Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-BYT/TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 1991

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 08-BYT/TT NGÀY 2 THÁNG 4 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC Y TẾ TẠI CÁC KHU VỰC BIÊN GIỚI VIỆT LÀO

Thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia, giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào đã ký kết ngày 1/3/1990 và Nghị định của HĐBT ban hành Quy chế khu vực biên giới Việt Lào (427-HĐBT ngày 12 tháng 12 năm 1990), Bộ Y tế hướng dẫn nội dung việc thực hiện công tác y tế tại các khu vực biên giới Việt Lào như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các khu vực biên giới Việt - Lào thuộc các xã đã được quy định tại Nghị định của HĐBT ban hành Quy chế khu vực biên giới Việt - Lào số 427-HĐBT ngày 12/12/1990.

2. Việc thực hiện công tác y tế tại các khu vực biên giới Việt Lào phải theo đúng quy định tại các Điều 15, 16 và (c) của Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia giữa 2 nước

3. Các cán bộ y tế qua lại để thực hiện công tác y tế theo yêu cầu bên kia phải thực hiện đúng các quy định của Quy chế khu vực biên giới Việt Lào.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC Y TẾ TẠI CÁC KHU VỰC BIÊN GIỚI VIỆT LÀO

1. Công tác phòng chống dịch bệnh

a. Khi có dịch bệnh xảy ra ở trong khu vực biên giới phía Việt Nam, chính quyền địa phương phải có biện pháp phòng chống dịch kịp thời, đồng thời báo ngay cho chính quyền địa phương phía bên kia biết. Nếu được yêu cầu, phía bên kia sẽ tích và kịp thời giúp đỡ với mọi khả năng của mình và ngược lại.

b. Trong thời gian có dịch bệnh ở người thuộc các bệnh kiểm dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (tả, dịch hạch, sốt vàng) cơ quan Y tế phải báo với chính quyền địa phương để tạm ngừng việc qua lại ở khu vực biên giới có dịch bệnh nói trên. Việc tạm ngừng qua lại biên giới trong phạm vi các bản biên giới hoặc đơn vị hành chính tương đương do chính quyền nơi đó quyết định và và báo cáo ngay lên cấp trên của mình.

c. Tại các cửa khẩu có cơ quan kiểm dịch y tế thì việc tiến hành kiểm dịch với người đi bộ, các loại xe ô tô, xe máy, thuyền bè ... qua lại biên giới theo đường bộ và đường sông hồ sẽ do cơ quan kiểm dịch y tế ở từng nơi căn cứ vào Điều lệ Kiểm dịch y tế Viêt Nam và tình hình địa phương mà đề ra những quy định cụ thể, nhưng không trái với Điều lệ kiểm dịch y tế Việt Nam.

2. Công tác khám, chữa bệnh:

a. Nếu công dân của phía bên kia ở khu vực biên giới bị tai nạn, cấp cứu và bệnh tật mà gia đình hoặc thân nhân người bệnh trực tiếp sang liên hệ nhờ khám, chữa bệnh thì các cơ sở y tế phải hết sức tận tình với khả năng và phương tiện của mình.

b. Sau khi khám, cứu chữa cơ sở y tế phải báo cáo với chính quyền địa phương để chính quyền địa phương báo cho chính quyền bên kia biết liên hệ làm các thủ tục cần thiết với chính quyền bên mình.

c. Nếu cán bộ y tế phía Việt Nam được bên kia yêu cầu sang giúp đỡ về công tác y tế thì phải báo cáo với chính quyền địa phương và làm đủ các thủ tục cần thiết theo quy định của Quy chế khu vực biên giới Việt Lào đã ban hành tại Nghị định số 427 - HĐBT ngày 12/12/1990.

III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG VỀ Y TẾ

1. Các cơ sở y tế tại các khu vực biên giới Việt Lào hàng tháng phải báo cáo theo các quy định chung trước đây lên cơ quan y tế Huyện. Trường hợp có dịch bệnh cần phải báo cáo ngay trong vòng 24 giờ đối với các bệnh kiểm dịch tối nguy hiểm (tả, dịch hạch, sốt vàng) lên cơ quan y tế tuyến trên.

2. Trong trường hợp có dịch bệnh, nếu thuốc men, phương tiện hoặc khả năng phòng chống không đáp ứng đủ, các cơ sở y tế phải báo cáo kịp thời lên cơ quan y tế tuyến trên để tăng cường.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2 tháng 4 năm 1991. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc các địa phương cần báo cáo về Bộ Y tế để giải quyết và bổ sung sửa đổi kịp thời.

Phạm Song

(Đã ký)