Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2006/TT-BCN

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC DÁN NHÃN TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Quyết định số 80/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010;

Bộ Công nghiệp hướng dẫn trình tự, thủ tục dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn trình tự thủ tục đăng ký, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng.

2. Đối tượng áp dụng

Các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm tiêu thụ năng lượng trong Danh mục các sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn để dán nhãn có quyền đề nghị Bộ Công nghiệp đánh giá và cấp giấy chứng nhận tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm nếu đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Công nghiệp quy định.

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sử dụng năng lượng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Giải thích từ ngữ

a) Danh mục các sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn để dán nhãn là danh mục các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn đánh giá được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này và được bổ sung hàng năm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

b) Nhãn tiết kiệm năng lượng là nhãn được dán lên sản phẩm tiêu thụ năng lượng có hiệu quả cao nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng lựa chọn khi mua hàng. Nhãn tiết kiệm năng lượng bao gồm hai hình thức:

- Nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng là nhãn được dán cho các sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường khi những sản phẩm này có mức sử dụng năng lượng đạt hoặc vượt tiêu chuẩn do Bộ Công nghiệp quy định theo từng thời kỳ. Mẫu nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng được quy định chi tiết tại phần A, Phụ lục 4 của Thông tư này.

- Nhãn so sánh sản phẩm tiết kiệm năng lượng là nhãn được dán cho các sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin để so sánh mức năng lượng tiêu thụ của sản phẩm được dán nhãn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trên nhãn ghi rõ thông tin về mức năng lượng tiêu thụ và các quy định cụ thể giúp người sử dụng lựa chọn được sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn so với sản phẩm cùng loại; quy cách nhãn so sánh tiết kiệm năng lượng được quy định chi tiết tại phần B, Phụ lục 4 của Thông tư này.

c) Dán nhãn tiết kiệm năng lượng là hình thức dán nhãn tự nguyện, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hoá và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

d) IECEE Schemes là phương thức chứng nhận của Uỷ ban quốc tế về thiết bị điện tử đối với hoạt động thử nghiệm thiết bị điện, điện tử.

đ) ILAC (International Laboratory Accreditation Cooperation) là Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận quốc tế.

e) APLAC (Asia Pacific Laboratory Accreditation Cooperation) là Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận Châu Á - Thái Bình Dương.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Đơn vị thử nghiệm

Các phòng thử nghiệm sau đây sẽ được xem xét, chỉ định thử nghiệm sản phẩm sử dụng năng lượng để làm cơ sở chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng:

1. Phòng thử nghiệm chuyên ngành đã được công nhận theo tiêu chuẩn của hệ thống VILAS hoặc các phòng thử nghiệm đã được công nhận bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC và APLAC);

2. Phòng thử nghiệm chưa được công nhận theo tiêu chuẩn của hệ thống VILAS nhưng có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng được Bộ Công nghiệp tổ chức kiểm tra, đánh giá và chỉ định thực hiện chức năng thử nghiệm sản phẩm sử dụng năng lượng để dán nhãn tiết kiệm năng lượng, cụ thể như sau:

a) Về năng lực chuyên môn:

- Có nhân viên thử nghiệm được đào tạo đúng chuyên ngành kỹ thuật năng lượng bậc cao đẳng trở lên và có ít nhất hai năm kinh nghiệm thử nghiệm;

- Có Lãnh đạo phòng thử nghiệm tốt nghiệp bậc đại học trở lên các ngành kỹ thuật năng lượng và có ít nhất ba năm kinh nghiệm thử nghiệm.

b) Về trang thiết bị và tiêu chuẩn thử nghiệm:

- Thiết bị thí nghiệm phải đảm bảo hoạt động tốt, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn đúng theo quy định và đủ độ chính xác để thực hiện các chỉ tiêu thử nghiệm;

- Đầy đủ các trang thiết bị và phương pháp thử nghiệm phù hợp với các tiêu chuẩn thử nghiệm tại Phụ lục 1 của Thông tư này và các tiêu chuẩn khác do Bộ Công nghiệp quy định bổ sung theo từng thời kỳ;

- Tài liệu về tiêu chuẩn và quy trình thử nghiệm phải thể hiện bằng tiếng Việt.

c) Xây dựng và duy trì hệ thống quản lý hồ sơ bao gồm:

- Hồ sơ đào tạo nhân viên thử nghiệm;

- Hồ sơ theo dõi việc kiểm định, hiệu chuẩn, bảo trì và bảo dưỡng thiết bị thử nghiệm;

- Hồ sơ lưu giữ kết quả thử nghiệm.

