BỘ LAO ĐỘNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 1977 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT CÔNG ĐOÀN TRONG CÁC XÍ NGHIỆP TƯ BẢN TƯ DOANH.
Nghị quyết số 76-CP ngày 25-3-1977 của Hội đồng Chính phủ đã ban hành danh mục các văn bản luật lệ hiện hành được thi hành trong cả nước, trong đó có Luật công đoàn.
Nay nhất trí với Tổng công đoàn Việt Nam, Bộ Lao động hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 188-TTg ngày 9-4-1958 quy định chi tiết thi hành Luật ấy trong các xí nghiệp tư bản tư doanh (1). Thông tư này thay thế thông tư số 26-LĐ/TT ngày 1-10-1958 của Bộ Lao động .
(1) In lại trong số Công báo này, xem trang 59.
Trong các điều 5, 9, 18 của Luật công đoàn và điều 12, 16 trong nghị định số 188-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn trong xí nghiệp tư bản tư doanh được xác định như sau:
1. Tổ chức, giáo dục người làm công ý thức giai cấp, tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần làm chủ tập thể, tôn trọng nội quy xí nghiệp, thi đua đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, không ngừng nâng cao năng suất lao động, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người làm công và lợi ích hợp pháp của chủ xí nghiệp.
2. Thay mặt những người làm công ký kết hợp đồng lao động tập thể với chủ xí nghiệp; can thiệp và tham gia giải quyết các vụ tranh chấp giữa người làm công và chủ xí nghiệp.
3. Giám sát việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế, việc thi hành các chính sách, luật pháp của Nhà nước về sản xuất kinh doanh, về lao động.
4. Trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan Nhà nước giải quyết, hoặc tòa án xét xử những việc có liên quan đến quyền lợi và danh dự của người làm công những vi phạm về luật công đoàn và các luật lệ, chế độ về sản xuất, kinh doanh và lao động của Nhà nước.
II. THỰC HIỆN QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG ĐOÀN VÀ CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG
1. Nội dung giám sát của công đoàn và của người làm công.
a) Giám sát sản xuất, kinh doanh theo đăng ký với Nhà nước, tận dụng năng lực sản xuất của xí nghiệp để phát triển sản xuất, quản lý tốt máy móc, thiết bị, vật tư, sử dụng quỹ khấu hao cơ bản và quỹ tích lũy đúng quy định, nộp đủ thuế và đúng thời hạn, sản xuất đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, v.v… chống mọi hành động phân tán tài sản, gây đình trệ sản xuất, đầu cơ tích trữ, khai man năng lực sản xuất, trốn thuế, lậu thuế, làm hàng giả, hàng xấu, đổi nguyên vật liệu xấu lấy nguyên vật liệu tốt, kê khai giá thành không đúng, tăng giá hàng trái phép, giao hàng không đủ và không đúng thời hạn v.v…
Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp giám sát việc thực hiện các hợp đồng kinh tế giữa cơ quan Nhà nước (hoặc tổ chức tập thể) và chủ xí nghiệp từ việc chuẩn bị ký kết, bổ sung sửa đổi đến cả quá trình thực hiện. Các bản dự thảo hợp đồng kinh tế phải gửi đến Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp ít nhất 7 ngày trước khi ký kết. Cơ quan Nhà nước và chủ xí nghiệp phải coi trọng ý kiến của Ban chấp hành công đoàn và thường xuyên thông báo cho Ban chấp hành công đoàn về kết quả thực hiện hợp đồng.
b) Giám sát việc thi hành các chính sách, luật pháp của Nhà nước về lao động, chế độ tuyển dụng và cho thôi việc, chế độ đối với người học nghề, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chế độ tiền lương và các hình thức trả lương, các chế độ tiền thưởng, chế độ trợ cấp, phụ cấp và trích lợi nhuận của xí nghiệp lập quỹ phúc lợi tập thể, chế độ bảo hộ lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, các hợp đồng lao động cá nhân, v.v…
Khi chủ xí nghiệp tuyển dụng người làm công, hoặc cho người làm công thôi việc, phải được sự đồng ý của Ban chấp hành công đoàn.
Đối với những trường hợp có nguy cơ xảy ra tai nạn làm thiệt hại sản xuất hoặc tính mạng người làm công, Ban chấp hành công đoàn có quyền yêu cầu chủ xí nghiệp ra lệnh tạm thời đình chỉ ngay bộ phận đang làm và thi hành các biện pháp an toàn cần thiết, đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan lao động địa phương. Nhận được báo cáo của công đoàn, cơ quan lao động phải tức khắc tới kiểm tra và chỉ thị cho chủ xí nghiệp có biện pháp giải quyết thiết thực và tùy trường hợp, có thể ra lệnh đình chỉhoạt động ngay bộ phận có thể gây tai nạn nghiêm trọng đó nếu thấy vẫn còn hoạt động.
2. Các hình thức giám sát của công đoàn và của người lao động.
a) Hội nghị những người làm công.
Công đoàn tổ chức và lãnh đạo hội nghị những người làm công. Những xí nghiệp có dưới 150 người, thì họp toàn thể những người làm công; những xí nghiệp có trên 150 người thì họp hội nghị đại biểu. Các ủy viên Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp là đại biểu đương nhiên. Khi cần thiết, Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp có thể mời đại biểu công đoàn cấp trên, hoặc cơ quan Nhà nước tham dự.
Mục đích hội nghị là nhằm phát huy quyền làm chủ tập thể của những người làm công, góp ý kiến với chủ xí nghiệp về những việc làm đã qua và các biện pháp thực hiện trong thời gian sắp tới. Tùy tình hình mà hội nghị bàn một hoặc nhiều vấn đề sau đây:
- Việc thực hiện các kế hoạch, hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động tập thể đã ký kết.
- Việc thi hành các chính sách, luật pháp của Nhà nước về sản xuất kinh doanh, về lao động…
- Việc sử dụng quỹ phúc lợi tập thể của xí nghiệp.
- Các vấn đề do công đoàn cấp trên, hoặc cơ quan Nhà nước yêu cầu phải lấy ý kiến những người làm công.
Để tiến hành tốt hội nghị những người làm công hoặc đại biểu người làm công, chủ xí nghiệp có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo những vấn đề mà Ban chấp hành công đoàn yêu cầu. Ban chấp hành công đoàn báo cáo về việc dùng quỹ phúc lợi tập thể của xí nghiệp. Báo cáo của chủ xí nghiệp gửi trước cho Ban chấp hành công đoàn để nghiên cứu, góp thêm ý kiến.
Chủ xí nghiệp có trách nhiệm trả lời những ý kiến của hội nghị. Hội nghị phải có kết luận và ghi vào biên bản. Đại diện Ban chấp hành công đoàn và chủ xí nghiệp cùng ký vào biên bản. Hội nghị cần chú ý các vấn đề sau đây:
- Đối với những ý kiến thiết thực nhằm khắc phục khó khăn trong sản xuất, hoặc những sáng kiến hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật… thì chủ xí nghiệp tiếp thu để thực hiện.
- Đối với những vấn đề thực hiện kế hoạch, hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động tập thể, việc thi hành các chính sách, luật lệ, chế độ của Nhà nước mà hội nghị những người làm công đã thảo luận, góp ý kiến nhưng chủ xí nghiệp và những người làm công còn có ý kiến khác nhau, thì sau hội nghị, Ban chấp hành công đoàn và chủ xí nghiệp tiếp tục bàn bạc. Khi cần Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp báo cáo lên công đoàn cấp trên, cơ quan lao động địa phương và các cơ quan Nhà nước khác để giải quyết.
- Đối với quỹ phúc lợi tập thể của xí nghiệp, hội nghị những người làm công thảo luận và quyết định kế hoạch sử dụng. Chủ xí nghiệp với sự giúp đỡ của Ban chấp hành công đoàn tổ chức thực hiện.
- Hội nghị những làm công họp 6 tháng một lần vào đầu năm và giữa năm. Hội nghị họp vào ngày nghỉ hàng tuần. Có thể lấy một nửa thì giờ trong giờ làm việc nhưng phải đảm bảo sản xuất bình thường. Bất kỳ trường hợp nào cũng không được ngừng sản xuất để hội họp. Tất cả các cuộc họp phải được chuẩn bị kỹ, ngắn gọn không làm mất thì giờ sản xuất và điều hành của công nhân và chủ xí nghiệp.
b) Ký kết hợp đồng lao động tập thể.
