Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2012/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2012

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC GIẢI THI ĐẤU THỂ THAO QUẦN CHÚNG

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng.

Các giải thi đấu thể thao thành tích cao quy định tại Điều 37 của Luật Thể dục, thể thao; Đại hội Thể dục thể thao các cấp; giải thể thao trong nhà trường và lực lượng vũ trang không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng; tổ chức, cá nhân có liên quan đến giải thi đấu thể thao quần chúng tổ chức tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thi đấu thể thao quần chúng

Giải thi đấu thể thao quần chúng bao gồm:

1. Giải thể thao theo đối tượng: gia đình, phụ nữ, công chức, viên chức, nông dân, công nhân, người khuyết tật;

2. Giải thể thao cho các lứa tuổi không nằm trong hệ thống giải trẻ quốc gia;

3. Hội thi thể thao;

4. Giải thể thao trong Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch;

5. Giải thể thao quần chúng quốc tế.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng

1. Giải thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức nhằm thu hút và động viên mọi người tham gia tập luyện, thi đấu thể thao lành mạnh vì sức khỏe và cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân.

2. Tổ chức giải thi đấu thể thao phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đề cao tinh thần thể thao cao thượng, trung thực.

3. Nghi thức tổ chức giải phải được tiến hành trang trọng, phù hợp với quy mô giải, đảm bảo tiết kiệm.

4. Không tổ chức hoặc tham gia cá cược trái pháp luật.

5. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu chuyên môn của giải.

6. Đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong thời gian tổ chức giải.

7. Đảm bảo công bằng, chính xác trong chỉ đạo, điều hành thi đấu.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Thành lập ban tổ chức, xây dựng điều lệ giải thi đấu thể thao quần chúng

1. Thành lập ban tổ chức giải

a) Cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là tổ chức) đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quyết định thành lập ban tổ chức giải gồm thành viên là đại diện của các tổ chức và cá nhân am hiểu về thể thao.

b) Số lượng trưởng ban, phó trưởng ban, các ủy viên ban tổ chức tùy thuộc vào quy mô, tính chất của giải.

2. Xây dựng nội dung điều lệ giải

a) Căn cứ xây dựng điều lệ giải:

- Ý nghĩa, mục đích của việc tổ chức giải;

- Luật thi đấu từng môn thể thao do Tổng cục Thể dục thể thao ban hành;

- Trình độ chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức giải.

b) Nội dung chính của điều lệ giải:

- Tên giải;

- Mục đích, yêu cầu;

- Thời gian, địa điểm tổ chức giải;

- Đối tượng và điều kiện tham dự giải;

- Nội dung, thể thức và cách tính thành tích thi đấu;

- Áp dụng luật thi đấu;

- Khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại;

- Quy định về hồ sơ và thủ tục đăng ký thi đấu;

- Kinh phí;

- Các quy định khác (nếu có);

- Điều khoản thi hành.

Điều 6. Khai mạc và bế mạc giải

1. Đối với giải thi đấu thể thao quần chúng quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư này:

a) Khai mạc và bế mạc giải được tổ chức trang trọng tại địa điểm tổ chức giải. Bên ngoài các địa điểm thi đấu và nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc có thể treo khẩu hiệu có nội dung phù hợp với giải, có tên và logo của giải và đơn vị tổ chức (nếu có).

b) Trang trí khai mạc giải:

- Quốc kỳ treo trên phông chính, cột cờ hoặc do người cầm. Đối với các giải quốc tế treo cờ các nước có vận động viên tham dự theo hướng dẫn của Sở Ngoại vụ địa phương nơi tổ chức giải;

- Tên giải được trình bày trên phông chính;

- Vị trí ngồi của đại biểu, khách mời căn cứ vào số lượng tham dự, ban tổ chức quyết định việc bố trí vị trí ngồi của đại biểu, khách mời;

- Bục diễn giả có thể bố trí trên sân khấu, không đặt bục diễn giả che lấp tiêu đề trên phông hậu và ảnh, chân dung lãnh tụ (nếu có);

- Khẩu hiệu được treo ở vị trí phù hợp với không gian địa điểm khai mạc. Nội dung khẩu hiệu do ban tổ chức quyết định.

c) Trình tự tổ chức khai mạc giải:

- Diễu hành hoặc tập kết tại chỗ tuỳ theo quy mô và tính chất của giải;

- Phần nghi lễ do ban tổ chức điều hành gồm có: chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; diễn văn khai mạc; tuyên thệ của vận động viên; tuyên thệ của trọng tài; trao cờ lưu niệm và hoa cho các đoàn (nếu có);

- Phần hoạt động chào mừng tuỳ thuộc vào điều kiện của đơn vị tổ chức giải để thực hiện các hoạt động: đồng diễn thể dục, văn nghệ, biểu diễn về thể thao, võ thuật.

d) Bế mạc giải bao gồm công tác tổng kết, khen thưởng cho các đoàn, các vận động viên đảm bảo sự tôn vinh, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tính chất và quy mô giải.

