Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2012/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2012

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA CAMPUCHIA VỀ VẬN TẢI THỦY

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy ký ngày 17 tháng 12 năm 2009 có hiệu lực đầy đủ kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy ký ngày 17 tháng 12 năm 2009,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy (sau đây gọi là “Hiệp định”).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải thủy giữa Việt Nam và Campuchia.

2. Thông tư này không áp dụng với:

a) Tàu của các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao của Chính phủ và tàu cứu nạn của Việt Nam và Campuchia;

b) Phương tiện gia dụng của những cư dân sống trong khu vực biên giới.

Điều 3. Phạm vi hoạt động của phương tiện

1. Phương tiện thủy của Việt Nam được cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới chỉ được phép hoạt động vận tải thủy qua lại theo tuyến đường thủy và các cảng biển của phía Campuchia theo quy định tại khoản 1, khoản 4.1 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phương tiện thủy của Campuchia khi vào Việt Nam không được phép vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Việt Nam và chỉ được phép hoạt động qua lại theo tuyến đường thủy và các cảng bến của Việt Nam theo quy định tại khoản 2, khoản 4.2 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Quy định đối với phương tiện

1. Phương tiện hoạt động vận tải thủy qua lại biên giới phải xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu các giấy tờ có giá trị sử dụng như sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký;

b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền hoặc các cơ quan phân cấp tàu của quốc gia mà phương tiện đăng ký cấp;

c) Giấy phép vận tải thủy qua biên giới do Cơ quan có thẩm quyền cấp;

d) Bản kê hàng hóa và/hoặc danh sách hành khách kèm theo thông tin chi tiết của hộ chiếu;

đ) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba của chủ tàu cũng như các loại bảo hiểm khác theo quy định hiện hành;

e) Danh sách thuyền viên với đầy đủ chức danh, giấy chứng nhận chuyên môn, hộ chiếu, chứng nhận tiêm chủng quốc tế của thuyền viên;

g) Tờ khai Hải quan đối với hàng hóa;

h) Giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật (theo quy định chuyên ngành).

2. Phương tiện thủy của Campuchia khi vào Việt Nam chỉ được phép lưu lại lãnh thổ Việt Nam theo thời hạn ghi trong Giấy phép. Trường hợp có lý do chính đáng (như thiên tai, tai nạn, hỏng hóc … không sửa chữa kịp) sẽ được Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa nơi phương tiện gặp sự cố xem xét gia hạn.

Điều 5. Quy định đối với thuyền viên, nhân viên phục vụ và hành khách

1. Thuyền viên qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ còn hiệu lực sau:

a) Hộ chiếu hoặc hộ chiếu thuyền viên hoặc các loại giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu theo luật và quy định có hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

2. Đối với hành khách và nhân viên phục vụ phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Hộ chiếu thuyền viên do Cục Hàng hải Việt Nam cấp theo các quy định hiện hành về hộ chiếu thuyền viên.

Chương 2.

CẤP GIẤY PHÉP VẬN TẢI THỦY QUA BIÊN GIỚI CHO PHƯƠNG TIỆN

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép

1. Giấy phép vận tải thủy qua biên giới

a) Nhóm 1: Giấy phép cho phương tiện đi lại nhiều lần, với thời hạn tối đa là mười hai (12) tháng.

b) Nhóm 2: Giấy phép cho phương tiện đi một chuyến, với thời hạn tối đa là sáu mươi (60) ngày.

c) Nhóm Đặc biệt: Giấy phép cho các phương tiện chở hàng nguy hiểm, với thời hạn tối đa là sáu mươi (60) ngày.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới cho phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện;

c) Bản sao chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của bên thứ ba và các loại bảo hiểm khác theo quy định hiện hành (bản chính).

Điều 7. Cơ quan cấp phép

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới cho phương tiện hoạt động vận tải Nhóm 1 và Nhóm đặc biệt quy định tại khoản 1, Điều 6 của Thông tư này.

2. Bộ Giao thông vận tải ủy quyền Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới Nhóm 2 cho các phương tiện thuộc quyền quản lý của địa phương quy định tại khoản 1, Điều 6 của Thông tư này.

Điều 8. Trình tự cấp Giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới hoặc gửi qua đường bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới cho phương tiện theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản trong thời hạn một (01) ngày làm việc. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 9. Thu hồi và cấp lại Giấy phép vận tải thủy qua biên giới cho phương tiện vận tải

1. Cơ quan cấp phép được thu hồi hoặc hủy bỏ Giấy phép đã cấp nếu phương tiện không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép.

2. Hết thời hạn của Giấy phép hoặc Giấy phép hư hỏng hoặc mất Giấy phép, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này.

3. Mẫu Giấy phép vận tải thủy qua biên giới theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Thủ tục gia hạn thời gian lưu lại lãnh thổ Việt Nam cho phương tiện vận tải thủy của Campuchia

1. Phương tiện của Campuchia quá thời gian lưu hành tại Việt Nam nếu có lý do chính đáng (như thiên tai, tai nạn, hỏng … không sửa chữa kịp) được gia hạn 01 (một) lần với thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hết hạn.

2. Hồ sơ bao gồm: Giấy phép vận tải thủy qua biên giới; Giấy đăng ký phương tiện; Đơn đề nghị gia hạn theo mẫu tại Phụ lục IV của Thông tư này.

3. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ:

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp cho Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa nơi phương tiện gặp sự cố;

b) Sau khi nhận được Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép vận tải thủy Campuchia – Việt Nam của chủ phương tiện hoặc thuyền trưởng với đầy đủ thông tin về phương tiện, thuyền viên, hàng hóa hoặc hành khách, ngày nhập cảnh vào Việt Nam, diễn biến sự cố, thời gian đề nghị lưu lại Việt Nam, trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đúng quy định, Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa nơi phương tiện đề nghị lưu lại, tiến hành kiểm tra tình hình thực tế và ra văn bản cho phép phương tiện lưu lại Việt Nam, với thời gian tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày; trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do ngay trong ngày nhận hồ sơ.

4. Thẩm quyền gia hạn: Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi phương tiện gặp sự cố.

Chương 3.

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012; bãi bỏ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 20/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách đường thủy nội địa.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này năm (05) phụ lục, bao gồm:

a) Phụ lục I: Danh mục các tuyến đường thủy quy định các tuyến quá cảnh và cảng, bến cảng, cụm cảng;

b) Phụ lục II: Danh sách hành khách tuyến cố định;

c) Phụ lục III: Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới;

d) Phụ lục IV: Đơn đề nghị gia hạn giấy phép vận tải thủy Việt Nam – Campuchia;

đ) Phụ lục V: Giấy phép vận tải thủy qua biên giới.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, hướng dẫn và kiểm tra về hoạt động vận tải thủy qua lại biên giới Việt Nam – Campuchia.

2. Các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện Thông tư này tới các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn do đơn vị quản lý.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
- Như khoản 3, Điều 12;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm soát TTHC (VPCP);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ TP);
- Các Sở GTVT;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Công báo;
- Lưu: VT, HTQT (15b).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng