Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2001/TT-BYT

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 07/2001/TT-BYT NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN TUYỂN SINH ĐIỀU DƯỠNG (Y TÁ), HỘ SINH, KỸ THUẬT Y HỌC HỆ VỪA HỌC VỪA LÀM (TẠI CHỨC CŨ) BẬC HỌC CỬ NHÂN VÀ CAO ĐẲNG, NĂM 2001

Thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để phục cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bộ Y tế chủ trương tiếp tục tuyển sinh đào tạo hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức cũ) Cử nhân và Cao đẳng các ngành Điều dưỡng (Y tá), Hộ sinh, Kỹ thuật Y học và ban hành Thông tư hướng dẫn tuyển sinh năm 2001 cho các đối tượng nêu trên.

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

Năm học 2001 - 2002 Trường Đại học Y - dược thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Huế đào tạo hệ tại chức ở trình độ đại học, cụ thể gồm: Cử nhân Điều dưỡng và Cử nhân Kỹ thuật y học. Trường Cao đẳng Y tế Nam Định đào tạo hệ tại chức ở trình độ Cao đẳng, cụ thể gồm: Cao đẳng Điều dưỡng và Cao đẳng Hộ sinh. Tất cả các thí sinh trong cả nước, nếu có đủ tiêu chuẩn như quy định tại Thông tư này đều được dự thi vào hệ tại chức của trường đại học, cao đẳng nói trên.

Công tác tuyển sinh đào tạo Cử nhân, Cao đẳng Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật y học hệ tại chức được thực hiện theo các quy định chung của Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, vừa học vừa làm (tại chức cũ) của Bộ Giáo dục & Đào tạo và chủ trương tuyển sinh năm 2001 của Bộ Y tế.

Chỉ tiêu đào tạo hệ tại chức năm 2001 đã giao cho các trường đại học, cao đẳng bao gồm chỉ tiêu có ngân sách Nhà nước và chỉ tiêu không có ngân sách Nhà nước. Nguồn kinh phí đào tạo các chỉ tiêu không có ngân sách Nhà nước sẽ được thu từ địa phương và cơ quan cử cán bộ đi học đóng góp thông qua hợp đồng đào tạo giữa các trường và đơn vị có nhu cầu đào tạo. Bộ Y tế thống nhất quản lý chỉ tiêu đào tạo và không có sự phân biệt trong chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo giữa hai loại chỉ tiêu có ngân sách Nhà nước và không có ngân sách Nhà nước. Các cơ sở đào tạo không được tuyển thêm ngoài chỉ tiêu được giao.

Bộ Y tế giao nhiệm vụ và thông báo chỉ tiêu đào tạo và vùng tuyển cho các trường (Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

II. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

Cán bộ, công chức dự thi Cử nhân, Cao đẳng hệ tại chức phải có đủ các tiêu chuẩn như sau:

1. Có bằng tốt nghiệp Điều dưỡng trung học, Hộ sinh trung học hoặc Kỹ thuật viên trung học Y tế được đào tạo theo chương trình quy định của Bộ Y tế, nay có nguyện vọng xin học đúng ngành đó.

2. Là biên chế hoặc hợp đồng trong quỹ lương Nhà nước và đang làm việc tại các cơ sở Y tế Nhà nước theo đúng ngành đã được đào tạo.

III. TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH

1. Tiêu chuẩn chính trị

- Lý lịch bản thân, gia đình rõ ràng.

- Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

- Phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước .

Những người đang trong thời gian thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) không được xét tuyển.

2. Tiêu chuẩn về trình độ văn hoá và chuyên môn.

2.1. Văn hoá: Tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc văn hoá hoặc đã học các môn văn hoá theo quy định trong chương trình đào tạo Trung học y tế từ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

2.2. Chuyên môn:

- Tốt nghiệp điều dưỡng trung học, Hộ sinh trung học hoặc Kỹ thuật viên trung học.

- Nếu tốt nghiệp Y sỹ trung học phải có chứng chỉ đào tạo chuyển đổi thành Điều dưỡng trung học theo chương trình của Bộ Y tế.

3. Tiêu chuẩn thâm niên chuyên môn:

Có hai đối tượng:

3.1. Thâm niên chuyên môn là 1 năm (đủ 12 tháng) áp dụng cho các đối tượng:

- Giáo viên thuộc biên chế các trường đại học, cao đẳng và trung học y tế.

- Người có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp loại giỏi (đúng chuyên ngành xin đi học).

- Y sỹ đã có bằng chuyển đổi thành Điều dưỡng.

3.2. Thâm niên chuyên môn là 3 năm (đủ 36 tháng): áp dụng cho các đối tượng không thuộc quy định tại mục 3.1.

Thâm niên chuyên môn tính từ ngày có quyết định vào biên chế Nhà nước, sau khi tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y tế đến ngày 30/10/2001.

Trường hợp Y sỹ trung học chuyển đổi thành Điều dưỡng: Thâm niên chuyên môn tính từ ngày có bằng chuyển đổi đến 30/10/2001.

4. Tiêu chuẩn sức khoẻ và tuổi

4.1. Sức khoẻ:

Có đủ sức khoẻ để học tập và lao động theo quy định tại Thông tư liên bộ Y tế - Đại học, THCN và DN số 10/TT-LB ngày 18/8/1989 và Công văn hướng dẫn số 2445/TS, ngày 20/8/1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.2. Tuổi:

Không quá 50 tuổi đối với nam và không quá 45 tuổi đối với nữ, tính đến ngày 30/10/2001.

5. Học phí:

5.1. Học viên trúng tuyển thuộc diện Nhà nước cấp ngân sách thì không phải đóng kinh phí đào tạo nhưng phải đóng học phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5.2. Học viên trúng tuyển thuộc diện không được Nhà nước cấp ngân sách phải đóng học phí và một phần kinh phí đào tạo. Mức đóng góp tương đương với định mức kinh phí đào tạo do Nhà nước quy định cho đối tượng đào tạo Cử nhân, Cao đẳng hệ tại chức, trong đó học viên đóng học phí, phần còn lại do cơ quan cử cán bộ đi học đóng góp.

Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được trở về cơ quan cử đi học để phân công công tác.

Những học viên phải ngừng học tập trước khi tốt nghiệp cũng sẽ được trở về cơ quan cử đi học.

IV. CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN

Điểm xét tuyển vào trường được xét ưu tiên theo khu vực và trong mỗi khu vực có các đối tượng ưu tiên về chính sách:

1. Ưu tiên về khu vực

Áp dụng theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Ưu tiên về chính sách

2.1. Nhóm ưu tiên 1:

- Anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, chiến sĩ thu đua toàn quốc.

- Người dân tộc thiểu số đang công tác tại miền núi, vùng cao, vùng sâu.

- Thương binh có xếp hạng.

- Cán bộ hiện đang công tác ở vùng cao, vùng sâu liên tục từ 24 tháng trở lên tính đến ngày 30/10/2001.

- Giáo viên thuộc biên chế các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp y tế.

2.2. Nhóm ưu tiên 2:

- Cán bộ hiện đang công tác ở vùng cao, vùng sâu liên tục từ 12 tháng đến dưới 24 tháng.

- Điều dưỡng (y tá) trưởng, Hộ sinh trưởng, Kỹ thuật viên trưởng của khoa của bệnh viện.

- Cán bộ được hưởng huân chương, huy chương kháng chiến; huân, huy chương chiến thắng; huân chương lao động.

- Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2 năm liền (sát năm đi học)

- Cán bộ được cấp bằng sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

- Cán bộ có thâm niên công tác trong chuyên ngành 10 năm trở lên.

- Con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên.

- Người dân tộc thiểu số.

V. HỒ SƠ XIN DỰ TUYỂN:

1. Một phiếu đăng ký dự thi do cơ quan sử dụng cán bộ, công chức phê duyệt. Thí sinh đang công tác trong đơn vị do Sở Y tế quản lý phải có ý kiến phê duyệt của Sở Y tế. Thí sinh đang công tác trong các Bộ - Ngành, có quan Trung ương phải có ý kiến phê duyệt của cơ quan quản lý cán bộ, công chức.

2. Bản sao có công chứng:

- Bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp.

- Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc.

- Bảng điểm các môn học trung học chuyên nghiệp.

Khi đến học phải xuất trình bản chính.

