Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TC/HD

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 1978

THÔNG TƯ

VỀ CÔNG TÁC KẾ TOÁN VÀ TÀI VỤ TRONG CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG TƯ HỢP DOANH(1)

Thông tư này của Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề quản lý tài chính và kế toán đối với các xí nghiệp công tư hợp doanh thuộc các ngành và các cấp như sau.

I. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÔNG TÁC KẾ TOÁN VÀ TÀI VỤ TRONG CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG TƯ HỢP DOANH

Các xí nghiệp công tư hợp doanh là những đơn vị kinh tế cơ sở được thành lập trong quá trình cải tạo kinh tế tư bản tư nhân, theo chính sách hợp doanh của Đảng và Nhà nước.

Đây là hình thức để động viên, thu hút về tài sản, kỹ thuật, tiền vốn của tư sản đi vào hợp doanh với Nhà nước nhằm đẩy mạnh sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả phục vụ, xoá bỏ phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa thực hiện phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Công tác quản lý tài chính và kế toán đối với các xí nghiệp công tư hợp doanh phải nhằm bảo đảm tốt những yêu cầu chủ yếu như sau:
1. Góp phần huy động được phần lớn tư liệu sản xuất, nguồn vốn và khả năng về kỹ thuật của các nhà tư sản vào sản xuất kinh doanh; xác định đúng vốn hợp doanh, ngăn ngừa mọi sự mất mát hư hỏng, chống mọi biểu hiện tiêu cực gian lận trong việc khai báo tài sản, kỹ thuật, tiền vốn.

Khi xét sự cần thiết phải hợp doanh với một cơ sở sản xuất kinh doanh của một nhà tư sản, phải xét cụ thể giá trị và tác dụng của tài sản và tiền vốn đưa vào hợp doanh đối với sản xuất và kinh doanh. Nếu thấy không có tác dụng gì hoặc tác dụng quá ít thì phải coi lại chủ trương hợp doanh.

2. Khi đã hợp doanh rồi, phải quản lý chặt chẽ và phát huy mọi khả năng về tài sản, tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất kinh doanh, đưa việc quản lý đi vào nền nếp, thực hiện hạch toán, năng suất và hiệu quả phải hơn hẳn khi chưa hợp doanh.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC CỤ THỂ

Khi xét và tiến hành hợp doanh:

1. Nghiên cứu bản kê khai về tài sản, tiền vốn, kỹ thuật, năng lực sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ của cơ sở hợp doanh, nghiên cứu sổ sách chứng từ và kiểm tra thực tế tình hình tài sản, tiền vốn và khả năng kỹ thuật của từng cơ sở; đánh giá khả năng sản xuất kinh doanh phục vụ, tác dụng và lợi ích của từng cơ sở… làm căn cứ cho việc xét có nên chấp nhận hợp doanh hay không?

2. Khi đã xét là có thể chấp nhận hợp doanh, phải tiến hành việc kiểm kê tài sản theo hiện vật bằng phương pháp cân, đo, đong, đếm; kiểm tra hiện trạng, chất lượng và giá trị sử dụng còn lại của từng cơ sở, từng dây chuyền sản xuất, của từng loại tài sản.

Việc kiểm tra hiện trạng, chất lượng của hiện vật (máy móc, nhà cửa, dụng cụ, nguyên vật liệu, phụ tùng…) phải tiến hành thật chu đáo và kỹ lưỡng, phải có cán bộ kỹ thuật để kiểm tra xác minh, sau đó phải đối chiếu giữa vốn trên sổ sách chứng từ với hiện trạng và chất lượng hiện vật.

3. Tính giá tài sản cố định và tài sản lưu động được chấp nhận hợp doanh:

- Đối với máy móc thiết bị, nhà cửa và tài sản cố định khác là phải căn cứ vào giá ghi trên chứng từ gốc và sổ sách (có đối chiếu với chứng từ gốc), trừ số đã khấu hao, và căn cứ vào thực tế giá trị sử dụng còn lại (theo kiểm tra xác định đã nói trên) để tính giá trị còn lại.

- Đất đai là tài sản quốc gia nên không định giá.

- Đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng, hàng hóa, thì căn cứ giá gốc ghi trên chứng từ gốc và sổ sách (có đối chiếu với chứng từ gốc để tính). Loại nào mất hoặc kém phẩm chất thì lấy giá gốc đó để tính giảm giá theo phẩm chất còn lại.

- Đối với thành phẩm, bán thành phẩm, sản phẩm đang chế tạo dở dang, thì tính theo chi phí thực đã bỏ ra.

Trong những trường hợp cụ thể mà theo các chỉ thị đã có nếu có sự chiếu cố thì cách chiếu cố về giá phải do cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Xử lý nợ nần chưa giải quyết đến ngày kiểm kê:

Phải kiểm tra lại tất cả các khoản nợ nần chưa được giải quyết và đối chiếu giấy tờ hợp lệ chứng minh kèm theo.

