tiến, tận dụng công suất máy móc, cải tiến quản lý kinh doanh, cải tiến tổ chức, cải tiến công tác và lề lối làm việc;

- Chấp hành chính sách, chế độ (chính sách chế độ chung và của ngành), phong trào thi đua liên tục; tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa; tinh thần tự lực cánh sinh, ý thức tiết kiệm và bảo vệ của công.

2. Khi xét khen thưởng cá nhân, cần xét về các mặt dưới đây:

- Thực hiện kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ công tác, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, hiệu suất công tác và chất lượng công tác;

- Phát minh, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công tác, v.v…

- Thái độ chấp hành các chính sách, chế độ nội quy, kỷ luật lao động; tinh thần trách nhiệm; tinh thần thi đua liên tục; tinh thần hợp tác tương trợ; ý thức tiết kiệm và bảo vệ của công; tinh thần học tập cầu tiến bộ.

(Có bản tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể kèm theo thông tư này).

B. Mức độ khen thưởng:

Về mức độ khen thưởng đối với đơn vị và cá nhân thì tùy theo thành tích lớn hay nhỏ mà xét và đề nghị thưởng huân chương, bằng khen hoặc giấy khen.

1. Đối với đơn vị: Nói chung, đơn vị nào có hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành tốt hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước thì mới được xét khen thưởng.

- Đơn vị nào đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước hoặc chỉ hoàn thành vừa đủ các chỉ tiêu của kế hoạch, nhưng có những thành tích khá về từng mặt công tác chính, có thề được đề nghị thưởng bằng khen của Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh hoặc của Bộ;

- Đơn vị nào đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước, có những thành tích khá về từng mặt công tác chính, có thể được đề nghị thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chủ tịch nước;

- Đơn vị nào đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước với tỷ lệ tương đối cao, có thành tích khá về nhiều mặt công tác chính, có thể được đề nghị thưởng huân chương Lao động hạng ba;

- Đơn vị nào đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của Kế hoạch Nhà nước với tỷ lệ cao, có thành tích xuất sắc về nhiều mặt công tác chính, có thể được đề nghị thưởng huân chương Lao động hạng nhì;

- Đơn vị nào đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước với tỷ lệ cao, có thành tích xuất sắc toàn diện, có thể được đề nghị thưởng huân chương Lao động hạng nhất.

Các tổ, đội lao động tiên tiến có thể được đề nghị thưởng từ bằng khen của Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh trở lên.

Các tổ, đội được công nhận là tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa có thể được đề nghị thưởng từ huân chương Lao động hạng ba trở lên.

2. Đối với cá nhân: Nói chung người nào được bình bầu là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua thì mới được xét khen thưởng.

- Lao động tiên tiến được cấp giấy khen của thủ trưởng đơn vị. Nếu thủ trưởng, thủ phó đơn vị là lao động tiên tiến thì được cấp trên trực tiếp cấp giấy khen. Người nào là lao động tiên tiến liên tục từ ba năm trở lên thì có thể được đề nghị thưởng bằng khen của Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, của Bộ hoặc của Chính phủ;

- Chiến sĩ thi đua được cấp bằng khen của Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh hoặc của Bộ;

- Chiến sĩ thi đua có thành tích xuất sắc như có năng suất lao động cao và chất lượng lao động tốt, có sáng kiến có giá trị được áp dụng cho toàn xí nghiệp hoặc trong một huyện, đem lại nhiều lợi ích cho tập thể, cho Nhà nước, hoặc là chiến sĩ thi đua liên tục 3, 4 năm mà chưa được thưởng bằng khen của Chính phủ thì có thể được đề nghị khen thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chủ tịch nước;

- Chiến sĩ thi đua có thành tích thật xuất sắc như có năng suất lao động cao, có sáng kiến có giá trị lớn, được áp dụng trong một tỉnh hoặc trong toàn ngành, đem lại lợi ích lớn cho tập thể cho Nhà nước hoặc là chiến sĩ thi đua liên tục năm, sáu năm mà chưa được thưởng huân chương lao động, thì có thể được đề nghị thưởng huân chương Lao động hạng ba;

- Chiến sĩ thi đua có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, có những phát minh về khoa học, kỹ thuật, có sáng kiến có giá trị quốc tế hoặc đem lại lợi ích rất lớn cho tập thể, cho Nhà nước thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể được đề nghị thưởng huân chương Lao động hạng nhì hoặc huân chương Lao động hạng nhất.

C. Cách vận dụng tiêu chuẩn:

Mức độ khen thưởng nêu ra ở trên chỉ có tính cách hướng dẫn, khi xét khen thưởng cho một đơn vị hay một cá nhân, không nên chỉ ra căn cứ vào tỷ lệ vượt mức kế hoạch Nhà nước hoặc giá trị của sáng kiến, phát minh, mà còn phải vận dụng cả ba mặt nói ở trên, đồng thời phải căn cứ vào đặc điểm của từng ngành, phải xét mặt thuận lợi, khó khăn và tinh thần phấn đấu khắc phục khó khăn để định mức khen thưởng cho thỏa đáng.

Về việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, phải rất coi trọng các chỉ tiêu về sản phẩm chính, các chỉ tiêu về tăng năng suất (năng suất lao động năng suất ruộng đất), hạ giá thành, bảo đảm và nâng cao chất lượng. Khi xét khen thưởng đối với các đơn vị thuộc khối nông nghiệp, ngoài việc so sánh với các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước năm đó, cần so sánh cả với các năm trước để thấy rõ sự cố gắng và mức tiến bộ của từng đơn vị.

Về phát minh, sáng kiến, cần chú ý đến những sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu và vật liệu, sáng kiến sử dụng tốt các phế phẩm, thế phẩm.

Về việc chấp hành chính sách, đơn vị nào để xảy ra tai nạn lao động chết người, để hư hỏng máy móc nặng, hoặc có tham ô lãng phí lớn, và hợp tác xã nào không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách thuế, chính sách bán sản phẩm cho Nhà nước có thể không được khen hoặc chỉ được khen với mức độ thấp hơn.

Khi xét khen thưởng đối với cá nhân cần chú ý đến cả mặt tác dụng và ảnh hưởng của người đó trong quần chúng, nhất là khi đề nghị thưởng bằng khen của Chính phủ và huân chương.

V. PHÂN CẤP XÉT DUYỆT VÀ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Để đảm bảo cho vấn đề khen thưởng được chính xác và kịp thời, nay phân cấp việc xét duyệt và đề nghị khen thưởng lên Hội đồng Chính phủ giữa các Bộ và Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh như sau:

1. Những đơn vị và cá nhân sau đây do các Bộ và các đoàn thể trung ương xét duyệt và đề nghị khen thưởng lên Hội đồng Chính phủ, sau khi hỏi ý kiến Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh:

- Các đơn vị được đề nghị công nhận là lá cờ đầu toàn ngành;

- Các cá nhân được đề nghị công nhận là anh hùng lao động;

- Phong trào của một tỉnh (khen cán bộ và nhân dân một tỉnh có thành tích về từng mặt công tác);

- Toàn thể cán bộ và công nhân viên thuộc một ngành của một tỉnh;

- Các đơn vị sản xuất hay sự nghiệp do Bộ trực tiếp quản lý mà hoạt động ở địa phương như: xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, công ty, bệnh viện, trường học…

- Các bộ phận trong các đơn vị sản xuất hay sự nghiệp do Bộ trực tiếp quản lý mà hoạt động ở địa phương nếu được đề nghị công nhận là tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa hoặc được đề nghị thưởng huân chương Lao động hạng ba trở lên.

2. Những đơn vị và cá nhân sau đây do các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét duyệt và đề nghị khen thưởng lên Hội đồng Chính phủ, sau khi hỏi ý kiến các Bộ sở quan hoặc các đoàn thể trung ương:

- Các đơn vị do địa phương quản lý hiện đang là lá cờ đầu toàn ngành (nếu lại được đề nghị khen thưởng);

- Các tổ, đội ở các đơn vị do địa phương quản lý nếu được đề nghị công nhận là tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa;

- Các đơn vị và cá nhân do địa phương quản lý và các cán bộ, công nhân viên ở các đơn vị sản xuất hay sự nghiệp của trung ương mà hoạt động ở địa phương nếu được đề nghị thưởng từ huân chương Lao động hạng ba trở lên;

- Các ủy viên Ủy ban hành chính và các cán bộ lãnh đạo chuyên môn cấp khu, thành, tỉnh (Giám đốc, Phó giám đốc Sở, Trưởng ty, Phó ty trưởng và các cán bộ tương đương);

- Các anh hùng lao động (nếu lại được đề nghị khen thưởng);

- Các cán bộ lãnh đạo các đơn vị sản xuất hay sự nghiệp do Bộ trực tiếp quản lý (Giám đốc, Phó giám đốc, Hiệu trưởng, Hiệu phó, Chủ nhiệm Công ty…và các cán bộ tương đương) Các ủy viên ban chấp hành các đoàn thể khu, thành, tỉnh.