2. Đối với giải thi đấu thể thao quần chúng quy định tại Điều 8 Thông tư này:

Căn cứ vào điều kiện cụ thể để tổ chức khai mạc, bế mạc đảm bảo trang trọng, tiết kiệm trên cơ sở vận dụng các quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 7. Tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quy mô toàn quốc và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Giải thể thao quần chúng quy mô toàn quốc và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm:

a) Giải thể thao quần chúng toàn quốc là giải thi đấu thể thao quần chúng do Bộ, ngành ở Trung ương, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia (sau đây gọi chung là tổ chức ở Trung ương) tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương trong cả nước;

b) Giải thi đấu thể thao quần chúng vùng là giải thể thao do các tổ chức ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng;

c) Giải thi đấu thể thao liên tỉnh là giải thể thao do tổ chức của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên kết, phối hợp tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa bàn thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên kết;

d) Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp tỉnh là giải thể thao do tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp tỉnh mở rộng là giải thi đấu thể thao quần chúng cấp tỉnh có mời một số địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn ngoài tỉnh tham gia;

e) Giải thi đấu thể thao quần chúng cụm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do tổ chức ở các địa phương liên kết tổ chức cho các vận động viên đến từ địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn.

2. Tổ chức đứng ra tổ chức giải quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Tổng cục Thể dục thể thao và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi tổ chức giải; tổ chức đứng ra tổ chức giải quy định tại các điểm d, đ và e Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi tổ chức giải. Thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc giải.

3. Nội dung báo cáo nêu rõ mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải, điều kiện an ninh, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu,

4. Sau 15 (mười lăm) ngày kết thúc giải tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản kết quả của giải.

Điều 8. Tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) và giải thi đấu thể thao quần chúng cơ sở

1. Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện bao gồm:

a) Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp huyện được tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn huyện;

b) Giải thi đấu thể thao quần chúng cụm các xã, phường, thị trấn do tổ chức ở các địa phương liên kết tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn;

2. Tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày khai mạc.

Nội dung báo cáo tổ chức giải nêu rõ: mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải.

Sau 10 ngày kết thúc giải, tổ chức đứng ra tổ chức giải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải.

3. Giải thi đấu thể thao quần chúng cơ sở do các tổ chức đứng ra tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương thuộc xã, phường, thị trấn và các đơn vị đóng trên địa bàn.

4. Tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quy định tại khoản 3 Điều này phải báo cáo bằng văn bản về Phòng Văn hoá và Thông tin nơi tổ chức giải ít nhất 15 (mười lăm) ngày trước ngày khai mạc.

Nội dung báo cáo tổ chức giải nêu rõ: mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải.

Sau 10 (mười) ngày kết thúc giải, đơn vị tổ chức giải báo cáo kết quả tổ chức giải về Phòng Văn hóa và Thông tin nơi tổ chức giải.

5. Giải thi đấu thể thao quần chúng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức không phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao, nhưng khi tổ chức giải phải đảm bảo những nguyên tắc quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 9. Tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế tại Việt Nam

1. Giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế là giải thi đấu thể thao được tổ chức tại Việt Nam có sự tham dự của các vận động viên là người nước ngoài do cơ quan, tổ chức Việt Nam mời.

2. Báo cáo tổ chức giải:

a) Tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế tại Việt Nam gửi báo cáo bằng văn bản về Tổng cục Thể dục thể thao ít nhất 20 (hai mươi) ngày trước ngày khai mạc giải.

b) Nội dung báo cáo nêu rõ mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải, điều kiện an ninh, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu; kèm theo ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức giải và ý kiến của cơ quan khác (nếu có),

c) Sau 15 (mười lăm) ngày kết thúc giải báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Tổng cục Thể dục thể thao.

3. Tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế giữa các địa phương có chung đường biên giới có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức giải trước ngày khai mạc ít nhất 20 (hai mươi) ngày làm việc.

Sau 10 (mười) ngày kết thúc giải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức giải.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư này.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Các Vụ, đơn vị trực thuộc TCTDTT;
- Các Sở VHTTDL;
- Lưu: VT, TCTDTT, TD (400).

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Tuấn Anh