Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2016/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ĐÁNH GIÁ KHÍ HẬU QUỐC GIA

Căn cứ Luật khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia theo quy định tại khoản 8 Điều 33 của Luật khí tượng thủy văn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Thích ứng biến đổi khí hậu là sự điều chỉnh các hệ thống tự nhiên và con người để phù hợp với môi trường mới hoặc môi trường bị thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do biến đổi khí hậu và tận dụng các tác động tích cực do biến đổi khí hậu mang lại.

2. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính.

Điều 4. Thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá

Thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia bao gồm:

1. Kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố gần nhất tại thời điểm đánh giá.

2. Niên giám thống kê.

3. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

4. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu quốc gia.

5. Thông tin, dữ liệu liên quan của các Bộ, ngành và địa phương.

Điều 5. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu

1. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu bao gồm việc phân tích, đánh giá các tác động tiêu cực, tích cực, ngắn hạn, dài hạn của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống, hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực được quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật khí tượng thủy văn nhằm xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, mục tiêu lâu dài của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc danh mục thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Nội dung đánh giá thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này.

2. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai gồm đánh giá phạm vi, cường độ, tần suất và tính bất thường của các thiên tai khí tượng thủy văn.

3. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên gồm đánh giá tác động đến tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và hải đảo, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh học.

4. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, hệ sinh thái, gồm:

a) Biến động hải văn, thủy động lực biển: sóng, dòng chảy, thủy triều, nước dâng, xâm nhập mặn; xói lở, bồi tụ bờ biển;

b) Biến động thủy văn nước mặt, thủy văn nước ngầm, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở;

c) Biến động khí tượng khí hậu: hạn hán, nắng nóng, rét hại, mưa lớn;

d) Biến động đất đai do xói lở, bồi tụ; suy thoái đất đai do sa mạc hóa, xâm nhập mặn;

đ) Hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái vùng triều, hệ sinh thái dưới nước và các hệ sinh thái khác;

e) Các nội dung khác có liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

5. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực, bao gồm các nội dung sau:

a) Đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực, ngắn hạn, dài hạn của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội liên quan đến phạm vi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

b) Đánh giá tác động tích cực, tiêu cực, ngắn hạn, dài hạn của biến đổi khí hậu đến các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực.

6. Trình tự đánh giá tác động của biến đổi khí hậu:

a) Xác định đối tượng và phạm vi cần đánh giá;

b) Phân tích, lựa chọn công cụ đánh giá, phương pháp đánh giá, mô hình đánh giá và chỉ số đánh giá;

c) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái theo nội dung quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 5 Thông tư này;

d) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực theo nội dung quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này;

đ) Tổng hợp báo cáo đánh giá.

Điều 6. Đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu

1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc danh mục thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, trong quá trình xây dựng phải đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Đánh giá các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu:

a) Thực trạng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, gồm việc phân tích đánh giá các ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục;

b) Hiệu quả của các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tới các hoạt động kinh tế - xã hội trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

3. Đánh giá các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu:

a) Thực trạng các giải pháp giảm nhẹ giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, gồm việc phân tích đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục;

b) Hiệu quả của các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu tới các hoạt động kinh tế - xã hội của ngành, địa phương trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và khả năng nhân rộng.

4. Trình tự đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu:

a) Phân tích, lựa chọn các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu cần đánh giá liên quan đến phạm vi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

b) Phân tích, lựa chọn công cụ đánh giá, chỉ số đánh giá, phương pháp đánh giá;

c) Đánh giá thực trạng các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu liên quan đến phạm vi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

d) Đánh giá hiệu quả của các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu tới các hoạt động kinh tế - xã hội của ngành, địa phương;

đ) Tổng hợp báo cáo đánh giá.

Điều 7. Đánh giá khí hậu quốc gia

1. Nội dung đánh giá khí hậu quốc gia thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn và chi tiết như sau:

a) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn, gồm: đặc điểm của khí hậu Việt Nam đến thời điểm đánh giá; diễn biến của nhiệt độ, lượng mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng khí hậu cực đoan như lũ, lũ quét, nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại, mưa đá, sương muối;

b) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn, gồm: đánh giá mức độ dao động của các yếu tố khí hậu, cực trị khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan; đánh giá mức độ biến đổi của các yếu tố khí hậu và các cực trị khí hậu; những điểm khác biệt so với trung bình khí hậu toàn cầu và báo cáo đánh giá kỳ trước;

c) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;

d) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

đ) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn, gồm: mức độ phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu so với diễn biến thực tế của khí hậu trong kỳ đánh giá; mức độ sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu đối với hoạt động thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu trong kỳ đánh giá.

2. Kỳ đánh giá khí hậu quốc gia được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương thuộc trường hợp phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược có trách nhiệm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.

2. Kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu được thể hiện đầy đủ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật khí tượng thủy văn. Việc thẩm định được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật khí tượng thủy văn.

3. Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện đánh giá khí hậu quốc gia theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Lưu: VT, PC, KTTVBĐKH (200).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Chu Phạm Ngọc Hiển