3. Những đơn vị hành chính, nghiên cứu trực thuộc Bộ, trực thuộc các cơ quan, đoàn thể trung ương như: Nha, Vụ, Viện, Văn phòng…và những cán bộ, công nhân viên ở các đơn vị này, do các Bộ và các đoàn thể trung ương xét duyệt và đề nghị khen thưởng lên Hội đồng Chính phủ, không phải lấy ý kiến của Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.

Riêng đối với các bộ phận trong các đơn vị sản xuất hay sự nghiệp do Bộ trực tiếp quản lý mà hoạt động ở địa phương, được đề nghị thưởng bằng khen của Chủ tịch nước hoặc bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì khi đề nghị lên Hội đồng Chính phủ, các Bộ cần gửi cho Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh, một bản sao để địa phương theo dõi và khi cần thiết sẽ tham gia ý kiến.

4. Tất cả các đơn vị cá nhân còn lại sau đây được đề nghị thưởng bằng khen của Chủ tịch nước hoặc bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đều do Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét duyệt và đề nghị khen thưởng lên Hội đồng Chính phủ, không phải lấy ý kiến của Bộ, nhưng phải sao gửi cho Bộ sở quan và đoàn thể trung ương biết để theo dõi và khi cần thiết sẽ tham gia ý kiến:

- Phong trào của một huyện, một xã và các tổ chức, các cán bộ ở các đơn vị này;

- Các hợp tác xã các loại và các xã viên hợp tác xã;

- Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện..do địa phương quản lý và các cán bộ, công nhân viên ở các đơn vị này;

- Các cán bộ, công nhân viên và các đoàn thể các phong trào văn hóa quần chúng, thể dục, vệ sinh…ở các đơn vị sản xuất hay sự nghiệp do Bộ trực tiếp quản lý mà hoạt động ở địa phương.

IV. THỦ TỤC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

Để làm tốt công tác khen thưởng và thực hiện đúng những điều quy định ở trên, các Bộ và Ủy ban hành chính các địa phương cần chú ý mấy điểm về thủ tục và lề lối làm việc dưới đây;

1. Các Bộ và Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc lãnh đạo cấp dưới tổng kết thi đua và xét khen thưởng. Khi cần thiết Bộ và Ủy ban hành chính có thể nêu ra những gợi ý cho nhau.

Mỗi khi Bộ hoặc Ủy ban hành chính nhận được công văn hỏi ý kiến thì phải trả lời sớm (chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được công văn) và phải trao đổi kỹ để thống nhất ý kiến trước khi đề nghị lên Hội đồng Chính phủ. Trường hợp không thống nhất ý kiến thì phải nêu rõ lý do của mỗi bên.

2. Để việc khen thưởng làm được gọn, từ nay cứ hàng năm, Hội đồng Chính phủ sẽ xét khen thưởng và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào hai đợt lớn trong dịp Tết âm lịch và dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Các cơ sở phải tiến hành tổng kết công tác, bình bầu và đề nghị khen thưởng ngay từ tháng giêng; các hợp tác xã nông nghiệp có thể làm ngay sau vụ gặt mùa. Các Bộ và Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh phải gửi đề nghị lên Hội đồng Chính phủ ngay trong quý I (Riêng đối với Bộ Giáo dục quy định thời hạn cuối cùng vào tháng 8) để có thể hoàn thành việc khen thưởng thành tích thực hiện kế hoạch Nhà nước năm trước vào quý II năm sau.

3. Đối với những thành tích trong các công tác đột xuất như chống bão lụt, hạn hán, diệt trừ sâu chuột…Ủy ban hành chính các cấp và các Bộ cần xét khen thưởng ngay để động viên kịp thời. Trường hợp có thành tích nổi bật sẽ đề nghị lên Hội đồng Chính phủ khen thưởng.

Đối với những thành tích công tác có tính chất từng vụ, từng đợt như sản xuất đông xuân, thu mua nông sản…,đối với những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn và đối với việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước hàng năm trước thời hạn mà các mặt khác không phạm khuyết điểm lớn thì cũng cần biểu dương kịp thời bằng điện, bằng thư hoặc giấy khen của Ủy ban hành chính các cấp hoặc của Bộ. Đối với những thành tích nổi bật, các Bộ hoặc Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh sẽ đề nghị lên Hội đồng Chính phủ biểu dương.

4. Sau mỗi đợt xét duyệt khen thưởng, cấp trên phải có thông báo cho cấp dưới biết để theo dõi. Đối với những trường hợp không được xét duyệt, phải nói rõ lý do để cấp dưới khen mức thấp hơn hoặc giải thích cho cơ sở.