3. Bộ Công nghiệp thừa nhận kết quả thử nghiệm của các phòng thử nghiệm được chứng nhận theo hệ thống IECEE Schemes.

4. Nguyên tắc chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng

a) Thử nghiệm mẫu điển hình để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm hàng hoá đối với các yêu cầu về tiêu thụ năng lượng của sản phẩm.

b) Việc thử nghiệm mẫu điển hình phải tiến hành tại phòng thử nghiệm được chỉ định.

c) Giám sát hàng hoá sau chứng nhận mức tiết kiệm năng lượng tại cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hoặc trên thị trường.

B. Trình tự chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng

1. Chuẩn bị

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn để dán nhãn có nhu cầu được chứng nhận và dán nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc nhãn so sánh sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm cần thực hiện các bước sau đây:

a) Lấy mẫu: Doanh nghiệp lấy mẫu điển hình của hàng hoá theo tiêu chuẩn quy định và gửi tới phòng thử nghiệm được chỉ định để thử nghiệm;

b) Thử nghiệm: Phòng thử nghiệm được chỉ định có trách nhiệm thử nghiệm sản phẩm hàng hoá theo tiêu chuẩn tương ứng và cấp phiếu kết quả thử nghiệm đúng chủng loại sản phẩm đã thử nghiệm cho doanh nghiệp;

c) Lập hồ sơ kỹ thuật: Hồ sơ kỹ thuật do doanh nghiệp lập bao gồm các tài liệu sau:

- Hồ sơ thiết kế sản phẩm;

- Các thông số kỹ thuật của hàng hoá, đặc biệt là các thông số về chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng;

- Bản công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá và công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn của sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

- Nhãn hàng hoá;

- Các giấy chứng nhận, chứng chỉ khác về hệ thống quản lý chất lượng, chất lượng sản phẩm, đặc tính kỹ thuật (nếu có).

2. Đăng ký

Hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng gửi về Bộ Công nghiệp bao gồm:

a) Tờ đăng ký chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, trong đó nêu rõ doanh nghiệp đăng ký dán nhãn so sánh sản phẩm tiết kiệm năng lượng hay nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng (theo mẫu tại Phụ lục 2);

b) Hồ sơ kỹ thuật (nêu tại điểm c, khoản 1, mục này);

c) Phiếu kết quả thử nghiệm bản chính được cấp bởi đơn vị quy định tại phần A, Mục II hoặc bản sao hợp lệ với thời hạn không quá sáu tháng kể từ ngày cấp.

Thủ tục đăng ký, các biểu mẫu chi tiết cho việc dán nhãn sản phẩm tiêu thụ năng lượng được công bố trên trang thông tin điện tử (website: http://www.moi.gov.vn) của Bộ Công nghiệp.

3. Xem xét và đánh giá hồ sơ

Việc xem xét, đánh giá hồ sơ đăng ký được thực hiện theo các bước sau:

a) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, Bộ Công nghiệp xem xét sự phù hợp của các tài liệu trong hồ sơ với yêu cầu của việc chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, nếu hồ sơ phù hợp thì chuyển sang đánh giá kỹ thuật, trường hợp hồ sơ không phù hợp, Bộ Công nghiệp sẽ thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hoàn chỉnh;

b) Đánh giá kỹ thuật: Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ đăng ký chứng nhận dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng được chuyển sang đánh giá kỹ thuật, Bộ Công nghiệp sẽ tiến hành đánh giá sự phù hợp của phiếu kết quả thử nghiệm với hồ sơ kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá; xác định mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm đạt được so với các tiêu chuẩn đã công bố; chất lượng sản phẩm so với mức trung bình của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trường hợp kết quả đánh giá đạt, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Trường hợp kết quả đánh giá không đạt, Bộ Công nghiệp thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết, nêu rõ lý do không đạt để doanh nghiệp có biện pháp khắc phục trong thời hạn chín mươi ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo. Quá thời hạn trên, hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp hết hiệu lực và doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký lại từ đầu.

C. Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng

1. Các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng được phép dán nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc nhãn so sánh sản phẩm tiết kiệm năng lượng theo đúng chủng loại sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được Bộ Công nghiệp cấp chứng nhận.

2. Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng được cấp cho doanh nghiệp với thời hạn tối đa là ba năm.

3. Mẫu Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng theo quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.

D. Dán nhãn tiết kiệm năng lượng

1. Sau khi được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp thực hiện in nhãn tiết kiệm năng lượng tại cơ sở in do Bộ Công nghiệp chỉ định và dán nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc nhãn so sánh sản phẩm tiết kiệm năng lượng lên sản phẩm sử dụng năng lượng đã đăng ký theo mức tiết kiệm năng lượng xác định trong giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng được cấp.

2. Nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng phải in theo mẫu do Bộ Công nghiệp quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

3. Nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng được in, dán trên sản phẩm hoặc bao gói sản phẩm phải có kích thước phù hợp, không được gây nhầm lẫn, che lấp hoặc ảnh hưởng tới thông tin ghi trên nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật.

4. Hết thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp không được tiếp tục dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng lên sản phẩm của mình và phải đăng ký chứng nhận lại.

Đ. Chứng nhận lại

1. Doanh nghiệp phải đăng ký chứng nhận lại khi giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng hết hiệu lực; tiêu chuẩn đánh giá có thay đổi hoặc hàng hoá đánh giá đã được chứng nhận có những thay đổi về mức tiêu thụ năng lượng.

2. Sản phẩm hàng hoá chứng nhận lại nếu đạt các yêu cầu theo quy định tại Thông tư này sẽ được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng mới. Nội dung và thủ tục chứng nhận lại được thực hiện như chứng nhận lần đầu.

III. KIỂM TRA, GIÁM SÁT SAU CHỨNG NHẬN, ĐÌNH CHỈ VÀ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

1. Giám sát sau chứng nhận, báo cáo và kiểm tra

a) Định kỳ sáu tháng một lần các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận và dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng có trách nhiệm lập báo cáo về số lượng, chủng loại sản phẩm đã được xuất xưởng và dán nhãn tiết kiệm năng lượng gửi về Bộ Công nghiệp;

b) Định kỳ hoặc bất thường, Bộ Công nghiệp chủ động hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra mẫu điển hình sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp. Trừ trường hợp có khiếu nại hoặc có biểu hiện nghi vấn về các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng của sản phẩm, việc kiểm tra mẫu sản phẩm hàng hoá được tiến hành không quá một lần trong một năm. Kinh phí thử nghiệm mẫu điển hình chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng của sản phẩm do doanh nghiệp chi trả;

c) Bộ Công nghiệp tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm tiết kiệm năng lượng tại các phòng thử nghiệm được chỉ định;

d) Bộ Công nghiệp tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động in, cung cấp nhãn tiết kiệm năng lượng tại các đơn vị in ấn được chỉ định.

đ) Việc kiểm tra tại chỗ phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về thanh tra và kiểm tra.

2. Đình chỉ giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Bộ Công nghiệp ra quyết định đình chỉ giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng khi doanh nghiệp có một trong các hành vi sau:

a) Dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng giả hoặc tiến hành dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng khi chưa được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

b) In sai mẫu và sử dụng sai mục đích nhãn tiết kiệm năng lượng với mục đích khác có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng;

c) Thể hiện trên nhãn tiết kiệm năng lượng sai mức tiết kiệm năng lượng được Bộ Công nghiệp cấp trong giấy chứng nhận;

d) Sử dụng nhãn tiết kiệm năng lượng cho đối tượng sản phẩm khác không phải là sản phẩm đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận tiết kiệm năng lượng;

đ) Tiếp tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm của mình khi giấy chứng nhận đã hết hạn;

e) Có các thay đổi về thiết kế và chế tạo sản phẩm làm giảm chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng nhưng không đăng ký lại với Bộ Công nghiệp;

g) Không thực hiện việc báo cáo Bộ Công nghiệp về số lượng, chủng loại nhãn tiết kiệm năng lượng đã được dán cho các sản phẩm xuất xưởng;

h) In nhãn tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở in không do Bộ Công nghiệp chỉ định.