Căn cứ vào chính sách, chế độ lao động của Nhà nước, Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp phổ biến cho những người làm công hiểu rõ nội dung hợp đồng; đồng thời vận động những người làm công thực hiện tốt phần trách nhiệm của mình và giám sát việc thực hiện các điều cam kết của chủ xí nghiệp.
c) Hội nghị giữa Ban chấp hành công đoàn và chủ xí nghiệp.
Hàng tháng, hàng quý, Ban chấp hành công đoàn và chủ xí nghiệp xem xét tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, tình hình thực hiện hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, tình hình thi hành bản quy định quan hệ chủ thợ, việc thi hành các chính sách, luật pháp của Nhà nước nếu thấy có điều gì thiếu sót thì sửa chữa hoặc bổ sung kịp thời.
Mỗi kỳ họp phải ghi biên bản. Đại diện Ban chấp hành công đoàn và chủ xí nghiệp cùng ký vào biên bản.
Sau mỗi lần họp, Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp thông báo cho những người làm công biết nội dung và kết quả.
Ngoài ra, khi cần thiết, Ban chấp hành công đoàn có thể yêu cầu chủ xí nghiệp, hoặc từng người trực tiếp phụ trách từng phần việc của xí nghiệp (như kế toán, thủ kho, nhân viên kỹ thuật, y tế, v.v…) báo cáo tình hình các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo hộ lao động, v.v..
d) Quyền kiểm tra của công nhân.
Khi cần thiết, Ban chấp hành công đoàn tổ chức những người làm công thành từng tổ để kiểm tra tình hình xí nghiệp. Thành phần mỗi tổ kiểm tra gồm một ủy viên Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp và từ hai đến ba người làm công am hiểu vấn đề.
Các tổ này kiểm tra những vấn đề do Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp định như: tình hình sản xuất, bảo bộ lao động, tổ chức ăn, ở, khám, chữa bệnh, v.v…trong xí nghiệp. Kiểm tra việc gì, phải làm biên bản và báo cáo kết quả với công nhân.
Qua kiểm tra, Ban chấp hành công đoàn góp ý kiến với chủ xí nghiệp về các vấn đề cần khắc phục, đồng thời thông báo cho những người làm công biết. Những việc thật cần thiết mới kiểm tra trong giờ làm việc và không được quá một ngàydo chủ trả lương nếu là vấn đề thuộc lợi ích sản xuất.
đ) Công đoàn cấp trên kiểm tra.
Khi đại diện công đoàn cấp trên đến kiểm tra việc thi hành Luật công đoàn, chủ xí nghiệp có nhiệm vụ giúp đỡ họ làm tròn trách nhiệm.
III. CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN, PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN VÀ VIỆC TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
1. Cán bộ công đoàn và thời giờ hoạt động công đoàn
a) Chủ xí nghiệp để một số người mà công đoàn cấp trên đã duyệt chuyên trách công tác công đoàn theo đúng tỷ lệ quy định trong Luật công đoàn. Ngoài tiền lương, phụ cấp và các khoản công tác phí do quỹ công đoàn đài thọ, cán bộ chuyên trách công tác công đoàn còn được chủ xí nghiệp thi hành đầy đủ các quyền lợi khác như mọi người làm công trong xí nghiệp.
Khi thôi chuyên trách công tác công đoàn, cán bộ đó trở lại làm công tác chuyên môn. Nếu bố trí trái nghề cũ phải được Ban chấp hành công đoàn và người đó thỏa thuận.
- Xí nghiệp có từ trên 150 đến 400 người làm công, có thể có 1 cán bộ chuyên trách;
- Xí nghiệp có từ trên 400 đến 800 người làm công, có thể có 2 cán bộ chuyên trách;
- Xí nghiệp có từ trên 800 đến 1200 người làm công, có thể có 3 cán bộ chuyên trách;
- Xí nghiệp có từ trên 1200 đến 2000 người làm công, có thể có 4 cán bộ chuyên trách.