VII. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN

Chính sách khen thưởng là một chính sách lớn của Đảng và Chính phủ nhằm động viên cán bộ và nhân dân hăng hái thi đua hoàn thành tốt và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Cho nên muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành mình, của địa phương hoặc của đơn vị mình, các cấp lãnh đạo cần phải quan tâm đầy đủ đến công tác thi đua và khen thưởng, phải phân công thủ trưởng hoặc thủ phó phụ trách và bố trí đủ số cán bộ chuyên trách làm công tác này.

Thông tư này mới nêu lên những điểm có tính chất chung cho tất cả các ngành. Các Bộ, Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh sẽ căn cứ vào tinh thần của thông tư này để hướng dẫn cụ thể cho cấp dưới thi hành và phổ biến rộng rãi nội dung chủ yếu của thông tư cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và xã viên hợp tác xã.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG CỤ THỂ
(kèm theo Thông tư số 06-TTg ngày 18-01-1963 của Thủ tướng Chính phủ).

1. Đối với các ngành thuộc khối công nghiệp (kể cả thủ công nghiệp):

a) Về thực hiện kế hoạch Nhà nước:

- Giá trị tổng sản lượng;

- Sản lượng sản xuất chủ yếu (đúng quy cách, chất lượng ghi trong kế hoạch);

- Tăng năng suất lao động;

- Hạ giá thành sản phẩm, công trình;

- Nộp lợi nhuận.

b) Về phát minh, sáng kiến:

- Hợp lý hóa sản xuất (hợp lý hóa tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, phương pháp sản xuất);

- Cải tiến quản lý;

- Cải tiến kỹ thuật, áp dụng tốt khoa học và kỹ thuật tiên tiến; cải tiến và sáng chế công cụ, máy móc…

- Tận dụng công suất máy móc.

c) Về chấp hành chính sách chế độ chính sách chế độ chung và của ngành):

- Phong trào thi đua liên tục;

- Tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa;

- Tinh thần tự lực cánh sinh;

- Bảo hộ an toàn lao động và bảo hiểm xã hội; cải thiện đời sống;

- Ý thức tiết kiệm của công, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; tận dụng phế phẩm, thế phẩm;

- Bảo quản máy móc thiết bị, và tài sản Nhà nước, không tham ô, lãng phí, quan liêu;

- Kỷ luật lao động.

2. Đối với các ngành thuộc khối nông nghiệp:

a) Về thực hiện kế hoạch Nhà nước:

- Diện tích;

- Sản lượng;

- Chăn nuôi;

- Thủy lợi, phân bón;

- Tích lũy vốn xây dựng hợp tác xã;

- Sử dụng lao động (số lượng và giá trị ngày công);

- Thu nhập bình quân theo đầu người.

b) Về phát minh sáng kiến:

- Cải tiến kỹ thuật;

- Cải tiến công cụ;

- Áp dụng kỹ thuật mới và công cụ cải tiến;

- Cải tiến quản lý (sản xuất, lao động, tài vụ).

c) Về chấp hành chính sách:

- Bán sản phẩm cho Nhà nước;

- Nộp thuế;

- Tiết kiệm lương thực và điều hòa phân phối lương thực trong hợp tác xã và ở địa phương; không tham ô lãng phí;

- Đoàn kết tương trợ, quản lý dân chủ.

Những điểm cần chú ý về phát minh sáng kiến, về chấp hành chính sách đối với nông nghiệp có thể áp dụng cho cả ngành thủ công nghiệp.

3. Đối với các ngành hành chính, sự nghiệp và các ngành công tác khác:

a) Về thực hiện kế hoạch Nhà nước, ngành nào có thể đặt được chỉ tiêu kế hoạch thì ngành đó nêu ra mấy chỉ tiêu chủ yếu; đối với các ngành khác thì chú ý hai điểm chính:

- Hoàn thành nhiệm vụ công tác;

- Phục vụ kịp thời và thiết thực cho yêu cầu của sản xuất và yêu cầu của đời sống nhân dân;

b) Về phát minh, sáng kiến:

- Phát minh về khoa học, kỹ thuật, áp dụng tốt khoa học và kỹ thuật tiên tiến;

- Cải tiến kỹ thuật;

- Cải tiến quản lý, kinh doanh, phân phối…

- Ba cải tiến (cải tiến tổ chức, cải tiến công tác, cải tiến lề lối làm việc);

c) Về chấp hành chính sách, chế độ:

- Chính sách cán bộ;

- Chế độ công tác (báo cáo, xin chỉ thị…);

- Kỷ luật lao động;

- Ý thức tiết kiệm của công, bảo quản tài sản Nhà nước, không tham ô, lãng phí, quan liêu;

- Tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa.