Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2024/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2024

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LỒNG GHÉP NỘI DUNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC, TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC

Căn cứ Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh;

Căn cứ Nghị định số 139/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi là trường tiểu học và trường trung học cơ sở), bao gồm: nội dung, phương pháp, hình thức, yêu cầu cần đạt và các điều kiện bảo đảm thực hiện việc lồng ghép.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với trường tiểu học và trường trung học cơ sở; tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Bảo đảm phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Bảo đảm mục tiêu xây dựng, phát triển tư duy, bồi dưỡng kĩ năng sống, nhân cách con người Việt Nam, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào, tự tôn dân tộc đối với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, có ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần đoàn kết; nội dung lồng ghép có trọng tâm, trọng điểm thông qua các phương pháp, hình thức phù hợp.

3. Lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học và trường trung học cơ sở phải phù hợp với đặc điểm tâm lí, sinh lí lứa tuổi; được tiến hành thông qua nội dung các môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm thống nhất giữa các cấp học và không làm thay đổi quy định về khung chương trình giáo dục phổ thông đối với mỗi cấp học.

Chương II

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC, YÊU CẦU LỒNG GHÉP GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Điều 3. Nội dung lồng ghép

1. Nội dung

Giáo dục, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh.

2. Nội dung cụ thể

a) Cấp tiểu học

- Thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Tiếng Việt; Tự nhiên và Xã hội; Đạo đức; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.

- Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 1 đến lớp 5: giáo dục tình yêu quê hương, yêu hòa bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; giới thiệu chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; giáo dục tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, có ý thức tổ chức kỉ luật trong học tập.

- Chủ đề lồng ghép theo từng lớp

+ Lớp 1: giáo dục cho học sinh về tình yêu quê hương, yêu hòa bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giới thiệu một số hình ảnh về Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; một số di tích lịch sử của địa phương.

+ Lớp 2: giáo dục cho học sinh về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sự hi sinh của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; giới thiệu một số hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, Công an Nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; giáo dục cho học sinh biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ và bảo vệ nhau trong học tập.

+ Lớp 3: giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; giới thiệu những tấm gương dũng cảm của thiếu niên, nhi đồng, bà Mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; những hoạt động, hình ảnh của học sinh tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương và nhà trường.

+ Lớp 4: giới thiệu bản đồ hành chính Việt Nam, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một số bài hát về biển, đảo Việt Nam; giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

+ Lớp 5: giới thiệu chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; một số hình ảnh khai thác thủy sản, hải sản và tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; những tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam trong cứu hộ, cứu nạn.

b) Cấp trung học cơ sở

- Thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Ngữ văn; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

- Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 6 đến lớp 9: giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kì lịch sử; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; quyền lợi, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giới thiệu một số sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; giới thiệu một số nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội đối với học sinh; chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước.

- Chủ đề lồng ghép theo từng lớp

+ Lớp 6: giới thiệu lịch sử và truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; địa danh lịch sử gắn với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc; cách đánh mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

+ Lớp 7: giới thiệu hoạt động, hình ảnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

+ Lớp 8: giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; giới thiệu một số mốc quốc giới; tác hại của tệ nạn xã hội tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; trách nhiệm của học sinh tham gia phòng, chống bạo lực học đường.

+ Lớp 9: Hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược đối với dân tộc Việt Nam; một số hình ảnh về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; giới thiệu một số bài hát ca ngợi truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Nhân dân Việt Nam; trách nhiệm của học sinh tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Thời lượng lồng ghép

Thời lượng lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, kế hoạch giáo dục của các trường tiểu học và trường trung học cơ sở; bảo đảm đủ nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cần truyền đạt, không làm tăng thời lượng học của các môn học và hoạt động giáo dục.

Điều 4. Phương pháp, hình thức lồng ghép

1. Trên cơ sở mục tiêu và nội dung bài học, kinh nghiệm, điều kiện thực tế, giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh truyền cảm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; phát huy tính sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lí, sinh lí lứa tuổi và nhận thức của học sinh; kết hợp hình ảnh minh họa, các hiện vật phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lồng ghép và thực hành.

2. Lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua dạy học các bài học, chủ đề dạy học, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài lớp học; tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, đơn vị lực lượng vũ trang; tổ chức cắm trại, đọc sách, nghe, thi kể chuyện truyền thống, các hội thi tìm hiểu về quốc phòng và an ninh.

Điều 5. Yêu cầu cần đạt đối với học sinh

1. Yêu cầu chung

a) Yêu cầu cần đạt về phẩm chất

Hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ; ý thức, trách nhiệm của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

b) Yêu cầu cần đạt về năng lực

Hình thành, phát triển cho học sinh các năng lực tự chủ, tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề sáng tạo thông qua các năng lực chuyên biệt: nhận thức về quốc phòng và an ninh ở mức độ đơn giản; vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống.

2. Yêu cầu cụ thể

a) Học sinh tiểu học

Hình thành nhận thức về tình yêu quê hương, đất nước; biết ơn người có công với cách mạng, với đất nước; yêu thương, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình; kính trọng thầy giáo, cô giáo, yêu quý và biết giúp đỡ bạn. Rèn luyện tính kỉ luật, tinh thần đoàn kết, tu dưỡng đạo đức, tác phong nghiêm túc trong học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày. Có ý thức sinh hoạt nền nếp, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể; tự giác thực hiện nghiêm nội quy của nhà trường và các quy định của pháp luật.

b) Học sinh trung học cơ sở

Hiểu biết về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc qua các thời kì lịch sử dựng nước và giữ nước; truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Công an Nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ; chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia; một số nội dung cơ bản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hình thành nhận thức về quốc phòng, an ninh ở mức độ đơn giản, trách nhiệm của học sinh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, có ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần đoàn kết và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN LỒNG GHÉP NỘI DUNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Điều 6. Cơ sở vật chất và kinh phí

1. Các trường tiểu học và trường trung học cơ sở khai thác triệt để cơ sở vật chất hiện có; có kế hoạch đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, mô hình, đồ dùng và các học liệu cần thiết được cơ quan có thẩm quyền ban hành; có đủ tài liệu liên quan đến nội dung, kiến thức, kĩ năng về giáo dục quốc phòng và an ninh để thực hiện lồng ghép.

2. Các địa phương, các trường tiểu học và trường trung học cơ sở bảo đảm cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết khác để thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh bằng nguồn chi thường xuyên của nhà trường và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; các khoản tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; nguồn tài chính hợp pháp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 7. Giáo viên và báo cáo viên

1. Giáo viên có kiến thức về giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với nội dung bài học, môn học.

2. Báo cáo viên có kiến thức, năng lực giảng dạy giáo dục quốc phòng và an ninh.

3. Khuyến khích các trường tiểu học và trường trung học cơ sở mời những nhân chứng lịch sử, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tấm gương tiêu biểu giới thiệu về lịch sử truyền thống trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan biên soạn các tài liệu cung cấp nội dung, kiến thức, kĩ năng về giáo dục quốc phòng và an ninh.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh.

4. Định kì tổng hợp, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Thông tư này và thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học và trường trung học cơ sở, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh vào chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục được quy định tại Thông tư này.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học và trường trung học cơ sở

1. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo

a) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm nguồn kinh phí và chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học và trường trung học cơ sở bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, trường tiểu học và trường trung học cơ sở thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh theo quy định tại Thông tư này.

c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về nội dung, phương pháp, hình thức lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh.

d) Theo dõi, đánh giá việc triển khai lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường tiểu học và trường trung học cơ sở.

e) Bảo đảm các trường tiểu học và trường trung học cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định và chuẩn mực liên quan đến nội dung, phương pháp lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong các môn học, hoạt động giáo dục.

g) Sơ kết, tổng kết và báo cáo việc thực hiện Thông tư này; khen thưởng, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và xử lí, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lí kỉ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo

a) Chỉ đạo các trường tiểu học và trường trung học cơ sở xây dựng kế hoạch, thực hiện giảng dạy lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, nhà trường; chỉ đạo các trường tiểu học và trường trung học cơ sở hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kĩ năng về giáo dục quốc phòng và an ninh do địa phương tổ chức.

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường tiểu học và trường trung học cơ sở.

c) Sơ kết, tổng kết và báo cáo việc thực hiện Thông tư này; khen thưởng, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh; kỉ luật, đề xuất cấp có thẩm quyền kỉ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của trường tiểu học và trường trung học cơ sở

a) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giảng dạy lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh theo chỉ đạo, hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nhà trường.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kiến thức, kĩ năng về quốc phòng, an ninh cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

c) Khai thác triệt để cơ sở vật chất hiện có, xây dựng kế hoạch đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, mô hình, đồ dùng cần thiết được cơ quan có thẩm quyền ban hành, học liệu và tài liệu liên quan đến nội dung, kiến thức, kĩ năng về giáo dục quốc phòng và an ninh.

d) Bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình dạy, học và các hoạt động lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh.

e) Sơ kết, tổng kết, báo cáo việc thực hiện Thông tư này; khen thưởng, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh; xử lí, đề xuất xử lí kỉ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Chế độ báo cáo

1. Nội dung báo cáo

a) Theo nội dung quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 của Thông tư này.

b) Công tác bảo đảm, quản lí cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu phục vụ dạy và học lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Hình thức báo cáo

a) Các trường tiểu học và trường trung học cơ sở, các phòng giáo dục và đào tạo báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong báo cáo kết quả thực hiện công tác giáo dục hằng năm theo định kì và kết thúc năm học.

b) Các sở giáo dục và đào tạo báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh trong trường tiểu học và trường trung học cơ sở về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo định kì và kết thúc năm học.

Điều 12. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024 và thay thế Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường trung học cơ sở.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Hội đồng Quốc gia GD và Phát triển nhân lực;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan
trực thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Như Điều 12;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDQPAN (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Phúc