- Đối với các khoản phải thu, phải tiếp tục mở sổ sách để theo dõi, chỉ khi nào thực sự đã thu được về tài khoản của xí nghiệp thì mới ghi vào vốn hợp doanh.

- Đối với các khoản nợ phải trả bao gồm nợ thuế Nhà nước, nợ vay Ngân hàng Nhà nước, nợ vay các tổ chức ngân hàng cũ (trước ngày giải phóng), nợ vay của tư nhân có chủ hoặc vắng chủ… đều phải trừ vào vốn hợp doanh và báo cáo với cấp có thẩm quyền để xét giải quyết theo chính sách của Nhà nước đối với các khoản nợ.

5. Xác định số vốn hợp doanh:

Sau khi đã tính giá trị hiện vật (theo điều 3) và xử lý nợ nần (theo điều 4) nói trên, cộng với tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, trị giá tài sản khác có tính chất vốn (nếu có) được cấp có thẩm quyền hợp doanh xét duyệt, sẽ được xác định là số vốn ban đầu đưa vào hợp doanh.

Trên cơ sở đã xác định toàn bộ số vốn ban đầu của xí nghiệp đưa vào hợp doanh đó, mà xác định mức vốn cho từng chủ hợp doanh.

Phần vốn của những chủ vắng mặt, coi là vốn Nhà nước – Nhà nước sẽ xử lý và thanh toán với họ theo chính sách đối với tài sản vắng chủ.

Sau khi đã hợp doanh:

Nội dung công việc của bước này là phải tổ chức quản lý và sử dụng mọi khả năng sản xuất, kinh doanh, phục vụ của xí nghiệp hợp doanh, đưa ngay xí nghiệp vào nguyên tắc và chế độ quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Những công việc của bước này gồm có:

1. Phải phát huy mọi khả năng về tài sản, tiền vốn, khả năng lao động kỹ thuật và những kinh nghiệm về tổ chức quản lý của từng cơ sở, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng kinh doanh theo phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, phấn đấu đạt năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn khi chưa hợp doanh, nhất thiết không để cho sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, năng suất lao động giảm xuống, biên chế gián tiếp và chi phí sản xuất tăng lên.

2. Tính lại giá tài sản theo giá thống nhất trong cả nước:

Việc tính lại giá tài sản cố định của các cơ sở hợp doanh làm một việc rất phức tạp và khó khăn, vì vậy không thể đòi hỏi phải thật chính xác. Để có căn cứ cho việc quản lý và sử dụng tài sản, khi tạm tính lại giá tài sản cố định hợp doanh cần kết hợp các cách định giá sau đây để đối chiếu:

- Lấy giá máy móc thiết bị tương ứng ở miền Bắc để so sánh tính toán;

- Chuyển đổi từ nguyên giá ngoại tệ của tài sản ra tiền ngân hàng theo tỷ giá đang dùng;

- Lấy giá mua hiện hành máy móc thiết bị tương ứng do các công ty nhập khẩu giao.

Giá được tính lại là giá ban đầu của tài sản.

Tính giá còn lại và số đã khấu hao cơ bản của tài sản cố định phải căn cứ hồ sơ thiết kế của nơi sản xuất ra nó, đối chiếu với thời gian đã sử dụng để tìm ra thời gian sử dụng còn lại kết hợp với đánh giá thực trạng của máy móc thiết bị sau khi đã kiểm tra xác định như đã nói trên, mà tính tỷ lệ còn lại và thời gian sử dụng còn lại.

Tính lại giá tài sản lưu động thì phải căn cứ giá chỉ đạo hiện hành của Nhà nước và phẩm chất của tài sản mà tính rồi cộng với chi phí vận chuyển, bảo quản cần thiết để xác định giá.

3. Phải lập kế hoạch sản xuất – kỹ thuật – tài chính (kể từ ngày vào hợp doanh) để báo cáo cấp trên xét duyệt:

Trên cơ sở nắm và đánh giá tình hình tài sản, tiền vốn, khả năng sản xuất kinh doanh và phục vụ phân tích mặt mạnh và mặt yếu của từng xí nghiệp và căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, cần phải nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất mở rộng kinh doanh của từng xí nghiệp báo cáo lên cấp trên xét duyệt. Việc nghiên cứu và xây dựng kế hoạch năm và dài hạn của xí nghiệp phải bảo đảm những yêu cầu chủ yếu như:

- Bảo đảm sản xuất và kinh doanh của xí nghiệp được liên tục và ngày càng có hiệu quả hơn năng suất lao động không ngừng tăng lên, điều kiện lao động được cải thiện.