3. Bản sao giấy khai sinh có công chứng.

4. Giấy xác nhận đủ sức khỏe để học tập do bệnh viện tuyến huyện trở lên cấp.

5. Giấy chứng nhận tốt nghiệp đối tượng ưu tiên tuyển sinh và khu vực ưu tiên tuyển sinh do cơ quan cử cán bộ đi học (như quy định tại phần IV) xác nhận.

6. Quyết định cử đi học: Do cơ quan quản lý cán bộ cấp, thí sinh nộp khi trúng tuyển vào học.

7. Bản sao có công chứng Quyết định tuyển dụng vào biên chế hay hợp đồng.

8. Bốn ảnh cỡ 4 x 6 (một ảnh dán vào phiếu đăng ký dự thi, đóng dấu giáp lai).

Các giấy tờ khác theo quy định của trường.

Thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi về Ban tuyển sinh của các trường đúng thời hạn quy định.

VI. TỔ CHỨC THI VÀ XÉT TRÚNG TUYỂN

1. Các môn thi: Thí sinh phải thi 3 môn: Toán, Hóa, Chuyên môn

1.1. Môn Toán và môn Hóa:

Theo chương trình trung học phổ thông.

1.2. Môn chuyên môn:

Theo chương trình Trung học chuyên nghiệp Y tế của Bộ Y tế phù hợp với ngành xin học.

Những thí sinh đã tốt nghiệp một trường đại học hoặc cao đẳng thuộc khối ngành khoa học tự nhiên hoặc kỹ thuật được miễn thi môn Toán, môn Hóa, chỉ phải thi môn chuyên môn.

2. Tổ chức thi

Lịch thi do các trường quy định và báo cáo Bộ Y tế (Vụ Khoa học - Đào tạo), đồng thời thông báo công khai bằng phương tiện thông tin đại chúng cho thí sinh thuộc vùng tuyển của trường.

Các trường có thể tổ chức ôn thi cho thí sinh. Thời gian ôn thi và học phí ôn thi do các trường quy định theo các quy định hiện hành.

3. Xét trúng tuyển

3.1. Thí sinh trúng tuyển phải có đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh và tổng điểm các môn thi đạt mức điểm xét tuyển của trường, trong đó:

- Chuyên môn: không dưới điểm 5

- Môn Toán và môn Hóa: không có điểm 0.

3.2. Các trường đại học, cao đẳng xác định điểm trúng tuyển theo phương thức ưu tiên thí sinh ở các khu vực miền núi, vùng sâu.

3.3. Kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của các thí sinh đã trúng tuyển và trong những trường hợp cần thiết có thể làm việc với các cơ sở cử người đi học để xác định tính hợp pháp của các văn bản trong hồ sơ.

Mọi trường hợp man khai hồ sơ đều phải xử lý theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Người ký quyết định cử cán bộ đi học phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ người học.

3.4. Lập danh sách trúng tuyển và báo cáo Bộ Y tế

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Nhận được Thông tư này, các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xét cử cán bộ dự thi và đi học theo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn quy định trong Thông tư.

Các trường thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng các quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng xã hội.

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

PHỤ LỤC

CHỈ TIÊU VÀ VÙNG TUYỂN BẬC HỌC CỬ NHÂN, CAO ĐẲNG

Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y học

(Kèm theo Thông tư số 07/2001/TT-BYT, ngày 26/4/2001 của Bộ Y tế)

TT

Tên trường

Đối tượng đào tạo

Chỉ tiêu

Vùng tuyển

T.số

Có NSNN

1

Đại học Y-Dược t/p Hồ Chí Minh

- Cử nhân điều dưỡng

- Cử nhân Xét nghiệm

- Cử nhân Vật lý trị liệu

50

20

20

50

20

20

- Các tỉnh trong cả nước

- Các tỉnh trong cả nước

- Các tỉnh trong cả nước

2

Đại học Y Huế

- Cử nhân Điều dưỡng

- Cử nhân xét nghiệm

45

35

25

25

- Các tỉnh trong cả nước

- Các tỉnh trong cả nước

3

Cao Đẳng Y tế Nam Định

- Cao đẳng Điều dưỡng

- Cao đẳng Hộ sinh

100

50

100

50

- Các tỉnh trong cả nước

- Các tỉnh trong cả nước

Tổng số

320

290