Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ - TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-LB/YT/BĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 1962

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ KIỂM DỊCH CÁC LOẠI QUẦN ÁO, CHĂN MÀN, GIÀY DÉP, ĐỒ DÙNG XUẤT NHẬP KHẨU BẰNG ĐƯỜNG BƯU ĐIỆN

Kính gửi:

- Các Sở, Ty Y tế,
- Các Sở, Ty Bưu điện

Thi hành nghị định số 248-TTg ngày 19-05-1958 của Phủ Thủ tướng về kiểm dịch, Bộ Y tế và Tổng cục Bưu điện, căn cứ vào tình hình và khả năng hiện tại, quy định việc kiểm dịch những đồ dùng cũ xuất nhập khẩu qua đường Bưu điện như sau:

A - NGUYÊN TẮC CHUNG

Để ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiệm và bệnh dịch có tác hại nhiều đến sức khỏe và tính mệnh của nhân dân từ nước ngoài xâm nhập nước ta hoặc từ nước ta lan ra nước ngoài, đồng thời để đảm bảo hàng hóa của nhân dân được chuyển phát không bị khó khăn trở ngại dọc đường, tất cả những quần áo, chăn màn, bít tất, găng tay, mũ, khăn giày dép, v.v... đã dùng, xuất nhập khẩu bằng đường Bưu điện phải được cơ quan Y tế kiểm dịch. Công tác kiểm dịch do sở Y tế Hà-nội, các Ty Y tế Lạng sơn, Lào cai, Hải ninh phụ trách.

Sau khi kiểm dịch xong, Y tế phải đóng dấu "đã kiểm dịch" hoặc "đã kiểm dịch và sát trùng" trên mọi bưu phẩm hoặc bưu kiện đã được khám nghiệm.

B – HÀNG XUẤT KHẨU

Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm dịch tất cả những quần áo, giày dép, chăn màn cũ, v.v... xuất khẩu ký gửi tại Bưu cục ngoại dịch Hà Nội hoặc qua Hà Nội để chuyển tiếp đi. Nếu quần áo, giày dép, chăn màn cũ v.v... ký gửi tại Lạng Sơn, Hải Ninh, Lào Cai đi Trung Quốc thì sẽ do Ty Y tế Lạng Sơn, Hải Ninh, Lào Cai kiểm dịch (nhưng chỉ phải kiểm dịch những hàng xuất phát từ vùng có một trong sáu bệnh dịch: tả, đậu mùa, sốt vàng, dịch hạch, sốt phát ban và sốt hồi quy do chấy rận).

C – HÀNG NHẬP KHẨU

Đối với các đồ dùng cũ nói trên từ nước ngoài gửi về, việc kiểm dịch tại Hà Nội cũng như tại Lạng Sơn, Hải Ninh, Lào Cai không làm toàn bộ mà chỉ kiểm dịch những hàng xuất phát từ vùng có một trong sáu bệnh dịch nói trên.

Những hàng nhập khẩu xuất phát từ vùng có 1 trong sáu bệnh dịch, nếu không có dấu kiểm dịch của nước gửi thì phải trả lại nước gửi. Trường hợp có hàng đặc biệt không thể trả lại, thì phải tiến hành kiểm nghiệm và sát trùng trước khi phát cho người nhận.

Đối với Lạng Sơn, Hải Ninh, Lào Cai, gặp trường hợp trên, thì phải gửi hàng về Hà Nội để làm thủ tục kiểm dịch và sát trùng (trên bưu phẩm và phiếu BK21 kèm theo bưu kiện phải ghi rõ chú dẫn để sát trùng).

D - PHỐI HỢP GIỮA Y TẾ VÀ BƯU ĐIỆN

Công tác kiểm dịch nói chung, tiến hành tại các bưu cục ngoại dịch. Khi mở kiện hàng để kiểm dịch hoặc khi niêm kiện hàng lại đều phải có mặt nhân viên của hai ngành. Khi các Sở và Ty Y tế xét thấy cần phải mang hàng về cơ quan mình để có đủ phương tiện hấp và sát trùng thì trong vòng 48 tiếng đồng hồ sẽ phải trả lại Bưu điện.

Mỗi lần giao, nhận hàng giữa đôi bên phải ghi rõ ràng vào sổ sách: số lượng, trọng lượng các loại hàng đựng trong mỗi một bưu phẩm, bưu kiện để ký nhận.

Nếu số lượng, trọng lượng các loại hàng do Y tế giao trả lại Bưu điện không khớp với lúc nhận thì Y tế sẽ chịu trách nhiệm.

Các Bưu Cục ngoại dịch không được chuyển hoặc phát những bưu phẩm, bưu kiện thuộc phạm vi phải kiểm dịch mà không có dấu kiểm dịch của Sở hoặc Ty Y tế.

Sau khi nhận được thông tư này, Sở Y tế Hà Nội và Sở Bưu điện Hà Nội cũng như các Ty Y tế và Bưu điện Lạng Sơn, Hải Ninh, Lào Cai sẽ gặp nhau để quy định cụ thể cách mức làm việc. Tùy hoàn cảnh địa phương, các Sở, Ty Y tế Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Ninh, Lào Cai sau khi thảo luận với Bưu điện, cử người đến làm việc vào những ngày nhất định tại Bưu cục ngoại dịch để giải quyết kịp thời việc chuyển phát bưu kiện, bưu phẩm. Khi nhân viên y tế không làm việc tại Bưu điện, người gửi quần áo, giày dép cũ, v.v... có thể trực tiếp đến cơ quan y tế xin kiểm dịch.

Để phục vụ được kịp thời và thuận tiện cho nhân dân, hai cơ quan Y tế và Bưu điện cần có sự hợp tác chặt chẽ trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm.

Bưu điện có nhiệm vụ sắp xếp chỗ làm việc và tạo mọi điều kiện cần thiết để cán bộ y tế làm việc được thuận tiện.

Bộ Y tế sẽ báo cho Tổng cục Bưu điện biết những vùng đang có 6 bệnh dịch nói trên. Về chi phí kiểm dịch Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và báo cho Bưu điện biết sau. Trong lúc chờ đợi, công tác kiểm dịch vẫn phải tiến hành một cách đầy đủ.

Thông tư này thi hành kể từ ngày 01 tháng 05 năm 1962.

K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN VÀ TRUYỀN THANH
TỔNG CỤC PHÓ


Ngô Huy Văn

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




B.S. Phạm Ngọc Thạch