Doanh nghiệp bị đình chỉ giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng không được tiếp tục dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho đến khi thực hiện xong các biện pháp sửa chữa, khắc phục vi phạm.

Quyết định đình chỉ được đồng thời gửi đến doanh nghiệp vi phạm và Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

3. Thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Bộ Công nghiệp ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng khi doanh nghiệp có một trong các hành vi sau:

a) Vi phạm quy định tại khoản 2 mục này từ hai lần trở lên;

b) Gian dối trong việc gửi kết quả thử nghiệm và hồ sơ đăng ký sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng để đăng ký chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

c) Khi doanh nghiệp bị Bộ Công nghiệp ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc thu hồi hoặc có biện pháp phong tỏa các sản phẩm đã được dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng của mình đang lưu hành trên thị trường đồng thời ngừng ngay việc dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, gửi báo cáo về Bộ Công nghiệp và đề xuất giải pháp khắc phục.

Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng được đồng thời gửi đến doanh nghiệp vi phạm, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Tổ chức thực hiện

Giao Vụ Khoa học, Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Hàng năm xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp công bố bổ sung Danh mục sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn để dán nhãn; các tiêu chuẩn đánh giá; các phòng thử nghiệm được chỉ định đánh giá và các yêu cầu tối thiểu khác đối với sản phẩm như: chất lượng, mỹ quan, công dụng;

b) Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về đánh giá, quy trình đánh giá sản phẩm sử dụng năng lượng phù hợp tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng; hàng năm, xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định xem xét, bổ sung Danh mục sản phẩm được lựa chọn để dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật có liên quan;

c) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến việc đăng ký, đánh giá, chứng nhận, cấp chứng nhận và dán nhãn tiết kiệm năng lượng;

đ) Kiểm tra, giám sát hoạt động các phòng thí nghiệm được chỉ định kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

e) Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại các cơ sở in nhãn tiết kiệm năng lượng được chỉ định

g) Công bố chi tiết thông tin về thủ tục đăng ký, các biểu mẫu chi tiết cho việc dán nhãn sản phẩm tiêu thụ năng lượng trên trang thông tin điện tử (website: http://www.moi.gov.vn) của Bộ Công nghiệp.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp

a) Doanh nghiệp phải thường xuyên thực hiện và duy trì các biện pháp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn sử dụng năng lượng tiết kiệm như đã đăng ký và được xác nhận trong giấy chứng nhận;

b) Khi có các thay đổi về thiết kế làm ảnh hưởng tới mức tiêu thụ năng lượng, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Bộ Công nghiệp các chỉ tiêu công nghệ thay đổi, các tác động tăng hoặc giảm các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng của sản phẩm, thực hiện đăng ký chứng nhận lại theo quy định tại phần Đ, Mục II của Thông tư này;

c) Khi phát hiện hàng hoá của mình có biểu hiện không phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá tương ứng, doanh nghiệp phải chủ động báo cáo về Bộ Công nghiệp đồng thời tiến hành các biện pháp khắc phục đối với hàng hoá đang sản xuất hoặc nhập khẩu, hàng hoá đang lưu thông trên thị trường cũng như hàng hoá đang trong quá trình sử dụng.

3. Trách nhiệm đơn vị in nhãn tiết kiệm năng lượng được chỉ định

Sáu tháng một lần, các cơ sở in nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công nghiệp chỉ định tập hợp số liệu báo cáo về Bộ Công nghiệp: tên các đơn vị đặt in, số lượng và chủng loại nhãn tiết kiệm năng lượng đã tổ chức in, cung cấp cho khách hàng.

