Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 07/2010/TT-BNV

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2010

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 21/2010/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC

Căn cứ Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều quy định tại Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức, bao gồm: lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm; báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; chế độ thống kê và báo cáo về tình hình thực hiện quản lý biên chế công chức; biểu mẫu kế hoạch biên chế công chức hàng năm; biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có như sau:

Điều 1. Lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương và địa phương quy định tại Điều 2 và Điều 6 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công có trách nhiệm lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm như sau:

1. Về trình tự

Kế hoạch biên chế công chức hàng năm được lập theo trình tự từ cấp dưới lên cấp trên theo từng cấp quản lý biên chế công chức, cụ thể:

Bước 1: Cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản có trách nhiệm lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định;

Bước 2: Tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý về tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm thẩm định kế hoạch biên chế công chức hàng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý; lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định;

Bước 3: Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 2 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 và Sở Nội vụ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Thẩm định kế hoạch biên chế công chức hàng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ, lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký và gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức về Bộ Nội vụ theo quy định.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 2 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ, lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký và gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức về cơ quan có thẩm quyền để quyết định và gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp chung theo quy định.

2. Biểu mẫu lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư này.

3. Tài liệu gửi kèm theo kế hoạch biên chế công chức hàng năm, gồm:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập tổ chức hoặc quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất tổ chức (đối với các tổ chức mới được thành lập hoặc nâng cấp hoặc chuyển đổi loại hình tổ chức);

b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện;

c) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc quy định hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Xác định vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Điều kiện, nội dung và quy trình thẩm định kế hoạch biên chế công chức hàng năm

a) Về điều kiện

Hồ sơ kế hoạch biên chế công chức hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập đầy đủ và gửi đúng thời hạn theo quy định.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

b) Về nội dung

Việc thẩm định kế hoạch biên chế công chức hàng năm thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 4 và Điều 8 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức và hướng dẫn tại Thông tư này.

c) Về quy trình

Bước 1: Thẩm định về hồ sơ kế hoạch biên chế công chức hàng năm theo quy định;

Bước 2: Thẩm định về nội dung kế hoạch biên chế công chức hàng năm theo quy định;

Bước 3: Tổng hợp, trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, quyết định.

Điều 2. Báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề

Việc lập báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; kèm theo biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức thực hiện như sau:

1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản có trách nhiệm báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; kèm biểu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp theo quy định.

2. Tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý về tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm tổng hợp, lập báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; kèm biểu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định.

3. Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ của trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; kèm biểu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký văn bản gửi Bộ Nội vụ theo quy định.

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 2 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; kèm biểu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định biên chế công chức và gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp chung theo quy định.

3. Biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 3. Chế độ thống kê và báo cáo về tình hình thực hiện quản lý biên chế công chức

Việc thực hiện chế độ thống kê và báo cáo về tình hình thực hiện quản lý biên chế công chức quy định tại khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 17 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức thực hiện như sau:

1. Về chế độ thống kê và báo cáo định kỳ

a) Báo cáo kế hoạch biên chế công chức hàng năm; kèm theo biểu mẫu kế hoạch biên chế công chức hàng năm thực hiện theo Điều 4 Thông tư này;

b) Báo cáo kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; kèm theo biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có thực hiện theo Điều 5 Thông tư này.

Chậm nhất là ngày 20 tháng 7 năm trước liền kề, các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ gửi báo cáo kế hoạch biên chế công chức hàng năm và kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề kèm theo biểu mẫu kế hoạch biên chế công chức hàng năm và biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có về Bộ Nội vụ; các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 2 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định biên chế công chức và gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp chung về biên chế công chức theo quy định.

Sau ngày 20 tháng 7 năm trước liền kề, nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không gửi báo cáo kế hoạch biên chế công chức hàng năm và kết quả sử dụng biên chế công chức được giao của năm trước liền kề; kèm theo biểu mẫu kế hoạch biên chế công chức hàng năm và biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này thì giữ ổn định số biên chế công chức đã được giao. Riêng năm 2010 thì chậm nhất là ngày 30 tháng 9 năm 2010.

2. Về báo cáo đột xuất

Ngoài chế độ thống kê và báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện quản lý biên chế công chức quy định tại khoản 1 Điều 3 này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện quản lý biên chế công chức theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về quản lý biên chế công chức. Nội dung và thời hạn báo cáo cụ thể do cơ quan có thẩm quyền về quản lý biên chế công chức quy định.

Điều 4. Biểu mẫu kế hoạch biên chế công chức hàng năm

Có hai loại biểu mẫu kế hoạch biên chế công chức hàng năm theo từng loại hình tổ chức:

1. Biểu số 1A và Biểu số 1B: về kế hoạch biên chế công chức hàng năm trong các cơ quan, tổ chức hành chính. Trong đó cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương thực hiện theo Biểu số 1A và địa phương thực hiện theo Biểu số 1B.

2. Biểu số 2A và Biểu số 2B: về kế hoạch biên chế công chức hàng năm trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương thực hiện theo Biểu số 2A và ở địa phương thực hiện theo Biểu số 2B.

Điều 5. Biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có

Có hai loại biểu mẫu thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có theo từng loại hình tổ chức:

1. Biểu số 3A và Biểu số 3B: thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có trong cơ quan, tổ chức hành chính. Trong đó cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương thực hiện theo Biểu số 3A và ở địa phương thực hiện theo Biểu số 3B.

2. Biểu số 4A và Biểu số 4B: thống kê, tổng hợp số liệu biên chế công chức hiện có trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương thực hiện theo Biểu số 4A và ở địa phương thực hiện theo Biểu số 4B.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2010.

Bãi bỏ những quy định về biên chế công chức hướng dẫn tại Thông tư số 89/2003/TT-BNV ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu các tổ chức hành chính khác ở Trung ương do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để hướng dẫn, giải quyết./.