Số lượng người làm công trên đây không kể những người làm hợp đồng ngắn hạn dưới một tháng.
b) Những công đoàn cơ sở và công đoàn bộ phận (phân xưởng) có từ 80 đến 150 người làm công hoặc những công đoàn có trên 150 người làm công nhưng xét thấy không cần phải có cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn, mỗi tháng được nhiều nhất 104 giờ trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn; những công đoàn cơ sở có dưới 80 người làm công, mỗi tháng được nhiều nhất 56 giờ trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn. Cán bộ làm công tác công đoàn trong giờ làm việc theo số giờ quy định nói trên, được tính trả lương theo mức lương cấp bậc, các khoản phụ cấp và những quyền lợi khác như khi sản xuất, công tác, do chủ xí nghiệp đài thọ. Ở những công đoàn cơ sở do nhiều xí nghiệp ghép lại, thỉ chủ mỗi xí nghiệp chịu trách nhiệm trả một phần tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương cho cán bộ làm công tác công đoàn trong giờ sản xuất, bằng cách phân phối theo tổng số những người làm công của từng xí nghiệp và do chủ xí nghiệp có cán bộ công đoàn làm việc chịu trách nhiệm ứng trả cả lương và khoản phụ cấp theo lương, sau đó, sẽ thu phần phải đóng của các chủ xí nghiệp khác, theo tỷ lệ phân bổ.
c) Khi chủ xí nghiệp thuyên chuyển, hoặc cho thôi việc đối với người làm công là ủy viên Ban chấp hành công đoàn bộ phận hoặc ủy viên Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp, phải được Ban chấp hành công đoàn cấp đó thỏa thuận; đối với thứ ký công đoàn bộ phận, thư ký công đoàn xí nghiệp thì phải được Ban chấp hành công đoàn cấp trên kế đó thỏa thuận.
d) Khi có cán bộ và người làm công được cử đi học, đi họp, v.v… do công đoàn cấp trên triệu tập thì chủ xí nghiệp phải bố trí cho đi. Tiền lương trong thời gian đi học, đi họp v.v… sẽ do công đoàn cấp triệu tập trả.
2. Phương tiện hoạt động của công đoàn cơ sở.
a) Phương tiện hoạt động được cung cấp.
Tùy theo tình hình và khả năng thực tế, chủ xí nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho công đoàn cơ sở nơi làm việc, hội họp, phương tiện liên hệ công tác, các tiện nghi làm việc, v.v… Đối với những công đoàn cơ sở, do nhiều xí nghiệp ghép lại, thì chủ mỗi xí nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp một phần phương tiện hoạt động nói trên.
b) Việc quản lý và sửa chữa những phương tiện.
Những phương tiện hoạt động của công đoàn do chủ xí nghiệp cấp, vẫn đăng ký vào tài sản của xí nghiệp. Ban chấp hành công đoàn quản lý và sử dụng khi không dùng đến sẽ trả lại cho xí nghiệp không để mất mát. Các chi phí tu sửa phương tiện hoạt động của công đoàn do chủ xí nghiệp đài thọ trừ những chi phí nhỏ mà Ban chấp hành công đoàn có thể tự đảm nhận được.
3. Kinh phí công đoàn.
a) Những khoản trích nộp kinh phí công đoàn.
Các xí nghiệp tư bản tư doanh hàng tháng nộp cho quỹ công đoàn thuộc tài khoản của Liên hiệp công đoàn địa phương, ký gửi tại ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở các tỉnh, thành phố một số tiền gọi là kinh phí công đoàn, bằng hai phần trăm (2%) tổng số lương cấp phát trong tháng cho toàn thể những người làm công, không phân biệt ở trong hay ngoài tổ chức công đoàn, làm việc dài hạn hay ngắn hạn trong xí nghiệp, trừ những người làm tạm thời dưới một tháng hoặc làm hợp đồng từng việc đem về nhà riêng gia công.