- Tính toán kế hoạch bổ sung, mở rộng xí nghiệp, tổ chức lại sản xuất hợp lý hơn. Tính toán các phương án bổ sung, điều chỉnh trang bị kỹ thuật… và hiệu quả kinh tế của mỗi phương án.

4. Thực hiện việc quản lý sản xuất kinh doanh theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa thực hiện hạch toán.

- Quản lý sử dụng tài sản cố định phải chú trọng biện pháp nâng cao công suất hữu ích và tăng được tuổi thọ của tài sản.

Đối với tài sản cố định thừa phải liệt kê chi tiết về số lượng, quy cách đặc điểm, chất lượng và hiện trạng, tính năng và tác dụng, báo cáo cấp trên giải quyết.

- Quản lý sử dụng lao động phải chú trọng đến biện pháp tăng nhanh được năng suất lao động, nâng cao ngày công và giờ công có ích, nâng cao trình độ tay nghề, phát huy được nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hoá sản xuất, định mức được lao động, phấn đấu thực hiện trả lương theo sản phẩm.

- Quản lý sử dụng nguyên vật liệu, phụ tùng và tài sản lưu động khác phải chú trọng đến biện pháp tiết kiệm, thực hiện định mức tiêu hao ở các khâu, chống mất mát và hao hụt, không để lọt ra thị trường tự do, không giao dịch mua bán với tư nhân.

- Quản lý thành phẩm phải chú trọng đến biện pháp nâng cao được chất lượng thành phẩm, giảm sản phẩm dở dang đến mức thấp nhất, chống mất cắp mất trộm, thực hiện việc giao nộp toàn bộ sản phẩm cho cơ quan thu mua của Nhà nước, không được bán ra ngoài (kể cả việc bán cho cán bộ, công nhân viên xí nghiệp mà không thông qua cơ quan nội thương).

5. Chấp hành các chính sách và chế độ quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước. Chế độ kế toán theo tài sản thống nhất, chế độ kế toán trưởng, chế độ thu nộp và quan hệ cấp phát với ngân sách Nhà nước, chế độ hợp đồng kinh tế, chế độ tín dụng, chế độ thanh toán và quản lý tiền mặt, các chính sách giá cả.

6. Tuỳ theo quyết định của cấp thẩm quyền hợp doanh cho phép xí nghiệp áp dụng hình thức chia lãi hoặc định lãi (từ 5% đến 8% trên vốn hợp doanh tuỳ từng ngành, từng cơ sở), để trích trả hàng tháng số lãi vào tài khoản Ngân hàng Nhà nước cho chủ hợp doanh (và chủ hợp doanh chỉ được phép rút ra chỉ tiêu theo chế độ quản lý tiền mặt của cơ quan Ngân hàng Nhà nước).

III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN CÔNG TÁC

Thực hiện những công tác trên đây là nhằm thay đổi hẳn chế độ quản lý tư nhân sang chế độ quản lý Nhà nước đối với xí nghiệp – đưa xí nghiệp đi vào hạch toán kinh tế - ngăn chặn ngay từ đầu ảnh hưởng của chế độ quản lý theo chủ nghĩa tư bản hoặc theo lối bao cấp.

1. Đối với ngành chủ quản và địa phương:

Khi xét và quyết định việc hợp doanh, phải có kế hoạch và biện pháp tổ chức quản lý, bố trí đủ cán bộ quản lý và chuyên môn, bảo đảm quản lý xí nghiệp đi vào nền nếp ngay từ đầu. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ xí nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những sơ hở thiếu sót trong sản xuất kinh doanh và quản lý.

Các ngành chủ quản phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền để tổ chức tốt việc quản lý theo chuyên môn kết hợp với quản lý toàn diện của chính quyền địa phương trên lãnh thổ.

2. Giám đốc xí nghiệp và bộ máy giúp việc phải chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc và chế độ quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể của từng bộ phận, của cán bộ, công nhân, nhân viên, tập trung sức đưa hoạt động và quản lý của xí nghiệp vào nền nếp kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Phải triển khai ngay những công tác ghi chép ban đầu và thực hiện hạch toán.

3. Cơ quan quản lý tài chính Nhà nước phải làm đầy đủ nhiệm vụ là cơ quan theo dõi tổng hợp tình hình, chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện các nguyên tắc và chế độ quản lý tài chính, quản lý kế toán của Nhà nước, thúc đẩy việc đưa quản lý tài sản, tiền vốn và hoạt động của các xí nghiệp vào nền nếp.

Phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chủ quản có kế hoạch giúp đỡ các cơ sở hợp doanh trong việc bồi dưỡng và đào tạo cán bộ tài vụ kế toán, chỉ đạo và kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc và chế độ quản lý của Nhà nước.

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Hoàng Anh




(1) Thi hành ở các tỉnh miền Nam.