Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2012/TT-BCT

Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2012

THÔNG TƯ

BAN HÀNH DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007 và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi tắt là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

3. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

Việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương quy định tại Thông tư này được thực hiện theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do Bộ Công Thương ban hành. Trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, việc quản lý được thực hiện theo quy định hiện hành khác cho đến khi có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 5 năm 2012.

2. Danh mục các máy, thiết bị, hóa chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tư số 19/2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Danh mục theo yêu cầu quản lý.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tước Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website: Chính phủ, BCT;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương;
- Cục Hải quan các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, PC, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

PHỤ LỤC

DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2012/TT-BCT ngày 09 tháng 04 năm 2012)

STT

Tên sản phẩm, hàng hóa

I

Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp

1

Nguyên liệu Amoni Nitrat (NH4NO3);

2

Thuốc nổ các loại;

3

Phụ kiện nổ các loại.

II

Máy, thiết bị đặc thù công nghiệp có khả năng gây mất an toàn

1

Nồi hơi nhà máy điện;

2

Nồi hơi các loại có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 bar dùng trong công nghiệp;

3

Nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất trên 115oC dùng trong công nghiệp;

4

Bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức cao hơn 0,7 bar (không kể áp suất thủy tĩnh) dùng trong công nghiệp;

5

Bình, bể, bồn chứa LPG;

6

Đường ống dẫn hơi và nước nóng cấp I, II có đường kính ngoài từ 51 mm trở lên; các đường ống dẫn cấp III, IV có đường kính ngoài từ 76 mm trở lên sử dụng trong công nghiệp;

7

Đường ống dẫn khí khí đốt cố định bằng kim loại dùng trong công nghiệp;

8

Chai chứa LPG;

9

Hệ thống điều chế, nạp khí, khí hóa lỏng, khí hòa tan dùng trong công nghiệp;

10

Trạm nạp LPG cho chai, xe bồn;

11

Trạm nạp LPG vào ô tô;

12

Trạm cấp LPG;

13

Tuyến ống áp lực (đi nổi) của nhà máy thủy điện;

14

Cơ cấu thủy lực nâng cánh phai thủy điện;

15

Giá khung di động và dàn chống tự hành cấu tạo từ các cột chống thủy lực đơn sử dụng trong việc chống giữ lò trong khai thác hầm lò;

16

Tời, trục tải có tải trọng từ 10.000 N trở lên và góc nâng từ 25o đến 90o dùng trong công nghiệp;

17

Cần trục, Cổng trục, Cầu trục dùng trong công nghiệp;

18

Xe nâng hàng tải trọng từ 10.000 N trở lên dùng trong công nghiệp;

19

Xe nâng người với chiều cao nâng lớn hơn 2 m dùng trong công nghiệp;

20

Máy biến áp phòng nổ;

21

Động cơ điện phòng nổ;

22

Thiết bị phân phối, đóng cắt phòng nổ;

23

Thiết bị điều khiển phòng nổ;

24

Máy phát điện phòng nổ;

25

Rơ le dòng điện dò;

26

Thiết bị thông tin phòng nổ;

27

Cáp điện phòng nổ;

28

Đèn chiếu sáng phòng nổ;

29

Máy nổ mìn điện;

30

Máy kiểm tra điện trở kíp điện;

31

Máy kiểm tra mạng nổ mìn điện.

III

Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác

1

Bếp gas và phụ kiện, dây dẫn gas.

Ghi chú: Các mục từ II.20 - II.31 là các Thiết bị sử dụng trong môi trường có khí cháy, nổ.