Khi tính tổng số tiền lương để trích nộp kinh phí công đoàn, không phân biệt chế độ và hình thức trả lương, gồm các khoản mục đã quy định trong bản thành phần tổng quỹ tiền lương của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Thống kê.
Các khoản chi phí cho những người làm công về phúc lợi tập thể và thiết bị an toàn, không tính vào tổng số tiền lương. Tiền lương của những người trong gia đình của chủ xí nghiệp và những cổ đông, nếu có tham gia lao động và thực sự lĩnh lương thì cũng tính vào tổng số tiền lương để làm căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn. Tiền sinh hoạt phí của những người học việc, không tính để trích nộp kinh phí công đoàn, nhưng những người học việc đã đủ thời gian và thành nghề theo quy định của Nhà nước phải được chuyển thành người làm công ăn lương. Tiền lương của họ được tính vào tổng số tiền lương để trích nộp kinh phí công đoàn.
Sau khi đã trích nộp kinh phí công đoàn, những khoản tiền trước đây chủ xí nghiệp đã chi cho công đoàn và những người làm công, như tiền sách báo, thể dục thể thao, v.v… chủ xí nghiệp không phải chi nữa.
b) Thể thức trích nộp kinh phí công đoàn.
Mỗi tháng, chủ xí nghiệp phải làm bản kê trích nộp kinh phí công đoàn của tháng đó nộp vào tài khoản của liên hiệp công đoàn địa phương tại ngân hàng, trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 10 tháng sau. Khi chủ xí nghiệp làm xong bản kê, phải thông qua Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp, Đại diện Ban chấp hành công đoàn và chủ xí nghiệp cùng ký tên, đóng dấu vào bản kê trước khi nộp, đồng thời lưu chiểu cả hai nơi.
IV. THỂ THỨC GIẢI QUYẾT CÁC VI PHẠM VỀ LUẬT CÔNG ĐOÀN
Khi phát hiện ra những vi phạm về Luật công đoàn, hoặc vi phạm các chính sách, luật lệ khác của Nhà nước trong khi thi hành Luật công đoàn, thì tùy từng trường hợp, mà giải quyết theo thể thức dưới đây.
Đối với những vi phạm về nguyên tắc, nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn như quyền giám sát, tổ chức cán bộ, phương tiện hoạt động công đoàn, trích nộp kinh phí công đoàn, v.v… hoặc không thi hành đúng hợp đồng lao động tập thể, hợp đồng lao động cá nhân và các chính sách, luật pháp của Nhà nước về lao động, thì báo cáo cho cơ quan lao động và công đoàn địa phương để giải quyết.
Đối với những vi phạm về chính sách, luật pháp của Nhà nước về sản xuất kinh doanh, các hợp đồng kinh tế, nộp thuế, v.v… thì báo cáo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cố ý vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần những vấn đề nói trên thì từng vấn đề cơ quan lao động hoặc các cơ quan ký hợp đồng với chủ tư nhân lập biên bản đề nghị Ủy ban nhân dân, hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý về mặt hành chính hoặc đưa ra tòa án xét xử.
Các Ty, Sở lao động phối hợp với các cấp công đoàn phổ biến Luật công đoàn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện thông tư này.
Các Bộ, Tổng cục và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bàn bạc với công đoàn cùng cấp để chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện thông tư này.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1 Nghị định 43/2013/NĐ-CP hướng dẫn Điều 10 của Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
- 2 Nghị quyết số 76-CP về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3 Thông tư 33-LĐ/TT năm 1958 hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Luật Công đoàn và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật Công đoàn trong các xí nghiệp, cơ quan trường học nhà nước và cơ quan đoàn thể Nhân dân do Bộ Lao động ban hành
- 4 Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
- 5 Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành
- 6 Luật Công đoàn 1957
- 1 Nghị quyết số 76-CP về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành
- 3 Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
- 4 Nghị định 43/2013/NĐ-CP hướng dẫn Điều 10 của Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
- 5 Thông tư 33-LĐ/TT năm 1958 hướng dẫn thi hành một số điều khoản của Luật Công đoàn và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật Công đoàn trong các xí nghiệp, cơ quan trường học nhà nước và cơ quan đoàn thể Nhân dân do Bộ Lao động ban hành