4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công nghiệp để kịp thời xử lý./.

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Trung Hải

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC SẢN PHẨM TIÊU THỤ NĂNG LƯỢNG ĐƯỢC DÁN NHÃN, CÁC TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ, TIÊU CHUẨN THỬ NGHIỆM VÀ ĐƠN VỊ THỬ NGHIỆM
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 08/2006/TT-BCN ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Bộ Công nghiệp)

TT

Trang thiết bị

Tiêu chuẩn đánh giá

Tiêu chuẩn/phương pháp thử nghiệm sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Đơn vị thử nghiệm

Các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu tối thiểu khác

1

Trang thiết bị chiếu sáng

- Bóng đèn huỳnh quang T8 (loại 60 cm và 120 cm)

- Balat đèn huỳnh quang

TCVN 7541-1:2005

TCVN 7541-2:2005

- Phòng thí nghiệm Trung tâm Kỹ thuật 1- Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng

- Phòng thí nghiệm Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang

- Phòng thí nghiệm Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.

- Phòng thí nghiệm Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động.

2

Động cơ điện 03 pha không đồng bộ (công suất từ 0,55 - 150 kW)

TCVN 7540-1:2005

TCVN 7540-2:2005

- Phòng thí nghiệm Trung tâm Đo lường - Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng

- Phòng thí nghiệm Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Chế tạo máy điện Việt Nam - Hungary.

- Phòng thí nghiệm điện Trung tâm đo lường chất lượng quân đội.

PHỤ LỤC 2

BẢN ĐĂNG KÝ CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 08 /2006/TT-BCN ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Bộ Công nghiệp)

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:........

......, ngày.... tháng.... năm 200....

TỜ KHAI

ĐĂNG KÝ CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

Tên doanh nghiệp:...................................................................................................

Tên cơ quan chủ quản:.............................................................................................

Trụ sở chính tại:.......................................................................................................

Điện thoại:............................................. Fax:..........................................................

E-mail:.....................................................................................................................

Đề nghị Bộ Công nghiệp đánh giá, chứng nhận để doanh nghiệp được dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng với hình thức...............đối với các sản phẩm tiêu thụ năng lượng được lựa chọn để dán cho sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh:

1) ......

2) ........

Hồ sơ đính kèm bao gồm:...........................................................................

Nơi nhận:
- Như trên,
- ........

GIÁM ĐỐC

(Ghi rõ họ tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 3

GIẤY CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2006/TT-BCN ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Bộ Công nghiệp)

BỘ CÔNG NGHIỆP

CHỨNG NHẬN

Sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Sản phẩm:............................

Nhà sản xuất:.......................

Đạt tiêu chuẩn sản phẩm tiết kiệm năng lượng/đạt mức so sánh tiết kiệm năng lượng số:......

Quyết định số: /QĐ-BCN

Ngày tháng năm

BỘ TRƯỞNG

(Ghi chú: Nền giấy chứng nhận có thể có trang trí văn hoa)

PHỤ LỤC 3

GIẤY CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2006/TT-BCN ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Bộ Công nghiệp)

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /CNTKNL-BCN

......, ngày.... tháng.... năm 200....

GIẤY CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ .......................................................................................

Căn cứ .......................................................................................

Xét đề nghị cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng của .... tại công văn số ngày, tháng , năm ........................

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Chứng nhận sản phẩm .... do nhà sản xuất .....

Trụ sở ..... tại, điện thoại .....

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số .... do .... cấp ngày .....

Đạt tiêu chuẩn sản phẩm tiết kiệm năng lượng

Điều 2: Sản phẩm .... . đạt yêu cầu dán nhãn Xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng/ nhãn so sánh sản phẩm tiết kiệm năng lượng mức .....

Trong quá trình tham gia Chương trình dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng ........ phải thực hiện đúng các yêu cầu của Thông tư .... đảm bảo chất lượng và các chỉ tiêu đăng ký về tiết kiệm năng lượng.

Điều 3: Giấy chứng nhận này có giá trị đến ngày .... tháng năm ..../.

Nơi nhận:
- Như trên,
- .........
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG

(Ký tên, đóng dấu)